Sau khi Việt Nam hạn chế khai thác gỗ từ rừng tự nhiên vào năm 1995, ngành lâm nghiệp bị coi nhẹ so với các ngành kinh tế khác do mức độ đóng góp vào tổng sản phẩm kinh tế quốc nội là rất thấp37. Tuy nhiên, đến khi Việt Nam triển khai chính sách CTDVMTR trên phạm vi toàn quốc từ năm 2011, tổng doanh thu từ DVMTR tăng lên đáng kể và đã đóng góp rất lớn vào tổng đầu tư vào ngành lâm nghiệp.
Cụ thể, trong giai đoạn 2011 – 2020, với số tiền thu được từ CTDVMTR là 16.753 tỷ đồng, CTDVMTR đã đóng góp 18,2% so với tổng đầu tư vào ngành lâm
nghiệp38. Đáng chú ý, trong năm 2015, CTDVMTR chiếm khoảng 22% tổng vốn đầu
tư cho ngành lâm nghiệp.
CTDVMTR đã trở thành nguồn tài chính chủ lực đầu tư cho hoạt động quản lý bảo vệ môi trường rừng của địa phương. Nguồn thu từ hoạt động CTDVMTR đã đóng góp cho ngành lâm nghiệp theo nhiều phương diện khác nhau, đáng kể nhất là việc hỗ trợ kinh phí trả lương cho người lao động, chi phí hoạt động, nâng cao năng lực cán bộ ngành lâm nghiệp, cung cấp nguồn thu đảm bảo kinh phí cho các ban quản lý rừng, khu bảo tồn, vườn quốc gia, lâm trường quốc doanh, đóng góp vào chương trình phát triển hạ tầng và cộng đồng…
Ví dụ, ở tỉnh Lào Cai, nguồn thu chi trả DVMTR chiếm 52% nhu cầu vốn cho hoạt động quản lý bảo vệ rừng của tỉnh hàng năm; trong khi nguồn thu chi trả DVMTR của tỉnh Kon Tum hiện cao gấp 3,6 lần so với chi ngân sách trước đây cho quản lý bảo vệ rừng hàng năm39.
Từ đó có thể nhận thấy, CTDVMTR đang ngày càng có vai trò quan trọng trong cơ cấu ngành lâm nghiệp. Nếu CTDVMTR được triển khai hiệu quả, đây sẽ là công cụ tối ưu nâng cao giá trị tài nguyên rừng, từ đó đưa đến nhận thức tích cực hơn về cách thức khai thác lợi ích từ nguồn tài nguyên này.