Vai trò của xuất khẩu chè

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến xuất khẩu chè của Việt nam (Trang 40 - 42)

VII. Tính mới và đóng góp của nghiên cứu

2.1.4. Vai trò của xuất khẩu chè

Đối với nền kinh tế quốc dân nói chung

Lịch sử kinh tế thế giới đã khẳng định rằng, một đất nước dù có được thiên nhiên ưu đãi đến đâu đi nữa nhưng nếu không có thương mại quốc tế, thì nền kinh tế cũng khó phát triển và bắt kịp thế giới. Vì thế, ở Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VI, Đảng và Nhà nước ta đã nhận thức một cách sâu sắc là: Chỉ có mở rộng ngoại thương, hội nhập thương mại quốc tế mới cho phép chúng ta đánh giá đúng khả năng trình độ, sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Vì vậy, có thể nói, xuất khẩu nói chung và xuất khẩu chè nói riêng đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân:

- Xuất khẩu chè tạo điều kiện mở rộng thị trường sản phẩm chè, góp phần ổn định sản xuất, tạo ra lợi thế kinh tế nhờ quy mô.

- Xuất khẩu chè có tác động tích cực tới việc giải quyết công ăn việc làm, xoá đói giảm nghèo cải thiện đời sống nhân dân tại các vùng đặc biệt là người lao động ở trung du, miền núi. Do sản xuất và kinh doanh có hiệu quả mà đời sống vật chất và văn hoá của người làm chè được nâng lên.

- Xuất khẩu chè giúp đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hóa, khắc phục tình trạng nghèo nàn, lạc hậu ở các nước đang phát triển thông qua việc tạo nguồn vốn cho quá trình này.

- Xuất khẩu chè thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, thúc đẩy sản xuất phát triển. Trong những năm vừa qua thì số lượng chè sản xuất ra trong nước đã phần nào đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước, ngoài ra còn khoảng trên 50% sản lượng sản xuất để phục vụ cho xuất khẩu. Đẩy mạnh xuất khẩu chè có vai trò thúc đẩy chuyên môn hoá triển cả về chiều rộng và chiều sâu, cả mặt sản xuất lẫn thương mại. Đây chính là cơ sở cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong ngành chè.

- Xuất khẩu chè phát triển tạo điều kiện cho các ngành công nghiệp phụ trợ khác cũng có cơ hội phát triển như công nghiệp chế tạo máy móc, công nghiệp điện, giao thông vận tải và nó cũng đòi hỏi chính sự phát triển của các ngành này. - Xuất khẩu chè giúp mở rộng khả năng tiêu dùng của một quốc gia. Các lý

thuyết thương mại quốc tế đã chứng minh ngoại thương nói chung cho phép một nước có thể tiêu dùng tất cả các mặt hàng với số lượng lớn hơn nhiều lần

giới hạn sản xuất của quốc gia đó. Xuất khẩu chè tăng lên cho phép người tiêu dùng trong nước có thêm thu nhập để thêm sự lựa chọn về các hàng hóa khác. - Với đặc điểm quan trọng là tiền tệ được sử dụng làm phương tiện thanh toán, xuất khẩu chè cũng góp một phần làm tăng dự trữ ngoại tệ, điều hoà về cung cầu ngoại tệ, ổn định sản xuất, qua đó góp phần vào tăng trưởng và phát triển kinh tế.

- Xuất khẩu chè là cơ sở để mở rộng và thúc đẩy sự phát triển các mối quan hệ kinh tế đối ngoại. Xuất khẩu (bao gồm xuất khẩu chè) và các mối quan hệ kinh tế đối ngoại có mối tác động qua lại phụ thuộc lẫn nhau. Xuất khẩu phát triển thúc đẩy các mối quan hệ khác phát triển theo như du lịch quốc tế, bảo hiểm quốc tế, tín dụng quốc tế. Ngược lại, sự phát triển của các ngành này lại là những điều kiện tiền đề cho hoạt động xuất khẩu phát triển.

- Xuất khẩu chè góp một phần tăng GDP, GNP. Xuất khẩu hàng hóa nói chung, xuất khẩu chè nói riêng và sự tăng trưởng kinh tế có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Xuất khẩu có vai trò quan trọng hàng đầu trong sự tăng trưởng của nền kinh tế

Đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chè

Ngày nay, mở rộng kinh doanh ra thị trường nước ngoài là một xu hướng chung của tất cả các doanh nghiệp ở các quốc gia. Xuất khẩu chè đã mang mang lại cho các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng chè rất nhiều lợi ích, cụ thể là:

- Xuất khẩu tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất chè mở rộng thị trường, mở rộng quan hệ kinh doanh với các bạn hàng trong nước và nước ngoài. Từ đó, tăng doanh số và lợi nhuận bán hàng. Đồng thời phân tán và chia sẻ rủi ro, mất mát trong hoạt động kinh doanh. Mở rộng xuất khẩu cũng góp phần làm tăng uy tín kinh doanh của doanh nghiệp.

- Thông qua xuất khẩu, các doanh nghiệp sản xuất chè trong nước có cơ hội tham gia vào môi trường cạnh tranh chung trên thị trường chè thế giới. Điều đó, đòi hỏi các doanh nghiệp chè phải tự nâng cao năng lực và trình độ sản xuất của mình để tạo ra những sản phẩm chè có chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu của từng thị trường. Từ đó, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp được nâng lên đáng kể.

- Xuất khẩu buộc các doanh nghiệp chè phải luôn đổi mới và hoàn thiện công tác quản trị kinh doanh, tìm tòi và đưa ra mô hình sản xuất, chế biến, tổ chức, tiêu thụ sao cho có hiệu quả nhất. Thêm vào đó, xuất khẩu còn khuyến khích sự phát triển các mạng lưới kinh doanh của doanh nghiệp chè chẳng hạn như hoạt động đầu tư nghiên cứu và phát triển, các hoạt động sản xuất, marketing và sự phân phối, sự mở rộng trong việc cấp giấy phép xuất nhập khẩu các mặt hàng khác.

- Doanh nghiệp tiến hành hoạt động xuất khẩu chè có cơ hội mở rộng quan hệ buôn bán kinh doanh với nhiều đối tác nước ngoài. Thông qua đối tác tiêu thụ

chè của mình mà doanh nghiệp có được những thông tin, nguồn sản phẩm mới, công nghệ mới mà ngay thị trường trong nước đang cần. Từ đó, có điều kiện, cơ hội để liên doanh, liên kết hợp tác để sản xuất, tiêu thụ những loại sản phẩm mới ngay tại nước mình hoặc các nước khác.

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến xuất khẩu chè của Việt nam (Trang 40 - 42)