Địa bàn và mẫu nghiên cứu

Một phần của tài liệu STRESS VÀ CÁCH ỨNG PHÓ VỚI STRESS CỦA GIÁO VIÊN TẠI CÁC TRUNG TÂM CAN THIỆP SỚM CHO TRẺ RỐI LOẠN PHỔ TỰ KỶ TRÊN ĐỊA BÀN TPHCM (Trang 40 - 41)

2.1.1.1. Địa bàn nghiên cứu

Địa bàn được lựa chọn để tiến hành nghiên cứu là một thành phố được xem là lớn, năng động và đông dân nhất cả nước - thành phố Hồ Chí Minh. Theo kết quả điều tra tại Hội nghị điều tra dân số và nhà ở năm 2019, TP.HCM có dân số là 8.993.028 người, tăng 1,8 triệu người so với năm 2009. Trên thực tế, con số này có thể lên đến 13 triệu người đang sinh sống, học tập và làm việc tại đây. TP.HCM cũng là thành phố có đầy đủ 54 dân tộc anh em cùng chung sống. Về mặt hành chính, TP.HCM có 24 quận, huyện nội và ngoại thành, bình quân đầu người đạt 4.513 USD/năm [58].

Với mức tăng trưởng và phát triển kinh tế của một thành phố lớn, mật độ dân số đông, có vị trí địa lý quan trọng và chiến lược TP.HCM ngày càng thu hút nhiều nhà đầu tư cũng như lực lượng lao động từ khắp các tỉnh thành đổ về. Do đó, vấn đề về an sinh xã hội, văn hóa - giáo dục chịu nhiều sức ép và thách thức lớn. Hiện nay, giáo dục chuyên biệt nói chung và giáo dục trẻ RLPTK nói riêng tại TP.HCM đã được nhà nước, các cá nhân quan tâm và đầu tư, tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập. Nhiều trung tâm can thiệp được mở ra trên địa bàn thành phố sẽ tạo nhiều cơ hội cho trẻ RLPTK được can thiệp, phụ huynh sẽ có nhiều lựa chọn phù hợp hơn cho con em mình và GV có nhiều cơ hội việc làm. Tuy nhiên, chưa có một thống kê quy mô nào về số lượng trẻ RLPTK và các trung tâm can thiệp trên địa bàn thành phố. Thực trạng tồn tại là các trung tâm can thiệp dân lập, tư thục mọc lên khắp nơi, thậm chí có cả các nhóm trông giữ, dạy “chui” không có giấy phép. Việc đảm bảo chất lượng giáo dục, cơ sở vật chất, an toàn cho trẻ ở các cơ sở này vẫn đang là vấn đề khiến các nhà quản lý đau đầu. Chính vì thế, phát triển giáo dục chuyên biệt cần được chú trọng và đầu tư nhiều hơn nữa để trẻ RLPTK có thể được chăm sóc và giáo dục một cách toàn diện.

Từ những đặc trưng về điều kiện kinh tế, văn hóa, địa lý của TP.HCM và sự phát triển trong việc can thiệp cho trẻ RLPTK vừa nêu. Có thể thấy, các điều kiện này một phần nào đó sẽ ảnh hưởng đến stress của GVCTS. Vì vậy, các cơ sở, trung tâm can thiệp được lựa chọn dưới đây có sự đa dạng trong vị trí, loại hình… có thể giúp chúng tôi tiến hành nghiên cứu với cái nhìn khái quát và khách quan hơn. Nghiên cứu được tiến hành tại 2 trường chuyên biệt, 2 trung tâm can thiệp, 3 bệnh viện, 2 trường mầm non hòa nhập và một số cá nhân đang làm việc tại gia đình của trẻ. Thuộc các quận: quận 1 (Bệnh viện Nhi đồng 2), quận 3 (Trường mẫu giáo Sương Mai, trường chuyên biệt An Phúc), quận 9 (Trung tâm trị liệu Tâm lý Alpha), quận 10 (Bệnh viện Nhi đồng 1), quận Tân Bình (Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP.HCM, Trường mầm non hòa nhập Trí Tâm), quận Bình Thạnh (Trường giáo dục chuyên biệt Khai Trí, Trung tâm tư vấn và đào tạo Rồng Việt).

2.1.1.2. Mẫu nghiên cứu

Đề tài được thực hiện trên 68 GVCTS hiện đang làm việc tại các trường chuyên biệt, trường mầm non có lớp hòa nhập, trung tâm can thiệp, bệnh viện và gia đình trẻ rối loạn phổ tự kỷ trên địa bàn TP.HCM. Mẫu nghiên cứu chính thức trong độ tuổi từ 20 đến 49, gồm 5 nam và 63 nữ.

Một phần của tài liệu STRESS VÀ CÁCH ỨNG PHÓ VỚI STRESS CỦA GIÁO VIÊN TẠI CÁC TRUNG TÂM CAN THIỆP SỚM CHO TRẺ RỐI LOẠN PHỔ TỰ KỶ TRÊN ĐỊA BÀN TPHCM (Trang 40 - 41)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(115 trang)
w