Các chỉ tiêu đánh giá rủi ro tín dụng

Một phần của tài liệu QUẢN TRỊ RỦI RO TÍN DỤNG ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆPKINH DOANH BẤT ĐỘNG SẢN TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠICỔ PHẦN CÔNG THƯƠNG VIỆT NAM -CHI NHÁNH THÀNH PHỐ HÀ NỘI (Trang 28 - 30)

Theo cách tiếp cận truyền thống, đo lường rủi ro tín dụng được thực hiện thông qua các chỉ tiêu như hệ số nợ quá hạn, hệ số nợ xấu, hệ số rủi ro mất vốn, hệ số khả năng bù đắp rủi ro,... Trong các chỉ tiêu này, nợ xấu là chỉ tiêu phô biến nhất để đo lường rủi ro tín dụng. Theo Quyết định số 22/VBHN-NHNN năm 2014 liên quan đến việc phân loại nợ thì nợ xấu (NPL) là các khoản nợ thuộc các nhóm 3, 4 và 5. Nhóm 3 là các khoản nợ dưới tiêu chuẩn, các khoản nợ đã quá hạn từ 90 đến 180 ngày. Nhóm 4 gồm các khoản nợ nghi ngờ, với thời gian quá hạn từ 181 đến 360 ngày. Trong khi đó, nợ có khả năng mất vốn là các khoản nợ trong nhóm 5, đã quá hạn trên 360 ngày.

Ngoài phương pháp đo lường truyền thống, rủi ro tín dụng còn đo bằng dự phòng rủi ro cho vay. Rủi ro tín dụng tính toán theo phương pháp này được coi là

một khoản chi phí của ngân hàng biểu hiện bằng số tiền được trích lập để dự phòng cho những tổn thất có thể xảy ra đối với các khoản cho vay của ngân hàng. Cách xác định mức dự phòng rủi ro này căn cứ vào việc phân loại nợ của ngân hàng theo từng nhóm, trong đó không chỉ có nhóm nợ xấu nên đã làm cho việc đo lường rủi ro trở nên toàn diện hơn. Dưới góc độ nghiên cứu, việc thu thập số liệu về rủi ro tín dụng sử dụng chỉ tiêu dự phòng rủi ro cho vay trở nên dễ dàng hơn nhiều vì chỉ tiêu này thể hiện trong báo cáo tài chính của ngân hàng với con số đáng tin cậy hơn so với chỉ tiêu nợ xấu mà ngân hàng công bố.

Theo Ahmed và cộng sự (1998) và Fischer, Gueyie và Ortiz (2000), dự phòng rủi ro cho vay có mối quan hệ cùng chiều với tỷ lệ nợ xấu và vì thế dự phòng rủi ro cho vay càng cao thì chất lượng khoản vay càng giảm và rủi ro tín dụng tăng. Từ đó, thước đo này ngày càng được sử dụng phổ biến trong các nghiên cứu liên quan đến rủi ro tín dụng (Tsolas và Charles, 2015; Sun và Chang, 2010; Chang và Chiu, 2006; Mester, 1996). Đặc biệt, Knaup và Wagner (2012) đã đồng thời đo lường rủi ro tín dụng bằng các chỉ tiêu như dự phòng rủi ro cho vay, nợ có vấn đề, tỷ lệ nợ trên tổng vốn chủ sở hữu, nợ không có bảo đảm. Kết quả nghiên cứu cho thấy rủi ro tín dụng đo lường bằng chi phí dự phòng rủi ro cho vay có tác động đáng kể hơn cả đến hiệu quả kinh doanh của ngân hàng so với các chỉ tiêu đo lường còn lại của rủi ro tín dụng. Tuy vậy, sự lựa chọn chỉ tiêu này để mô tả rủi ro tín dụng cũng vấp phải một số phản đối của các nhà nghiên cứu khác, chẳng hạn, Podpiera và Weill (2008) cho rằng tỷ lệ dự phòng không hoàn toàn chính xác để mô tả rủi ro vì nó mang tính ước tính và phụ thuộc rất nhiều vào chính sách quản trị rủi ro của ngân hàng đó.

Ngoài hai cách đo lường rủi ro tín dụng trực tiếp kể trên, Sillah và cộng sự (2015) lại sử dụng chỉ số an toàn vốn (Capital Adequacy Ratio - CAR) bằng vốn cấp 1 trên tổng tài sản của ngân hàng trong nghiên cứu của mình để đánh giá một cách gián tiếp về rủi ro tín dụng. Chỉ số này đánh giá khả năng các ngân hàng có thể thích ứng với rủi ro tín dụng.

Như vậy, việc sử dụng tỷ lệ nợ xấu, chỉ số an toàn vốn hay dự phòng rủi ro cho vay để mô tả rủi ro tín dụng đã được đồng thời sử dụng một cách đa dạng trong các nghiên cứu có liên quan trong thời gian vừa qua. Trong bối cảnh nghiên cứu tại Việt Nam, chỉ tiêu dự phòng rủi ro cho vay được coi là phù hợp hơn vì các thông tin về nợ xấu của các NHTM không được công bố một cách công khai và độ xác thực không được bảo đảm. Trong khi đó, chi phí dự phòng rủi ro cho vay là một chỉ tiêu có thể thu được trên báo cáo tài chính ngân hàng với tỷ lệ trích lập đã được hướng dẫn cụ thể bởi Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước.

Một phần của tài liệu QUẢN TRỊ RỦI RO TÍN DỤNG ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆPKINH DOANH BẤT ĐỘNG SẢN TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠICỔ PHẦN CÔNG THƯƠNG VIỆT NAM -CHI NHÁNH THÀNH PHỐ HÀ NỘI (Trang 28 - 30)