Sơ lược về UCP600

Một phần của tài liệu 1646 vận dụng UCP 600 giải quyết tranh chấp trong phương thức thanh toán tín dụng chứng từ tại các NHTM VN luận văn thạc sĩ kinh tế (FILE WORD) (Trang 28 - 29)

Vào năm 1933, lần đầu tiên Phòng Thương mại Quốc tế ban hành một bản quy tắc và thực hành thống nhất về tín dụng chứng từ (Uniform customs and Practice for Documentary Credit - UCP 600) nhằm đáp ứng nhu cầu của giới tài chính, ngân hàng cũng như các nhà xuất nhập khẩu về một văn bản quy định đầy đủ, dễ áp dụng và mọi người đều chấp nhận cho quy trình mở và thực hiện thanh toán theo thư tín dụng.

Cơ quan soạn thảo UCP của Phòng Thương mại quốc tế là Ủy ban Ngân hàng (Banking Comision) tập hợp các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực ngân hàng trên khắp thế giới với mục đích:

- Định nghĩa, đơn giản hóa, hòa hợp các kỹ thuật và tập quán hoạt động ngân hàng ở các vùng khác nhau.

- Đưa ra ý kiến của các ngân hàng với các tổ chức quốc tế, đặc biệt là ủy ban về luật mậu dịch quốc tế của Liên hiệp quốc (UNCITRA).

- Là nơi gặp gỡ các ngân hàng trên khắp thế giới thảo luận về các vấn đề cần quan tâm. Ủy ban tập hợp các thành viên từ các nước hội viên, họp hai lần mỗi năm, thường là tại Paris.

Kể từ năm 1933 - khi mà bản UCP đầu tiên được công bố, ICC đã tiến hành sửa đổi 7 lần vào các năm: 1951, 1962, 1974, 1983, 1993 và 2007.

Về nguyên tắc, việc sửa đổi UCP không tiến hành một cách thường xuyên, định kỳ mà căn cứ vào nhu cầu thực tế của các bên tham gia giao dịch L/C, phù hợp với sự

phát triển của các lĩnh vực liên quan như: công nghệ thông tin, bảo hiểm, vận tải, công nghệ ngân hàng... Hai lần sửa đổi năm 1993 (UCP 500) và 2007 (UCP600) là hai lần sửa đổi sâu sắc nhất, nhằm đáp ứng sự thay đổi về chiều sâu trong công nghệ tin học, công nghệ vận tải.. .đồng thời, có mục đích nhằm giảm thiểu các trường hợp bộ chứng từ bị từ chối thanh toán và các vụ kiện tụng liên quan đến L/C.

Văn bản UCP là văn bản mang tính chất pháp lý tùy ý, các bản sau là bản sửa đổi của bản trước đó, tuy vậy nhưng nó không làm mất đi tính hiệu lực của các bản quy tắc đã ban hành. Vì vậy, các bên tham gia giao dịch tín dụng chứng từ có quyền chọn lựa áp dụng một trong các bản quy tắc ấy. Sự tùy ý của UCP 600 thể hiện rõ rệt ở chỗ:

- Chỉ khi trong L/C có dẫn chiếu áp dụng UCP thì nó mới trở nên có hiệu lực pháp lý bắt buộc điều chỉnh các bên tham gia.

- Các bên có thể thỏa thuận không thực hiện hoặc thực hiện khác đi một số điều khoản quy định trong L/C; bổ sung thêm những điều khoản vào L/C mà UCP không đề cập.

- Nếu nội dung UCP có xung đột với luật quốc gia thì luật quốc gia được vượt lên trên về mặt pháp lý. Điều này hàm ý, phán quyết của tòa án địa phương có thể phủ nhận nội dung giao dịch bằng L/C.

- Trong giao dịch L/C, các bên trước hết phải tuân thủ các điều khoản của L/C, sau đó mới đến các điều khoản của UCP được áp dụng.

Do là văn bản pháp lý tùy ý nên ICC sẽ được miễn trách khi có sai sót, tổn thất phát sinh trong quá trình áp dụng. Các bên liên quan khi áp dụng UCP cần phải hiểu thấu đáo nội dung, sử dụng thành thạo kỹ thuật nghiệp vụ có liên quan.

Trên thực tế, hiện nay các ngân hàng, các nhà kinh doanh xuất nhập khẩu chủ yếu dẫn chiếu UCP 600 vào L/C, nên trong luận văn này, tác giả sẽ tập trung nghiên cứu ấn bản UCP 600.

Một phần của tài liệu 1646 vận dụng UCP 600 giải quyết tranh chấp trong phương thức thanh toán tín dụng chứng từ tại các NHTM VN luận văn thạc sĩ kinh tế (FILE WORD) (Trang 28 - 29)