Để vận hành các giải pháp hoàn thiện công tác quản lý NSX ở phần trên có hiệu quả, cần thực hiện đồng bộ nhóm các giải pháp điều kiện sau đây:
3.2.3.1. Cần có các chính sách đầu tư phát triển nguồn thu ngân sách xã lâu dài, bền vững. Chính sách đầu tư nuôi dưỡng, phát triển nguồn thu ngân sách xã phải được thống nhất, đồng bộ từ trung ương đến địa phương
Đối với cấp trung ương: Cần ban hành cơ chế để cân đối các nguồn vốn đầu tư thích đáng cho các dự án đầu tư phát triển nông, lâm, ngư, nghiệp và điều chỉnh cơ cấu vốn đầu tư theo hướng ưu tiên cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Thực hiện chính sách ưu đãi hỗ trợ mở rộng cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh, cung ứng vật tư, máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất nông nghiệp ở khu vực nông thôn với các cơ chế chính sách như: trợ giá, trợ cước, lãi suất ưu đãi, bán trả góp... Đẩy mạnh triển khai ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ cho sản xuất nông nghiệp.
Đối với cấp tỉnh, cấp huyện: Phải tiến hành xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương một cách cân đối và hợp lý trong đó có quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của các xã, phường, thị trấn; thực hiện cải cách thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng, nguồn lực lao động nhằm tạo sức hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư vào đầu tư sản xuất kinh doanh trên địa bàn.
Ngân sách tỉnh, ngân sách huyện cần ban hành cơ chế hỗ trợ cho các dự án đầu tư phát triển nguồn thu ngân sách xã, nhất là đối với các xã nghèo để khai thác tiềm năng thế mạnh, phát triển sản xuất kinh doanh, tăng thu ngân sách xã, nâng cao đời sống cho nhân dân.
Đối với cấp xã: Cần xây dựng các dự án phát triển nguồn thu phù hợp với điều kiện tự nhiên, KT - XH của từng địa phương. Những xã thuần nông phải tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hoá, nuôi trồng thuỷ hải sản nhằm nâng cao thu nhập trên 1 đơn vị diện tích; từng bước mở mang ngành nghề mới, tận dụng có hiệu quả thời gian nông nhàn trong sản xuất nông nghiệp.
Những xã có chợ, bến đò, bến bãi cần tập trung mọi nguồn lực để đầu tư nâng cấp cải tạo, xây dựng mới theo quy hoạch nhằm khai thác triệt để thế mạnh của địa phương, tăng nguồn thu cho NSX.
Những xã có làng nghề truyền thống thì khôi phục, củng cố, phát triển ngành nghề, du nhập nghề mới, tạo môi trường thuận lợi khuyến khích các hộ đầu tư cho sản xuất tiểu thủ công nghiệp, vận tải, xây dựng, khai thác lâm, ngư nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản. Chủ động tiếp thị mở rộng thị trường, đẩy mạnh lưu thông hàng hoá trong và ngoài nước. Từng bước hình thành các cụm công nghiệp làng nghề vừa và nhỏ trên địa bàn các điểm tập trung đông dân cư, các thị trấn.
3.2.3.2. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra
Phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm ngăn chặn có hiệu quả những sai phạm trong quản lý tài chính NSX: Các cơ quan chức năng cần xây dựng kế hoạch kiểm tra thường xuyên, định kỳ hoặc đột xuất công tác quản lý tài chính NSX để kịp thời phát hiện, uốn nắn, xử lý các sai phạm và hướng dẫn các xã quản lý sử dụng ngân sách có hiệu quả; kiên quyết không để những vi phạm kéo dài, coi đây là một trong những giải pháp làm lành mạnh hoá tình hình tài chính NSX, góp phần ổn định trật tự xã hội ở nông thôn. Kiểm tra, giám sát bằng việc khảo sát và nắm bắt thực tế trên địa bàn về các nguồn thu để từ đó chỉ đạo việc lập dự toán sát với tình hình thực tế.
3.2.3.3. Cần có cơ chế xử lý nợ xây dựng cơ bản cho phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương
Tình hình công nợ XDCB của NSX luôn là vấn đề nan giải, phức tạp với số công nợ lớn. Để giải quyết vấn đề này cần có cơ chế xử lý nợ XDCB sát với tình hình thực tế ở từng địa phương nhằm giảm thiểu tối đa công nợ góp phần giải quyết những bất ổn có thể xảy ra. Điều này, đòi hỏi cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp nhất là chính quyền cơ sở cần chủ động tạo các nguồn nội lực của địa phương kết hợp với cơ chế hỗ trợ của các cấp để từng bước giảm dần công nợ, lành mạnh hoá tài chính NSX:
Thứ nhất, Chính quyền cơ sở chủ động tạo nguồn trả nợ trước mắt cũng như lâu dài thông qua khai thác triệt để các tiềm năng, thế mạnh của địa phương và tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ từ quỹ xoá đói giảm nghèo, quỹ đầu tư phát triển để tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng thu NSX, tăng khả năng thanh toán công nợ. Có các giải pháp hữu hiệu, đồng bộ, kiên quyết đối với các đối tượng chây ỳ, nợ đọng thuế; tích cực chỉ đạo công tác thu, phấn đấu vượt thu dành nguồn để trả nợ đầu tư XDCB.
Thứ hai, Kiểm tra, rà soát xác định chính xác phân loại chi tiết từng hạng mục công trình, từng nguồn vốn. Hoàn chỉnh thủ tục hồ sơ thanh quyết toán công khai trong đội ngũ cán bộ chủ chốt tạo sự thống nhất đồng tình của tập thể lãnh đạo xã. Công trình do nhân dân đóng góp đã được Hội đồng nhân dân xã quyết định, phải công khai quyết toán với nhân dân, báo cáo rõ với dân số tiền đã đóng góp, số tiền còn thiếu phải huy động để dân biết và có lịch trình huy động cụ thể. Công trình đầu tư từ nguồn NSX thì căn cứ vào thu của NSX và tiết kiệm chi thường xuyên để cân đối và bố trí vốn trả nợ hàng năm. Công trình xây dựng từ nguồn vốn vay thì chính quyền xã phải chủ động gặp các chủ nợ để bàn bạc tháo gỡ theo hướng trả gốc trước, trả lãi sau và điều chỉnh mức lãi suất phù hợp với thực tế, ưu tiên trả nợ dân trước.
3.2.3.4. Cần có chính sách để củng cố tăng cường bộ máy tổ chức và cán bộ quản lý tài chính ngân sách xã
Ở cấp huyện: Phòng TCKH là cơ quan có trách nhiệm hướng dẫn các UBND xã xây dựng dự toán ngân sách hàng năm theo chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của Sở Tài chính; hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý, thực hiện chế độ kế toán, thẩm tra quyết toán NSX; Phối hợp với các cơ quan thu thuế trong việc quản lý công tác thu ngân sách nhà nước trên địa bàn theo quy định của pháp luật. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, cán bộ quản lý NSX chuyên trách của Phòng Tài chính cần được bố trí đủ biên chế, có trình độ chuyên môn, am hiểu, nắm vững các điều kiện tự nhiên, xã hội và các yếu tố ảnh hưởng đến công tác quản lý ngân sách ở từng xã; có khả năng hướng dẫn kế toán xã thực hiện chế độ quản lý tài chính ngân sách theo quy định, hướng dẫn kế toán xã thực hiện tốt phần mềm kế toán xã; giải quyết những vướng mắc về chế độ chính sách lĩnh vực tài chính trong những tình huống thực tế diễn ra ở xã. Rà soát lại toàn bộ đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý NSX về năng lực, trình độ để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và có chế độ sử dụng lâu dài. Những cán bộ không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ hoặc những xã nhiều năm liền không hoàn thành thu ngân sách kiên quyết thay thế.
Ở cấp xã: Ngoài Ban Tài chính xã được tổ chức theo quy định, mỗi xã cần có sự phối hợp giữa Ban Tài chính với đại diện của một số tổ chức chính trị xã hội ở xã và đội ngũ trưởng thôn xóm; Thông qua các hội nghị triển khai chế độ chính sách, kế hoạch, phương án thu ngân sách để giúp UBND xã trong tư vấn xác định mức thuế, mức thầu; xét miễn giảm, tổ chức đôn đốc công tác thu nộp ngân sách; xem xét các đề án xây dựng, mục đích huy động để thông qua chủ trương vận động thu đóng góp của nhân dân.
Cán bộ của Ban Tài chính xã hàng năm phải được bồi dưỡng tập huấn về nghiệp vụ quản lý NSX, cơ chế chính sách liên quan đến công tác tài chính ngân sách và những vấn đề cơ bản quản lý nhà nước của chính quyền cơ sở. Việc bố trí công chức kế toán xã phải thực hiện theo Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, Theo đó: kế toán xã phải có bằng cấp chuyên môn từ trung
cấp tài chính kế toán trở lên; những xã có quy mô lớn, quản lý phức tạp cần bố trí 02 người làm công tác tài chính xã; các tỉnh cần có cơ chế khuyến khích những người tốt nghiệp đại học chính quy, đúng chuyên ngành về công tác ở xã; cần có cơ chế đào đánh giá năng lực, trình độ chuyên môn của kế toán xã, gắn với việc điều chuyển, bố trí công tác phù hợp năng lực công chức; Việc phân bổ dự toán NSX hàng năm nên tăng kinh phí đào tạo, tạo điều kiện để cán bộ xã được đào tạo và đào tạo lại để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn, nhất là trình độ tin học để ứng dụng thực hiện hiện đại hoá và cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính ngân sách theo chương trình của Chính phủ.
3.2.3.5. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý ngân sách xã
Trong giai đoạn hiện nay, công nghệ thông tin đang phát triển rất nhanh chóng. Hoạt động quản lý tài chính, ngân sách ngày càng đòi hỏi cao hơn về tính kịp thời và chính xác. Do vậy, việc ứng dụng tin học vào công tác quản lý kinh tế tài chính là rất cần thiết.
Trong những năm qua, huyện Trực Ninh đã áp dụng CNTT trong công tác quản lý và điều hành ngân sách. Song mới chỉ dừng ở việc in ấn chứng từ và cập nhật số liệu, phần mềm còn gặp nhiều lỗi, hệ thống chưa được kết nối đồng bộ với các cấp, các ngành. Người quản lý (Chủ tài khoản) chưa quản lý trực tiếp nội dung này qua hệ thống, một số xã chưa kết nối hệ thống với cấp trên (chưa có Internet), vẫn sử dụng việc báo cáo theo cách truyền thống bằng giấy tờ trước đây, điều này dẫn đến chưa kịp thời và độ chính xác không cao do phải tính toán bằng phương pháp thủ công.
Các cấp ngân sách và các ngành, các cơ quan liên quan phải có sự phát triển tin học một cách đồng bộ, thường xuyên nâng cao chương trình, đổi mới thiết bị, đồng thời nâng cao trình độ của người sử dụng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công tác quản lý để đảm bảo tính kịp thời và chính xác.