Vận dụng chỉ tiêu phân tích đô thị hóa và sử dụng đất đô thị cấp tỉnh

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đô thị hóa và sử dụng đất đô thị ở tỉnh thái nguyên giai đoạn 2010 2018 (Trang 40)

8. Đóng góp của luận văn

1.3. Vận dụng chỉ tiêu phân tích đô thị hóa và sử dụng đất đô thị cấp tỉnh

Để phân tích về đô thị hóa và sử dụng đất đô thị của tỉnh Thái Nguyên tác giả đã vận dụng từ những cơ sở lí luận và thực tiễn về đô thị hóa để làm rõ. Cụ thể, khi phân tích về đô thị hóa, tác giả đi tìm hiểu về các nhân tố ảnh hưởng tới quá trình đô thị hóa ở tỉnh Thái Nguyên: Lịch sử phát triển của tỉnh, vị trí địa lí, điều kiện kinh tế - xã hội, điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên; sau đó tác giả đi vào phân tích đặc điểm đô thị hóa tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2010 - 2018 với những chỉ tiêu: chức năng đô thị, kinh tế - xã hội đô thị, cơ sở hạ tầng đô thị và cấu trúc không gian đô thị.

Khi phân tích về sử dụng đất đô thị ở tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2010 - 2018, tác giả khái quát chung về việc sử dụng đất toàn tỉnh về diện tích, cơ cấu, sử dụng đất theo không gian; sau đó, đi sâu phân tích về sử dụng đất đô thị của tỉnh về diện tích, cơ cấu và sử dụng đất đô thị theo không gian.

+ Trong nội dung biến đổi về dân số, lao động, luận văn đi sâu phân tích sự thay đổi về quy mô dân đô thị, tốc độ tăng dân số đô thị, tỉ lệ dân số đô thị, mức độ đô thị hóa (theo tỉ lệ dân đô thị) và số lượng, cơ cấu lao động phi nông nghiệp.

+ Trong nội dung biến đổi về kinh tế, luận văn phân tích những thay đổi về quy mô nền kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

+ Trong nội dung về biến đổi về hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị, luận văn phân tích hệ thống giao thông đô thị, hệ thống điện đô thị, hệ thống thông tin liên lạc và hệ thống cấp thoát nước đô thị.

+ Trong nội dung về cấu trúc không gian đô thị, luận văn phân tích về số lượng đô thị, sự phân bố các đô thị.

Từ đó, rút ra mối quan hệ giữa đô thị hóa và sử dụng đất đô thị ở tỉnh Thái Nguyên với những tác động 2 chiều và dẫn chứng cụ thể.

Tiểu kết chương 1

Đô thị hóa là một hiện tượng kinh tế - xã hội chứa đựng mối quan hệ giữa thành thị và nông thôn. Vì đô thị hóa mang tính xã hội và lịch sử lại diễn ra song song với công nghiệp hóa nên đô thị hóa chịu tác động của lịch sử phát triển đô thị, vị trí địa lí đô thị, điều kiện tự nhiên và điều kiện kinh tế xã hội. Đất đô thị là một tư liệu sản xuất, là một tài sản đặc biệt của các đô thị. Đất đô thị có một số đặc điểm nổi bật là giá trị của nó không chỉ thể hiện trong giá trị kinh tế đất mà còn thể hiện trong giá trị xã hội và tự nhiên của nó. Đô thị hóa là nhân tố tác động đến vấn đề sử dụng đất trong mỗi đô thị. Đô thị hóa và sử dụng đất có mối quan hệ 2 chiều chặt chẽ. Đô thị hóa làm tăng diện tích và chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất, thay đổi mục đích sử dụng đất trong mỗi đô thị. Ngược lại, sử dụng đất trong đô thị lại là kết quả của quá trình đô thị hóa. Ở những khu vực đang diễn ra đô thị hóa, do những thay đổi trong sử dụng đất nên đã có những chuyển biến trong cơ cấu nghề nghiệp, thu nhập của người dân và các vấn đề môi trường.

Đô thị hóa đang diễn ra với tốc độ nhanh ở các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam. Điều đó thể hiện qua số dân đô thị, số lượng đô thị và số lượng các đô thị lớn và cực lớn ngày càng tăng lên. Ở Việt Nam bên cạch quá trình tăng dân số đô thị là mở rộng không gian đô thị. Cơ sở lí luận và thực tiễn về đô thị hóa và sử dụng đất đô thị ở các nước phát triển và Việt Nam là cơ sở cho tác giả nghiên cứu về đô thị hóa và sử dụng đất đô thị ở tỉnh Thái Nguyên.

Chương 2

ĐÔ THỊ HÓA VÀ SỬ DỤNG ĐẤT ĐÔ THỊ Ở TỈNH THÁI NGUYÊN 2.1. Nhân tố ảnh hưởng tới quá trình đô thị hóa ở tỉnh Thái Nguyên

2.1.1. Lịch sử phát triển tỉnh Thái Nguyên

Thái Nguyên xưa thuộc bộ Vũ Định, một trong 15 bộ của nước Văn Lang. Vào thế kỉ thứ III, Thái Nguyên thuộc huyện Vũ Định, sau đổi tên thành huyện Long Bình. Đến thế kỉ thứ VII được gọi là huyện Vũ Bình, rồi thành châu Thái Nguyên dưới đời nhà Lý. Cuối thế kỉ 14, châu được đổi thành trấn, năm 1407 đổi lại thành châu, sang 1408 thì trở thành phủ, năm 1677 trở thành trấn. Mãi đến năm 1902, triều đình mới cử quan chức trấn nhiệm Thái Nguyên, đặt doanh sở ở Ngọc Hà. Kể từ khi nhà Lý định đô ở Thăng Long, Thái Nguyên đã trở thành phên giậu trực tiếp che chở phía bắc kinh thành. Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống năm 1076- 1077, phần đất phía nam Thái Nguyên từng là địa đầu của phòng tuyến sông Cầu, nơi diễn ra những trận đánh ác liệt giữa quan quân nhà Lý với Nhà Tống. Vào thời nhà Nguyễn, Thái Nguyên là nơi nổ ra nhiều phong trào khởi nghĩa nông dân chống lại quan lại phong kiến.

Từ năm 1956 đến 1975, Thái Nguyên là một tỉnh thuộc Khu tự trị Việt Bắc và thành phố Thái Nguyên là thủ phủ của khu tự trị này. Năm 2002, thành phố Thái Nguyên được công nhận đô thị loại II và tiếp tục được nâng cấp lên đô thị loại I vào năm 2010. Theo Nghị quyết số 32/NQ-UBTVQH13 ngày 15 tháng 5 năm 2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII, thị xã Sông Công được nâng cấp thành thành phố loại III và huyện Phổ Yên được nâng cấp thành thị xã Phổ Yên.

Như vậy trong suốt chiều dài lịch sử, tỉnh Thái Nguyên đã gắn bó mật thiết với thủ đô Hà Nội và các tỉnh xung quanh thông qua lịch sử hình thành lãnh thổ, mối quan hệ về địa lí, văn hóa và kinh tế - xã hội.

2.1.2. Vị trí địa lí

Thái Nguyên là một tỉnh thuộc vùng Trung du miền núi Bắc Bộ, với diện tích tự nhiên là 352.664 ha; dân số năm 2018 là 1.268.311 người, chiếm 1,07% diện tích và 1,34% dân số cả nước (năm 2018). Tọa độ địa lí của tỉnh là: từ 20020’ B đến 22025’B; từ 105025’Đ đến 106016’Đ. Phía bắc tiếp giáp với tỉnh Bắc Kạn; phía tây giáp với các tỉnh Vĩnh Phúc, Tuyên Quang; phía đông giáp với các tỉnh Lạng Sơn,

Thái Nguyên là trung tâm chính trị, kinh tế của khu vực Việt Bắc nói riêng, của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ nói chung, là cửa ngõ giao lưu kinh tế giữa vùng Trung du miền núi Bắc Bộ với vùng đồng bằng Bắc Bộ. Được thể hiện qua hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường sông hình dẻ quạt mà thành phố Thái Nguyên là đầu mối. Sự đầu tư, nâng cấp các tuyến đường quốc lộ 3, quốc lộ 1B và tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên trong thời gian qua trở thành yếu tố thúc đẩy giao lưu kinh tế giữa tỉnh Thái Nguyên với các tỉnh của vùng đồng bằng Bắc Bộ, với vùng thủ đô Hà Nội. Đây cũng là điều kiện quan trọng để Thái Nguyên thu hút vốn đầu tư trng và ngoài nước, thu hút lao động lành nghề, mở rộng thị trường, thúc đẩy công nghiệp và thực hiện đô thị hóa.

Theo Quy hoạch Vùng thủ đô (ra đời năm 2008, đã được điều chỉnh vào năm 2016), thành phố Sông Công và thị xã Phổ Yên sẽ nằm trong vùng đô thị phụ cận, thành phố Thái Nguyên sẽ nằm trong vùng đô thị vệ tinh của thủ đô Hà Nội. Dưới sức lan tỏa sâu rộng từ vùng thủ đô Hà Nội, 3 đô thị của Thái Nguyên sẽ không ngừng mở rộng địa giới hành chính và diện tích khu vực nội thị. Vì vậy, tương lai diện tích đô thị ở tỉnh Thái Nguyên có khả năng tiếp tục được mở rộng.

Thuận lợi về vị trí địa lí đã trở thành thế mạnh để Thái Nguyên giao lưu kinh tế, thu hút vốn đầu tư, tiếp cận khoa học kĩ thuật hiện đại, chuyển giao công nghệ từ thủ đô Hà Nội và các tỉnh trong cả nước trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, đô thị hóa.

Với vị trí là cửa ngõ giao lưu giữa các tỉnh trong vùng Trung du miền núi Bắc Bộ và vùng Đồng bằng sông Hồng; điều kiện địa hình bán sơn địa có diện tích khá lớn, khí hậu, đất đai thuận lợi cho phát triển nông, lâm nghiệp; tài nguyên khoáng sản phong phú, nhiều địa danh thăm quan, du lịch hấp dẫn; là cơ sở quan trọng để tỉnh Thái Nguyên phấn đấu trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội quan trọng của vùng và quốc gia.

2.1.3. Điều kiện kinh tế - xã hội

* Dân cư - lao động

Dân cư và lao động là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến đô thị hóa. Gia tăng cơ học đang trở thành nguyên nhân chính dẫn đến những thay đổi về quy mô dân số, cơ cấu dân số, quy mô lao động và cơ cấu lao động ở các đô thị.

- Quy mô dân số: quy mô dân số chung đã tác động trực tiếp đến quy mô dân số đô thị ở tỉnh Thái Nguyên. Giai đoạn 2010 - 2018, dân số của tỉnh tăng từ 1.131,3 nghìn người lên tới 1.268,3 nghìn người (tăng gấp 1,12 lần) (xem phụ lục 1 - bảng 1). Sự gia tăng dân số này chủ yếu là do gia tăng cơ học và gia tăng tự nhiên. Năm 2018, tổng số dân của tỉnh Thái Nguyên là 1.268,3 nghìn người, chiếm 1,35% dân số cả nước và 9,4% dân số của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ [2].

- Gia tăng dân số: Tỉnh Thái Nguyên có mức tăng dân số cao có sự biến động thất thường. Năm 2010, tỉ lệ gia tăng tự nhiên là 1,0%, tăng lên 1,07% năm 2015 (cao hơn mức trung bình cả nước 1,0% và thấp hơn mức trung bình của Trung du miền núi Bắc Bộ 1,3%), đến năm 2018, tỉ lệ gia tăng tự nhiên lại giảm xuống còn 0,76% [2].

Năm 2010 tỉnh Thái Nguyên có tỉ suất nhập cư cao nhất trong giai đoạn 2010 - 2018. Đây là mốc thời gian nâng cấp thành phố Thái Nguyên lên đô thị loại I, từ sau đó nền kinh tế phát triển ở mức ổn định, các ngành công nghiệp, dịch vụ có tốc độ tăng trưởng cao, tỉ suất nhập cư đã tăng lên. Năm 2018, tỉ suất di cư thuần của tỉnh Thái Nguyên là 0,11‰, trong khi đó tỉ suất xuất cư cùng thời điểm là 2,9‰ (xem phụ lục 2 - bảng 2). Như vậy, bên cạnh gia tăng tự nhiên thì gia tăng cơ học ngày càng đóng vai trò quan trọng trong gia tăng dân số chung và gia tăng dân số đô thị ở tỉnh Thái Nguyên trong giai đoạn 2010 - 2018.

- Phân bố dân cư: Tỉnh Thái Nguyên có mật độ dân số ở mức trung bình, cao hơn mức trung bình của cả nước và mức trung bình của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ. Năm 2018, mật độ dân số của tỉnh Thái Nguyên là 360 người/km2 (trong khi đó mật độ dân số trung bình cả nước và vùng Trung du miền núi Bắc Bộ lần lượt là 286 người/km2 và 129 người/km2). Do khác nhau về vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội nên dân số phân bố không đều giữa các địa phương trong tỉnh. Dân cư tập trung đông đúc ở các địa phương thuộc tiểu vùng phía nam và thưa thớt hơn ở các địa phương thuộc tiểu vùng phía Bắc. Cụ thể, năm 2018, mật độ dân số thành phố Thái Nguyên là 1.512 người/km2, thành phố Sông Công là 707 người/km2, thị xã Phổ Yên là 749 người/km2; trong khi đó huyện Võ Nhai là 80 người/km2, huyện Định

Hóa là 171 người/km2... [2]. Với đặc điểm phân bố như vậy dẫn đến dân số đô thị của tỉnh Thái Nguyên cũng tập trung phần lớn ở tiểu vùng phía nam.

- Lao động: Nguồn lao động của tỉnh Thái Nguyên chiếm trên 60% quy mô dân số toàn tỉnh. Năm 2018, tỉnh Thái Nguyên có 774,1 nghìn lao động, trong đó 70,2% lực lượng lao động ở khu vực nông thôn, 29,8% lực lượng lao động ở khu vực thành thị. Từ năm 2010 - 2018, số lượng và chất lượng nguồn lao động không ngừng tăng lên. Tỉ lệ lao động qua đào tạo đã tăng lên từ 18,7% lên 29,9% trong giai đoạn 2010 - 2018 [2].

Bảng 2.1. Cơ cấu lao động phân theo khu vực kinh tế tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2010 - 2018 (%)

Năm Tổng số Nông, lâm, thủy sản Công nghiệp - xây dựng Dịch vụ

2010 100,0 66,72 15,61 17,67 2011 100,0 65,43 16,23 18,34 2012 100,0 62,65 17,37 19,98 2013 100,0 56,76 21,88 21,36 2014 100,0 55,34 23,26 21,39 2015 100,0 50,49 27,48 22,03 2016 100,0 47,10 29,19 23,71 2017 100,0 43,81 30,94 25,25 2018 100,0 40,67 32,12 27,21 Nguồn: [2].

Cơ cấu lao động đang chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa hiện đại hóa. Tỉ trọng lao động khu vực I giảm từ 66,72% (năm 2010) xuống còn 40,67% (năm 2018). Tỉ trọng khu vực II tăng nhanh nhất từ 15,61% (2010) lên 32,12% (2018). Khu vực III cũng xu hướng tăng về tỉ trọng nhưng còn chậm. Những chuyển biến về số lượng lao động, trình độ lao động và cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa hiện đại hóa đã ảnh hưởng tích cực tới số lượng, chất lượng và cơ cấu lao động trong các đô thị. Từ đó, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy phát triển khu vực đô thị.

* Trình độ phát triển kinh tế: Sự phát triển kinh tế là yếu tố có tính chất quyết định đến sự phát triển và phân bố đô thị tỉnh Thái Nguyên. Quy mô nền kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế, mức độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế là những điều kiện ảnh hưởng đến quá trình đô thị hóa. Thái Nguyên lại có nền kinh tế phát triển từ rất sớm,

trong đó công nghiệp đóng vai trò chủ yếu, sau đó chững lại một thời gian. Những năm gần đây, do khai thác được những lợi thế cạnh tranh và một số chính sách ưu tiên phát triển công nghiệp dịch vụ nên tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) liên tục tăng. Từ 23.774 tỉ đồng (năm 2010) tăng lên 63.563 tỉ đồng (năm 2015) và đạt 98.518 tỉ đồng (năm 2018). Năm 2018, tỉnh Thái Nguyên đứng đầu về GRDP trong các tỉnh thuộc Trung du miền núi Bắc Bộ, đứng thứ 6 trong các tỉnh thuộc quy hoạch Vùng thủ đô Hà Nội (Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh). Năm 2018, tốc độ tăng trưởng GRDP là 10,44%, tuy thấp hơn những năm trước, nhưng vẫn tăng cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước (7,08%). Đây là tiền đề để tỉnh Thái Nguyên đầu tư vào các ngành kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, từ đó thúc đẩy quá trình đô thị hóa.

* Toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và thu hút đầu tư nước ngoài

Thái Nguyên đưa ra nhiều chính sách như: huy động tối đa các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và khoa học công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển; phối hợp chặt chẽ với Hà Nội, các địa phương trong Vùng trung du miền núi Bắc Bộ, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước trên một số ngành, lĩnh vực quan trọng... [47].

Giai đoạn 2010 - 2018, các chỉ số để đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Thái Nguyên liên tục được nâng lên, từ vị trí 42 (năm 2010) lên vị trí 18 (năm 2018), đáng chú ý năm 2014 đứng thứ 8 [49]. Riêng chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố (tăng 5 bậc so với năm 2017); là một trong 3 tỉnh dẫn đầu cả nước về chỉ số hài lòng của người dân năm 2017 (tỉnh Thái Nguyên, tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Ninh Bình) [49]. Thứ hạng về chỉ số PCI là nhân tố tích cực tác động đến thu hút nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước. (xem phụ lục 1 - bảng 3).

Từ năm 2000 đến năm 2018, tỉnh Thái Nguyên đón nhận 159 dự án FDI, với số vốn đăng kí là 7.646,9 triệu USD và số vốn thực hiện là 7.348,0 triệu USD. Phần lớn số vốn và số dự án được đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến và chế tạo.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đô thị hóa và sử dụng đất đô thị ở tỉnh thái nguyên giai đoạn 2010 2018 (Trang 40)