Điều kiện thực hiện hoạt động giám sát các công ty chứng khoán

Một phần của tài liệu HOÀN THIỆN HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CÁC CÔNG TY CHỨNG KHOÁN TẠI VIỆT NAM LUẬN VĂN THẠC SĨ KINH TẾ (Trang 36 - 40)

1.2.6.1. Cơ sở pháp lý giám sát các công ty chứng khoán

Cơ sở pháp lý hoàn thiện luôn là điều kiện tiền đề và là công cụ để hoạt động giám sát đạt kết quả tốt. Ở các TTCK phát triển, lịch sử phát triển hàng trăm năm đã giúp các thị trường này hoàn thiện về mọi mặt, nhất là hệ thống pháp lý. Ở các thị trường mới nổi như Việt Nam, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, tạo ra khuôn khổ pháp lý cho TTCK nói chung và CTCK nói riêng luôn được đặt ra cấp bách và song hành với sự phát triển của thị trường.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật bao gồm:

- Các văn bản luật như: hiến pháp, luật, và nghị quyết.

- Các văn bản dưới luật như: pháp lệnh, nghị quyết; lệnh, quyết định; nghị định; quyết định; nghị quyết, thông tư.

Một hệ thống pháp lý hoàn thiện sẽ là cơ sở để xác định các hành vi vi phạm, các nguyên tắc ứng xử giữa các chủ thể giám sát, giữa chủ thể giám sát với đối tượng giám sát, trên cơ sở đó, xử lý và cưỡng chế thực thi. Bên cạnh đó, khi hệ thống pháp lý hoàn thiện hơn, bản thân các đối tượng giám sát sẽ phải có ý thức

tuân thủ pháp luật tốt hơn hoặc hạn chế cơ hội “lách luật”. về mặt hành vi, tất yếu đối tượng giám sát sẽ vi phạm pháp luật khi họ thấy có cơ hội kiếm lời mà khả năng bị phát hiện là thấp. Ngược lại, nếu khả năng vi phạm bị phát hiện là cao thì hoạt động giám sát sẽ đạt được mục tiêu đặt ra.

Cơ sở pháp lý tạo khuôn khổ cho giám sát CTCK không chỉ giới hạn trong Luật Chứng khoán mà còn được quy định tại nhiều đạo luật chuyên ngành khác.

1.2.6.2. Mô hình và chủ thể giám sát các công ty chứng khoán a) Mô hình giám sát các công ty chứng khoán

Các nước trên thế giới có những lựa chọn mô hình giám sát khác nhau. Việc lựa chọn mô hình giám sát nào còn tùy thuộc vào bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội, đặc biệt là cấu trúc và trình độ phát triển của hệ thống tài chính của mỗi quốc gia. Tuy nhiên với mô hình nào, các cơ quan giám sát chứng khoán cũng đều hướng tới mục tiêu chung là an toàn và ổn định tài chính, công khai minh bạch và bảo vệ nhà đầu tư trên TTCK. Việc xây dựng được mô hình giám sát phù hợp sẽ giúp việc giám sát có hiệu quả tốt nhất.

Hiện nay trên thế giới tồn tại bốn mô hình giám sát đó là: mô hình giám sát theo thể chế, mô hình giám sát theo chức năng, mô hình giám sát lưỡng đỉnh và mô hình giám sát hợp nhất để giám sát thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng (trong đó có các công ty chứng khoán).

Mô hình giám sát theo thể chế: Mô hình giám sát theo thể chế dựa trên cách tiếp cận truyền thống, theo đó tình trạng pháp lý của tổ chức tài chính sẽ quyết định cơ quan quản lý nào có nhiệm vụ giám sát hoạt động của nó. Một khi được đăng ký, tổ chức đã trở thành chủ thể cho một cơ quan giám sát nhất định, ngay cả khi nó mở rộng hoạt động ra ngoài giới hạn được xác định ban đầu. Một công ty kinh doanh dịch vụ chứng khoán sẽ được đăng ký trở thành công ty chứng khoán và chịu sự giám sát của cơ quan giám sát chứng khoán, ngay cả khi nó mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực khác.

Mô hình giám sát theo chức năng: Mô hình giám sát theo chức năng là mô hình trong đó việc xác định chủ thể giám sát phụ thuộc vào hoạt động kinh doanh

của tổ chức tài chính mà không quan tâm tới hình thức pháp lý của tổ chức tài chính đó. Như vậy, nếu một tổ chức tài chính cung cấp dịch vụ trên nhiều lĩnh vực thì nó sẽ chịu sự giám sát từ nhiều cơ quan khác nhau.

Mô hình giám sát lưỡng đỉnh: Mô hình giám sát lưỡng đỉnh dựa trên nguyên tắc giám sát theo mục tiêu, dẫn đến sự phân chia chức năng giám sát đối với hai cơ quan: một cơ quan giám sát cẩn trọng với chức năng giám sát an toàn (prudent) và một cơ quan tập trung vào giám sát hoạt động kinh doanh (conduct-of-business) nhằm bảo vệ lợi ích cho khách hàng.

Mô hình giám sát hợp nhất: Khác với ba mô hình giám sát tài chính trên, mô hình giám sát hợp nhất chỉ bao gồm một cơ quan giám sát duy nhất chịu trách nhiệm giám sát toàn bộ các trung gian và thị trường thuộc lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm.

b) Chủ thể giám sát các công ty chứng khoán

Chủ thể giám sát các CTCK là tổ chức thực hiện chức năng giám sát, gồm nhiều bộ phận, có chức năng giám sát việc thành lập và hoạt động của các đối tượng giám sát trên TTCK, từ đó, có những biện pháp xử lý hoặc kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Tùy vào mô hình giám sát của từng nước, chủ thể giám sát có thể có những đặc thù riêng nhưng tại hầu hết các TTCK phát triển, chủ thể giám sát là UBCK hoặc các cơ quan giám sát tài chính có chức năng tương đương.

Chủ thể giám sát cùng với các quy định của pháp luật, quy chế của các tổ chức tự quản tham gia giám sát, các chỉ tiêu giám sát và các công cụ hỗ trợ tạo thành hệ thống giám sát. Để nghiên cứu giám sát các CTCK trên TTCK, cần tìm hiểu mô hình của hệ thống giám sát.

1.2.6.3. Thông tin giám sát các công ty chứng khoán a) Hệ thống chỉ tiêu giám sát và phần mềm giám sát

Hệ thống chỉ tiêu giám sát là công cụ hỗ trợ cho việc giám sát các CTCK. Hoạt động giám sát sẽ càng hiệu quả và phát triển khi có một hệ thống chỉ tiêu giám sát hoàn thiện và được ứng dụng tốt. Hệ thống chỉ tiêu là các quy định nhằm định

lượng được các dấu hiệu, qua đó có thể nhận biết được những dấu hiệu bất ổn đối với các CTCK.

Để việc giám sát có hiệu quả cao cũng cần có một phần mềm giám sát hiện đại, trong đó các chỉ tiêu giám sát đã được cài đặt sẵn và tự động đưa ra các cảnh báo khi các chỉ tiêu phản ánh dưới mức quy định.

b) Hệ thống quản lý thông tin của các CTCK

Hệ thống quản lý thông tin của các CTCK đảm bảo chất lượng và hiệu quả sẽ là một yếu tố tác động tích cực đến chất lượng hoạt động giám sát của cơ quan giám sát. Thông tin do các CTCK cung cấp đòi hỏi phải đầy đủ, kịp thời và chính xác vì đây là cơ sở để cơ quan giám sát có những đánh giá ban đầu đúng đắn. Sự che dấu thông tin, làm sai lệch nguồn thông tin sẽ dẫn đến các nguy cơ về mất an toàn và thiếu lành mạnh trong hoạt động của các CTCK, có thể dẫn đến đổ vỡ gây ra những ảnh hưởng xấu đến niềm tin của nhà đầu tư đối với hệ thống các CTCK nói riêng và hoạt động của TTCK nói chung.

1.2.6.4. Trình độ của cán bộ giám sát

Cơ quan giám sát là bộ máy thực hiện chức năng giám sát, trong đó cốt lõi của bộ máy là con người. Trong điều kiện TTCK phát triển, hệ thống pháp lý khá đồng bộ, mô hình giám sát được xác lập và hoàn thiện, sự phát triển và hiệu quả giám sát TTCK phụ thuộc vào năng lực của cơ quan giám sát trong đó chủ yếu là trình độ của cán bộ giám sát. Trình độ của cán bộ giám sát được thể hiện không chỉ là trình độ của từng cán bộ riêng lẻ, mà đó là trình độ chung của toàn bộ đội ngũ cán bộ giám sát trong hoạt động giám sát của cơ quan giám sát đối với các CTCK, đồng thời là sự phối hợp, đào tạo và hỗ trợ lẫn nhau giữa các cán bộ giám sát.

1.2.6.5. Cơ chế tài chính cho hoạt động giám sát công ty chứng khoán

Với mục tiêu về hiệu quả giám sát và yêu cầu về năng lực của chủ thể giám sát, kinh phí để đáp ứng những mục tiêu và yêu cầu trên cũng đòi hỏi phải tương ứng. Nếu không có nguồn kinh phí đủ lớn thì tất cả các yếu tố trên không thể thực hiện được, tức là sẽ không có nguồn nhân lực tốt, không có hệ thống hỗ trợ và công cụ để giám sát.

Kinh phí cho giám sát là bài toán về vấn đề chi phí - lợi ích. Neu chỉ xem xét số tiền thu được từ xử phạt vi phạm thì lợi ích của giám sát công ty chứng khoán không đáng kể. Tuy nhiên, nếu nhìn xa hơn, lợi ích của giám sát là rất lớn, đứng cả trên giác độ lợi ích của cơ quan quản lý và lợi ích của mọi đối tượng tham gia thị trường, đó là một TTCK công bằng, công khai, hiệu quả, bảo vệ lợi ích nhà đầu tư.

1.2.6.6. Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan tổ chức có liên quan trong hoạt động giám sát các công ty chứng khoán

Điều kiện cuối cùng nhưng rất quan trọng, đó là cơ chế phối hợp giữa các cơ quan tổ chức liên quan. Mặc dù các CTCK chịu sự giám sát của cơ quan giám sát chứng khoán, tuy nhiên đối với các tập đoàn tài chính bao gồm cả công ty chứng khoán, NHTM và công ty bảo hiểm do đó thực chất còn chịu giám sát từ Ngân hàng Trung ương và Cơ quan giám sát bảo hiểm. Như vậy việc đưa ra cơ chế phối hợp giữa các cơ quan tổ chức có liên quan trong hoạt động giám sát các CTCK sẽ giúp cho cơ quan giám sát trực tiếp tận dụng được các nguồn thông tin đa chiều cho hoạt động giám sát.

Một phần của tài liệu HOÀN THIỆN HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CÁC CÔNG TY CHỨNG KHOÁN TẠI VIỆT NAM LUẬN VĂN THẠC SĨ KINH TẾ (Trang 36 - 40)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(131 trang)
w