UCP 600 là văn bản pháp lý tùy ý, đây là đặc trưng cơ bản nhất của văn bản này. Việc áp dụng hay không là hoàn toàn do các bên thỏa thuận.
UCP 600 có hiệu lực từ ngày 01/7/2007 và trở thành một văn bản pháp lý điều chỉnh thanh toán tín dụng chứng từ.
Khi xảy ra tranh chấp, các bên liên quan thường dựa vào các quy định của UCP 600 để xác định nghĩa vụ và quyền lợi của các bên. Neu vụ việc được đưa ra Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, UCP 600 - trong chừng mực mà các điều khoản của nó có thể
vận dụng, luôn được ủy ban xét xử sử dụng để đưa ra phán quyết hay quyết định cuối cùng.
Việc dẫn chiếu UCP 600 vào các thư tín dụng sau ngày 01/7/2007 là cơ sở pháp lý để vận dụng bản quy tắc này giải quyết các tranh chấp liên quan đến L/C đã mở. Trước đây các phán quyết của Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam chưa được tôn trọng đúng mức tại Việt Nam vì thiếu các văn bản pháp quy cần thiết của Nhà nước.
Nhưng với quyết định số 204 -TTG ngày 28/4/1993 của Thủ tướng Chính phủ, về Quyết định thành lập và phê duyệt điều lệ cả trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, cùng với việc Việt Nam phê duyệt công ước Newyork năm 1958 về thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài (có hiệu lực từ tháng 01/1996), những phán quyết trên đã trở thành quyết định mang tính chung thẩm, không thể kháng cáo trước bất cứ Tòa án hay tổ chức trọng tài tại Việt Nam và những nước tham gia công ước này.
Nhận thức về vai trò và trình độ vận dụng UCP 600 trong TTQT ở các doanh nghiệp kinh doanh XNK, các NHTM tại Việt Nam chưa tương xứng với mức độ phổ biến của việc sử dụng UCP 600. Nhiều cán bộ chỉ biết đây là một văn bản quan trọng, phải dẫn chiếu đến trong thư tín dụng chứ không biết dùng nó để bảo vệ quyền lợi của mình như thế nào. Thậm chí một số doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu còn cho rằng: một khi đã dẫn chiếu UCP 600 vào thư tín dụng thì mọi quyền lợi của doanh nghiệp sẽ được đảm bảo an toàn. Vì vậy, nhiều trường hợp các doanh nghiệp kinh doanh XNK Việt Nam, khi ký kết hợp đồng, yêu cầu mở thư tín dụng hay chấp nhận thư tín dụng, không biết cách để đưa vào những điều khoản bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, khi có tranh chấp xảy ra với phía nước ngoài thì không giải quyết nổi.
Khó có thể đưa ra con số chính xác về những vụ tranh chấp xảy ra ở các ngân hàng thương mại Việt Nam về việc sử dụng UCP 600, nhưng có thể khẳng định việc vận dụng UCP 600 còn nhiều vấn đề phải bàn. Nhiều cán bộ chỉ thuộc văn bản một
cách máy móc mà chưa thực sự hiểu được bản chất của các điều khoản UCP 600. Để làm được điều này thì rõ ràng là không đơn giản.
Hiện tại đến thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chưa có một hệ thống văn bản luật thực sự đi sâu và có thể điều chỉnh được hoạt động TTQT bằng L/C. Cái mà NHTM cần, cũng như các doanh nghiệp XNK rất cần đó là một văn bản hướng dẫn sử dụng UCP 600 áp dụng trong phạm vi hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Sự phát triển của quan hệ kinh tế nói chung và của thanh toán quốc tế bằng thư tín dụng nói riêng, ngày càng có nhiều tranh chấp xảy ra muôn hình, muôn vẻ. Nếu không hiểu biết sâu sắc về các điều khoản UCP nói chung và các văn bản pháp lý khác nói riêng thì các ngân hàng thương mại Việt Nam, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu sẽ không tránh khỏi vòng xoáy của các vụ lừa đảo tầm vóc quốc tế. Nó không chỉ ảnh hưởng đến mặt tài chính mà ảnh hưởng đến cả mặt uy tín, điều mà các ngân hàng không dễ gì xây dựng được.
Khả năng ứng dụng của UCP 600 được đánh giá ở tầm vĩ mô, khó có thể giải quyết được các tranh chấp trong thanh toán quốc tế bằng L/C nếu không dẫn chiếu văn bản áp dụng như UCP 600. Nhưng nếu chỉ sử dụng UCP 600 để giải quyết tranh chấp trong thanh toán quốc tế thì chưa đủ. Còn nếu các bên đều dựa vào luật quốc gia thì hậu quả sẽ rất phức tạp vì mỗi quốc gia đều có nguồn luật điều chỉnh riêng, tập quán riêng, thậm chí nhiều khi là đối lập. Chính vì thế, việc dẫn chiếu vào nguồn luật áp dụng cho tất cả các quốc gia là vô cùng cần thiết.