6. Cấu trúc của khóa luận
1.1.3. Vai trò của du lịch biển, đảo
Du lịch biển, đảo là loại hình du lịch đang được đầu tư nghiên cứu, khai thác và phát triển mạnh ở nhiều quốc gia có lợi thế về biển, đảo trên thế giới. Chủ yếu là các nước có điều kiện khí hậu nhiệt đới ấm áp. Trong đó, Đông Nam Á là một khu vực có loại hình du lịch biển, đảo phát triển mạnh với những quốc gia như: Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore…phát triển du lịch biển, đảo đã mang lại những vai trò và tác động tích cực cho các quốc gia, thể hiện ở những mặt sau:
1.1.3.1. Tạo ra sự đa dạng về loại hình du lịch
Các loại hình du lịch được đa dạng hóa là một trong những điều rất cần thiết của các quốc gia muốn phát triển ngành du lịch, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Đối với các quốc gia và các địa phương có ngành du lịch phát triển mạnh mẽ, nó đã và đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của các quốc gia và các địa phương đó.
Loại hình du lịch biển đảo ngày càng được đa dạng, các loại hình du lịch như nghỉ dưỡng, thể thao, lưu trú, nghiên cứu, mạo hiểm.... được ra đời và ngày càng phát triển mạnh mẽ đến ngành du lịch biển đảo. Tất cả điều này đã và đang tạo ra sự đa dạng trong các loại hình du lịch, cụ thể là ngành du lịch biển, đảo. Song song đó, cùng với việc khai thác tiềm năng của biển đảo, nhằm thõa mãn tối đa nhu cầu của khách du lịch.
1.1.3.2. Phát triển kinh tế
Loại hình du lịch biển, đảo luôn có vai trò, nhiệm vụ quan trọng và có tỷ trọng lớn về các giá trị doanh thu, doanh số, số lượng lao động và cơ sở hạ tầng - vật chất kỹ thuật của ngành du lịch tại các quốc gia có lợi thế về biển, đảo. Hiện nay, du lịch biển đảo được xem là loại hình du lịch mũi nhọn đóng vai trò chủ đạo tại các quốc gia này và là giải pháp để vực dậy nền kinh tế cho các quốc gia ven biển hiện nay có nền kinh tế chưa ổn định. Chưa dừng tại đó, mà nó còn là động lực thúc đẩy nền kinh tế biển đảo
của các địa phương, các quốc gia phát triển mạnh mẽ và đạt được một số thành tựu nhất định trong ngành du lịch.
Ngành du lịch biển đảo có một tiềm năng rất to lớn, nó đã giúp phát triển kinh tế du lịch biển đảo. Đảng và nhà nước ta đã quyết định ban hành các văn bản pháp luật và những chính sách thông thoáng, thuận lợi cho phát triển kinh tế du lịch biển, đảo điển hình như: Nghị quyết số 09-NQ/TW về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Triển khai chủ trương của Đảng, Quốc hội đã ban hành các Luật liên quan đến phát triển kinh tế du lịch biển, đảo như: Luật Biển Việt Nam (2012), Luật Du lịch (2017). Chỉ thị số 18/CT- BVHTTDL về việc tổ chức triển khai thực hiện “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030”; Quyết định số 2782/QĐ-BVHTTDL về việc phê duyệt Đề án “Phát triển du lịch biển, đảo và vùng ven biển Việt Nam đến năm 2020”.
Giống như các loại hình du lịch khác, du lịch biển, đảo cũng thuộc ngành dịch vụ, còn được xem ngành không khói. Du lịch biển, đảo đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động phát triển kinh tế của đất nước.
Phát triển du lịch biển, đảo sẽ kéo theo sự phát triển các hoạt động khác, ví dụ như: các hoạt động khai thác, nuôi trồng và chế biến tại chỗ do người dân địa phương làm ra để đáp ứng nhu cầu cho các khách hàng, du khách. Chất lượng, số lượng và hình thức vẫn được xem trọng và ngày càng phát triển để đáp ứng đầy đủ nhu cầu của khách du lịch. Qua đó, việc phát triển du lịch biển, đảo còn là điều kiện để các địa phương có thể xuất khẩu các sản phẩm đặc trưng của kinh tế biển đảo tại chỗ.
Khi du lịch biển, đảo phát triển sẽ góp phần nâng cao đời sống, cải thiện thu nhập và điều kiện phúc lợi cho dân cư ở khu vực đó. Ngoài ra, còn góp phần giải quyết vấn đề việc làm cho người dân tại địa phương. Qua đó, nó còn kích thích sự phát triển
của cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật của những vùng ven biển đảo, làm cho bộ mặt kinh tế - xã hội của các vùng này ngày càng thay đổi và hiện đại hơn.
Du lịch biển, đảo đã và đang mang lại hiệu quả cho nền kinh tế đất nước, góp phần tăng nguồn thu ngân sách nhà nước, thức đẩy các thành phần kinh tế phát triển, mang lại cơ hội xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống của người dân ở vùng ven biển đảo nhiều địa phương trong cả nước, nhằm mục tiêu cuối cùng đó là mang lại hiệu quả kinh tế cao từ tiềm năng của biển đảo. Ý nghĩa kinh tế lớn nhất của đảo không chỉ là giá trị vật chất của bản thân chúng mà còn là vị trí chiến lược, là cầu nối vươn ra biển cả, là điểm tựa khai thác các nguồn lợi biển, là những điểm tiền tiêu bảo vệ Tổ quốc.
1.1.3.3. Bảo vệ môi trường, phát triển bền vững
Du lịch biển đảo ngày càng phát triển thì không thể không gắn chặt với môi trường, bao gồm cả môi trường xã hội – văn hóa và môi trường tự nhiên. Nếu như môi trường văn hóa sẽ bảo đảm cho ngành du lịch hướng đến văn minh thì môi trường tự nhiên là sẽ cơ sở cho sự phát triển bền vững của ngành du lịch. Vì vậy, việc bảo vệ môi trường đang được đặt ra như một vấn đề có tính sống còn của du lịch hiện nay.
Vì vậy, phát triển du lịch phải gắn liền với quan điểm phát triển bền vững. Du lịch biển, đảo lại càng phải chú ý đến vấn đề này. Việc khai thác và phát triển phải gắn liền với công tác bảo tồn và tôn tạo các loại tài nguyên du lịch một cách hiệu quả. Do đó phát triển du lịch biển, đảo sẽ góp phần bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái, bảo vệ môi trường.
1.1.3.4. Quốc phòng – an ninh
Chủ nghĩa Mác - Lênin đã khẳng định rằng: Kinh tế, quốc phòng – an ninh là những mặt hoạt động cơ bản của mỗi quốc gia, dân tộc độc lập có chủ quyền. Mỗi lĩnh vực có mục đích, cách thức hoạt động và chịu sự chi phối của những quy luật riêng, song chúng lại có mối quan hệ, tác động lẫn nhau. Trong đó, kinh tế là yếu tố quyết định đến quốc phòng – an ninh; ngược lại, quốc phòng – an ninh cũng có tác động trở lại đối với kinh tế theo hai chiều hướng: tích cực và tiêu cực. Như vậy, theo lý luận đó, quốc phòng – an ninh vững chắc sẽ tạo môi trường hòa bình, ổn định để thu hút các nhà đầu tư, khách du lịch đến đầu tư du lịch, nghỉ dưỡng, thúc đẩy kinh tế du lịch biển,
đảo phát triển; ngược lại, tiềm lực, khả năng quốc phòng – an ninh yếu kém, trật tự an toàn xã hội không được bảo đảm sẽ tất yếu tạo ra những bất ổn về kinh tế, chính trị, xã hội, làm giảm khả năng thu hút khách du lịch đến tham quan nghỉ dưỡng, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế du lịch biển, đảo. Thực tiễn đã chứng minh, nơi nào có sự ổn định về chính trị, quốc phòng – an ninh được bảo đảm thì nơi đó thu hút được rất nhiều du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng; điển hình như: các nước Bắc Âu, Maldives, Singapore... Ngược lại, nơi nào bất ổn về an ninh chính trị, xung đột sắc tộc, tranh chấp chủ quyền thì nơi đó khó thu hút khách du lịch, như: một số nước Bắc Phi, Trung Đông thời gian qua.
Trong bối cảnh hiện nay, phát triển du lịch biển, đảo còn có tác dụng quan trọng trong việc đảm bảo an ninh quốc phòng và chủ quyền biên giới trên biển cho quốc gia.
Từ sau Đại hội XI của Đảng, chủ trương phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo đã được điều chỉnh cụ thể, chi tiết hơn. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) chỉ rõ: Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng - an ninh; quốc phòng - an ninh với kinh tế trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội và trên từng địa bàn. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 nhấn mạnh “gắn phát triển kinh tế biển với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền vùng biển”.
Biển Đông cũng là hướng phòng thủ chiến lược của đất nước ta. Biển được xem như mặt tiền, cửa ngõ, sân trước của nước ta. Có thềm lục địa, chiến lũy nhiều tầng nhiều lớp, bố trí thành tuyến phòng thủ liên hoàn bảo vệ Tổ quốc. Lịch sử nước ta đã cho thấy, có rất nhiều cuộc chiến tranh xâm lược của quân địch đối với nước ta được bắt đầu từ hướng biển. Và cũng có rất nhiều trận chiến thắng vẻ vang như: Ba lần đại thắng quân thù trên sông Bạch Đằng (năm 938, 981 và 1288); chiến thắng trên phòng tuyến sông Như Nguyệt 1077; chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút năm 1785 và những chiến công vang dội của quân và dân ta trên chiến trường sông biển trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ là những minh chứng ghi đậm dấu ấn không bao giờ phai nhạt trong lịch sử dân tộc ta. Ngày nay, du lịch biển, đảo ngày càng
trở nên có vai trò đặc biệt quan trọng, xung yếu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, phát triển kinh tế biển gắn với quốc phòng – an ninh bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo là điều Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, chú trọng.
Việc phát triển du lịch biển đảo gắn với bảo đảm quốc phòng – an ninh còn được thể hiện trong xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch và xây dựng, khai thác các sản phẩm du lịch biển - đảo. Đã có sự phối hợp chặt chẽ, tham khảo ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trong các hoạt động điều tra, nghiên cứu, thiết lập các dự án phát triển du lịch kết hợp bảo đảm quốc phòng – an ninh trên các đảo, như: Cát Bà, Bạch Long Vĩ, Trường Sa, Phú Quốc, Cam Ranh. Ở nhiều trọng điểm du lịch biển - đảo như: Hạ Long, Vân Đồn, Cát Bà, Sầm Sơn, Cửa Lò, Cửa Tùng - Cửa Việt, Lăng Cô, Mỹ Khê, Non Nước, Cam Ranh, Vũng Tàu, Phú Quốc, Côn Đảo… hệ thống giao thông, đường du lịch ven biển và trên các đảo, sân bay, bến cảng đã được tính toán xây dựng theo hướng “lưỡng dụng”, có thể phục vụ cho các nhiệm vụ quốc phòng – an ninh.
Trước những diễn biến phức tạp của tình hình biển Đông hiện nay. Nhà nước ta đang đặt ra việc phải kết hợp phát triển kinh tế du lịch biển, đảo gắn với đảm bảo quốc phòng – an ninh nước nhà là điều hết sức cần thiết và cấp bách. Trong thực tế, khi gắn kết hai lĩnh vực này với nhau đã thu được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, ở một số nơi, một số thời điểm hiệu quả của sự gắn kết này còn rất hạn chế. Vì vậy, cần có một số giải pháp gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa phát triển du lịch biển đảo với bảo đảm an ninh – quốc phòng trong bối cảnh hội nhập ở Việt Nam hiện nay.
Việt Nam ta có đặc điểm lãnh thổ hình chữ S, trải dài ven biển từ Bắc vào Nam, chiều ngang hẹp. Nên hầu như các đơn vị trung tâm kinh tế xã hội và trung tâm chính trị, an ninh – quốc phòng của nước ta có phạm vi cách bờ biển không xa. Vì vậy, rất dễ bị địch tấn công từ hướng biển vào các khu vực quan trọng này. Do đó, các quần đảo xa bờ, gần bờ cần phải được củng cố xây dựng vị trí, căn cứ trú đậu, triển khai của lực lượng Hải quân Việt Nam và sự tham gia của các lực lượng khác thì biển đảo có vai trò quan trọng làm tăng chiều sâu phòng thủ hiệu quả cho đất nước.
Trên Biển Đông vùng biển nước ta tiếp giáp với vùng biển 7 nước trong khu vực là: Trung Quốc (phía Bắc), Campuchia và Thái Lan (Tây Nam), Philippin, Malaixia, Indonêxia, Brunây (phía Đông, Đông Nam và Nam). Nơi đây đang diễn ra những tranh chấp rất phức tạp và quyết liệt về chủ quyền biển đảo giữa các quốc gia với nhau, dẫn tới xu hướng tăng cường lực lượng quân sự, đặc biệt là hải quân của các nước trong khu vực, nhất là những nước có tiềm lực lớn về kinh tế, quân sự. Vùng kinh tế động lực Việt Nam đang hướng ra biển, điều kiện tài nguyên du lịch biển - đảo nổi trội cùng với quá trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới mang đến nhiều cơ hội phát triển kinh tế du lịch biển, đảo nước ta. Tuy nhiên, đây là khu vực rất nhạy cảm về an ninh – quốc phòng. Do vậy, tăng cường gắn kết giữa phát triển kinh tế du lịch biển, đảo với bảo đảm an ninh – quốc phòng là điều hết sức cần thiết, nhằm “đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu mạnh” như “Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020” đã xác định, nhất là trong bối cảnh tình hình trên Biển Đông đang có những diễn biến ngày càng phức tạp hiện nay.