a) Nâng cao chất lượng tài sản:
Điều đầu tiên trong việc nâng cao chất lượng tài sản là phải xử lý nợ xấu dứt điểm không để nợ xấu tồn tại kéo dài trên bảng cân đối kế toán của ngân hàng. Trước hết, chi nhánh cần tự thực hiện bằng năng lực của mình thông qua việc thành lập ban chỉ đạo nợ xấu tại chi nhánh để đẩy mạnh công tác xử lý thu hồi nợ. Đối với nợ nhóm 5, biện pháp xử lý chủ yếu là bằng quỹ DPRR, tận thu nợ, bán phát mại tài sản, khởi kiện . . . Đối với nợ nhóm 3 và nợ nhóm 4 thì biện pháp xử lý chủ yếu là tự thu nợ, cơ cấu lại các khoản nợ đủ điều kiện theo quy định của ngân hàng, bán phát mại tài sản, khởi kiện. Ngoài ra, chi nhánh cũng có
thể chuyển toàn bộ nợ xấu sang một công ty chuyên trách tiếp nhận và xử lý nợ xấu. Còn đối với các khoản nợ cho vay chính sách, chỉ định, theo kế hoạch nhà nước, nợ đã được Chính phủ cho phép khoanh, giãn nhưng khách hàng chưa trả được thì chuyển sang ngân hàng chính sách xã hội hoặc công ty mua bán nợ của bộ tài chính để thu hồi xử lý bằng nguồn ngân sách.
Song song với các biện pháp xử lý nợ xấu, việc thực thi các biện pháp nâng cao chất lượng tín dụng cũng như các hoạt động kiểm soát tín dụng là một việc làm rất quan trọng để hạn chế phát sinh các khoản nợ không sinh lời.Để tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hoạt động tín dụng, việc giao kế hoạch kinh doanh sẽ dựa trên chi tiết từng danh mục cho vay ngay từ đầu năm.Như vậy, hoạt động quản lý tín dụng của chi nhánh phải được thực hiện chi tiết đến từng ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh, từng khu vực và từng loại hình sản phẩm. Chi nhánh cần tuân thủ tuyệt đối quy trình tín dụng, cương quyết xử lý những biểu hiện vi phạm kỉ luật điều hành, nâng cao chất lượng thông tin, báo cáo trong quản trị điều hành; lựa chọn các khách hàng loại A*, A, các dự án có chất lượng tốt.
Như vậy với các giải pháp đồng bộ trong việc xử lý nợ xấu và kiểm soát tăng trưởng tín dụng, đa dạng hoá danh mục cho vay thì Vietinbank Sông Công có thể cải thiện được chất lượng tài sản trong thời gian tới, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập hiện nay.
b)Nâng cao khả năng sinh lời
Khả năng sinh lời của tín dụng bán lẻ nằm ở giải pháp nâng cao doanh thu và quản lý hiệu quả chi phí, do vậy Ngân hàng cần có những biện pháp cụ thể để kết quả kinh doanh.
*) Nâng cao doanh thu từ hoạt động tín dụng bán lẻ:
Hiện nay hoạt động tín dụng luôn vấp phải sự canh tranh gay gắt, nhưng mỗi ngân hàng cần nhận định rằng sự quyết định việc khách hàng đi hay ở lại với chúng ta không đơn thuần là sự cạnh tranh về giá mà là về nhiều đánh giá vô hình (Chất lượng phục vụ, tiện ích sản phẩm, thái độ nhân viên, ...)
Để đẩy cao doanh thu tín dụng việc giảm giá (lãi suất) quá sâu để cạnh tranh là bất đắc dĩ. Neu so mặt bằng lãi suất trên thị trường, mỗi ngân hàng có cách tính lãi riêng, không có nghĩa lãi suất được chào mức giá thấp thì khách hàng đã có lợi. Những khách hàng mới nhiều khi đắn đo về lãi suất tuy nhiên lúc này cán bộ ngân hàng cần thể hiện vai trò cầu nối tư vấn để khách hàng hiểu được rằng lợi ích khách hàng được nhận còn nhiều hơn so với chi phí lãi họ hàng đã bỏ ra. Việc hiểu và quan tâm khách hàng mới chính là cách để giữ chân khách hàng.
Một số biện pháp nâng cao doanh thu từ tín dụng bán lẻ:
- Tích cực khai thác khách hàng tại thị trường Phổ Yên, tận dụng cơ hội cho vay trong giai đoạn hoạt động của SamSung có chuyển biến tích cực. (Cho vay công nhân lao động, cho vay hộ kinh doanh dịch vụ, cho vay cá nhân kinh doanh lĩnh vực vận tải hành khách,...)
- Khai thác nguồn khách hàng hiện có tại chi nhánh: Khách hàng tiền gửi, khách hàng sử dụng sản phẩm thẻ, khách hàng nhận lương qua Ngân hàng Công thương, khách hàng đã từng có quan hệ tín dụng với chi nhánh nhưng hiện tại đã hết dư nợ. Không để khách hàng trong dữ liệu sẵn có của ngân hàng sử dụng sản phẩm của ngân hàng khác.
- Mở rộng các đơn vị chi lương đặc biệt là đối với các doanh nghiệp FDI (đây là những đơn vị sở hữu lượng nhân công lớn, mức thu nhập chi trả cho lao động tương đối cao). Từ đây Chi nhánh có thể triển khai sản phẩm cho vay tín chấp lương, phát hành thẻ tín dụng, cho vay các sản phẩm tiêu dùng hay kinh doanh khác, ....
- Tích cực triển khai sản phẩm thẻ tín dụng. Hiện tại Vietinbank Sông Công chủ yếu phát hành thẻ cho cán bộ công nhân viên Chi nhánh và các đơn vị sự nghiệp công lập. Dư địa để phát triển mảng thẻ tín dụng còn rất lớn mà sản phẩm cho vay qua thẻ tín dụng mang lại nguồn lợi nhuận rất lớn cho ngân hàng với mức lãi suất cao, và chi phí phục vụ thấp. Do vậy, thay vì cho vay theo hình thức truyền thống thông thường, NHCT Sông Công có thể mở rộng hình thức cho vay qua thẻ
tín dụng, đây là triển vọng phát triển không mới nhưng lại còn nhiều tiềm năng khai thác.
*) Kiểm soát chi phí từ hoạt động tín dụng bán lẻ
- Tại thời điểm đầu năm 2019, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam đã thay đổi chính sách giá mua bán vốn, đối với những khoản vay áp dụng chương trình ưu đãi lãi suất thì chi nhánh vẫn phải chịu giá mua bán như khoản vay thông thường. Như vậy việc áp dụng tràn lan chương trình ưu đãi khiến chi phí tín dụng tăng lên, ảnh hưởng đến hiệu quả cho vay. Do vậy, tùy đối tượng khách hàng cho vay, tùy chính sách thu hút khách hàng, ban lãnh đạo chi nhánh nên linh hoạt mức lãi suất đảm bảo vẫn thu hút được khách hàng và mang lại hiệu quả khi cho vay.
- Việc cho vay cần phải đi liền với kiểm soát khoản vay, không vì tăng trưởng quy mô thị phần mà bỏ qua chất lượng tín dụng. Khách hàng bán lẻ tuy dư nợ không lớn nhưng lại lẻ tẻ và phân tán, đòi hỏi cán bộ tín dụng cần bám sát khách hàng, khoản vay, xử lý kịp thời ngay khi có dấu hiệu rủi ro. Đặc thù tín dụng bán lẻ số lượng khoản vay lớn, phát sinh nhiều do vậy công tác thẩm định khách hàng đôi khi chủ quan, thiếu thận trọng dẫn đến khoản vay được cấp ra mang nhiều rủi ro. Vì vậy, công tác thẩm định trước khi cho vay và kiểm tra sau cho vay cần được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ đúng quy trình của NHCT Việt Nam, đảm bảo hạn chế tối đa rủi ro trong cho vay bán lẻ.