Kết quả đạt được

Một phần của tài liệu HOÀN THIỆN HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CÁC CÔNG TY CHỨNG KHOÁN TẠI VIỆT NAM LUẬN VĂN THẠC SĨ KINH TẾ (Trang 93 - 96)

2.3.1.1. Hoàn thiện dần khuôn khổ pháp lý về quản lý và giám sát các CTCK

Từ thực tế của hoạt động giám sát, hoạt động triển khai các văn bản pháp luật về giám sát CTCK, các cơ quan quản lý nhận thấy những điểm bất cập, thiếu sót đã tạo ra lỗ hổng về pháp lý. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính, UBCKNN đã liên tục ban hành các văn bản mới nhằm “trám” lỗ hổng, đồng thời hoàn thiện để khuôn khổ luật pháp phù hợp với sự phát triển của thị trường. Cụ thể như sau:

- Đưa ra chỉ tiêu an toàn tài chính thay thế hữu hiệu cho chỉ tiêu Vốn khả dụng/Tổng nợ điều chỉnh tại Thông tư 226/2010/TT-BTC ngày 31/12/2010. Chỉ tiêu này lượng hóa hết các rủi ro cơ bản trong hoạt động kinh doanh của mình bao gồm rủi ro hoạt động, rủi ro thanh toán và rủi ro thị trường, khắc phục được hạn chế của chỉ tiêu Vốn khả dụng/Tổng nợ điều chỉnh.

- Thông tư 165/2012-BTC sửa đổi Thông tư 226/2010/TT-BTC về chỉ tiêu an toàn tài chính, rút ngắn thời gian kiểm soát đặc biệt từ 6 tháng xuống 4 tháng, nâng

cao vai trò của kiểm toán trong việc đảm bảo tính chính xác của tỷ lệ an toàn tài chính. Thông tư cũng bổ sung thêm hình thức cưỡng chế mới là sau thời gian kiểm soát đặc biệt có thể đình chỉ hoạt động 2 tháng hoặc tạm dừng hoạt động vĩnh viễn (áp dụng Luật Doanh nghiệp). Đây là hình thức rút giấy phép hoạt động trên thực tế.

- Quyết định số 105/QĐ-UBCK ngày 28/2/2013 của UBCKNN ban hành Quy chế hướng dẫn thiết lập hệ thống và thực hiện quản trị rủi ro cho CTCK nhằm đảm bảo ngăn chặn, hạn chế một cách hiệu quả những tổn thất do rủi ro gây ra. Quy trình quản trị rủi ro của một CTCK bao gồm các nội dung sau: Xác định rủi ro; Đo lường rủi ro; Theo dõi rủi ro; Báo cáo rủi ro; Xử lý rủi ro.

Sau khi đánh giá và tổng kết rủi ro, CTCK phải áp dụng các biện pháp xử lý thích hợp với những rủi ro gặp phải. Các bước cần thiết để lựa chọn và thực hiện các biện pháp xử lý rủi ro: Xác định các biện pháp ứng phó sẵn có; Đánh giá ưu và nhược điểm của mỗi biện pháp xử lý, trong đó có việc phân tích chi phí lợi ích, phân tích sử dụng ngân sách; Xây dựng kế hoạch xử lý, trong đó có trách nhiệm thực hiện kế hoạch, tiến độ thực hiện, kết quả dự báo, hoạch định và xem xét nguồn lực tài chính và thủ tục đánh giá; Thực hiện kế hoạch xử lý. Sau khi đã tiến hành xử lý rủi ro, nếu còn có các rủi ro chưa tính đến, các thủ tục tương ứng phải được lặp đi lặp lại cho đến khi rủi ro nằm trong mức độ có thể chấp nhận được.

- Quyết định số 617/QĐ-UBCK ngày 09/10/2013 của UBCKNN ban hành Quy chế hướng dẫn xếp loại CTCK theo tiêu chuẩn CAMEL nhằm phân loại, đánh giá một cách toàn diện hoạt động của các CTCK, trên cơ sở đó hỗ trợ cho UBCKNN trong công tác quản lý, giám sát hoạt động của các công ty này. Phân loại CTCK theo chuẩn CAMEL gồm 5 tiêu chí: Mức độ đủ vốn (C), chất lượng tài sản (A), chất lượng quản trị (M), khả năng sinh lời (E) và chất lượng thanh khoản (L).

- Chế tài xử phạt các hành vi vi phạm cũng được nâng cao nhằm nâng cao tính kỷ luật của thị trường. Thông tư liên tịch số 10 giữa Bộ Tư pháp -Bộ Công an- Tòa án Nhân dân tối cao- Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao- Bộ Tài chính đã hướng dẫn việc xử lý hình sự đối với 3 tội, trong đó có tội cố ý thông tin sai lệch hoặc che

giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán. Thêm vào đó Nghị định 108 áp dụng từ 15/11/2013 tăng mức phạt trên TTCK lên cao nhất 2 tỷ đồng.

Với việc củng cố và tăng cường thêm quyền hạn của UBCKNN trong công tác giám sát trên TTCK đã góp phần đảm bảo tính hiệu quả của công tác ngăn ngừa, phát hiện và xử lý vi phạm khi các hành vi vi phạm có xu hướng diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp hơn.

2.3.1.2. Thanh lọc hệ thống CTCK

Tính đến tháng 6/2017, có 24 CTCK đã được tái cấu trúc, rút lui khỏi thị trường dưới các hình thức như giải thể, tạm ngừng hoạt động, kiểm soát, kiểm soát đặc biệt hoặc từng bước rút các nghiệp vụ kinh doanh. Tuy mới chỉ giải thể, thu hồi giấy phép hoạt động của 4 công ty nhưng số công ty trong diện đình chỉ, tạm ngừng hoạt động, rút nghiệp vụ, kiểm soát đặc biệt đều là những công ty chỉ còn tồn tại pháp nhân để giải quyết các nghĩa vụ nợ, trên thực tế thì những công ty này không còn hoạt động kinh doanh. Kết quả của quá trình tái cấu trúc các CTCK của UBCK tính đến tháng 6/2017 là: có 3 CTCK tự nguyện giải thể, 3 CTCK chấm dứt hoạt động, 2 CTCK hợp nhất, 2 CTCK bị đình chỉ hoặc tạm ngừng hoạt động, 5 CTCK bị kiểm soát đặc biệt, 1 CTCK bị kiểm soát và 12 CTCK bị rút nghiệp vụ.

2.3.1.3. Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giám sát

Việc thực hiện quy định về công bố thông tin trên Cổng thông tin điện tử của UBCKNN và gửi báo cáo cho UBCKNN thời gian qua được các CTCK thực hiện chủ yếu bằng văn bản, với một lượng lớn thông tin phải công bố, các công ty đã gặp không ít khó khăn. Trước thực tế đó, nhằm hỗ trợ các công ty trong việc công bố thông tin ra thị trường, giúp các công ty giảm tải khó khăn, tránh sự chậm trễ trong việc công bố và báo cáo, UBCKNN đã xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý công ty chứng khoán (Securities Company Management System - SCMS).

Việc UBCKNN đang nghiên cứu để triển khai đưa vào hoạt động Hệ thống SCMS cho thấy việc ứng dụng công nghệ thông tin trên thị trường chứng khoán là cấp thiết, thể hiện nỗ lực của UBCKNN trong thực hiện mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát thị trường, đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững của thị trường

chứng khoán, phù hợp với yêu cầu hoạt động và phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng tiếp cận với thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Mục tiêu của Hệ thống SCMS trong giai đoạn đầu là xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đồng bộ về thông tin, dữ liệu các CTCK và các đơn vị liên quan cung cấp để phục vụ cho công tác quản lý và giám sát tại UBCKNN. Hệ thống SCMS được đưa vào hoạt động đã hỗ trợ tích cực và có hiệu quả trong công tác chuyên môn của Vụ Quản lý kinh doanh, đặc biệt đã rút ngắn thời gian xử lý dữ liệu. Dữ liệu do các CTCK cung cấp được xử lý và đưa vào hệ thống một cách tự động, tạo nên một hệ thống cơ sở dữ liệu đầy đủ. Nhờ Hệ thống SCMS, cán bộ giám sát có thể tra cứu và trích xuất các dữ liệu đầu vào một cách có hệ thống, thống kê giao dịch theo nhiều tiêu chí để có thể đánh giá và phát hiện các dấu hiệu bất thường, xem xét các cảnh báo các hiện tượng bất thường đối với các CTCK.

Một phần của tài liệu HOÀN THIỆN HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CÁC CÔNG TY CHỨNG KHOÁN TẠI VIỆT NAM LUẬN VĂN THẠC SĨ KINH TẾ (Trang 93 - 96)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(131 trang)
w