Thực trạng về chính sách thương mại chung của Việt Nam có liên quan xuất

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến xuất khẩu chè của Việt nam (Trang 99 - 101)

VII. Tính mới và đóng góp của nghiên cứu

4.2.4. Thực trạng về chính sách thương mại chung của Việt Nam có liên quan xuất

liên quan xuất khẩu chè

4.2.4.1. Chính sách mở cửa nền kinh tế

Một loạt các cải cách thương mại tiếp tục được thực hiện vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000. Vị trí độc quyền của doanh nghiệp nhà nước trong hoạt động ngoại thương đã dần dần suy yếu. Giấy phép thương mại được bãi bỏ trong năm 1998 tạo bước tiến quan trọng trong sự tự do hóa thương mại. Kể từ đó, tất cả các doanh nghiệp trong nước đã được phép tự do buôn bán hàng hóa, trừ những doanh nghiệp bị cấm hoặc chịu sự quản lý đặc biệt. Vào tháng 04 năm 2001, một lộ trình chính sách thương mại cho giai đoạn 5 năm (2001 – 2005) đã được công bố lần đầu tiên. Chính sách này thay thế cách làm chính sách thương mại hàng năm trước đây, tạo ra môi trường xuất nhập khẩu minh bạch và dễ dự báo. Chính sách có hiệu lực từ ngày 01 tháng 5 năm 2001, hầu hết các hạn chế định lượng nhập khẩu vẫn còn tồn tại đã được gỡ bỏ.

Cải cách chính sách thương mại đã được bổ sung từ nỗ lực phối hợp để tham gia vào các hiệp định thương mại và đối tác quốc tế. Năm 1995, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA). Việt Nam đã chính thức được thừa nhận là một thành viên của Cộng đồng Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC) vào tháng 11 năm 1998. Tháng 12 năm 2001, Hiệp định Thương mại song phương Mỹ - Việt đã có hiệu lực. Điều này dẫn đến sự gia tăng rất lớn trong giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ, chủ yếu trong sản xuất công nghiệp nhẹ như quần áo, dệt may, giày dép. Việt Nam sử dụng các hiệp định song phương và khu vực để thúc đẩy xuất khẩu, thắt chặt cải cách và chuẩn bị cho việc gia nhập với thế giới. Đỉnh điểm là Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO vào năm 2007. WTO với các quy tắc ràng buộc

và minh bạch tạo cho Việt Nam cơ chế hiệu quả nhất để chống lại chủ nghĩa bảo hộ và giải quyết các vấn đề thương mại toàn cầu (WTO, 2013). Việt Nam đang hành động để mang lại môi trường pháp lý phù hợp với thông lệ quốc tế, ví dụ: yêu cầu vệ sinh và kiểm dịch thực vật (SPS) phù hợp với tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế CODEX Alimentarius. Việt Nam đẩy mạnh ký kết các hiệp định thương mại tự do nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp nâng cao giá trị xuất khẩu. Theo dữ liệu từ trang web của Trung tâm thương mại quốc tế, tổng hợp từ nguồn của WTO, nếu xét trên góc độ nhà xuất khẩu, Việt Nam đang được hưởng ưu đãi từ 31 FTA với vai trò là nhà xuất khẩu, trong đó, 16 hiệp định song phương, đa phương với vai trò vừa là nhà xuất khẩu, vừa là nhà nhập khẩu. Các công cụ hạn chế xuất khẩu như giấy phép, hạn ngạch, thuế xuất khẩu ngày được dỡ bỏ hoàn toàn. Các lệ phí, thủ tục hành chính ngày càng được tinh giản, tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu.

4.2.4.2. Chính sách tỷ giá hối đoái

Từ 26/2/1999 đến 31/12/2015, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện điều hành tỷ giá bằng cách lấy tỷ giá bình quân giao dịch của phiên giao dịch gần nhất trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng làm tỷ giá trung tâm và công bố, các ngân hàng thương mại được phép yết giá mua bán USD trong phạm vi biên độ cho phép. Lúc đầu biên độ khá hẹp “+-1%” và đã có thời kỳ biên độ này lên “+-7%”. Theo cơ chế tỷ giá hối đoái giai đoạn này, Ngân hàng Nhà nước cũng đã điều hành tỷ giá có lên, có xuống theo cơ chế thị trường và qua đó đã phần nào khắc phục được đầu cơ giá lên như thời trước đó. Giá cả hàng hóa trên thị trường quốc tế cũng ổn định hơn nhờ cơ chế này.

Từ 31/12/2015 đến nay, trước những lo ngại về việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ, sự gia tăng lãi suất quỹ liên bang của Cục dự trữ liên bang Hoa kỳ (FED), và sự tăng giá của đồng đô la Mỹ so với nhiều loại tiền tệ trên thế giới. Do được neo vào USD, đồng Việt Nam (VND) trở nên đắt hơn so với nhiều loại ngoại tệ, do đó, sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam và cán cân thương mại bị ảnh hưởng tiêu cực. Hơn nữa, điều này rất có thể tăng thêm chi phí rủi ro cho doanh nghiệp khi đồng đô la Mỹ là đồng tiền thanh toán chính khiến doanh nghiệp có thể bị tác động bất lợi bởi sự không chắc chắn của tỷ giá hối đoái song phương đối với đồng tiền của các nước khác trên thế giới. Trước tình hình đó, năm 2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thay đổi cách xác định tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ để các tổ chức tài chính được phép kinh doanh ngoại tệ. Tỷ giá được tính dựa trên 3 mốc chuẩn: cung và cầu của Đồng Việt Nam, biến động của 8 đồng tiền của các quốc gia có tỷ trọng giao dịch và đầu tư lớn nhất với Việt Nam, bao gồm USD, Euro, Nhân dân tệ của Trung Quốc, Yên Nhật, Đô la Singapore, Won Hàn Quốc, Baht Thái Lan và Đô la Đài Loan, và cân đối kinh tế vĩ mô.

Nhìn chung, tỷ giá VND diễn biến khá ổn định trong những năm gần đây và trở thành một trong những công cụ chính trong điều tiết ngoại thương.

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến xuất khẩu chè của Việt nam (Trang 99 - 101)