Điều kiện kinh tế-xã hội

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đô thị hóa và sử dụng đất đô thị ở tỉnh thái nguyên giai đoạn 2010 2018 (Trang 45 - 48)

8. Đóng góp của luận văn

2.1.3. Điều kiện kinh tế-xã hội

* Dân cư - lao động

Dân cư và lao động là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến đô thị hóa. Gia tăng cơ học đang trở thành nguyên nhân chính dẫn đến những thay đổi về quy mô dân số, cơ cấu dân số, quy mô lao động và cơ cấu lao động ở các đô thị.

- Quy mô dân số: quy mô dân số chung đã tác động trực tiếp đến quy mô dân số đô thị ở tỉnh Thái Nguyên. Giai đoạn 2010 - 2018, dân số của tỉnh tăng từ 1.131,3 nghìn người lên tới 1.268,3 nghìn người (tăng gấp 1,12 lần) (xem phụ lục 1 - bảng 1). Sự gia tăng dân số này chủ yếu là do gia tăng cơ học và gia tăng tự nhiên. Năm 2018, tổng số dân của tỉnh Thái Nguyên là 1.268,3 nghìn người, chiếm 1,35% dân số cả nước và 9,4% dân số của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ [2].

- Gia tăng dân số: Tỉnh Thái Nguyên có mức tăng dân số cao có sự biến động thất thường. Năm 2010, tỉ lệ gia tăng tự nhiên là 1,0%, tăng lên 1,07% năm 2015 (cao hơn mức trung bình cả nước 1,0% và thấp hơn mức trung bình của Trung du miền núi Bắc Bộ 1,3%), đến năm 2018, tỉ lệ gia tăng tự nhiên lại giảm xuống còn 0,76% [2].

Năm 2010 tỉnh Thái Nguyên có tỉ suất nhập cư cao nhất trong giai đoạn 2010 - 2018. Đây là mốc thời gian nâng cấp thành phố Thái Nguyên lên đô thị loại I, từ sau đó nền kinh tế phát triển ở mức ổn định, các ngành công nghiệp, dịch vụ có tốc độ tăng trưởng cao, tỉ suất nhập cư đã tăng lên. Năm 2018, tỉ suất di cư thuần của tỉnh Thái Nguyên là 0,11‰, trong khi đó tỉ suất xuất cư cùng thời điểm là 2,9‰ (xem phụ lục 2 - bảng 2). Như vậy, bên cạnh gia tăng tự nhiên thì gia tăng cơ học ngày càng đóng vai trò quan trọng trong gia tăng dân số chung và gia tăng dân số đô thị ở tỉnh Thái Nguyên trong giai đoạn 2010 - 2018.

- Phân bố dân cư: Tỉnh Thái Nguyên có mật độ dân số ở mức trung bình, cao hơn mức trung bình của cả nước và mức trung bình của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ. Năm 2018, mật độ dân số của tỉnh Thái Nguyên là 360 người/km2 (trong khi đó mật độ dân số trung bình cả nước và vùng Trung du miền núi Bắc Bộ lần lượt là 286 người/km2 và 129 người/km2). Do khác nhau về vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội nên dân số phân bố không đều giữa các địa phương trong tỉnh. Dân cư tập trung đông đúc ở các địa phương thuộc tiểu vùng phía nam và thưa thớt hơn ở các địa phương thuộc tiểu vùng phía Bắc. Cụ thể, năm 2018, mật độ dân số thành phố Thái Nguyên là 1.512 người/km2, thành phố Sông Công là 707 người/km2, thị xã Phổ Yên là 749 người/km2; trong khi đó huyện Võ Nhai là 80 người/km2, huyện Định

Hóa là 171 người/km2... [2]. Với đặc điểm phân bố như vậy dẫn đến dân số đô thị của tỉnh Thái Nguyên cũng tập trung phần lớn ở tiểu vùng phía nam.

- Lao động: Nguồn lao động của tỉnh Thái Nguyên chiếm trên 60% quy mô dân số toàn tỉnh. Năm 2018, tỉnh Thái Nguyên có 774,1 nghìn lao động, trong đó 70,2% lực lượng lao động ở khu vực nông thôn, 29,8% lực lượng lao động ở khu vực thành thị. Từ năm 2010 - 2018, số lượng và chất lượng nguồn lao động không ngừng tăng lên. Tỉ lệ lao động qua đào tạo đã tăng lên từ 18,7% lên 29,9% trong giai đoạn 2010 - 2018 [2].

Bảng 2.1. Cơ cấu lao động phân theo khu vực kinh tế tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2010 - 2018 (%)

Năm Tổng số Nông, lâm, thủy sản Công nghiệp - xây dựng Dịch vụ

2010 100,0 66,72 15,61 17,67 2011 100,0 65,43 16,23 18,34 2012 100,0 62,65 17,37 19,98 2013 100,0 56,76 21,88 21,36 2014 100,0 55,34 23,26 21,39 2015 100,0 50,49 27,48 22,03 2016 100,0 47,10 29,19 23,71 2017 100,0 43,81 30,94 25,25 2018 100,0 40,67 32,12 27,21 Nguồn: [2].

Cơ cấu lao động đang chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa hiện đại hóa. Tỉ trọng lao động khu vực I giảm từ 66,72% (năm 2010) xuống còn 40,67% (năm 2018). Tỉ trọng khu vực II tăng nhanh nhất từ 15,61% (2010) lên 32,12% (2018). Khu vực III cũng xu hướng tăng về tỉ trọng nhưng còn chậm. Những chuyển biến về số lượng lao động, trình độ lao động và cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa hiện đại hóa đã ảnh hưởng tích cực tới số lượng, chất lượng và cơ cấu lao động trong các đô thị. Từ đó, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy phát triển khu vực đô thị.

* Trình độ phát triển kinh tế: Sự phát triển kinh tế là yếu tố có tính chất quyết định đến sự phát triển và phân bố đô thị tỉnh Thái Nguyên. Quy mô nền kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế, mức độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế là những điều kiện ảnh hưởng đến quá trình đô thị hóa. Thái Nguyên lại có nền kinh tế phát triển từ rất sớm,

trong đó công nghiệp đóng vai trò chủ yếu, sau đó chững lại một thời gian. Những năm gần đây, do khai thác được những lợi thế cạnh tranh và một số chính sách ưu tiên phát triển công nghiệp dịch vụ nên tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) liên tục tăng. Từ 23.774 tỉ đồng (năm 2010) tăng lên 63.563 tỉ đồng (năm 2015) và đạt 98.518 tỉ đồng (năm 2018). Năm 2018, tỉnh Thái Nguyên đứng đầu về GRDP trong các tỉnh thuộc Trung du miền núi Bắc Bộ, đứng thứ 6 trong các tỉnh thuộc quy hoạch Vùng thủ đô Hà Nội (Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh). Năm 2018, tốc độ tăng trưởng GRDP là 10,44%, tuy thấp hơn những năm trước, nhưng vẫn tăng cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước (7,08%). Đây là tiền đề để tỉnh Thái Nguyên đầu tư vào các ngành kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, từ đó thúc đẩy quá trình đô thị hóa.

* Toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và thu hút đầu tư nước ngoài

Thái Nguyên đưa ra nhiều chính sách như: huy động tối đa các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và khoa học công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển; phối hợp chặt chẽ với Hà Nội, các địa phương trong Vùng trung du miền núi Bắc Bộ, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước trên một số ngành, lĩnh vực quan trọng... [47].

Giai đoạn 2010 - 2018, các chỉ số để đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Thái Nguyên liên tục được nâng lên, từ vị trí 42 (năm 2010) lên vị trí 18 (năm 2018), đáng chú ý năm 2014 đứng thứ 8 [49]. Riêng chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố (tăng 5 bậc so với năm 2017); là một trong 3 tỉnh dẫn đầu cả nước về chỉ số hài lòng của người dân năm 2017 (tỉnh Thái Nguyên, tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Ninh Bình) [49]. Thứ hạng về chỉ số PCI là nhân tố tích cực tác động đến thu hút nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước. (xem phụ lục 1 - bảng 3).

Từ năm 2000 đến năm 2018, tỉnh Thái Nguyên đón nhận 159 dự án FDI, với số vốn đăng kí là 7.646,9 triệu USD và số vốn thực hiện là 7.348,0 triệu USD. Phần lớn số vốn và số dự án được đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến và chế tạo. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới, tỉnh Thái Nguyên vẫn tiếp tục thu hút được vốn đầu tư FDI thực sự là một thành công lớn. Đây là điều kiện giúp Thái Nguyên thúc đẩy phát triển công nghiệp, thực hiện công nghiệp hóa và đô thị hóa.

* Quy hoạch và chính sách phát triển đô thị

Quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh và phê duyệt ngày 6 tháng 5 năm 2016 và quy hoạch

xây dựng vùng tỉnh Thái Nguyên đến năm 2035 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 24 tháng 6 năm 2015 là định hướng quan trọng tác động đến đô thị hóa của tỉnh Thái Nguyên. Theo Quy hoạch này, vùng tỉnh Thái Nguyên được phân thành 4 vùng không gian: phân vùng đô thị - công nghiệp - dịch vụ (vùng trung tâm: bao gồm thành phố Thái Nguyên và một số xã của huyện Đồng Hỷ, huyện Phú Lương giáp thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công, một phần (phía Tây) của huyện Phú Bình, một phần (phía Đông) thị xã Phổ Yên.); phân vùng phát triển hỗn hợp (gồm huyện Phú Bình, Đồng Hỷ, Phú Lương và một số xã của huyện Đại Từ), phân vùng du lịch phía tây (gồm huyện Định Hóa và một số xã của huyện Đại Từ, thị xã Phổ Yên) và phân vùng sinh thái phía đông (huyện Võ Nhai). Hình thành 02 trục động lực chủ đạo (cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn, tuyến đường vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội) phát triển đô thị, công nghiệp và dịch vụ gắn với những không gian động lực (Tổ hợp Samsung - Thái Nguyên; khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc), liên kết chặt chẽ với 02 trục hỗ trợ (QL37, QL1B) và 03 tuyến phục vụ (ĐT 268, ĐT 269, ĐT 270) cùng với 02 vành đai liên kết. Bên cạnh quy hoạch vùng Thủ đô và quy hoạch vùng tỉnh Thái Nguyên, quy hoạch xây dựng vùng du lịch Quốc gia Hồ Núi Cốc tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (quy hoạch là khu du lịch trọng điểm quốc gia, khu du lịch sinh thái, bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hoá dân tộc, bảo vệ đa dạng sinh học; với tổ chức mạng lưới đô thị bao gồm Thị trấn Quân Chu hiện có và Khu đô thị mới Phúc Xuân) đang và sẽ thúc đẩy quá trình phát triển các đô thị và phát triển không gian đô thị của tỉnh Thái Nguyên.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đô thị hóa và sử dụng đất đô thị ở tỉnh thái nguyên giai đoạn 2010 2018 (Trang 45 - 48)