KHÁCH HÀNG CÁ NHÂN CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠ
1.1.1.2. Hoạt động cho vay của Ngân hàng thương mạ
* Khái niệm cho vay của NHTM:
Hoạt động cho vay ra đời và tồn tại xuất phát từ đòi hỏi khách quan của quá trình tuần hoàn vốn, để giải quyết hiện tượng dư thừa, thiếu hụt vốn diễn ra thương xuyên giữa các chủ thể trong nền kinh tế.
Theo thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đồi với khách hàng, “Cho vay là hình thức cấp tín dụng, theo đó tổ chức tín dụng giao hoặc cam kết giao cho khách hàng một khoản tiền để sử dụng vào mục đích xác định
trong một thời gian nhất định theo thỏa thuận với nguyên tắc có hoàn trả cả gốc và lãi”.
Cho vay KHCN là quan hệ cho vay mà NHTM chuyển giao về vốn trong một thời gian nhất định từ NHTM tới các cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác nhằm phục vụ mục đích tiêu dùng, đầu tư hay sản xuất kinh doanh (Nguyễn Văn Tiến, 2013).
Một cách khái quát, cho vay là quan hệ chuyển nhượng tài sản (vốn) giữa Ngân hàng với các chủ thể khác trong nền kinh tế; trong mối quan hệ này, Ngân hàng vừa giữ vai trò là người đi vay (con nợ) vừa giữ vai trò là người cho vay (chủ nợ). Đây là quan hệ tín dụng gián tiếp mà người tiết kiệm, thông qua vai trò trung gian của Ngân hàng, thực hiện đầu tư vốn vào các chủ thể có nhu cầu về vốn trong nền kinh tế.
Tóm lại, theo tác giả khái niệm Cho vay của NHTM là việc chuyển nhượng tạm thời một lượng giá trị từ NHTM (người chủ sở hữu) sang khách hàng vay (người sử dụng) sau một thời gian nhất định quay trở lại NHTM với lượng giá trị lớn hơn lượng giá trị ban đầu. Hay có thể hiểu cho vay của NHTM là quan hệ giữa một bên là người cho vay (NHTM) bằng cách chuyển giao tiền hoặc tài sản cho bên vay (khách hàng vay) để sử dụng trong thời gian nhất định với cam kết của người vay là hoàn trả cả gốc và lãi đầy đủ khi đến hạn.
* Đặc điểm cho vay
Theo tác giả Phan Thị Thu Hà (2013) cho rằng NHTM bao gồm nhiều hoạt động kinh doanh khác nhau, mỗi hoạt động đều có những đặc điểm riêng biệt và hoạt động cho vay cũng vậy. Cho vay có những đặc điểm nổi bật sau:
- Cho vay dựa trên cơ sở lòng tin: Ngân hàng chỉ cho khách hàng vay vốn khi có lòng tin vào việc khách hàng sử dụng vốn vay đúng mục đích một cách hiệu quả và có khả năng hoàn trả đầy đủ cả gốc và lãi đúng hạn cho Ngân hàng.
- Cho vay là sự chuyển nhượng tài sản (vốn) có thời hạn: Ngân hàng là trung gian tài chính “đi vay để cho vay”, nên mọi hoạt động cho vay của Ngân hàng đều phải có thời hạn, đảm bảo tính lưu động của dòng vốn. Ngân hàng thường căn cứ vào tính chất thời hạn nguồn vốn và quá trình luân chuyển vốn của đối tượng vay để xác định thời hạn cho vay hợp lý. Nếu ngân hàng có nguồn vốn dài hạn, ổn định có
thể cho vay dài hạn nhiều; ngược lại, nếu nguồn vốn không ổn định và kỳ hạn ngắn, cho vay dài hạn có thể là nguy cơ dẫn đến rủi ro thanh khoản. Mặt khác, thời hạn cho vay phải phù hợp với chu kỳ luân chuyển vốn của đối tượng vay thì người vay mới có điều kiện trả nợ đúng hạn. Nếu ngân hàng xác định thời hạn cho vay nhỏ hơn chu kỳ luân chuyển vốn của đối tượng vay, khách hàng sẽ không đủ điều kiện trả nợ cho Ngân hàng đúng hạn, gây khó khăn cho khách hàng. Ngược lại, nếu thời hạn cho vay lớn hơn chu kỳ luân chuyển vốn sẽ tạo điều kiện cho khách hàng sử dụng vốn sai mục đích, tiềm ẩn rủi ro tín dụng cho Ngân hàng.
- Cho vay dựa trên nguyên tắc hoàn trả cả gốc và lãi: Nếu không có sự hoàn trả thì không được coi là cho vay. Giá trị hoàn trả phải lớn hơn giá trị ban đầu. Nghĩa là ngoài việc hoàn trả giá trị gốc, khách hàng phải trả cho ngân hàng một khoản lãi, đây chính là giá của quyền sử dụng vốn vay. Khoản lãi phải luôn là một số dương mới bù đắp được chi phí hoạt động và tạo ra lợi nhuận cho ngân hàng, phản ánh đúng bản chất hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
- Cho vay phải dựa trên cơ sở cam kết hoàn trả vô điều kiện: Quá trình xin vay và cho vay diễn ra trên cơ sở những căn cứ pháp lý chặt chẽ như hợp đồng tín dụng, khế ước nhận nợ, hợp đồng bảo đảm tiền vay, bảo lãnh,… trong đó bên đi vay phải cam kết hoàn trả vô điều kiện cho ngân hàng khi đến hạn.
- Cho vay là hoạt động tiềm ẩn rủi ro cao: Việc thu hồi khoản vay không những phụ thuộc vào bản thân khách hàng, mà còn phụ thuộc vào môi trường hoạt động kinh doanh ngoài tầm kiểm soát của khách hàng như sự biến động về giá cả, lãi suất, tỷ giá, lạm phát, tăng trưởng kinh tế, thị trường, thiên tai,… Khi khách hàng gặp khó khăn do môi trường kinh doanh thay đổi, dẫn đến khó khăn trong việc trả nợ, điều này khiến cho ngân hàng có thể gặp rủi ro tín dụng.
- Nguyên tắc cho vay: Để đảm bảo an toàn vốn, trong quá trình cho vay, các NHTM luôn phải tuân thủ những nguyên tắc sau:
+ Tiền vay phải được sử dụng đúng mục đích đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng: Theo nguyên tắc này thì mọi khoản vay đều phải được xác định trước về mục đích kinh tế. Bởi vậy, các doanh nghiệp và cá nhân có nhu cầu vay vốn, trước khi vay phải trình bày với ngân hàng mục đích vay vốn, gửi cho ngân hàng các kế
hoạch hay dự án sản xuất kinh doanh, các hợp đồng cung cấp và tiêu thụ sản phẩm, các tài liệu kế toán để ngân hàng xem xét cho vay. Khi cho vay, ngân hàng cùng khách hàng lập hợp đồng tín dụng vay vốn và khách hàng phải cam kết sử dụng tiền vay đúng mục đích và điều này được ghi trong hợp đồng tín dụng. Sau khi đã nhận được tiền vay khách hàng phải sử dụng đúng mục đích như đã cam kết. ngân hàng có trách nhiệm kiểm soát việc sử dụng vốn vay của khách hàng, nếu khách hàng sử dụng vốn vay sai mục đích, ngân hàng phải áp dụng các biện pháp chế tài thích hợp nhằm ngăn ngừa rủi ro có thể xảy ra cho ngân hàng.
+ Tiền vay phải hoàn trả đúng thời hạn đầy đủ cả gốc và lãi: Hoàn trả là thuộc tính vốn có của tín dụng, sự hoàn trả là mối quan tâm hàng đầu của ngân hàng khi cho vay. Thu hồi nợ gốc và lãi đúng hạn là cơ sở để các NHTM tồn tại và phát triển. 1.1.1.3. Vai trò của hoạt động cho vay đối với ngân hàng thương mại
Hoạt động chủ yếu của NHTM là việc thu hút vốn để mở rộng cho vay và đầu tư nhằm thu lợi nhuận. Việc sử dụng vốn có hiệu quả hay không quyết định đến sự thành bại trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Chiến lược kinh doanh quan trọng nhất của ngân hàng là chiến lược tín dụng, trong đó, hoạt động cho vay là hoạt động hứa hẹn đem lại lợi nhuận cao. Doanh thu từ hoạt động này thường chiếm khoảng từ 1/2 đến 2/3 tổng doanh thu của ngân hàng. Ngân hàng nên quan tâm đến việc mở rộng và nâng cao chất lượng cho vay bởi:
- Hoạt động cho vay làm tăng doanh thu và lợi nhuận của ngân hàng: Khi ngân hàng cho vay ngân hàng thu được tiền lãi.
Tiền lãi = Lãi suất * Tổng dư nợ thực tế * Thời gian vay.
Tiền lãi chiếm một tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu và lợi nhuận của ngân hàng. Khi ngân hàng mở rộng cho vay về chiều rộng làm tổng dư nợ tăng lên, nếu ngân hàng không gặp rủi ro lớn từ các khoản cho vay này thì chắc chắn doanh thu và lợi nhuận sẽ tăng lên. Khi ngân hàng mở rộng cho vay về chiều sâu, chất lượng của các khoản vay tăng lên, khả năng thu hồi vốn vay là lãi cao, đặc biệt đối với các khoản vay với thời hạn dài thì doanh thu và lợi nhuận từ các khoản vay này cũng tăng lên.
Ngoài thu từ lãi, ngân hàng còn có các khoản thu phí dịch vụ như: dịch vụ bảo lãnh, dịch vụ thanh toán, dịch vụ tư vấn, …
- Giúp NHTM tồn tại và phát triển bền vững.
Mặt khác, nhờ có hoạt động cho vay, mà các đơn vị kinh tế có thể vay của ngân hàng để đầu tư cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Lợi nhuận thu được giúp các đơn vị này có đủ tiền để trả cho ngân hàng, thậm chí còn dư để có thể gửi vào ngân hàng, nghĩa là có khả năng làm tăng hoạt động huy động vốn của ngân hàng. Cùng với đó, khi sản xuất kinh doanh phát triển, nhu cầu xã hội tăng cao thì các hoạt động dịch vụ của ngân hàng cũng phát triển theo để bắt kịp xu thế phát triển, tối đa hóa mục tiêu lượi nhuận. Hay nói cách khác, sự phát triển hoạt động cho vay của ngân hàng cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển của các dịch vụ ngân hàng khác nói riêng và của toàn ngân hàng nói chung.