Định hướng phát triển chung của ngành

Một phần của tài liệu TỐI ƯU HÓA HOẠT ĐỘNG QUẢN TRỊ THU MUA NHẰM HƯỚNG TỚI XÂY DỰNG CHUỖI CUNG ỨNG HIỆU QUẢ TẠI CÔNG TY TNHH WOOSUNG VIỆT NAM (Trang 85 - 87)

Tiềm năng phát triển của ngành chăn nuôi Việt Nam hiện vẫn còn rất lớn, là động lực chính thúc đẩy ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi. Quyết định số 432/QĐ- TTg được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký ngày 12 tháng 4 năm 2012, cho Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020, trong đó có chiến

lược phát triển cho ngành chăn nuôi Việt Nam. Đến năm 2020, ngành chăn nuôi cơ bản đã chuyển sang sản xuất phương thức trang trại, công nghiệp, đáp ứng phần lớn nhu cầu thực phẩm đảm bảo chất lượng tiêu dùng. Trước đó, ngành chăn nuôi chủ yếu vẫn theo hình thức hộ gia đình nhỏ, lẻ. Do vậy, năng suất thường thấp hơn so với các nước phát triển với quy mô chăn nuôi tập trung. Nhu cầu tiêu thụ các loại thịt tại Việt Nam đang có sự gia tăng mạnh mẽ là động lực giúp người dân mở rộng quy mô chăn nuôi từ đó các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư, mở rộng dây chuyền chế biến, nâng công suất để đáp ứng thị trường trong nước đồng thời xuất khẩu sản phẩm thịt đi các thị trường nước ngoài.

Việc ký kết thành công các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương giữa Việt Nam và các nước trên thế giới là cơ hội giúp cho các doanh nghiệp của ngành thức ăn chăn nuôi có thể xuất khẩu sản phẩm và nhập khẩu nguyên liệu từ các nước thành viên với mức thuế quan thấp nhất. Mở ra cơ hội lớn, tuy nhiên đó cũng là những thách thức khiến cho các doanh nghiệp không ngừng cố gắng phát triển để cạnh tranh với đối thủ nước ngoài.

Là ngành thu hút được đầu tư trong và ngoài nước cao nhất trong lĩnh vực nông nghiệp mà gần 100% đều là vốn của tư nhân. Thức ăn chăn nuôi cũng là ngành có mức độ hội nhập quốc tế sâu rộng nhất, với trên 65 nước và vùng lãnh thổ có trao đổi buôn bán về công nghệ, thiết bị thuộc top hiện đại nhất và mới nhất. Thị trường Việt Nam có mặt hầu hết các hãng thức ăn chăn nuôi lớn và nổi tiếng trên thế giới như Cargill, C.P., De Heus, Japfa… Các thông tin về giá nguyên liệu trong nước được kết nối, hàng ngày với các trung tâm buôn bán nguyên liệu lớn trên thế giới như châu Mỹ, châu Âu…

Nếu như trước đây, ngành thức ăn chăn nuôi chỉ đơn thuần sản xuất thức ăn bán cho các trang trại chăn nuôi, hoặc cho các hộ chăn nuôi riêng lẻ. Vài năm trở lại đây các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi chú trọng vào xây dựng mô hình 3F từ trang trại tới bàn ăn (3F là viết tắt cho cụm Feed-Farm-Food) với ngành thức ăn chăn nuôi là công đoạn đầu tiên, từng công đoạn lại có lợi nhuận riêng, rủi ro riêng. Nhưng mô hình 3F đòi hỏi sự đồng bộ từ khâu làm giống, sản xuất thức ăn, chăn nuôi, chế biến và cung ứng thực phẩm… tất cả phải có sự liên thông, minh bạch.

Khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát dữ dội trong năm 2019, tổng đàn heo (lợn) trong nước sụt giảm 30-40%, nhiều hộ chăn nuôi phá sản và không còn khả năng tái đàn do lượng heo (lợn) phải tiêu hủy toàn bộ nếu phát hiện có dịch. Đây cũng là thời điểm mô hình 3F chứng minh được tính ưu việt, vì hệ thống trang trại lớn chăn nuôi khép kín, kỹ thuật hiện đại, đảm bảo vệ sinh phòng dịch hiệu quả hơn, họ kiểm soát được chất lượng thức ăn, và kỹ thuật chăn nuôi, đồng thời khả năng tài chính mạnh, rủi ro được phân bổ trong từng công đoạn vì vậy khả năng kháng cự tốt hơn.

Những doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi sớm xây dựng được mô hình 3F không những tồn tại được qua khủng hoảng, mà còn gặt hái được thành công rực rỡ trong năm 2020 khi mà nguồn cung heo (lợn) thiếu hụt đầy giá lên cao, họ tối ưu mảng kinh doanh thức ăn chăn nuôi, ổn định được sản lượng, ngoài ra còn thu lợi kép từ việc chăn nuôi và bán thịt thành phẩm, tất cả lợi nhuận không phải qua bất cứ khâu trung gian nào. Thống kê cho thấy sau đợt tái cấu trúc ngành chăn nuôi heo (lợn), khoảng 80% đàn heo đang nằm trong tay các doanh nghiệp FDI và những doanh nghiệp lớn trong nước xây dựng được mô hình 3F, tiên phong là CP, sau đó Greenfeed, Masan MeatLife, Dabaco, CJ Vina Argi, Deheus, … Ở chiều ngược lại, những doanh nghiệp chỉ tập trung vào mảng cốt lõi thức ăn chăn nuôi, chứng kiến sự sụt giảm sản lượng thê thảm, điển hình như Cargill (không có trại chăn nuôi, và cũng không theo đuổi mô hình 3F).

Từ đó có thể thấy được, xu hướng phát triển tất yếu của ngành thức ăn chăn nuôi trong nước không chỉ dựa vào sản xuất thức ăn chăn nuôi đơn thuần, mà phải xây dựng mô hình 3F để tồn tại và phát triển, khi mà quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ gần như tuyệt chủng, doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi đơn thuần không còn đất sống. Từ mô hình 3F áp dụng cho chăn nuôi heo (lợn) và chế biến đầu tiên, dần sẽ mở rộng ra toàn bộ ngành chăn nuôi: bò, gia cầm (gà, vịt, cút), và cả cho thủy sản.

Một phần của tài liệu TỐI ƯU HÓA HOẠT ĐỘNG QUẢN TRỊ THU MUA NHẰM HƯỚNG TỚI XÂY DỰNG CHUỖI CUNG ỨNG HIỆU QUẢ TẠI CÔNG TY TNHH WOOSUNG VIỆT NAM (Trang 85 - 87)