Hạn chế và nguyên nhân

Một phần của tài liệu HOÀN THIỆN HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CÁC CÔNG TY CHỨNG KHOÁN TẠI VIỆT NAM LUẬN VĂN THẠC SĨ KINH TẾ (Trang 96 - 100)

2.3.2.1. Hạn chế

Mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định, nhưng hoạt động giám sát các công ty chứng khoán ở nước ta vẫn còn những hạn chế, biểu hiện là:

- Khuôn khổ pháp lý trong hoạt động giám sát vẫn còn một số bất cập

Việc xác định các khoản dự phòng các khoản đầu tư tài chính của CTCK còn gặp khó khăn do các quy định hiện hành về chế độ kế toán và phương pháp xác định giá trị các tài sản tài chính, các nghiệp vụ phái sinh của Việt Nam chưa theo chuẩn mực quốc tế. Điều này gây khó khăn trong việc cơ quan giám sát xác định lại giá trị hợp lý các rủi ro tài chính, từ đó cảnh báo, xử lý đối với các CTCK vi phạm.

- Hoạt động giám sát của UBCKNN và UBGSTCQG chưa chú trọng vào hoạt động cảnh báo sớm cho các CTCK

Cảnh báo sớm là hoạt động đòi hỏi UBCKNN đưa ra được số lượng và danh sách các CTCK nằm ngoài xu hướng biến động chung của hệ thống hoặc có những biểu hiện bất thường cần được điều tra, xem xét làm rõ. Để làm được điều này, các cơ quan giám sát cần giám sát trên cơ sở rủi ro với hệ thống chỉ tiêu và mô hình cảnh báo sớm phù hợp. Trước đây, khi số lượng CTCK còn ít, và chủ yếu thực hiện các nghiệp vụ truyền thống thì việc giám sát sự tuân thủ các quy định của pháp luật

về hoạt động của CTCK còn phù hợp. Tuy nhiên phương pháp này hiện đã tỏ ra kém hiệu quả đối với hệ thống CTCK đã gia tăng cả về số lượng, quy mô, sản phẩm và mối quan hệ ngày càng phức tạp giữa các định chế tài chính.

Hiện nay UBCKNN mới bắt đầu triển khai việc giám sát trên cơ sở rủi ro theo mô hình CAMEL. UBCKNN cũng đã đưa ra một danh sách phân nhóm các CTCK dựa trên việc phân tích đánh giá số liệu của các báo cáo 6 tháng đầu năm 2013, tuy nhiên danh sách này không được phổ biến công khai do đang trong giai đoạn thử nghiệm nên việc cảnh báo sớm chưa được thực hiện. Cho đến nay, UBCKNN vẫn chưa cập nhật việc phân loại này.

Do đặc thù giám sát vĩ mô, UBGSTCQG cũng đã đưa ra những cảnh báo đối với hệ thống CTCK. Tuy nhiên do đánh giá cho toàn hệ thống nên những cảnh báo này chỉ mang tính chung chung.

- Công tác tái cấu trúc cho đến nay mặc dù rất nỗ lực nhưng chưa đạt được kết quả như mong muốn

Quá trình giảm bớt số lượng CTCK để phù hợp với quy mô và trình độ phát triển của thị trường còn vướng mắc do giấy phép hoạt động và giấy phép thành lập của công ty chứng khoán hiện đang là một. Do vậy việc rút giấy phép hoạt động sẽ dẫn đến rút giấy phép thành lập, công ty chứng khoán sẽ không còn tồn tại pháp nhân để xử lý các nghĩa vụ nợ với các bên liên quan.

- Các CTCK được thực hiện theo dõi nhưng chưa được giám sát một cách chặt chẽ, toàn diện, liên tục

Một trong các kết quả của hoạt động giám sát các công ty chứng khoán là đã thực hiện theo dõi đối với phần lớn các công ty chứng khoán. Tuy nhiên hoạt động giám sát của UBCKNN và UBGSTCQG chủ yếu mới chỉ dừng lại ở việc theo dõi thông qua các báo cáo định kỳ của các CTCK, việc xử lý và phân tích thông tin vẫn mang tính đơn giản, thủ công, chưa thực sự đảm bảo theo đúng ý nghĩa của việc giám sát một cách thường xuyên, liên tục và theo các nội dung giám sát đầy đủ, toàn diện.

Có thể thấy nội dung giám sát của UBCKNN thông qua các quyết định được ban hành nhằm thanh tra giám sát hoạt động của công ty chứng khoán vẫn chưa đầy đủ. Phần lớn nội dung thanh tra giám sát là về chỉ tiêu an toàn tài chính,hoạt động công bố thông tin, việc thực hiện tách bạch tài khoản tiền của CTCK và tiền của nhà đầu tư, và một số quy định hạn chế về cho vay và đầu tư của CTCK. Còn các yêu cầu liên quan đến việc giám sát khả năng quản trị rủi ro của CTCK vẫn chưa được chú trọng.

2.3.2.1. Nguyên nhân của những hạn chế

Những hạn chế trên xuất phát từ những nguyên nhân sau:

- Cơ chế phối hợp giữa các đơn vị thuộc UBCKNN và giữa UBCKNN với UBGSTCQG trong công tác giám sát chưa cao, việc phân định chức năng giám sát giữa các đơn vị chưa rõ ràng và chồng chéo

Tại UBCKNN, có 3 đơn vị có liên quan đến hoạt động giám sát các CTCK bao gồm Vụ Quản lý Kinh doanh, Thanh tra và Vụ Giám sát thị trường chứng khoán. Trong đó, Vụ Quản lý kinh doanh được giao làm đầu mối trong việc giám sát hoạt động của các CTCK, 2 Vụ còn lại có trách nhiệm phối hợp trong việc giám sát.

Việc phối hợp giữa UBCKNN với UBGSTCQG, ngoài Quyết định số 15/2015/QĐ-TTg quy định UBGSTCQG có nhiệm vụ điều phối và giám sát hoạt động giám sát chuyên ngành trong đó bao gồm cả UBCKNN. Tuy nhiên, trên thực tế, do chưa có văn bản quy định cụ thể nên hoạt động này rất hạn chế.

Theo Quyết định số 34/2008/Qđ-TTg, UBGSTCQG có nhiệm vụ giám sát điều kiện được cấp phép của CTCK trong khi chức năng nhiệm vụ của Vụ Quản lý kinh doanh - UBCKNN cũng quy định về giám sát việc duy trì điều kiện cấp phép của CTCK. Điều này dễ dẫn đến sự chồng chéo trong hoạt động của các cơ quan giám sát.

Thông tin trao đổi giữa 2 cơ quan này còn nhiều hạn chế, mới chỉ dừng lại ở các báo cáo tài chính, các báo cáo, số liệu có liên quan do các CTCK nộp; và các thông tin, số liệu cơ ban do các cơ quan, tổ chức và các cá nhân khác cung cấp; chứ chưa có sự chia sẻ về kết quả giám sát và thông tin giám sát ”mật”, ”nhạy cảm”.

- Tiến độ thực hiện trong một số công việc liên quan đến hoạt động giám sát còn chưa được kịp thời

Do tính chất công việc có liên quan đến nhiều đơn vị trong và ngoài UBCKNN, quy trình thực hiện và phối hợp giám sát của UBCKNN và các cơ quan, đơn vị có liên quan còn đang trong quá trình hoàn thiện

Phạm vi, đối tượng giám sát, thanh tra, kiểm tra đa dạng gồm nhiều loại hình tổ chức và cá nhân liên quan đến hoạt động của CTCK. Cùng với sự phát triển của TTCK, phạm vi, đối tượng của hoạt động thanh tra, kiểm tra ngày càng mở rộng. Do vậy, khối lượng công việc thanh tra kiểm tra cũng là rất lớn, gây khó khăn trong việc phát hiện và xử lý vi phạm một cách chính xác, kịp thời.

- Chế tài xử phạt chưa đủ mức răn đe dẫn tới ý thức tuân thủ đạo đức nghề nghiệp còn yếu kém.

Nhiều CTCK chạy theo lợi nhuận với các hoạt động kinh doanh nhiều rủi ro dẫn tới việc vi phạm các chỉ tiêu an toàn tài chính và thua lỗ còn nhiều, thậm chí xâm hại đến tài sản và lợi ích của khách hàng. Hiện tượng này xảy ra phổ biến trong một thời gian dài và để lại nhiều hệ lụy. Tuy nhiên, số lượng CTCK bị UBCKNN xử phạt còn ít, do các công ty này bằng các biện pháp kỹ thuật đã che dấu hành vi vi phạm và báo cáo sai lệch.

* *

*

TÓM TẮT CHƯƠNG 2

Trong Chương 2, thực trạng giám sát các CTCK tại Việt Nam đã được nghiên cứu, chủ yếu đi sâu vào hoạt động giám sát của UBCKNN và UBGSTCQG.

Trên cơ sở nội dung phân tích thực trạng, những kết quả đạt được, hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế đã được đánh giá, tổng kết. Đây là cơ sở để đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện hoạt động giám sát các công ty chứng khoán tại Việt Nam ở Chương 3. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

CHƯƠNG 3

GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CÁC CÔNG TY CHỨNG KHOÁN TẠI VIỆT NAM

Một phần của tài liệu HOÀN THIỆN HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CÁC CÔNG TY CHỨNG KHOÁN TẠI VIỆT NAM LUẬN VĂN THẠC SĨ KINH TẾ (Trang 96 - 100)