VII. Tính mới và đóng góp của nghiên cứu
2018
6.2.6. Tăng cường xúc tiến thương mại chè tại các thị trường
Xúc tiến thương mại (tiếng Anh: trade promotion) là hoạt động thúc đẩy, tìm kiếm cơ hội mua bán hàng hoá và cung ứng dịch vụ, bao gồm hoạt động khuyến mại, quảng cáo, trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ và hội chợ, triển lãm thương mại9. Xúc tiến thương mại giúp mở rộng thị trường xuất khẩu, thiết lập và tăng cường liên kết, hợp tác quốc tế trong khu vực và trên thế giới. Trong các hoạt động kinh doanh, việc xúc tiến thương mại là rất cần thiết cho doanh nghiệp. Bên cạnh những nỗ lực
để nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm cách đáp ứng nhu cầu thị trường thi các chương trình xúc tiến thương mại cần được đẩy mạnh hơn nữa nhằm quảng bá thương hiệu sản phẩm, đặc biệt tại các thị trường mà chè Việt Nam đang bỏ lỡ tiềm năng.
Một số hoạt động xúc tiến cần được quan tâm như: (1) Tổ chức hoặc tài trợ cho các hoạt động quảng bá và quảng bá sản phẩm chè ở nước ngoài, đồng thời tăng cường quảng bá có hiệu quả thông qua các quảng cáo trên các phương tiện truyền thông chính thống, hội thảo, gặp gỡ xúc tiến để hướng đến sở thích tiêu dùng của người tiêu dùng và thiết lập hình ảnh thương hiệu tổng thể của quốc gia hoặc các vùng liên quan; (2) Tăng cường hỗ trợ phát triển các thương hiệu chè có lợi thế, khuyến khích các doanh nghiệp tích cực tham gia chứng nhận và đăng ký quốc tế, thực hiện có hiệu quả hợp tác chứng nhận quốc tế và công nhận lẫn nhau; (3) Hướng dẫn, khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động phát triển sớm tại các thị trường mục tiêu, bao gồm khảo sát thị trường nước ngoài và xây dựng nhóm người tiêu dùng; (4) Khuyến khích các công ty thực hiện bán hàng trực tiếp ở nước ngoài và thiết lập các tổ chức chuyên trách; tăng cường giao tiếp và đàm phán với chính phủ của các thị trường mục tiêu, tích cực nỗ lực đối xử quốc gia đối với doanh nghiệp và cải thiện sự thuận tiện của doanh nghiệp trong hoạt động bán hàng trực tiếp ở nước ngoài; (5) Coi trọng việc xây dựng năng lực tiếp thị, quảng bá của các doanh nghiệp xuất khẩu chè, không ngừng nâng cao khả năng phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu của các doanh nghiệp thông qua nhiều hình thức như đào tạo; (6) Xây dựng triển lãm chè thương hiệu quốc tế. Các cuộc triển lãm chè quốc tế được tổ chức tốt, bài bản, có quy mô, uy tín cao làm tăng thêm uy tín chè Việt Nam, từ đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nâng cao thương hiệu; (7) Hướng dẫn các doanh nghiệp, hiệp hội tham gia có hiệu quả các hội chợ triển lãm quốc tế.
Hiện nay, phát triển du lịch gắn với cây chè đang là một xu hướng mới, mang lại lợi ích cao cho cả hai ngành chè và du lịch. Hiện, trên địa bàn huyện Mộc Châu đã hình thành nhiều sản phẩm du lịch sinh thái, trải nghiệm gắn với cây chè, như: Làng chè của Công ty cổ phần Vinatea Mộc Châu, khu vực đồi chè trái tim, đồi chè vân tay, vùng nguyên liệu chất lượng cao gắn với phát triển du lịch sinh thái của doanh nghiệp tư nhân Mộc Sương. Với việc thu hút khách du lịch đến thăm quan, trải nghiệm đã giúp các tổ chức, cá nhân có thêm thu nhập từ hoạt động du lịch. Bên cạnh đó, với việc du khách tìm đến với các đồi chè, nhà máy chế biến chè để tham quan sẽ là cơ hội để quảng bá các sản phẩm cũng như thương hiệu chè Mộc Châu đến với người tiêu dùng, từ đó góp phần mở rộng thị trường, tăng thu nhập cho cán bộ, công nhân viên và người làm chè. Một trong những hoạt động để giới thiệu, quảng bá sản phẩm trà Mộc Châu, tôn vinh những người sản xuất, kinh doanh chè, thu hút du khách đến với vùng cao nguyên tươi đẹp chính là Ngày hội trà trên cao nguyên Mộc Châu được tổ chức hàng năm. Với mô hình kinh tế này, du khách được hòa mình vào không gian đầy màu xanh của bầu trời, của đồi chè; ngắm nhìn những đồi chè xanh ngát, những cô gái dân tộc trong bộ váy áo sặc sỡ, với tâm thái bình yên, thoải mái; tự tay hái từng búp chè xanh non đã mang đến cho du khách trải nghiệm thú vị. Từ đó, có
thể xây dựng nét văn hóa về chè, bồi đắp lòng yêu mến đối với các sản phẩm chè, thông qua du khách để quảng bá thương hiệu chè của Việt Nam nói chung và các địa phương nói riêng. Đây cũng là dịp thu hút các nhà đầu tư, tạo cơ hội hợp tác phát triển giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh chè trong huyện với các doanh nghiệp ngoài huyện, góp phần tạo việc làm ổn định và tăng thu nhập cho người trồng chè của huyện Mộc Châu. Đây là mô hình xúc tiến thương mại hiệu quả, kinh phí tiết kiệm, mang lại hiệu quả kinh tế cao nên được đẩy mạnh trong những năm tới. Để làm được điều này cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các nhà quản lý trong xây dựng cơ sở pháp lý, tuyên truyền, tập huấn, đào tạo, cấp kinh phí, xây dựng cơ sở hạ tầng để các địa phương có định hướng triển khai.