Để có thể vay được vốn của ngân hàng thì trước hết khách hàng phải thoả mãn được điều kiện vay vốn. Trong đó, điều kiện quan trọng là TSĐB, phương án sử dụng vốn vay của khách hàng và tỷ lệ vốn tự có của khách hàng. TSĐB là nguồn trả nợ thứ hai cho ngân hàng khi có rủi ro xảy ra, chính vì thế ngân hàng luôn quan tâm đến yếu tố này, không chỉ ở tính chất hợp pháp của TSĐB mà còn ở giá trị của nó so với nhu cầu vay vốn của khách hàng. Các điều kiện về tỷ lệ vốn tự có của khách hàng cũng rất quan trọng và tuỳ từng trường hợp mà ngân hàng quy định tỷ lệ cụ thể nhưng thường không dưới 30%. Đây là điều kiện làm hạn chế rất lớn đến khả năng có thể vay được vốn ngân hàng bởi vì các doanh nghiệp thường thiếu TSĐB, nếu có đủ thì lại thiếu các giấy tờ quan trọng.
Ngoài ra, khách hàng đến vay vốn ngân hàng nhất là các doanh nghiệp nhiều khi chưa đáp ứng được điều kiện rất quan trọng mà ngân hàng đặt ra đó chính là các vần đề liên quan đến việc chứng minh nguồn trả nợ cho ngân hàng. Chẳng hạn như rất ít các doanh nghiệp có khả năng trình bày rõ ràng các đề xuất vay vốn cho các dự án đầu tư hoặc phương án SXKD bởi vì phần lớn các chủ doanh nghiệp chưa được đào tạo đầy đủ kiến thức về tài chính tín dụng. TSĐB chỉ là nguồn trả nợ thứ hai khi nguồn trả nợ thứ nhất là từ thu nhập của hoạt động SXKD không đảm bảo trả được nợ, chính vì thế chứng minh cho ngân hàng thấy được tính khả thi của các phương án, dự án có thể nói là vấn đề quan trọng hàng đầu đối với khách hàng. Ngoài ra các phương án kinh doanh của khách hàng chưa đủ hấp dẫn để có thể thu hút vốn của
ngân hàng. Chính vì thế mà các NHTM ngần ngại cho vay đối với những đối tượng khách hàng này.
Mức độ tín nhiệm về tài chính và thương hiệu trong hoạt động của doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa cao là một trong những lý do khiến các ngân hàng ngần ngại trong việc cho các doanh nghiệp vay, nhất là các khoản vay dài hạn. Phía ngân hàng tuy nới rộng cánh cửa cho doanh nghiệp qua hình thức tín dụng theo các phương án kinh doanh, vay tín chấp... nhưng vẫn còn hạn chế. Hiện nay, đối với các khoản vay trung và dài hạn, các NH quy định mức vốn cho doanh nghiệp vay căn cứ trên cơ sở chênh lệch giữa tổng nhu cầu vốn cần thiết hợp lý của DA với vốn huy động khác và vốn tự có tham gia đầu tư vào DA của doanh nghiệp tối thiểu ở mức 30%. Chẳng hạn, quy định vốn tự có tối thiểu 10% đối với các DA cải tiến kỹ thuật, mở rộng sản xuất và hợp lý hoá sản xuất. Các doanh nghiệp hiện nay thiếu nhân lực đủ tầm để lập các DA khả thi vay vốn và cũng có doanh nghiệp coi nhẹ khâu này. Vì thế, đã làm giảm mức độ tín nhiệm của NH đối với doanh nghiệp.
Mặt khác, việc thiếu minh bạch trong tài chính của doanh nghiệp cũng là một trở ngại lớn cho chính họ. Vì vậy, các DN cần phải thay đổi cách thức quản trị ; thực hiện công tác kế toán theo chuẩn mực kế toán thống kê của Nhà nước; thực hiện kiểm toán hàng năm để minh bạch tình hình tài chính ... Đây là các điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ngân hàng. Mặt khác, việc thay đổi cách thức quản lý cũng sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả phát triển kinh doanh, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp phải đương đầu với môi trường cạnh tranh ngày một khốc liệt hơn.