Giải pháp về đô thị hóa

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đô thị hóa và sử dụng đất đô thị ở tỉnh thái nguyên giai đoạn 2010 2018 (Trang 106 - 109)

8. Đóng góp của luận văn

3.3.1. Giải pháp về đô thị hóa

3.3.1.1. Giải pháp về quy hoạch cấu trúc không gian đô thị

Trong thời gian qua tỉnh Thái Nguyên đã điều chỉnh một số Quy hoạch cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Thái Nguyên và cả nước. Đó là: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Điều chỉnh quy hoạch các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030; Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển cụm công nghiệp tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch tổng thể phát triển hạ tầng giao thông tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Thái Nguyên đến năm 2035;

Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên đến năm 2035 và Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020. Những Quy hoạch này là những giải pháp mang tính chiến lược mà tỉnh Thái Nguyên đề ra, là điều kiện thuận lợi giúp tỉnh Thái Nguyên thực hiện đô thị hóa. Tuy nhiên, có một số quy hoạch vẫn chưa kịp thời, chưa chi tiết và chưa có tính tổng thể. Vì vậy, cần có những giải pháp để các quy hoạch trở thành những kim chỉ nam thực hiện quá trình đô thị hóa cũng như sử dụng đất đô thị hiệu quả. Cụ thể:

- Để phù hợp với bối cảnh mới về kinh tế - xã hội, cần điều chỉnh lại Quy hoạch sử dụng đất chi tiết hơn, cụ thể hơn vì hiện nay Quy hoạch sử dụng đất chưa chi tiết diện tích, cơ cấu đất cho từng đô thị trong tỉnh.

- Cần có những quy hoạch tổng thể, chi tiết không chỉ cho khu vực đô thị mà còn mở rộng sang các các vùng xung quanh các đô thị để tạo nên sự phát triển đồng bộ giữa khu vực nội thị, ngoại thị và vùng nông thôn.

- Điều chỉnh lại một số chỉ tiêu đô thị hóa trong quy hoạch, không nên đặt ở mức cao quá và nên gần với thực tế để tránh khó khăn cho việc hoàn thành các chỉ tiêu đã đặt ra.

- Cần có chính sách nhằm phát huy lợi ích và giảm rủi ro cho người nông dân ở các vùng đô thị hóa như phát triển các ngành công nghiệp, khu công nghiệp, xây dựng các khu đô thị mới không thể tách rời các chính sách phát triển nông nghiệp và biện pháp bảo đảm đời sống nhân dân; xây dựng điểm dân cư đô thị, khu dân cư cần đi đôi với đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

- Cải cách hành chính để tạo nên sự đồng bộ trong hệ thống văn bản quản lý đô thị. Học tập kinh nghiệm quản lí đô thị những nước phát triển trong khu vực và trên thế giới để rút ra phương pháp quản lí đô thị một cách toàn diện và hiện đại.

3.3.1.2. Giải pháp về cơ sở hạ tầng đô thị

- Đầu tư, mở rộng và nâng cấp mạng lưới giao thông vận tải, trong đó chú trọng phát triển mạng lưới giao thông công cộng như xe bus nội tỉnh, liên tỉnh để rút ngắn thời gian và khoảng cách địa lí giữa các đô thị trong tỉnh, giữa Thái Nguyên với Thủ đô Hà Nội. Ngoài ra, các tuyến đường sắt qua các đô thị, hệ thống công trình giao thông công cộng (cầu bắc qua sông, nhà ga đường sắt, nhà chờ xe bus...) được đầu tư xây dựng góp phần phát triển mạng lưới đô thị và nâng cao vai trò của các đô thị trong tỉnh Thái Nguyên.

- Đánh giá đúng vai trò, vị trí của các cảng sông, để từ đó cải tạo các cảng hiện có, đáp ứng nhu cầu chuyên chở hàng hóa, phát triển dịch vụ Logistics và khai thác

du lịch sinh thái trên hồ Núi Cốc, tạo động lực phát triển cho các đô thị ở khu vực phía nam tỉnh Thái Nguyên.

- Đầu tư xây dựng thêm hệ thống đèn chiếu sáng, khu vực chứa rác và nhà máy xử lí rác thải, xây dựng và lắp đặt hệ thống nước sạch, cải tạo hệ thống thoát nước để chống ngập lụt trong mùa mưa, khơi thông các hồ điều hòa và tăng diện tích công viên, cây xanh trong các khu đô thị cũ và các khu đô thi mới. Khu vực đô thị mới cần được quy hoạch và xây dựng đồng bộ ngay từ đầu đúng như quy hoạch.

3.3.1.3. Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn lao động để thực hiện đô thị hóa

- Đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn lao động để thực hiện đô thị hóa và công nghiệp hóa. Cần nâng cao chất lượng các trường đào tạo trên địa bàn tỉnh, các trường đào tạo nghề mới thuộc lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ với hệ đào tạo khác nhau để đào tạo nguồn lao động tại chỗ. Bởi cấp thiết nhất hiện nay là việc làm cho người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp. Giải pháp này sẽ vừa đào tạo được lực lượng lao động bổ sung hàng năm, vừa đào tạo nghề mới cho lực lượng lao động được chuyển sang từ ngành nông nghiệp ở những khu vực bị thu hồi đất nông nghiệp.

- Tạo điều kiện thuận lợi để thu hút lực lượng lao động đã qua đào tạo, lao động có chất lượng tốt và lao động lành nghề từ những địa phương khác.

- Cần có những giải pháp giúp người dân địa phương chuyển đổi từ nông thôn thành đô thị sớm có những định hướng nghề nghiệp mới và sớm thích nghi với môi trường làm việc mới. Xây dựng các chương trình đào tạo nghề cho đối tượng đầu vào là học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và lao động nông nghiệp muốn chuyển sang lao động trong lĩnh vực phi nông nghiệp.

- Tạo việc làm mới để giảm tỉ lệ thiếu việc làm ở khu vực nông thôn, giảm tỉ lệ thất nghiệp ở 3 đô thị lớn. Nhằm giảm thiểu các tệ nạn xã hội và những bất ổn chính trị ở những khu vực bị thu hồi đất nông nghiệp phục vụ đô thị hóa.

3.3.1.4. Giải pháp về nguồn vốn đầu tư trong phát triển đô thị

- Tỉnh Thái Nguyên là một trong những địa phương thu hút được khá nhiều vốn đầu tư trong và ngoài nước. Chỉ số PCI của tỉnh 3 năm liên tiếp (2014, 2015, 2016) đều đứng trong 10 tỉnh có chỉ số PCI cao nhất cả nước. Tuy nhiên, trong những năm qua, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Thái Nguyên đã bị sụt giảm. Năm 2018 vị trí xếp hạng PCI của Thái Nguyên so với cả nước đã tụt xuống vị trí thứ 18/63 tỉnh. Trong đó, một số chỉ tiêu liên quan đến các thủ tục hành chính và tiếp cận đất đai bị giảm sút nghiêm trọng. Vì vậy, để cải thiện vị trí thứ hạng PCI và môi trường kinh doanh, nhằm tiếp tục thu hút được các nguồn vốn đầu tư FDI, ODA tỉnh

Thái Nguyên cần đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước với những chính sách thông thoáng, mở rộng và đẩy mạnh nhiều hình thức liên doanh hơn nữa.

- Nguồn vốn đầu tư cần được tỉnh Thái Nguyên phân bổ đồng đều giữa các lĩnh vực kinh tế. Cần tạo nên thế cân bằng về nguồn vốn đầu tư giữa khu vực đô thị và khu vực nông thôn để khoảng cách giữa 2 khu vực trên không quá xa. Bên cạnh đầu tư trọng điểm vào lĩnh vực công nghiệp cần đầu tư vào các ngành công nghiệp phụ trợ, lĩnh vực nông nghiệp (sản xuất nông nghiệp sạch và nông nghiệp đô thị), lĩnh vực dịch vụ.

- Với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tỉnh Thái Nguyên đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp sạch và các ngành dịch vụ, thương mại. Để góp phần giảm tỉ lệ thất nghiệp ở khu đô thị mới và giảm tỉ lệ thiếu việc làm ở nông thôn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đô thị hóa và sử dụng đất đô thị ở tỉnh thái nguyên giai đoạn 2010 2018 (Trang 106 - 109)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(136 trang)