Môhình quản trị rủi ro tín dụng

Một phần của tài liệu QUẢN TRỊ RỦI RO TÍN DỤNG ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆPKINH DOANH BẤT ĐỘNG SẢN TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠICỔ PHẦN CÔNG THƯƠNG VIỆT NAM -CHI NHÁNH THÀNH PHỐ HÀ NỘI (Trang 44 - 46)

Mô hình quản trị RRTD là cách thức tổ chức quản lý, đo lường, kiểm soát RRTD nhằm khống chế RRTD trong một giới hạn cho phép theo nguyên tắc tối đa hóa lợi nhuận của TCTD.

Cụ thể hơn, mô hình quản trị RRTD chính là hệ thống các mô hình bao gồm mô hình tổ chức quản trị rủi ro, mô hình đo lường rủi ro và mô hình kiểm soát rủi ro được xây dựng và vận hành một cách đầy đủ, toàn diện và liên tục trong hoạt động quản lý tín dụng của ngân hàng.

Mô hình quản trị RRTD phản ánh một cách hệ thống các vấn đề cơ bản sau: (i) Các cơ chế, chính sách, quy trình nghiệp vụ để thiết lập các giới hạn hoạt động an toàn và các chốt kiểm soát rủi ro trong một quy trình thực hiện nghiệp vụ.

(ii) Các công cụ đo lường, phát hiện rủi ro.

(iii) Các hoạt động giám sát sự tuân thủ và nhận diện kịp thời các loại rủi ro mới phát sinh.

(iv) Các phương án, biện pháp chủ động phòng ngừa, đối phó một khi có rủi ro xảy ra.

Hiện nay ở Việt Nam đang có hai mô hình quản trị RRTD phổ biến được áp dụng. Đó là mô hình quản trị RRTD tập trung và mô hình quản trị RRTD phân tán với những ưu, nhược điểm đặc trưng.

a. Mô hình quản trị RRTD tập trung

Mô hình quản trị rủi ro tập trung là cách thức tổ chức quản trị rủi ro dựa trên nguyên tắc tập trung tại một bộ phận, quyền quyết định và quản trị rủi ro khoản vay tập trung ở Hội sở.

Một là, thông tin về hoạt động ngân hàng tập trung cao tại Hội sở trên cơ sở đó Hội sở có thể xây dựng, kiểm tra các mục tiêu và tầm nhìn chiến lược, xác định mô hình quản trị rủi ro tín dụng của ngân hàng.

Hai là, mô hình này có sự tách biệt một cách độc lập giữa 3 chức năng: quản trị rủi ro, kinh doanh và tác nghiệp. Theo đó, về tổ chức, phòng Tín dụng được thành lập thành 3 phòng hoặc 3 bộ phận khác nhau thể hiện 3 chức năng: kinh doanh, quản trị rủi ro và tác nghiệp. Sự tách biệt giữa 3 chức năng nhằm mục tiêu hàng đầu là giảm thiểu rủi ro ở mức thấp nhất đồng thời phát huy được tối đa kỹ năng chuyên môn của từng vị trí cán bộ làm công tác tín dụng.

Ba là, các quyết định vay vượt hạn mức đều tập trung vào quyết định cho vay của Hội sở, điều này sẽ hạn chế rủi ro cho toàn hệ thống. Mô hình quản trị RRTD tập trung giúp quản trị rủi ro một cách hệ thống trên quy mô toàn ngân hàng, đảm bảo tính cạnh tranh lâu dài. Bên cạnh đó, nó còn thiết lập và duy trì môi trường quản trị rủi ro đồng bộ, phù hợp với quy trình quản lý gắn với hoạt động của các bộ phận kinh doanh nâng cao năng lực đo lường giám sát rủi ro. Các hoạt động kinh doanh, tác nghiệp, quản trị RRTD được tách biệt hoàn toàn, độc lập với nhau.

Bốn là, mô hình quản lý tập trung phù hợp với ngân hàng quy mô lớn, nên trở thành xu hướng lựa chọn của các ngân hàng ngày nay.

Tuy nhiên, việc xây dựng và triển khai mô hình quản trị tập trung này đòi hỏi phải đầu tư nhiều công sức và thời gian, cần có tiềm lực tài chính mạnh để đầu tư vào hệ thống công nghệ và nhân lực có khả năng chuyên môn hóa trong công tác quản trị rủi ro tín dụng. Thêm vào đó, để thực hiện thành công thì đội ngũ cán bộ phải có kiến thức chuyên sâu, hệ thông công nghệ thông tin phải hiện đại, đủ mạnh về công suất và dung lượng để xử lý tập trung hoàn hảo mọi nghiệp vụ.

Mô hình này có nhược điểm là quy trình tín dụng sẽ trở nên cồng kềnh, phức tạp vì phải qua nhiều công đoạn, nhiều bộ phận, dẫn đến tốn nhiều thời gian.

b. Mô hình quản trị RRTD phân tán

Mô hình quản trị rủi ro phân tán là cách thức tổ chức hoạt động quản trị rủi ro tín dụng tản mát, ở nhiều bộ phận khác nhau, quyền quyết định và quản trị

rủi ro khoản vay không tập trung ở Hội sở mà dàn đều ở cấp cơ sở. Mô hình quản trị rủi ro tín dụng phân tán được hiểu là công tác thẩm định khách hàng, quản trị rủi ro của ngân hàng được thực hiện tại các chi nhánh riêng biệt. Hội sở chính chỉ có nhiệm vụ là chỉ đạo định hướng chungvà thẩm định những khách hàng vượt quá khả năng cho phép của chi nhánh.

Mô hình này chưa có sự tách bạch giữa chức năng quản trị rủi ro, kinh doanh và tác nghiệp. Trong đó, phòng tín dụng của ngân hàng thực hiện đầy đủ 3 chức năng và chịu trách nhiệm đối với mọi khâu chuẩn bị cho một khoản vay.

Khác với mô hình quản trị RRTD tập trung, cơ cấu tổ chức của mô hình quản trị RRTD phân tán gọn nhẹ, đơn giản hơn. Do đó, hồ sơ được giải quyết nhanh chóng, tiết kiệm thời gian cho khách hàng. Với những đặc điểm này mà mô hình phân tán hoàn toàn phù hợp với ngân hàng có quy mô nhỏ.

Mô hình phân tán cũng bộc lộ nhiều nhược điểm như cán bộ tín dụng vừa tiếp thị vừa thẩm định nên không có đánh giá khách quan, độc lập về tình hình khách hàng; chất lượng thẩm định yếu kém do tính chất công việc và kiến thức không chuyên sâu, không có đầy đủ cơ sở thông tin, nhiều công việc tập trung hết một nơi, thiếu sự chuyên sâu; việc quản lý hoạt động tín dụng đều theo phương thức từ xa dựa trên số liệu chi nhánh báo cáo lên hoặc quản lý gián tiếp thông qua chính sách tín dụng.

So sánh hai mô hình trên, đồng thời xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn của hoạt động tín dụng, theo khuyến cáo của ủy ban Basel và tuân thủ thông lệ quốc tế, căn cứ vào các điều kiện chung về pháp lý, thị trường, công nghệ, con người, mô hình mà các NHTM nên áp dụng là mô hình quản trị rủi ro tập trung.

Một phần của tài liệu QUẢN TRỊ RỦI RO TÍN DỤNG ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆPKINH DOANH BẤT ĐỘNG SẢN TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠICỔ PHẦN CÔNG THƯƠNG VIỆT NAM -CHI NHÁNH THÀNH PHỐ HÀ NỘI (Trang 44 - 46)