Phương pháp nghiên cứu định lượng

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến xuất khẩu chè của Việt nam (Trang 59 - 60)

VII. Tính mới và đóng góp của nghiên cứu

3.1.2. Phương pháp nghiên cứu định lượng

Phương pháp nghiên cứu định lượng được sử dụng trong Luận án nhằm phân tích các dữ liệu dễ dàng hoặc có thể lượng hóa được bằng các con số cụ thể. Các dữ liệu thứ cấp sau khi được tác giả thu thập từ các nguồn uy tín được đưa vào so sánh, thống kê mô tả, thống kê suy luận. Trong đó:

Thứ nhất, thống kê mô tả gồm các phương pháp liên quan đến việc thu thập số liệu, tóm tắt, trình bày, tính toán và mô tả để phản ánh một cách tổng quát đối tượng nghiên cứu. Phương pháp này được áp dụng chủ yếu nhằm phân tích thực trạng sản xuất và xuất khẩu chè của Việt Nam ở chương 3, phân tích kết quả nghiên cứu ở chương 5.

Thứ hai, thống kê suy luận gồm các phương pháp ước lượng, phân tích hồi quy mối liên hệ giữa các hiện tượng nghiên cứu. Cụ thể, Luận án tiến hành xây dựng mô hình trọng lực đối với ngành chè của Việt Nam. Từ đó, làm căn cứ để phân tích định lượng về các nhân tố ảnh hưởng tới xuất khẩu chè của Việt Nam và đưa ra các hàm ý chính sách. Quy trình nghiên cứu định lượngcủa luận án được thực hiện lần lượt qua sáu bước như sau:

▪Bước 1: Lựa chọn và mô tả biến nghiên cứu

Dựa và các nhóm nhân tố được lựa chọn ở chương 2, luận án tiến hành mô tả biến nghiên cứu

▪Bước 2: Thu thập dữ liệu.

Sau khi lược khảo lý thuyết, đề xuất mô hình và lập luận chọn biến, tác giả thu thập dữ liệu từ các nguồn dữ liệu chính thống, đáng tin cậy cho tất cả các biến được sử dụng trong mô hình.

▪Bước 3: Xử lý dữ liệu.

Tác giả tiến hành bước nhập và xử lý dữ liệu. Dữ liệu của các biến lần lượt được kiểm tra để phát hiện các điểm ảnh hưởng hoặc các điểm bất thường. Sau đó, các giá trị bất thường (nếu có) ở hai đầu dữ liệu sẽ được thay thế bởi giá trị phân vị gần nhất tương ứng (phân vị 1% và 99%).

Dữ liệu sau khi được làm sạch sẽ sử dụng làm mẫu thống kê. Tác giả thống kê số quan sát, giá trị trung bình, khoảng giá trị của các biến trong mẫu, cũng như xem xét giá trị trung bình của các biến thay đổi thế nào theo từng năm. Các dữ liệu thống kê cũng có thể được kết hợp với các nguồn dữ liệu thứ cấp để đánh giá sự thay đổi để thấy rõ hơn về bản chất dữ liệu trong giai đoạn nghiên cứu.

▪Bước 5: Lựa chọn phương pháp ước lượng

Để có phương pháp ước lượng tối ưu, mang lại kết quả chính xác, đáng tin cậy. Tác giả sẽ tiến hành tham khảo các nghiên cứu thực nghiệm đã xây dựng mô hình trọng lực và các nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực kinh tế lượng về việc xử lý các vấn đề kỹ thuật trong ước lượng mô hình để lựa chọn phương pháp ước lượng phù hợp cho luận án.

▪Bước 6: Kiểm định, đánh giá sự phù hợp của mô hình.

Bước này nhằm kiểm tra xem mô hình ước lượng được có thiếu biến hay không qua kiểm định Hausman, RAMSEY. Để kiểm tra độ phù hợp của mô hình, tác giả sử dụng các chỉ số aic, bic, R2.

Trên thực tế, các bước trên có thể linh động thay đổi trong quá trình xử lý và được lặp đi lặp lại nhiều lần cho đến khi có kết quả khả quan. Kết quả được trình bày là kết quả tối ưu được rút ra sau nhiều vòng lặp. Các bước chuẩn bị cho việc ước lượng mô hình trọng lực và ứng dụng của nó đối với ngành chè của Việt Nam được thực hiện ở các phần còn lại của chương 3. Sau đó, tác giả tiến hành hồi quy bằng phần mềm STATA 14.0. Cuối cùng, kết hợp với hiểu biết về thực trạng sản xuất và xuất khẩu chè của thế giới và Việt Nam để trình bày kết quả nghiên cứu ở chương 4.

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến xuất khẩu chè của Việt nam (Trang 59 - 60)