Lựa chọn và mô tả biến

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến xuất khẩu chè của Việt nam (Trang 60)

VII. Tính mới và đóng góp của nghiên cứu

3.2.1. Lựa chọn và mô tả biến

Căn cứ vào lý luận của mô hình trọng lực cấu trúc đối với thương mại ngành như đã giới thiệu ở trên và khả năng thu thập dữ liệu, tác giả sẽ lựa chọn các biến đại diện phù hợp nhất có thể để đưa vào mô hình. Theo lý thuyết trọng lực kết cấu dựa trên lập luận của Anderson và Van Wincoop (2003), được Anderson và Yotov (2010) thảo luận ứng dụng đối với phiên bản ngành, có thể liệt kê 6 nhóm biến chính ảnh hưởng ảnh hưởng đến xuất khẩu chè là: Khả năng sản xuất chè của Việt Nam, Chi tiêu cho ngành chè của nước nhập khẩu, Tổng khả năng sản xuất ngành k của thế giới (cũng chính là tổng khả năng chi tiêu ngành k của thế giới), Chi phí thương mại song phương đối với ngành chè, Các rào cản thương mại từ phía Việt Nam, Các rào cản thương mại liên quan đến nước nhập khẩu. Tuy nhiên, vì các biến này hầu như không có quan sát tương đương trực tiếp trong cơ sở dữ liệu toàn

cầu, nghiên cứu hiện tại phải sử dụng các biến đại diện phù hợp với các loại này. Do đó, tác giả thu thập dữ liệu từ các nguồn khác nhau để nắm bắt được càng nhiều nhân tố ảnh hưởng đến xuất khẩu chè càng tốt.

Các đại lượng danh nghĩa hoặc thực thường có thể được sử dụng cho các biến được đưa vào. Giá trị thực có thể thu được bằng cách chuẩn hóa các biến danh nghĩa bằng cách sử dụng các chỉ số giá khác nhau, chẳng hạn như CPI hoặc chỉ số giảm phát GDP ở các quốc gia riêng lẻ. Tuy nhiên, tài liệu [111] cho rằng không tìm thấy bất kỳ sự khác biệt đáng kể nào trong các ước tính của họ liên quan đến việc sử dụng dữ liệu danh nghĩa hoặc dữ liệu thực. Một số tác giả nhấn mạnh việc sử dụng đại lượng danh nghĩa [112]. Vì lý do này, giá trị danh nghĩa theo giá hiện hành được sử dụng trong luận án cho các biến liên quan.

(1) Nhóm biến thể hiện khả năng sản xuất chè của Việt Nam

Để thể hiện khả năng sản xuất chè của Việt Nam, tác giả sẽ lựa chọn các biến đại điện có thể phản ảnh được cả số lượng và chất lượng sản xuất chè của Việt Nam.

- Sản lượng chè sản xuất của Việt Nam (QPROV)

Trên thế giới với xấp xỉ 200 quốc gia và khu vực, chỉ 47 nước sản xuất được chè, trồng được cây chè (theo nguồn của FAOSTAT). Các quốc gia có khả năng sản xuất thường sẽ có lợi thế so sánh trong sản xuất và xuất khẩu ngành hàng này. Sản lượng sản xuất càng lớn thì khả năng xuất khẩu cao do khi lượng hàng hóa đã dư thừa để đáp ứng nhu cầu trong nước thì sẽ có nhu cầu mở rộng thị trường ra bên ngoài, xuất khẩu được đẩy mạnh. Trong mô hình, biến này được đưa vào với ý nghĩa thể hiện khả năng sản xuất chè về số lượng của Việt Nam như các nghiên cứu của Martin (2020) [33], Nimanthi (2014) [34], Dong & Zhu (2015) [37]. Kỳ vọng biến này sẽ có tác động tích cực tới xuất khẩu chè của Việt Nam.

- Số đơn xin cấp bằng sáng chế của cư dân Việt Nam (PANV)

Theo hiểu biết của tác giả, cho tới nay, chưa có nghiên cứu nào tiếp cận bằng mô hình trọng lực đối với chè và nông sản đưa biến này vào nghiên cứu nhưng tác giả cho rằng biến này có vai trò nhất định đối với xuất khẩu chè Việt Nam.

Những đóng góp to lớn của sáng chế vào tăng trưởng kinh tế không chỉ đơn thuần phản ánh vai trò của nguồn lực công nghệ đối với quy mô tăng trưởng mà còn cho thấy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và chất lượng tăng trưởng. Nhờ có sáng chế, mô hình tăng trưởng kinh tế được chuyển đổi từ chiều rộng sang chiều sâu, từ việc dựa vào mở rộng khai thác nguồn lực sẵn có (lao động, vốn, tài nguyên thiên nhiên) sang việc dựa vào hiệu quả sử dụng các nguồn lực bằng cách ứng dụng công nghệ làm tăng chất lượng và giá trị sản phẩm. Sáng chế không chỉ làm gia tăng tổng cung (sản lượng) của nền kinh tế mà còn làm tăng tổng cầu nhờ làm gia

tăng thu nhập từ các nguồn lực và kích thích tiêu dùng. Mức độ sử dụng sáng chế trong các ngành công nghiệp gia tăng có khả năng làm biến đổi cơ cấu kinh tế. Sáng chế được coi là một trong những nguồn lực nội sinh dồi dào phục vụ phát triển kinh tế và xã hội của mỗi quốc gia trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt đang diễn ra trên quy mô toàn cầu. Nhìn chung, vai trò của sáng chế trong xuất khẩu là vô cùng lớn, đã được chứng minh trong nhiều lý thuyết như ở phần trên.

Các sáng chế là cội nguồn của công nghệ quốc gia. Đối với các ngành ngành chè, công nghệ đóng vai trò quan trọng trong nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo nên thương hiệu và sự khác biệt vượt trội về sản phẩm. Mặc dù sản lượng xuất khẩu khá lớn nhưng giá trị xuất khẩu của Việt Nam không cao. Vấn đề này đã được bàn luận ở nhiều nghiên cứu, hội nghị các cấp, từ các cơ quan tổ chức khác nhau, nhiều ý kiến cho rằng, chè của Việt Nam chất lượng chưa cao so với nhiều đối thủ trong ngành, cách chế biến còn cổ điển, truyền thống, thiếu tính sáng tạo trong chế biến và thiết kế mẫu mã, hình thức sản phẩm. Điều này rất có thể do công nghệ sản xuất và chế biến chè của Việt Nam chưa tốt, các sáng chế khoa học chưa tạo được tiền đề vững mạnh để phát triển công nghệ đối với ngành hàng này. Do vậy, trong nghiên cứu này, tác giả đưa biến Số đơn xin cấp bằng phát minh sáng chế của dư dân Việt Nam được thu thập từ trang web của Ngân hàng thế giới nhằm đánh giá xem các sáng chế này có thể chuyển đổi thành công nghệ thực tế và ảnh hưởng đến chất lượng chè Việt Nam và từ đó tác động tích cực lên xuất khẩu chè Việt Nam hay không.

- Ban hành quy trình sản xuất nông nghiệp sạch (VIETGAP)

Từ những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, các tổ chức, quốc gia trên thế giới đã ra lần lượt ra đời các tổ chức nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thực hành tốt nền nông nghiệp sạch, sản xuất ra các sản phẩm an toàn – chất lượng, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu như EurepGAP (1997), Malysia GAP (2002), JGAP (2005), AseanGAP và ChinaGAP (2006); GlobalGap, ThaiGAP và IndiaGAP (2007). Ở Việt Nam, ngày 28 tháng 1 năm 2008, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành giấy chứng nhận quy trình sản xuất thực phẩm sạch VietGAP (Vietnamese Good Agricultural Practices - Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt tại Việt Nam).

Việc ban hành các quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) nhằm đảm bảo sản xuất ra sản phẩm chè an toàn, giảm thiểu nguy cơ nhiễm độc cho chè từ nguồn đất nước, phân bón, thuốc trừ sâu và các nguồn bệnh lây nhiễm từ người lao động. Hình thành nên các thói quen, lưu trữ và xử lý rác thải, ghi chép theo dõi nhật ký sản xuất chè cho hộ nông dân. Nâng cao nhận thức của hộ về tác hại của việc phun bón quá liều lượng quy định đối với môi trường, với sức khỏe của nông

dân và người tiêu dùng. Đồng thời, nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật trong việc chịu trách nhiệm với hàng hóa hộ sản xuất ra. Từ đó, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả người sản xuất và người tiêu dùng như giúp người sản xuất quản lý tốt hơn quá trình sản xuất, giảm thiểu được các mối nguy hại ảnh hưởng trực tiếp đến người sản xuất, đến sản phẩm và người tiêu dùng, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm, bảo vệ sức khỏe người sản xuất cũng như người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và truy nguyên được nguồn gốc sản phẩm. Cuối cùng, giúp sản phẩm chè đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng trên thế giới và làm gia tăng giá trị xuất khẩu chè. Từ đó, giúp chè Việt Nam vượt qua các rào cản kỹ thuật của các nhà nhập khẩu, nâng cao giá trị xuất khẩu.

Sự ra đời của VietGAP có thực sự hiệu quả trong việc nâng cao giá trị xuất khẩu hàng hóa nói chung và chè nói riêng? Điều này chưa được đo lường trong bất kỳ nghiên cứu nào tại Việt Nam và trên thế giới. Do đó, luận án sẽ bổ sung biến này vào mô hình nghiên cứu. Biến này nhận giá trị 1 từ 2008 tới 2018, các năm còn lại nhận giá trị 0.

(2) Nhóm biến thể hiện chi tiêu cho ngành chè của nước nhập khẩu

Chi tiêu cho ngành chè của một quốc gia phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: sở thích tiêu dùng chè, thu nhập, khả năng trồng chè, dân số, sự phát triển ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu chè của quốc gia đó. Trong nghiên cứu này, do không có khả năng đánh giá sở thích, thị hiếu của người tiêu dùng ở các nước nhập khẩu nên tác giả giả định nó có sự đồng đều về giữa các nhà nhập khẩu, và có độ tương đồng như nhau với sản phẩm sản xuất ra tại các xuất xứ khác nhau. Và từ đó, tập trung xác định mức độ ảnh hưởng của các nhân tố còn lại dựa trên giả định này.

- Thu nhập quốc dân bình quân đầu người (PCGNIJ)

Giả định sở thích tiêu dùng chè của các nước trên thế giới là như nhau và đã xác định trước, tổng chi tiêu cho ngành chè của nước nhập khẩu phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau nhưng trước hết đó là thu nhập của người dân nước nhập khẩu. Thu nhập của người dân có mối quan hệ chặt chẽ với chi tiêu cho tất cả các hàng hóa (theo lý thuyết của Keynes). Theo quy luật Engle, chiều hướng, mức độ ảnh hưởng của thu nhập tới chi tiêu cho hàng hóa còn phụ thuộc vào hàng hóa nghiên cứu là hàng hóa xa xỉ, cấp thấp hay thiết yếu. Các hàng hóa thiết yếu và cấp thấp thường được chi tiêu giảm, tăng không đáng kể hoặc không thay đổi khi thu nhập tăng lên. Tài liệu Idsardi (2010) [16] cho thấy thu nhập bình quân đầu người của nước nhập khẩu có ảnh hưởng tiêu cực tới xuất khẩu quả thông khô (hop cones) của Nam Phi. Điều đó cho thấy quả thông khô của Nam Phi là hàng hóa thiết yếu hoặc cấp thấp. Đối với ngành chè, tác giả chưa tìm thấy nghiên cứu nào

đánh giá, phân loại hàng hóa chè Việt Nam, tuy nhiên, điều này hoàn toàn có thể suy luận từ kết quả của mô hình.

Bên cạnh đó, ngày nay, người tiêu dùng ở các nước thu nhập cao thường đòi hỏi chất lượng hàng hóa tốt hơn. Từ đó, họ thúc ép các chính phủ đưa ra các rào cản để sàng lọc bớt các hàng hóa chất lượng thấp, không đáp ứng các điều kiện về an toàn thực phẩm. Đặc biệt, hàng hóa từ các nước đang phát triển. Các chính sách này của các Chính phủ có thể có những biện pháp bảo vệ cao hơn trong lĩnh vực nông nghiệp. Điều đó, có thể khiến xuất khẩu chè Việt Nam gặp khó khăn hơn. Kết quả nghiên cứu từ tài liệu [43]cho thấy các biện pháp TBT mà các nước nhập khẩu áp đặt có tác động tiêu cực đáng kể đến xuất khẩu chè của Việt Nam. Trong khi các biện pháp TBT tích lũy do các nước đang phát triển áp dụng tăng 1% làm giảm xuất khẩu chè của Việt Nam 0,341%, thì con số của các nước phát triển là 1,308%. Nhiều nghiên cứu khác cũng đã chỉ ra tác động của SPS tới xuất khẩu chè của Trung Quốc như Nimanth (2014) [34], Wang và cộng sự (2018), [36], FAO (2016) [36], Dong & Zhu (2015) [37]. Đặc biệt, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chè của Trung Quốc bị hạn chế bởi các biện pháp SPS do khoảng cách lớn so với các nước phát triển về giới hạn tồn dư tối đa thuốc bảo vệ thực vật và số lượng thuốc bảo vệ thực vật được quản lý. Các biện pháp SPS bao gồm quy định, tiêu chuẩn về giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, quy trình kiểm tra và phương pháp lấy mẫu. Giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật là hình thức chính và rào cản chính mà các nhà xuất khẩu chè Việt Nam đang phải đối mặt. Đối với sản xuất chè, thuốc bảo vệ thực vật thường được sử dụng để kiểm soát côn trùng và động vật gây hại. Ảnh hưởng của chúng đối với dòng chảy thương mại thông qua việc ảnh hưởng đến chi phí tuân thủ, được định nghĩa là một khoản chi bổ sung mà các nhà xuất khẩu phải trả để tuân thủ các yêu cầu của SPS ở các nước nhập khẩu. Để vượt qua các rào cản này, chè Việt Nam sẽ phải chịu chi phí tuân thủ cao trong khi giá cả không cải thiện, đời sống người dân tham gia vào chuỗi giá trị không ổn định, quy mô chè sản xuất và xuất khẩu từ đó giảm sút. Tiêu chuẩn chung hoặc tiêu chuẩn đơn phương của các nước xuất khẩu sẽ thúc đẩy thương mại song phương, trong khi các tiêu chuẩn đơn phương của các nước nhập khẩu hạn chế thương mại song phương [41].

Tóm lại, nghi ngờ về tác động tiêu cực của thu nhập bình quân trên đầu người của tác giả ít nhất có thể dựa trên căn cứ về mối quan hệ giữa thu nhập và chi tiêu cho sản phẩm chè và các rào cản phi thuế quan gia tăng từ phía nhà nhập khẩu khi thu nhập của họ ngày càng được cải thiện. Do đó, tác giả bổ sung biến này vào mô hình nghiên cứu của mình, mặc dù trước đây, tác giả chưa tìm thấy nghiên cứu nào thực hiện điều này đối với ngành chè. Dự kiến biến này sẽ có tác động ngược chiều tới xuất khẩu chè của Việt Nam.

- Khả năng trồng chè của nước nhập khẩu (DPROTEA)

Cho tới nay, tác giả chưa tìm thầy nghiên cứu nào đưa biến này vào trong mô hình trọng lực cho ngành chè và nông sản. Tuy nhiên, tác giả cho rằng biến này có vai trò quan trọng trong xác định động lực nhập khẩu chè của các nước nhập khẩu. Nhu cầu tiêu dùng chè có thể được đáp ứng bằng sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu từ nước ngoài. Giả sử nhu cầu tiêu dùng chè ở các quốc gia là như nhau, nếu cùng quy mô dân số, cùng mức thu nhập thì lượng nhập khẩu chè sẽ cao hơn nếu quốc gia đó không có khả năng sản xuất chè hoặc có khả năng nhưng không sản xuất và ngược lại. Như vậy, nếu một quốc gia có khả năng trồng chè và sản xuất chè thì nhu cầu nhập khẩu chè nhiều khả năng sẽ giảm xuống. Do đó, biến này dự kiến có tác động âm tới biến phụ thuộc. Do dữ liệu về sản lượng sản xuất chè của nhiều nước nhập khẩu chè trên thế giới bị khuyết dữ liệu nên trong nghiên cứu này, tác giả gán biển giả cho biến này. Cụ thể, này nhận giá trị 1 nếu quốc gia nhập khẩu có khả năng sản xuất chè và nhận giá trị 0 nếu ngược lại.

- Quy mô dân số nước nhập khẩu (POPJ)

Giả định tất cả các yếu tố về sở thích, thu nhập, khả năng sản xuất chè thuộc quốc gia nhập khẩu không thay đổi, có lớn hơn 0% dân số nước nhập khẩu có nhu cầu tiêu dùng chè thì sự tăng lên của dân số sẽ làm tăng lên nhu cầu nhập khẩu. Trong mô hình trọng lực đối với thương mại chè toàn cầu, Karandagoda (2014) [35] đã bổ sung biến Quy mô dân số nước nhập khẩu và cho thấy tác động tích cực đáng kể của biến này. Tương tự, nghiên cứu của Nguyen Thi Thu Thuong [43] cũng khẳng định dân số nước nhập khẩu có quan hệ cùng chiều đối với chè Việt Nam. Tuy nhiên, nghiên cứu của Martin (2020) [33] đã bổ sung biến Dân số nước nhập khẩu vào trong mô hình trọng lực đối với chè của Kenya và đánh giá kết quả dựa trên phương pháp ước lượng FE cho thấy dân số nước nhập khẩu có tác động tiêu cực tới xuất khẩu chè của nước này. Mặc dù vậy, tác giả không đưa ra lời giải thích chi tiết cho kết quả này. Nhiều nghiên cứu khác cũng đã phân tích ảnh hưởng của biến này tới thương mại nông sản trong mô hình trọng lực của họ Sevela và

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến xuất khẩu chè của Việt nam (Trang 60)