Nguyên tắc suy đoán vô tội trong giai đoạn Giám đốc thẩm, Tái thẩm vụ

Một phần của tài liệu Nguyên tắc suy đoán vô tội theo luật tố tụng hình sự việt nam (Trang 77 - 80)

án hình sự

Tuy đối với bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị cáo vẫn có quyền kháng cáo hoặc kháng cáo quá hạn nếu hợp lệ nhưng đối với bản án, quyết định sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật, thủ tục phúc thẩm không thể áp dụng. Thay vào đó là thủ tục Giám đốc thẩm đối với bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án; hoặc thủ tục Tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhưng bị kháng nghị vì có tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án không biết được khi ra bản án, quyết định đó. Như đã phân tích ở mục 2.1.3, tại giai đoạn Giám đốc thẩm và Tái thẩm, nguyên tắc SĐVT vẫn được áp dụng trong một số trường hợp, cụ thể như sau:

* Phạm vi xét xử

Khi giải quyết vụ án hình sự theo thủ tục Giám đốc thẩm hoặc Tái thẩm, Hội đồng Giám đốc thẩm hoặc Hội đồng Tái thẩm phải xem xét toàn bộ vụ án mà không chỉ giới hạn trong nội dung của kháng nghị. Theo nguyên tắc SĐVT, trách nhiệm chứng minh thuộc về cơ quan, người THTT (trong giai đoạn này là Tòa án có thẩm quyền Giám đốc thẩm, Tái thẩm) và sự thật vụ án phải được xác định khách quan, toàn diện và đầy đủ. Do đó, Hội đồng Giám đốc thẩm hoặc Hội đồng Tái thẩm xem xét toàn bộ các vấn đề của vụ án hình sự và có thể đưa ra kết luận một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ.

* Việc tạm đình chỉ thi hành án

Theo quy định tại khoản 4 Điều 36 Luật thi hành án hình sự năm 2019, khi vụ án hình sự được xét xử theo thủ tục Giám đốc thẩm hoặc Tái thẩm, nếu kháng nghị theo không có tội, người đang chấp hành hình phạt tù có thể được tạm đình chỉ thi hành án. Lúc này, bản án kết tội vẫn có hiệu lực nhưng có căn cứ kháng nghị Giám đốc thẩm hoặc Tái thẩm theo hướng có lợi với người bị kết án, người có thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án76có thể ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội, tránh hậu quả nghiêm trọng hơn có thể xảy ra. Quy định này gián tiếp cho thấy khả năng bản án kết tội là chưa chính xác và thể hiện một phần nguyên tắc SĐVT: Bởi vì người kết án có thể không có tội nên việc thi hành án phải bị tạm đình chỉ, vụ án hình sự phải được xem xét lại nhằm đảm bảo sự thật khách quan của vụ án, không xảy ra tình trạng oan, sai người vô tội.

* Thời hạn kháng nghị và thời hạn mở phiên tòa Giám đốc thẩm / Tái thẩm

Theo quy định tại Điều 379 và Điều 401 BLTTHS năm 2015, thời hạn kháng nghị Giám đốc thẩm hoặc Tái thẩm theo hướng có lợi cho người bị kết án là không bị hạn chế. Quy định này giúp việc bảo vệ quyền và lợi ích của người bị buộc tội được đảm bảo một cách tối đa. Nếu người bị buộc tội bị kết án oan, tức là nguyên tắc SĐVT đã không được đảm bảo thì bất kỳ lúc nào xuất hiện các căn cứ kháng nghị Giám đốc thẩm hoặc Tái thẩm theo hướng có lợi cho người bị kết án, chủ thể có thẩm quyền kháng nghị đều có thể ra quyết định kháng nghị.

Bên cạnh đó, quyền và lợi ích của người bị buộc tội còn được đảm bảo thông qua quy định về thời hạn mở phiên tòa Giám đốc thẩm hoặc Tái thẩm tại Điều 385 và Điều 403 BLTTHS năm 2015. Theo đó, phiên tòa Giám đốc thẩm hoặc Tái thẩm phải được mở trong thời hạn 04 tháng kể từ ngày nhận được quyết định kháng nghị

76Theo khoản 3 Điều 36 Luật thi hành án hình sự năm 2019, chủ thể có thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án phạt tù là Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự cấp quân khu nơi phạm nhân đang chấp hành án.

kèm hồ sơ vụ án. Tính chất của thủ tục Giám đốc thẩm hoặc Tái thẩm là xem xét lại bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị. Lúc này người bị buộc tội đang phải chịu hình phạt mà bản án kết tội trước đó đã tuyên, nếu việc kháng nghị là đúng thì có khả năng người bị buộc tội đang phải chịu oan, sai và điều đó là trái với nội dung, tinh thần của nguyên tắc SĐVT khi mà một người vô tội phải chịu hình phạt một cách vô cớ. Do đó, BLTTHS năm 2015 đã quy định rõ trong thời hạn 04 tháng kể từ ngày nhận được quyết định kháng nghị kèm hồ sơ vụ án, phiên tòa Giám đốc thẩm hoặc Tái thẩm phải được mở, quy định này nhằm đẩy nhanh quá trình Tòa án xem xét hồ sơ, xem xét vụ án và giải quyết vụ án.

* Các quyết định tố tụng

Hội đồng Giám đốc thẩm hoặc Tái thẩm có quyền hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại hoặc hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án (Điều 388 và Điều 402 BLTTHS năm 2015) trong trường hợp có căn cứ xác định người bị buộc tội đã bị kết án oan hoặc đối với bản án không kết tội, nếu Hội đồng Giám đốc thẩm hoặc Tái thẩm xác định người này có tội. Bởi lẽ Hội đồng Giám đốc thẩm hoặc Tái thẩm không có thẩm quyền ra bản án kết tội.

KẾT LUẬN CHƯƠNG II

Trong chương II, tác giả đã tập trung trình bày, phân tích các quy định pháp luật TTHS liên quan đến nguyên tắc SĐVT trong các giai đoạn TTHS: Khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử. Nguyên tắc SĐVT đã được thể hiện thông hệ thống các quy định cụ thể trong BLTTHS năm 2015, tạo điều kiện để cơ quan, người THTT thực hiện nghĩa vụ chứng minh tội phạm, giúp người bị buộc tội có thể bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của mình,…

CHƯƠNG III

THỰC TIỄN ÁP DỤNG NGUYÊN TẮC SUY ĐOÁN VÔ TỘI TẠI VIỆT NAM VÀ KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN

Từ khi BLTTHS năm 2015 được ban hành và có hiệu lực, thực tiễn đã khẳng định vai trò quan trọng và không thể thay thế trong công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, đảm bảo quyền con người, quyền công dân và các quyền quan trọng khác của người tham gia tố tụng (chủ yếu là bị cáo), góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Các quy định liên quan đến nguyên tắc SĐVT đóng vai trò là cơ sở pháp lý quan trọng và hữu hiệu giúp người bị buộc tội biết và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình; cơ quan, người THTT thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, hạn chế oan, sai, “án bỏ túi”, “án tại hồ sơ”, không bỏ lọt tội phạm, đảm bảo tính khách quan, toàn diện, đầy đủ của việc giải quyết vụ án hình sự.

Một phần của tài liệu Nguyên tắc suy đoán vô tội theo luật tố tụng hình sự việt nam (Trang 77 - 80)