Với chiến lược phát triển 5 năm giai đoạn 2018-2023, mục tiêu sản lượng tăng gấp 5 lần, đầu tư mở rộng tăng công suất lên gấp đôi và cố gắng lọt vào top 20. Đi kèm với mục tiêu đó, ban lãnh đạo của Woosung Việt Nam đã có kế hoạch xây dựng trang trại chăn nuôi heo (lợn) với quy mô 5,000 nái từ năm 2019, và phối hợp với
một chi nhánh phân phối thịt heo (lợn) đã hoạt động trước từ năm 2017 nhưng không hiệu quả do thiếu tính liên kết. Nếu hiện thực được việc này, đây là thời cơ vàng bắt kịp xu hướng của các doanh nghiệp xây dựng mô hình 3F cùng thời điểm. Rất tiếc mọi kế hoạch chỉ nằm trên giấy.
Khi chứng kiến một năm 2020 đại thành công từ các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi, xây dựng mô hình 3F phát triển ngày càng vững chắc. Mặc dù, riêng mảng kinh doanh cốt lõi thức ăn chăn nuôi, Woosung Việt Nam cũng đã có bước phát triển mạnh về sản lượng, nhưng không bền vững, khó khăn bắt đầu được bộc lộ trong quý đầu tiên năm 2021, khi giá nguyên liệu tăng cao, giá thức ăn chăn nuôi tăng, số lượng ít ỏi các trại chăn nuôi nhỏ lẻ còn lại có khả năng tái đàn, là đối tượng khách hàng chính của Woosung Việt Nam cũng buộc phải treo chuồng vì kinh doanh không hiệu quả, chi phí cao, không cạnh tranh được với các trang trại quy mô lớn, thuộc các doanh nghiệp làm mô hình 3F.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng và lợi nhuận, ngoài việc đẩy mạnh kinh doanh làm thương hiệu, bắt buộc phải xây dựng trang trại chăn nuôi riêng hoặc liên kết với các trang trại chăn nuôi sẵn có, để đảm bảo mức sản lượng ổn định, tối ưu được công suất nhà máy, mà không quá phụ thuộc vào thị trường kinh doanh thức ăn truyền thống ngày càng bị thu hẹp và quá nhiều rủi ro: dung sai thị trường nhỏ, trong khi quá nhiều đối thủ cạnh tranh giành giật thị phần, biên lợi nhuận ngày càng thấp.
Tập trung phát triển các thị trường ngách như phát triển các loại thức ăn cho các loài vật chưa được chăn nuôi quy mô công nghiệp nhiều như: thức ăn cho dê, thỏ, thú cưng, … Tranh thủ thời gian các ông lớn chưa mở rộng mô hình 3F qua các mảng gia cầm, thủy sản, … đẩy mạnh tiếp thị, kinh doanh để giành thị phần, mở rộng hoạt động kinh doanh tại các thị trường Campuchia, Myanma, … khi tại đây chưa có nhiều nhà máy sản xuất thức ăn tại chỗ, phải nhập từ Việt Nam.
Mở rộng thêm hướng kinh doanh nguyên vật liệu, từ những kết quả khả quan do quản trị chuỗi cung ứng nguyên liệu hiệu quả mang lại, và tăng cường hoạt động xuất khẩu nguyên liệu sẵn có trong nước sang tập đoàn mẹ bên Hàn Quốc.