6. Cấu trúc của khóa luận
2.2.2. Tiềm năng về nguồn nhân lực
Một trong những nhiệm vụ quan trọng để phát triển du lịch biển, đảo tại Khu du lịch cấp tỉnh Phú Quý (Bình Thuận) là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, nhất là nguồn nhân lực tại chỗ để khai thác thế mạnh, tiềm năng của huyện đảo, trong đó có nhân lực phục vụ dịch vụ nhà hàng, ăn uống.
Hiện nay, Huyện đảo Phú Quý chưa có bộ phận chuyên trách về du lịch, Phòng Văn hóa - Thông tin của đảo là cơ quan kiêm nhiệm chức năng quản lý du lịch, cơ quan này hiện chỉ có ba cán bộ và chưa được đào tạo bài bản về du lịch. Vì vậy, trên đảo vẫn chưa có đội ngũ hướng dẫn viên địa phương. Điều này cho thấy đội ngũ nhân lực du lịch còn thiếu về số lượng và hạn chế về trình độ chuyên môn, chưa đáp ứng được tốc độ phát triển du lịch nhanh chóng của huyện đảo Phú Quý.
Tổng số dân của huyện là 29.724 người (năm 2018). Nhìn chung, Phú Quý có nguồn lao động dồi dào, số người trong độ tuổi lao động 16.500 lao động (năm 2018), tập trung chủ yếu ở lĩnh vực ngư nghiệp và nông nghiệp. Lao động trong ngành du lịch
không đáng kể, vì họ có nghề chính của họ và xem công việc hoạt động du lịch như là một nghề tay trái. Hiện tại số lao động đang làm việc trong nông, lâm nghiệp – thuỷ sản chiếm 44,6%, công nghiệp xây dựng chiếm 35,7%, thương mại – dịch vụ 19,7%.
Tuy nhiên, lực lượng lao động có trình độ cao đẳng, đại học trở lên chiếm tỷ lệ rất thấp, chủ yếu thuộc các ngành giáo dục, y tế, các ngành khác chưa đáng kể. Do vậy, trong tương lai còn có hướng đào tạo nghề cho người lao động nhất là khoa học công nghệ để có thể đáp ứng được nhu cầu lao động trong điều kiện khoa học kỹ thuật ngày càng hiện đại và phát triển. Đây cũng chính là điều kiện thuận lợi để phát triển ngành du lịch biển, đảo của huyện đảo Phú Quý.
Thực tế, trên đảo hiện nay có 03 đơn vị tham gia cung cấp dịch vụ hướng dẫn du khách tham quan trên đảo. Năm 2015, được sự tư vấn và hỗ trợ của thành đoàn thành phố Hồ Chí Minh, huyện đoàn Phú Quý thành lập câu lạc bộ Du lịch thanh niên, nhiệm vụ của câu lạc bộ này làm công tác hướng dẫn, hỗ trợ khách du lịch khi có nhu cầu về các dịch vụ du lịch trên đảo như: thiết kế tour, ăn uống, vé tàu, thuê xe, lặn biển, câu cá, thăm khu nuôi trồng hải sản, homestay và hướng dẫn khách tham quan đảo. Câu lạc bộ có 05 thành viên tổ chức sinh hoạt hàng tháng, tuy nhiên cho đến nay, câu lạc bộ chỉ phục vụ cho những đoàn khách công vụ và một số khách du lịch tự túc trên đảo nhưng rất ít.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Trường Cao đẳng Nghề du lịch Sài Gòn tổ chức khóa đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ bếp cho các quán ăn, hộ dân kinh doanh dịch vụ ăn uống phục vụ du khách trên địa bàn huyện đảo với sự tham gia của trên 30 học viên đến từ các nhà hàng, quán ăn chuyên đặc sản biển. Tại khóa đào tạo, các học viên đã được hướng dẫn trực tiếp cách chọn nguồn nguyên liệu sẵn có, quy trình chế biến, cách biến tấu và “nâng tầm” các món ngon của Phú Quý như: cá mú hấp, mực trứng chiên giòn, tôm nướng sa tế, gỏi tôm thịt, hàu nướng phô mai, lẩu cá... Ngoài ra, các học viên còn được hướng dẫn và thực hành kỹ thuật chọn nguyên liệu chế biến theo mùa vụ, nguyên tắc chuẩn bị một bữa ăn theo yêu cầu thực đơn của du khách, các bước chuẩn bị nước chấm ăn kèm các món ăn.
Để khai thác tốt tiềm năng “ẩm thực” hấp dẫn khách du lịch, việc nâng chất lượng nguồn nhân lực du lịch là hết sức cần thiết. Do vậy, thời gian tới, ngành du lịch sẽ tiếp tục quan tâm, tổ chức thêm nhiều khóa đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ nguồn nhân lực du lịch cho huyện đảo.