Các đột phá và định hướng lớn của chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021

Một phần của tài liệu QR bai Dien dan TCVN 2021 (Trang 59 - 62)

giai đoạn 2021 - 2030

Kế thừa những kết quả đạt được của thời kỳ chiến lược vừa qua, thời kỳ chiến lược 10 năm tới (đến năm 2030), Việt Nam hướng đến một nền kinh tế cơ bản có công

nghiệp hiện đại, có mức thu nhập trung bình cao; mô hình kinh tế mới hình thành thay

thế mô hình tăng trưởng hiện nay với năng suất lao động cao hơn, sức canh tranh tốt hơn, nền kinh tế phát triển bền vững hơn. Để làm được điều này, việc lựa chọn các đột phá chiến lược và xác định các định hướng phát triển lớn có ý nghĩa rất quan trọng.

1. Đối với các đột phá chiến lược, một mặt cần tiếp tục các hướng về thể chế, nhân lực và hạ tầng mà thời kỳ chiến lược trước còn đang dang dở, nhưng đã xác định thêm những nội dung mới, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn. Mặt khác, việc nâng cao căn bản trình độ công nghệ của sản xuất bằng cách dựa vào áp dụng khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, là một nội dung mới của đột phá chiến lược. Cụ thể là:

(1). Đột phá về lĩnh vực thể chế: Nếu như trong Chiến lược 2011-2020 xác định: “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính” thì trọng tâm của thời kỳ Chiến lược 2021-2030 là nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập; trong đó đặc biệt chú ý tới thị trường quyền sử dụng đất, thị trường lao động, việc làm và thị trường khoa học, công nghệ. Đồng thời, đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, nhất là quản lý phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường.

(2). Đột phá về lĩnh vực phát triển nhân lực: Nếu như trong Chiến lược 2011- 2020 xác định: “Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ”, thì trọng tâm của thời kỳ Chiến lược 2021-2030 là thực hiện nhanh hơn, quyết liệt hơn việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục; nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; hiện đại hoá và thay đổi phương thức giáo dục, đào tạo, nhất là giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp. Có chính sách vượt trội để thu hút, trọng dụng nhân tài cả trong và ngoài nước. Đặc biệt, nội dung về dựa vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo mà

đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh được đặc biệt nhấn mạnh. Đây là cơ sở để phát triển kinh tế, xã hội một cách khoa học và bắt kịp với xu hướng khoa học công nghệ hiện đại.

(3). Đột phá về lĩnh vực kết cấu hạ tầng: Chiến lược 2011-2020 ghi: “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn”. Chiến lược 2021-2030 không chỉ đặt trọng tâm vào “giao thông và hạ tầng đô thị lớn”, mà còn ưu tiên phát triển hạ tầng trọng yếu về năng lượng, công nghệ thông tin, hạ tầng cho nền kinh tế số, xã hội số và hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh ba nội dung đột phá mang tính chiến lược nêu trên, một số định hướng phát triển lớn của giai đoạn đến 2030 gồm:

(1). Đẩy mạnh hơn nữa quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, cơ cấu lại nền kinh tế để đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển nhanh sang nền kinh tế số. Thực tế cho thấy rằng, một quốc quy mô dân số lớn như Việt Nam, muốn phát triển kinh tế một cách bền vững phải có nền sản xuất vật chất vững mạnh, trong đó có công nghiệp, nông nghiệp hiện đại. Muốn vậy, nhất định phải tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá để xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh. Cái khác biệt có chăng với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá trước kia chỉ chủ yếu là ở nền tảng khoa học – công nghệ và cách thức tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong một thế giới mới, mở cửa và hội nhập sâu sắc hơn bất kỳ giai đoạn nào trước đó. Như vậy, một mặt, đòi hỏi phải mở cửa, hội nhập và dựa vào mở cửa, hội nhập để thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Mặt khác, phải lấy những tiêu chuẩn kinh tế-kỹ thuật, cách thức quản lý theo quy chuẩn quốc tế để áp dụng, đảm bảo sự hài hòa các chuẩn mực. Thời kỳ 10 năm tới khác hẳn các thời kỳ trước đây ở sự xuất hiện và phát triển của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, từ đó sinh ra nền kinh tế số với nhiều đặc trưng rất khác mọi kiểu vận hành kinh tế của các thời kỳ trước. Vì vậy, muốn thực hiện hiện đại hóa, theo kịp trình độ chung của thế giới, nhất thiết phải thực hiện thật hiệu quả chương trình chuyển sang nền kinh tế số.

(2) Khai thác tốt thế mạnh của mỗi vùng, lấy phát triển các đô thị làm động lực phát triển vùng; nâng cao hơn chất lượng xây dựng nông thôn mới và phát triển mạnh kinh tế biển. Nước Việt Nam trải dài trên nhiều vĩ độ, có vùng biển rộng hơn gấp 3 lần diện tích đất liền, có tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng. Trong giai đoạn sắp tới, phải tiến hành thật tốt công tác quy hoạch phát triển quốc gia và quy hoạch phát triển các vùng kinh tế theo tinh thần của Luật Quy hoạch năm 2017. Đây là công việc mới mẻ, khó khăn, phức tạp, đòi hỏi chuyên môn cao, trong đó phải lấy phát triển các đô thị làm động lực phát triển kinh tế của các vùng, lôi kéo, lan tỏa ảnh hưởng tới các vùng có điều kiện phát triển kém hơn. Đồng thời, kế thừa thành quả xây dựng nông thôn mới 10 năm trước, phải nâng cao hơn chất lượng xây dựng nông thôn mới, đảm bảo các tiêu chí một cách đầy đủ, thực chất. Là quốc gia biển,

giai đoạn tới nhất định phải đặt mục tiêu phát triển mạnh kinh tế biển, giàu lên từ biển như tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII (10/2018) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 36-NQ/TW).

(3) Phát triển văn hoá, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hoá để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh của con người Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là một định hướng lớn có tính nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Định hướng này cũng đồng chiều với các mục tiêu phát triển bền vững (Chương trình nghị sự 2030) của Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam đã tham gia ký kết và đang phấn đấu sớm hoàn thành các mục tiêu này. Trong giai đoạn 10 năm tới, đồng thời với việc tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, phải khuyến khích mạnh mẽ mọi người dân làm giàu theo pháp luật, phát triển mạnh tầng lớp trung lưu gắn với nâng cao trách nhiệm xã hội. Đây là một trong những giải pháp căn cơ, bền vững nhất để thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, giải quyết hài hòa các quan hệ xã hội.

(4). Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Việt Nam nằm trong số không nhiều các quốc gia “đất chật, người đông” nên ý nghĩa của các nguồn tài nguyên thiên nhiên, trước hết là đất, nước không chỉ mang ý nghĩa như những nguồn “đầu vào” quý giá của sản xuất vật chất, mà còn là không gian sinh tồn của con người và các loài sinh vật. Vì vậy, trong quá trình sử dụng các nguồn tài nguyên để tăng trưởng kinh tế, việc quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên một cách tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường theo tinh thần “đáp ứng những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng

đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai" (Ủy ban Môi trường và Phát triển Thế giới

– WCED: Our Common Future (Báo cáo Brundtland); 1987). Thêm nữa, theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam là một trong năm nước có khả năng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, một xu hướng khách quan không mong muốn gây ra nhiều nguy cơ đối với cuộc sống và sinh kế của một bộ phận dân dư những nơi chịu tác động của biến đổi khí hậu. Vì vậy, từ nay về sau, trong quá trình phát triển kinh tế, nhất thiết phải tính tới một cách đầy đủ, nghiêm túc vấn đề bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

(5) Từ vài năm nay, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đối với các mặt đời sống xã hội và kinh tế hết sức nặng nề. Do các vấn đề y tế, an sinh xã hội và hoạt động kinh tế xảy ra cùng lúc và có liên quan trực tiếp lẫn nhau, nên để giải quyết được, cần phải có cách tiếp cận tổng thể, tổng lực, đồng bộ. Các giải pháp vì vậy, phải có tính nhất quán, thống nhất trên toàn quốc. Sự đứt gẫy các chuỗi cung ứng và dòng chảy các nguồn lực trực tiếp dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nguồn cung về nhiều loại sản phẩm hàng hóa toàn cầu (lương thực-thực phẩm, năng lượng, nguyên vật liệu...), gây

ra tình trạng tăng giá một số mặt hàng chiến lược. Cùng một lượng tiền, sẽ không còn đổi được một lượng hàng hóa vật chất như trước. Vì vậy, thời kỳ ngắn hạn trước mắt có mục tiêu lớn nhất là phục hồi nền kinh tế. Theo đó, các giải pháp cần làm là hỗ trợ những doanh nghiệp có khả năng quay lại hoạt động, có đơn đặt hàng...; giữ chân người lao động ở lại các khu công nghiệp, các nhà máy, xí nghiệp... để nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng kinh tế từ năm 2023. Thời kỳ này cũng cần đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, để hình thành được mô hình tăng trưởng mới, có khả năng chống chịu cao hơn, phân bố ngành nghề và khu vực địa lý hợp lý hơn, mở ra thời kỳ phát triển mới với chất lượng cao hơn. Thời kỳ tiếp theo sẽ có mục tiêu chính là lấy lại đà tăng trưởng trên cơ sở một nền tảng mới, đã được tái cơ cấu.

Có thể nói, trên thực tế còn rất nhiều những vấn đề vừa có tính căn bản lâu dài, vừa có tính cấp bách trước mắt cần được tính đến và bàn thảo một cách nghiêm túc. Nhưng trong khuôn khổ một tham luận, chúng tôi chỉ đề cập đến một số những hướng lớn mà thiết nghĩ, nhất định phải được đặt ra trong thời kỳ chiến lược 2021-2030 như đã nêu trên.

Một phần của tài liệu QR bai Dien dan TCVN 2021 (Trang 59 - 62)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(122 trang)