Hoàn thiện mô hình và chủ thể giám sát các công ty chứng khoán tại Việt

Một phần của tài liệu HOÀN THIỆN HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CÁC CÔNG TY CHỨNG KHOÁN TẠI VIỆT NAM LUẬN VĂN THẠC SĨ KINH TẾ (Trang 104 - 110)

tại Việt Nam

Những phân tích ở chương 2 về thực trạng mô hình giám sát thị trường tài chính nói chung và giám sát các CTCK nói riêng cho thấy mô hình hiện tại về giám sát tài chính đã bộc lộ những điểm yếu. Theo mô hình phân tán nêu trên, phần lớn các cơ quan giám sát chuyên ngành vừa thực hiện chức năng cấp phép, xây dựng cơ chế, chính sách, vừa thực hiện chức năng hướng dẫn, triển khai thực hiện cơ chế chính sách và kiêm luôn vai trò kiểm tra, thanh tra, giám sát, dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” và là nguyên nhân dẫn đến nhiều vi phạm nảy sinh trên thị trường tài chính nói chung và TTCK nói riêng hiện nay. Chẳng hạn như tình trạng công ty chứng khoán là trung gian tài chính giúp các TCTD giải ngân vào các lĩnh vực bị hạn chế cho vay, đầu tư. Do Ngân hàng Nhà nước không quản lý CTCK trong khi UBCKNN và Bộ Tài chính không quản lý TCTD nên việc cho vay của TCTD đối với CTCK không được giám sát chặt chẽ và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Việc thành lập UBGSTCQG với chức năng đã nêu ở trên cũng chỉ hạn chế được một phần rất nhỏ những điểm yếu vốn có. Trong các văn bản pháp luật chưa có qui định cụ thể về mối quan hệ giữa các cơ quan giám sát chuyên ngành với UBGSTCQG, vì vậy việc chia sẻ thông tin và cơ chế phối hợp trong thực hiện chức năng giám sát của UBGSTCQG bị hạn chế. Tình trạng “lượng"nhiều, nhưng “chất” ít, thậm chí giẫm chân lên nhau cũng đang khiến hệ thống giám sát thị trường tài chính bộc lộ nhiều "lỗ hổng" đáng lo ngại.

Từ những phân tích về thực trạng của hệ thống giám sát tài chính Việt Nam, nguyên nhân dẫn đến thực trạng này và các mô hình giám sát tài chính hiện nay trên thế giới, học viên xin đưa ra giải pháp hoàn thiện mô hình giám sát tài chính của Việt Nam hiện nay theo hướng chuyển từ phương thức giám sát theo từng lĩnh vực riêng lẻ sang hình thành một cơ quan giám sát hợp nhất, thực hiện giám sát toàn bộ thị trường tài chính nói chung và TTCK nói riêng. Việc tách bạch giữa hoạt động giám sát và hoạt động quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành đối với từng loại thị trường tài chính sẽ hạn chế được sự can thiệp hành chính không

hợp lý vào các hoạt động trên TTTC, tạo cơ sở cho TTTC vận động theo những nguyên tắc của nền kinh tế thị trường. Mô hình giám sát hợp nhất mang lại hiệu quả giám sát cao và nhất quán.

Hình 3.1: Cấu trúc tổ chức mô hình giám sát tài chính hợp nhất tại Việt Nam

(Nguồn: Hệ thống giám sát tài chính Việt Nam, 2011)

Tuy nhiên, thực tiễn cũng chứng minh không có mô hình nào mang tính khuôn mẫu phù hợp cho tất cả các quốc gia. Do vậy, các quốc gia cần lựa chọn mô hình giám sát tài chính phù hợp với đặc điểm phát triển của mình. Mô hình dưới đây được khuyến nghị cho Việt Nam. Theo mô hình này, Ủy ban giám sát tài chính Nhà nước sẽ là cơ quan giám sát tài chính duy nhất vừa thực hiện việc xây dựng các chính sách giám sát và trực tiếp tổ chức triển khai các nghiệp vụ giám sát. Để đảm cho cơ quan này hoạt động hiệu quả, cần thiết phải ban hành Luật về giám sát tài chính thống nhất, trong đó xác định rõ cơ cấu tổ chức quản lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mục tiêu hoạt động của cơ quan giám sát tài chính quốc gia, nguyên tắc, nội dung, quy trình, thẩm quyền giám sát tài chính.

Để tiến tới mô hình giám sát hợp nhất, về ngắn hạn cần thực hiện một số biện pháp sau:

Thứ nhất, xây dựng hạ tầng tài chính vững mạnh. Một hạ tầng tài chính vững mạnh rõ ràng là tiền đề quan trọng bảo đảm cho các định chế tài chính hoạt động tốt và các thị trường tài chính vận hành trôi chảy và là điều kiện để các cơ quan giám sát các khu vực tài chính mới có môi trường hoạt động cần thiết để phát huy đầy đủ vai trò của mình. Ngược lại, thiếu một thể chế tài chính vững chắc, các cơ quan giám sát tài chính dù cố gắng nhưng vẫn thất bại khi thực thi sứ mệnh của mình.

Không ai khác chính Chính phủ phải đảm đương vai trò thiết lập hạ tầng tài chính vững mạnh cho quốc gia.

Vận dụng vào bối cảnh của Việt Nam hiện nay cần phân định rành mạch hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng thành viên chính trong mạng an toàn tài chính quốc gia: Ngân hàng Nhà nước (bao gồm cả cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng), Bộ Tài chính (bao gồm cả Ủy ban chứng khoán Nhà nước), UBGSTCQG cũng như thiết lập cơ chế phối hợp hiệu quả giữa quan hệ phối hợp công tác giữa các cơ quan này. Có như vậy mới tránh chồng chéo hoặc bỏ trống trong hoạt động giám sát và tạo sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan.

Thứ hai, tăng cường tái cơ cấu các cơ quan giám sát tài chính hiện tại, bao gồm cơ quan giám sát trong lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng và chứng khoán để hướng tới một hệ thống giám sát tích hợp và độc lập. Đồng thời tạo vị thế tương xứng và cung cấp đủ nguồn lực, trao đủ quyền lực cần thiết cho UBGSTCQG với tư cách là cơ quan chịu trách nhiệm giám sát an toàn vĩ mô toàn hệ thống tài chính.

Thứ ba, nâng cao tầm quan trọng của hệ thống cảnh báo sớm và tăng cường theo dõi các tổ chức tài chính lớn một cách có hệ thống.

Thứ tư, cần bổ sung các yêu cầu về tính minh bạch và chế độ báo cáo, đặc biệt đối với chế độ kiểm toán hai lần một năm.

3.2.3. Nâng cao chất lượng thông tin giám sát các công ty chứng khoán 3.2.3.1. Hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu giám sát đảm bảo giám sát toàn diện

Từ năm 2004, sau khi ban hành Hệ thống chỉ tiêu giám sát tài chính đối với công ty chứng khoán kèm theo Quyết định 92/2004/QĐ-BTC, các cơ quan quản lý chưa có văn bản nào thay thế hay sửa đổi bổ sung hệ thống chỉ tiêu này. Trên thực tế, cho đến nay hệ thống chỉ tiêu không còn được áp dụng hay có chăng chỉ sử dụng một vài chỉ tiêu. Việc giám sát chủ yếu dựa trên các quy định về hạn chế rủi ro và đảm bảo an toàn từ các văn bản riêng rẽ, chưa có một quy định thống nhất về chỉ tiêu và các ngưỡng đánh giá.

Các tiêu chí cần được xây dựng khoa học để đảm bảo khi hoàn tất việc đánh giá có thể đưa racác cảnh báo sớm về rủi ro. Chẳng hạn, khi xây dựng các tiêu chí

đánh giá mức độ an toàn của các CTCK, các tiêu chí cần được bao gồm cả chỉ tiêu tài chính và chỉ tiêu phi tài chính đi kèm với hệ thống các định mức hoạt động, tỷ lệ an toàn tối thiểu cho từng chỉ tiêu cũng như cho toàn bộ hệ thống chỉ tiêu. Điều này sẽ giúp các giám sát viên có thể lượng hóa được rủi ro và báo cáo kịp thời những tổn thất dự tính khi nhận thấy hoạt động của công ty chứng khoán không đảm bảo ngưỡng an toàn quy định (điều này tương tự quy định về xử lý các ngân hàng thương mại không đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu hoặc không đảm bảo các giới hạn an toàn theo quy định của ngành ngân hàng).

Đối với hệ thống chỉ tiêu xếp hạng CTCK theo CAMEL, mặc dù quy định rất chi tiết về các chỉ tiêu, trọng số và điểm cho mỗi chỉ tiêu, tuy nhiên cần chú trọng đến tính đại diện và tính khả thi của chỉ tiêu. Cụ thể:

- Trong việc đánh giá chất lượng tài sản, quy chế này sử dụng chỉ tiêu Tỷ lệ các khoản phải thu/ Tổng tài sản với trọng số 10%. Nếu tỷ lệ này dưới 10% thì CTCK mới được 100 ở mục này, từ 10-25% được 80 điểm, từ 25-50% được 50 điểm, 50-75% được 20 điểm và trên 75% là 0 điểm. Nếu chỉ dựa vào chỉ tiêu này thì mới chỉ có một cái nhìn phiến diện về chất lượng tài sản của CTCK, bởi đối với những công ty có doanh thu môi giới lớn thường có dự nợ cho vay ký quỹ cao, tuy nhiên thời hạn của giao dịch thường ngắn và liên tục. Do đó, để đánh giá chính xác hơn, cần phải sử dụng thêm chỉ tiêu đánh giá vòng quay các khoản phải thu.

- Về yếu tố phi tài chính, để đánh giá chất lượng quản trị, cần sử dụng các chỉ tiêu về tình hình tuân thủ (vi phạm) các quy định pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK trong 6 tháng gần nhất. Nếu có vi phạm, bất cứ vi phạm nào, CTCK chỉ nhận được 0 điểm. Điều này cần quy định rõ hơn tùy theo mức độ nghiêm trọng của từng lỗi, không nên đánh đồng tất cả các vi phạm.

Đối với hoạt động giám sát của UBGSTCQG, cần xây dựng hệ thống chỉ tiêu giám sát vĩ mô đối với hệ thống CTCK. Khác với việc giám sát từng đơn vị riêng lẻ. Đối với giám sát vĩ mô cần có các mô hình dự báo. Thực tế hiện nay, hoạt động giám sát vĩ mô của UBGSTCQG vẫn chủ yếu đi từ vi mô, chưa có hệ thống chỉ tiêu giám sát vĩ mô phù hợp. Điều này dẫn đến sự chồng chéo trong công tác giám sát

gây lãng phí nguồn lực.

3.2.3.2. Nâng cao chất lượng phần mềm giám sát các công ty chứng khoán

Thu thập thông tin theo cách nhanh nhất và đơn giản nhất luôn là yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với quy trình giám sát các CTCK, nhằm tăng tính hiệu quả trong hoạt động giám sát các CTCK. Điều này ảnh hưởng đến chỉ tiêu đánh giá hiệu quả của hoạt động giám sát công ty chứng khoán là khả năng phát hiện sớmchính xác các rủi ro. Để thực hiện mục tiêu này, cần phải thiết lập và ứng dụng phần mềm giám sát hiện đại, đồng thời, phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu giám sát. Phần mềm giám sát sẽ cho phép cài đặt tự động các chỉ tiêu giám sát công ty chứng khoán, có khả năng kết nối hệ thống cơ sở dữ liệu được tích hợp từ hệ thống cơ sở dữ liệu giám sát CTCK, công ty quản lý quỹ và các thành viên lưu ký. Đây là yêu cầu rất quan trọng nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao khả năng phát hiện sớmchính xác

các dấu hiệu nghi vấn. Với việc xây dựng cơ sở dữ liệu và ứng dụng phần mềm giám sát, việc xác minh, xử lý vi phạm sẽ dễ dàng hơn do thông tin được lưu giữ và truy xuất nhanh chóng, kèm theo là khả năng bảo mật dữ liệu cũng được đảm bảo.

UBCKNN hiện đang triển khai phần mềm Hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý CTCK (Securities Company Management System - SCMS). Tuy vậy, UBCKNN vẫn cần hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin hơn nữa, xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống các phần mềm giám sát tự động thiết thực phục vụ cho công tác giám sát, có thể cảnh báo sớm, tự động các dấu hiệu nghi ngờ đối với rủi ro trong hoạt động của các CTCK. Hệ thống công nghệ cần từng bước được trang bị một cách đồng bộ, hiện đại hóa tối đa nhằm giảm thiểu các thao tác thủ công, nhanh chóng phát hiện các dấu hiệu bất thường và hành vi vi phạm, tiến tới xây dựng một hệ thống giám sát giao dịch tự động.

3.2.4. Nâng cao năng lực cán bộ giám sát các công ty chứng khoán

Hoạt động giám sát của cơ quan giám sát chứng khoán phải được thực hiện bởi nhiều cán bộ giám sát có năng lực và trách nhiệm cao trong công việc. Nâng cao năng lực nhân sự giám sát công ty chứng khoán, trước tiên là gia tăng số lượng cán bộ giám sát. Cụ thể, Bộ Tài chính cần nghiên cứu để trình Thủ tướng Chính phủ

ban hành cơ chế tài chính phù hợp đối với UBCKNN, từ đó có thể thu hút, khuyến khích cán bộ có năng lực và chuyên môn làm việc tại cơ quan quản lý, giám sát thị trường chứng khoán. Đồng thời, cũng cần có cơ chế đào tạo bồi dưỡng thích hợp để nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ. Cán bộ giám sát phải vừa có kiến thức rộng về tài chính tiền tệ phải vừa có kiến thức chuyên sâu về các nghiệp vụ của CTCK. Tinh thần trách nhiệm của người làm công tác giám sát các CTCK được thể hiện qua sự khách quan, công tâm, liêm chính và cương quyết. Để đạt được điều này, cần kết hợp việc tuyển chọn nhân sự, quán triệt vấn đề đạo đức nghề nghiệp và xây dựng quy trình, thủ tục giám sát một cách hệ thống, tạo điều kiện phát huy tính chủ động của công việc nhưng cũng đảm bảo sự minh bạch.

Trình độ của cán bộ giám sát được thể hiện ở tính chính xác trong các báo cáo giám sát về dự báo chung xu hướng TTCK, chỉ ra những nguy cơ phát sinh trong hoạt động kinh doanh của các CTCK. Do vậy cán bộ giám sát từ xa phải có

khả năng tổng hợp thông tin tốt, linh hoạt trong thu thập thông tin từ các nguồn khác nhau, sàng lọc thông tin và đưa ra những phân tích, đánh giá khách quan, chính xác. Ngoài ra, bộ phận giám sát từ xa cũng phải phối hợp tốt với bộ phận thanh tra tại chỗ để kiểm chứng thêm thông tin bất thường, xây dựng danh sách các CTCK cần chú ý trong báo cáo cảnh báo sớm.

Yêu cầu của công tác giám sát đòi hỏi cán bộ giám sát phải có các kỹ năng chuyên môn về phân tích, xử lý dữ liệu, tiếp xúc với các đối tượng giám sát thuộc nhiều thành phần khác nhau, các kỹ năng này không thể có được nếu không được đào tạo, bồi dưỡng. Ngoài việc duy trì các khóa học, chương trình đào tạo có hiệu quả, chất lượng liên quan đến công tác giám sát ở cả trong và ngoài nước, làm việc trực tiếp với các chuyên gia nước ngoài, cần phải nâng cao trình độ kiến thức của cán bộ giám sát khi tiếp xúc, làm việc với đối tượng giám sát, đảm bảo đội ngũ cán bộ giám sát không những có trình độ chuyên môn mà còn có kinh nghiệm thực tiễn khi triển khai công việc, có ngoại ngữ để có thể tiếp cận với kiến thức về giám sát TTCK của các thị trường đi trước.

3.2.5. Tăng cường cơ chế phối hợp giữa UBCKNN và UBGSTCQG trong hoạt động giám sát các công ty chứng khoán

Trước những tồn tại và hạn chế trong cơ chế phối hợp giữa UBCKNN và

UBGSTCQG trong hoạt động giám sát các CTCK đã nêu ở trên, cần phải siết chặt mối quan hệ giữa 2 cơ quan này trong hoạt động giám sát. Cần thường xuyên tổ chức các cuộc họp định kỳ 6 tháng 1 lần hoặc 1 năm 1 lần giữa 2 cơ quan nhằm cùng nhau trao đổi thẳng thắn và trung thực thông tin giám sát cũng như kinh nghiệm giám sát các CTCK nhằm nâng cao chất lượng cũng như hiệu quả giám sát các CTCK. Bên cạnh đó, 2 cơ quan giám sát này có thể trao đổi nhân sự cho nhau, điều chuyển công tác nhân sự giữa 2 cơ quan, nhằm phát huy những ưu điểm trong công tác giám sát cũng như khắc phục những nhược điểm, hạn chế trong công tác giám sát, phát huy tối đa chất xám, trí tuệ của các chuyên viên giám sát của 2 cơ quan giám sát.

Một phần của tài liệu HOÀN THIỆN HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CÁC CÔNG TY CHỨNG KHOÁN TẠI VIỆT NAM LUẬN VĂN THẠC SĨ KINH TẾ (Trang 104 - 110)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(131 trang)
w