Nhóm giải pháp liên quan đến quá trình thẩm định tín dụng

Một phần của tài liệu QUẢN TRỊ RỦI RO TÍN DỤNG ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆPKINH DOANH BẤT ĐỘNG SẢN TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠICỔ PHẦN CÔNG THƯƠNG VIỆT NAM -CHI NHÁNH THÀNH PHỐ HÀ NỘI (Trang 111 - 113)

Có thể thấy rằng công tác thẩm định tín dụng hiện nay đang là cơ sở để quyết định tín dụng tại các NHTM, do vậy để đạt được hiệu quả cao trong công tác quản trị rủi ro tín dụng tốt thì chi nhánh TP Hà Nội cần hoàn thiện công tác thẩm định đối doanh nghiệp kinh doanh bất động sản như sau:

- Tăng cường việc thu thập và lưu trữ thông tin nhằm hỗ trợ cho công tác thẩm định

Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, VietinBank CN TP Hà Nội cần thường xuyên cập nhật đổi mới công nghệ, lựa chọn những ứng dụng phù hợp với điều kiện và yêu cầu kinh doanh. Bộ phận công nghệ thông tin cần có những nghiên cứu để xây dựng các phần mềm phù hợp cho việc lưu trữ và quản lý thông tin, thay vì việc yêu cầu các phòng ban nghiệp vụ báo cáo thủ công

như hiện nay, từ đó đáp ứng nhu cầu khai thác thông tin đối với các cán bộ thẩm định tín dụng.

Đặc biệt để đảm bảo các hoạt động theo đúng quy định, chi nhánh cần xây dựng hệ thống quản lý các văn bản theo mô hình thư viện, phân cấp thành cây thư mục. Hiện nay các văn bản của chi nhánh được đăng tải theo trình tự thời gian mà chưa quan tâm đến việc phân loại, và phần lớn cán bộ tín dụng sẽ phải tự tìm kiếm văn bản và tự lưu lại cho bản thân mình. Các văn bản này cần được sắp xếp một cách chuyên nghiệp và hệ thống, phân cấp và phân loại theo từng chủ đề, đảm bảo sự dễ dàng tìm kiếm và đầy đủ, nhanh chóng. Khi có các văn bản mới, ngoài việc đăng tải văn bản mới thì việc cập nhật trạng thái hiệu lực của văn bản được thay thế, sửa đổi cũng là rất cần thiết.

- Hoàn thiện phương pháp thẩm định, cập nhật các nội dung thẩm định mới

+ Thẩm định trên khía cạnh pháp lý

Như đã nêu ở chương 1, rủi ro tín dụng đối với doanh nghiệp kinh doanh BĐS thường đến từ rủi ro pháp lý. Thời gian qua đã xảy ra một số vụ tranh chấp quyền sử dụng đất tại các dự án, không ít dự án ma được lập ra để rút vốn ngân hàng, hay thậm chí người ký duyệt trên hồ sơ dự án lại vượt thẩm quyền,... Do vậy việc thẩm định kỹ lưỡng hồ sơ pháp lý của dự án là vô cùng quan trọng. Cán bộ tín dụng phải yêu cầu doanh nghiệp cung cấp đầy đủ hồ sơ pháp lý trước khi quyết định tín dụng, tránh tình trạng vì muốn tiến độ thẩm định dự án nhanh chóng mà xem nhẹ một số hồ sơ pháp lý. Đặc biệt một số hồ sơ quan trọng cần yêu cầu khách hàng cung cấp bản gốc ngay từ đầu để đối chiếu, tránh tình trạng khách hàng sử dụng để vay vốn tại nhiều TCTD khác nhau.

+ Thẩm định khía cạnh thị trường

Hai thị trường chính của lĩnh vực kinh doanh bất động sản đó là thị trường nguyên vật liệu (thị trường đầu vào) và thị trường bất động sản (thị trường đầu ra). Hai thị trường này luôn được xem là thị trường nóng bởi luôn biến động không ngừng với nhiều xu hướng khác nhau. Do vậy khi thẩm định tín dụng, cán bộ thẩm định cần quan tâm đến xu hướng biến động của hai thị trường này nhằm điều chỉnh

các chỉ tiêu tài chính dự án một cách phù hợp. Ngoài ra yêu cầu khách hàng cung cấp các hợp đồng đầu vào, đầu ra của dự án cũng là việc cần thiết để đảm bảo các thông tin thẩm định có hiệu quả cao nhất.

+ Thẩm định khía cạnh kỹ thuật

Tình trạng chung hiện nay tại chi nhánh là việc thẩm định tính kỹ thuật của các dự án còn rất sơ sài, chủ yếu dựa vào các thông số và tài liệu của khách hàng cung cấp, sau đó đối chiếu so sánh với dự án khác tương tự làm cơ sở thẩm định. Một mặt đây không phải là chuyên môn của cán bộ tín dụng (thường tốt nghiệp các trường kinh tế, tài chính ngân hàng), mặt khác hệ thống văn bản quy định của nhà nước chưa đầy đủ, thống nhất và chồng chéo, khó so sánh. Chi nhánh TP Hà Nội và ngay và NHCT cũng chưa có hệ thống văn bản quy định về các chỉ tiêu kỹ thuật trong công tác thẩm định tín dụng dự án. Do đó, để hỗ trợ cho cán bộ tín dụng, NHCT cần xây dựng bộ chỉ tiêu kỹ thuật phù hợp để làm cơ sở thẩm định. Đối với một số dự án BĐS quy mô lớn và phức tạp, có thể thuê hoặc tham vấn các ý kiến của chuyên gia trong lĩnh vực để có nội dung thẩm định chính xác hơn.

Một phần của tài liệu QUẢN TRỊ RỦI RO TÍN DỤNG ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆPKINH DOANH BẤT ĐỘNG SẢN TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠICỔ PHẦN CÔNG THƯƠNG VIỆT NAM -CHI NHÁNH THÀNH PHỐ HÀ NỘI (Trang 111 - 113)