Tư tưởng về SĐVT xuất hiện từ thời kỳ Lã Mã cổ đại, với thuật ngữ “praesumptio boni viri” có nghĩa là người tham gia tố tụng được xem là vô tội cho đến khi họ được chứng minh là có tội. Tuy nhiên, vào thời kỳ này, tư tưởng chỉ được áp dụng trong lĩnh vực tố tụng dân sự. Tư tưởng này có thể được xem là khởi nguồn của nguyên tắc SĐVT (presumption of innocence).
Nguyên tắc SĐVT được xem là một tư tưởng tiến bộ, dân chủ và hướng đến đảm bảo quyền và lợi ích của mọi công dân trong xã hội, đặc biệt là người bị cáo buộc phạm tội. Do đó, nó không được chấp nhận trong Nhà nước chiếm hữu nô lệ - thể chế nhà nước xem nô lệ là một món hàng, không được xem là chủ thể của pháp luật. Tương tự, nguyên tắc SĐVT cũng là điều cấm và không được bàn đến trong Nhà nước phong kiến, bởi kiểu Nhà nước này coi trọng việc tập trung quyền lực vào một người duy nhất - Nhà vua. Cả hai kiểu Nhà nước trên đều theo “nguyên tắc suy đoán có tội”; theo đó, cho đến được chứng minh là không có tội, người bị buộc tội luôn bị xem là có tội và bị đối xử như người có tội và việc áp dụng các biện pháp tra tấn, nhục hình được xem là hợp pháp.
Khi Nhà nước tư sản ra đời cùng với đó là sự ra của “học thuyết phân quyền” thì nguyên tắc SĐVT mới dần được tìm hiểu, nghiên cứu, thừa nhận và được quy định trong pháp luật TTHS của các quốc gia. Theo “học thuyết phân quyền”, quyền lực Nhà nước được phân chia thành các nhánh quyền lực: Lập pháp, hành pháp và tư pháp. Trong đó, nhánh tư pháp với đại diện là Tòa án, là chủ thể duy nhất có thẩm quyền xét xử, phán quyết một người có tội hay không có tội.
Lần đầu tiên trong lịch sử, Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp năm 1789 đã ghi nhận SĐVT như là một nguyên tắc cơ bản của pháp luật TTHS với quy định tại Điều 9:“Mọi người đều được coi là vô tội cho đến khi bị tuyên bố phạm tội; nếu xét thấy cần thiết để bắt giữ thì mọi sự cưỡng bức vượt quá mức cần thiết cho việc bắt giữ đều bị pháp luật xử lý nghiêm khắc”. Tuyên ngôn này không chỉ đặt nền móng cho sự phát triển của nguyên tắc SĐVT trong hệ thống pháp luật TTHS quốc tế mà còn là cơ sở để các quốc gia xây dựng và phát triển các quy định pháp luật cụ thể hóa nguyên tắc này trong hệ thống pháp luật quốc gia.
Nguyên tắc này được tái khẳng định tại Điều 11 Tuyên ngôn nhân quyền của Liên Hợp Quốc năm 1948: “Bất kỳ người nào bị buộc tội đều được coi là vô tội cho đến khi một tòa án công khai, nơi người đó đã có được tất cả những bảo đảm cần thiết để bào chữa cho mình, chứng minh được tội trạng của người đó dựa trên cơ sở pháp luật”. Trên tinh thần đó, tại khoản 2 Điều 14 Công ước về các quyền dân sự, chính trị của Liên Hợp quốc năm 1966 quy định: “Người bị buộc tội là tội phạm hình sự có quyền được coi là vô tội cho tới khi tội đó được chứng minh theo pháp luật”. Ngoài ra, nguyên tắc SĐVT còn được ghi nhận trong các văn kiện quốc tế
khác như: Khoản 2 Điều 6 Công ước Châu Âu năm 1950: “Mọi người bị buộc tội
hình sự sẽ được coi là vô tội cho đến khi được chứng minh là có tội theo luật định”;
khoản 1 Điều 15 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966:
“Không ai bị coi là phạm tội vì một hành động hoặc không hành động mà không cấu thành tội phạm theo pháp luật quốc gia hoặc pháp luật quốc tế tại thời điểm thực hiện hành vi đó”. Các văn kiện quốc tế trên khẳng định và ghi nhận một trong những nội dung quan trọng của nguyên tắc SĐVT, đó là không ai bị xem là người có tội cho đến khi có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Việc kết
luận một người có tội hay không có tội có ảnh hưởng rất lớn đến các quyền chính trị, quyền công dân của người bị buộc tội, do đó chỉ có Tòa án - cơ quan duy nhất thực hiện chức năng tư pháp có thẩm quyền kết luận một người có tội hay không. Cho đến khi bị kết tội bởi bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, không một chủ thể nào có quyền đối xử với người bị buộc tội như người có tội. Cơ quan, người THTT và các chủ thể khác phải tôn trọng các quyền con người, quyền công dân không bị hạn chế của người bị buộc tội và đảm bảo thực hiện hoạt động của mình trong phạm vi pháp luật cho phép.
Bên cạnh đó, Điều 5 Tuyên ngôn thế giới về Quyền con người năm 1948 quy định: “Không ai có thể bị tra tấn hay bị những đối xử tàn ác, vô nhân đạo, làm hạ thấp nhân phẩm”. Hoặc tại Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 quy định tại:“Không ai có thể tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt một cách tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm”đã quy định một yêu cầu quan trọng trong
quá trình áp dụng nguyên tắc SĐVT, đó là chủ thể có thẩm quyền THTT phải thực hiện nhiệm vụ của mình thông qua các phương tiện, biện pháp mà pháp luật quy định; không được phép tra tấn, mớm cung, bức cung, nhục hình đối với người bị buộc tội nhằm buộc họ phải nhận tội hoặc vì các lý do không chính đáng khác. Mặc dù người bị buộc tội có thể bị hạn chế một số quyền nhất định trong quá trình THTT nhằm tạo điều kiện thuận lợi giúp cơ quan, người THTT xác định sự thật khách quan của vụ án nhưng điều này không đồng nghĩa với việc cơ quan, người THTT có quyền đối xử với họ như người có tội khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Quyền con người, quyền công dân là giá trị cao nhất mà pháp luật TTHS hướng đến bảo vệ vì vậy cơ quan, người THTT không được phép sử dụng các hình thức tra tấn, nhục hình, bức cung đối với người bị buộc tội. Hơn nữa, kết luận được đưa ra dựa trên kết quả của việc tra tấn, bức cung, nhục hình hoàn toàn không đảm bảo tính công bằng và hợp pháp. Từ đó dẫn đến bản án được đưa ra trên cơ sở các chứng cứ đó khó đảm bảo tính khách quan, đầy đủ và toàn diện; dễ xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm; không đạt được mục đích của TTHS là xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Các quy định nêu trên của các văn kiện quốc tế cho thấy con người và quyền con người là giá trị cao quý nhất, được ưu tiên bảo vệ trong TTHS. TTHS là lĩnh vực nhạy cảm và dễ xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của con người, do đó nguyên tắc SĐVT là cơ sở pháp lý quan trọng, là bảo đảm cần thiết để TTHS được tiến hành một cách đúng pháp luật. Nguyên tắc “SĐVT được coi là nguyên tắc
“kinh điển nhất” trong TTHS và là “phẩm giá của văn minh nhân loại”. Việc pháp luật ghi nhận nguyên tắc SĐVT (quyền được SĐVT) là bảo đảm quan trọng, là lá chắn vững chắc nhất để bảo vệ quyền con người, quyền công dân nhằm phòng ngừa, ngăn chặn những vi phạm từ phía các cơ quan tố tụng”22.