6. Cấu trúc của khóa luận
2.1.3. Đặc điểm tự nhiên
2.1.3.1. Địa hình
Phú Quý có địa hình ở khu vực phía Bắc là dạng núi đồi và ở khu vực phía Nam là đất bằng, với độ cao thấp dần từ Bắc xuống Nam. Trải qua các giai đoạn và quá trình kiến tạo địa hình, địa chất nơi đây đã ban cho Phú Quý có 3 ngọn núi đẹp tuyệt vời.
- Núi Cấm: ở phía Bắc, với độ cao 106 m. Vào năm 1996, trên ngọn núi này đã được nhà nước đã đầu tư xây dựng ngọn hải đăng cao 28m. Đã góp phần tạo nên một thắng cảnh hùng vĩ, đầy vẻ hoang sơ cho đảo Phú Quý. Năm 1972, chùa Linh Bửu được xây dựng nằm ở dưới chân núi. Phong cảnh chùa rất u nhàn và tịch mịch, hòa quyện với thiên nhiên tạo nên một danh lam thắng cảnh rất thanh tịnh, hấp dẫn, thu hút du khách và người dân trên đảo đến viếng thăm chùa, thờ cúng tín ngưỡng. Ở trên ngọn núi Cấm này, mỗi khi thời tiết thanh bạch ta có thể trông thấy các điểm cao ở đất liền như núi Tà Cú (Hàm Thuận Nam), mũi Cà Ná (Ninh Phước), nên cũng dễ dàng cho việc xác định phương hướng.
- Núi Cao Cát: ở phía Đông Bắc của đảo Phú Quý, với cao 86m. Đây là một ngọn núi hùng vĩ, còn được gọi là núi san hô, ngọn núi san hô này bị sóng gió bào mòn thành những dãy bậc thang xoắn hình trôn ốc. Trên núi còn có nhiều mỏm đá độc đáo và hang động nguyên sinh với nhiều sự tích kỳ bí, hấp dẫn. Trải qua hàng ngàn năm bị sóng và gió biển xâm thực, bào mòn tạo cho bề mặt của sườn núi tựa như những lớp sóng trên đá, như sóng cát trên sa mạc. Trên núi có chùa Linh Sơn với hơn 100 tuổi nằm trên đỉnh núi Cao Cát, ở độ cao 106m so với mực nước biển. Trên đỉnh núi đặt một pho tượng Phật to lớn trắng toát. Chùa Linh Sơn khá khang trang bề thế với nhiều hạng mục kiến trúc độc đáo, hài hòa với vẻ đẹp thiên nhiên. Ngôi chùa này đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân trên đảo Phú Quý, là điểm
tựa tinh thần để ngư dân đến cúng bái trước khi ra khơi. Có thể nói vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của núi Cao Cát cùng với ngôi chùa Linh Sơn bên sườn núi và pho tượng Phật trên đỉnh núi đã trở thành một kỳ quan độc đáo của Phú Quý.
- Đồi núi Ông Đụn: ở phía Nam, cao khoảng 46 - 48 m. Phía dưới chân núi có bãi tắm Vịnh Triều Dương, với dải cát trắng mịn, nước biển trong xanh, đây cũng là địa điểm thu hút khách du lịch đến với đảo Phú Quý.
Ở vùng trung tâm của đảo có các dãy đồi cao từ 20 – 30 m, những dãy đồi này bị ngăn cách bởi những dải đất bằng cao 10 - 20 m. Ở vùng rìa của đảo là những dãy thềm cao khoảng 5m. Dọc theo ven biển của đảo có rất nhiều bãi biển đẹp nhưng còn hoang sơ, rất thuận lợi cho hoạt động tắm biển và tham quan, khám phá của khách du lịch. Về địa hình ở đáy biển khá bằng phẳng, không bị dốc rất thuận lợi cho hoạt động tắm biển, lặn ngắm biển, nghỉ dưỡng, xây dựng cảng biển, thám hiểm các tour mạo hiểm,...
Đảo Phú Quý còn có nhiều doi (mũi), lạch (bến), bãi, vịnh như: vịnh Đá Dù (lạch Dù), vịnh Thuế, vịnh Ký Phủ, vịnh Đất Cạn ở phía Đông; bãi Lăng, vịnh Chà Tre, vịnh Ông Cò ở phía Tây, vịnh Ông Lường, vịnh Chùa (lạch Chùa), vịnh Cây Chổi (lạch Chổi), bãi Núi, bãi Nhỏ, bãi Đá Đỏ ở phía Nam và các doi lạch khác như doi Dừa, doi Ông Tỉnh, doi Thầy, lạch Ông Bền, mũi Cây Thẻ, mũi Gành Hang, mũi Trâu Nằm, bãi Phủ… Với một thắng cảnh thiên nhiên rất tự nhiên và hoang sơ, đồng thời cũng là những yếu tố tự nhiên thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Thiên nhiên đã ban tặng cho Phú Quý rất nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch biển đảo. Khi ngồi trên thuyền dạo một vòng quanh đảo lớn ta mới thấy hết những hình hài thú vị, độc đáo và kỳ thú của đảo. Khi ta nhìn từ phía Đông, đảo giống như nổi lên một con rồng; khi ta nhìn từ phía Bắc, đảo sẽ tựa như một con cá thu; nhìn từ phía Tây Nam, đảo sẽ giống như một con cá voi to lớn đang ngoi lên mặt nước. Những bãi biển đẹp trên đảo có các bãi cát trắng tinh và nước trong veo xanh ngắt, thêm đó là các rặng san hô và các cụm đá gành đen lộ đầu ngoạn mục đã hội tụ
đủ các yếu tố đặc sắc để đặc điểm địa hình của đảo Phú Quý góp phần to lớn vào việc phát triển loại hình du lịch biển, đảo.
2.1.3.2. Khí hậu
Nằm giữa biển khơi nên Phú Quý chịu ảnh hưởng sâu sắc chế độ khí hậu của biển rất rõ rệt. Có nhiệt độ trung bình năm 27 độ C. Nhiệt độ trung bình tháng cao nhất rơi vào tháng 5 đạt 29 độ C, nhiệt độ trung bình tháng thấp nhất rơi vào tháng 1 đạt 24 độ C. Có biên độ nhiệt đạt 4 độ C, dao động nhiệt độ trong năm không lớn và đảo không có mùa lạnh.
Vì chịu ảnh hưởng của cơ chế hoàn lưu gió mùa hoạt động ở vùng Đông Nam Châu Á, Phú Quý có hai mùa gió chính đối lập nhau rõ rệt: mùa gió Tây Nam từ tháng 5 đến tháng 10 (người dân đảo gọi là Mùa Nam) với tốc độ gió trung bình đạt 3,8 – 4,7 m/s, gió mùa Đông Bắc từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau (Mùa Bấc) với tốc độ gió trung bình là 5 m/s. Trên đảo có dưới 40 ngày dông trong một năm, với tốc độ gió lớn, trung bình xấp xỉ 6.0m/s gấp 2-3 lần tốc độ gió trong đất liền. Tuy nhiên, vào những ngày mùa gió Bấc, tốc độ gió trên biển thường rất mạnh khoảng cấp 6, cấp 7, có lúc cấp 8, cấp 9. Vào khoảng thời gian có gió mùa và gió lớn, sẽ thường tạo ra sóng lớn làm ảnh hưởng đến các hoạt động đi lại, giao thông trên biển và các hoạt động khai thác hải sản.
Đảo Phú Quý có lượng mưa trung bình hàng năm thấp, khoảng 1.250 mm/năm, nhưng lại phân bố không đều trong năm. Mùa mưa sẽ trùng với mùa gió Tây Nam và mùa khô trùng với mùa gió mùa Đông. Mùa mưa thường kéo dài 7 tháng, bắt đầu từ tháng 5 và kết thúc tháng 11, mưa tập trung nhiều nhất từ tháng 5 đến tháng 6 (chiếm 90%). Mùa ít mưa tập trung từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau với lượng mưa trung bình 10mm/tháng. Lượng mưa ít nhưng mưa rào lớn, nhiều nước, tạnh mưa trời lại nắng, có gió mát dễ chịu làm cho thời tiết ở đây rất mát mẻ.
Độ ẩm trung bình trong năm đạt từ 75%-85%. Độ ẩm thấp nhất vào tháng 1 với 78% và cao nhất vào tháng 9 với 88%. Tổng lượng bức xạ đạt 150 kcal/cm2/năm, tổng số giờ nắng 2.800 – 2.900 giờ/năm. So với đất liền, tuy trời nắng nhưng không oi bức do khí hậu ở đây chịu ảnh hưởng trực tiếp của không khí biển nên mát mẻ quanh năm.
Vào mùa bão trên đảo thường chỉ giới hạn trong vòng 2 tháng 10 và 11 và khả năng có bão ở khu vực này ít hơn so với các khu vực khác, tần suất 0,66 lần/năm (trong vòng 60 năm trở lại đây). Một số cơn bão đở bộ vào đảo Phú Quý từ năm 1968 đến nay theo số liệu thống kê đươc như sau:
+ Tháng XI năm 1968 cơn bão Mamie cấp 8, cấp 9. + Tháng X năm 1963 cơn bão Kim cấp 8, cấp 10, cấp 11. + Tháng XI năm 1994 cơn bão Tess cấp 10, cấp 11. + Tháng IX năm 2006 cơn bão Chan Chu.
Mặc dù ít có bão, nhưng trên đảo Phú Quý thường xuyên chịu ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và cũng chính áp thấp nhiệt đới là loại nhiễu động rất mạnh của thời tiết trong vùng này. Bão và áp thấp nhiệt đới sinh ra rất to, mưa lớn, biển động mạnh gây nên xói lở vùng bờ biển trên đảo làm thay đổi đường bờ, thay đổi cán cận vật lý tại khu vực, làm thiệt hại không nhỏ cho người dân trên đảo nhất là nhiều khi áp thấp nhiệt đới kéo dài, biển thường xuyên bị động mạnh nên nhiều tàu, thuyền không thể ra khơi đánh bắt hải sản được.
Khí hậu huyện đảo Phú Quý mang tính chất của khí hậu đại dương nên rất thích hợp phát triển du lịch, nhất là du lịch biển đảo. Tuy nhiên, với đặc tính biến động mạnh mẽ trong chế độ mưa và có mùa khô kéo dài, gây nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp và chủ động nguồn nước sinh hoạt. Đồng thời gió mùa Đông Bắc mạnh cũng gây nhiều khó khăn cho ngư dân. Giao thông đi lại giữa đảo với đất liền bị hạn chế, vào mùa này, lượng khách du lịch đến đảo rất ít hoặc hầu như không có, tính mùa vụ du lịch tại đảo thể hiện rất rõ do ảnh hưởng của khí hậu. Tuy nhiên, với tốc độ gió khá lớn ở Phú Quý tạo thuận lợi phát triển loại hình du lịch thể thao biển, tham quan, giải trí, thể thao mạo hiểm,... rất thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến đây du lịch.
2.1.3.3. Thủy văn
Nhiệt độ nước biển vào mùa hè trung bình trong lớp nước bề mặt biển vùng ngoài khơi khoảng 28-29 độ C. Mùa đông nhiệt độ có hạ xuống đạt giá trị khoảng 25 – 26 độ C. Biên độ dao động năm của nhiệt độ nước nhỏ và khá đồng nhất trong khu vực khoảng 2 – 3 độ C.
Giá trị chung của độ muối ở vùng biển này nhỏ hơn các khu vực biển kế cận, độ muối về mùa hè nhỏ hơn về mùa đông. Mùa hè giá trị độ muối khoảng 31.8 - 32.8%. Mùa đông giá trị độ muối khoảng 32.8 – 33.8%.
Nhìn chung, chế độ thủy triều ảnh hưởng khá lớn đến giao thông giữa đảo và đất liền, do đó lịch trình tàu chạy không cố định mà phụ thuộc vào thủy triều cao, thấp. Tuy nhiên, với nhiệt độ và độ muối của vùng biển phù hợp cho hoạt động du lịch biển diễn ra quanh năm.
Đảo Phú Quý có diện tích không lớn được bao bọc bởi biển cả và xa đất liền. Vì vậy, nguồn nước ngọt dùng cho hoạt động tiêu dùng trong đời sống sinh hoạt và sản xuất là yếu tố rất quan trọng. Hai nguồn nước quan trọng nhất tại đây chính là nước trên mặt và nguồn nước ngầm.
Nguồn nước mặt trên đảo phụ thuộc vào việc tích trữ nước mưa qua các lớp phủ thực vật. Tuy nhiên trên đảo hiện không có sông, hồ hoặc ao đầm chứa nước. Phần lớn nước mưa, sau khi thấm thấu vào lòng dất (không được nhiều) đều chảy ra biển bằng các dòng chảy mặt. Nguồn sinh thuỷ phụ thuộc vào lượng mưa được thấm thấu xuống đất và độ che phủ bằng cây rừng và cây lâu năm. Việc tích tụ nước mưa hiện nay chủ yếu là do các hộ gia đình tự lo liệu, phân tán và kết quả không nhiều. Để tăng thêm nguồn nước mặt, cần xây dựng các hồ chứa nước và trồng thêm nhiều cây lâu năm để giữ nước và giảm bốc hơi.
Do được bao quanh bởi biển, diện tích đảo không lớn vì vậy một phần khá lớn nước mưa rơi trên đảo được thoát trực tiếp ra biển, đặc biệt đối với các đảo địa hình ít phân cắt, ít các thung lũng cung như các vùng trũng có khả năng trữ nước, giữ nước tạm thời cũng như không có các tầng cách nước để chặn nước dưới đất không thoát trực tiếp ra biển nên trên các đảo dòng mặt không phát triển, thường chỉ tồn tại các dòng chảy tạm thời, ít các dòng chảy thường xuyên có lưu lượng lớn.
Vùng đảo có khả năng xâm nhập nước mặm vào các tầng nước nông, gây thêm những khó khăn về nguồn nước ngọt để phát triển kinh tế, dân sinh trên huyện đảo.
Tài nguyên nước ngầm đóng vai trò hết sức quan trọng trong cung cấp nước phục vụ ăn uống sinh hoạt và sản xuất trên đảo. Đất đá nằm dưới mặt đất là các bể chứa nước ngầm có vai trò trữ nước mưa để cung cấp cho đảo.
Theo kết quả dự án “Điều tra đánh giá nguồn nước ngầm vùng đảo Phú Quý – Tỉnh Bình Thuận” do liên đoàn Địa chất thuỷ văn và Địa chất công trình miền Trung thực hiện năm 1997 cho thấy: Trên đảo Phú Quý đã phát hiện 2 tầng chứa nước:
- Tầng chứa nước lỗ hổng và tầng chứa nước khe nứt có tuổi đệ tứ không phân chia (q) chủ yếu là phun trào baza. Nguồn cung cấp chủ yếu của 2 tầng này là nước mưa đước thẩm thấu, tích tụ lại và nhận nguồn cung cấp ở các tầng năm trên.
- Nước trong tầng chứa (q) là nước nhạt, ở các giếng mép biển là nước hỗn hợp, ở trung tâm đảo thì có nước Clorua – Natri. Tầng chứa nước (q) này là nguồn cung cấp chủ yếu cho đao Phú Quý hiện nay.
Tài nguyên nước trên đảo rất hạn chế nên để đáp ứng các hoạt động, yêu cầu nước trên đảo thì người dân cần phải sử dụng một cách hợp lý và tích trữ nguồn nước bằng việc xây dựng các công trình trữ nước mặt và bổ sung nhân tạo nước dưới lòng đất. Khi khai thác tài nguyên nước một cách hợp lý sẽ phục vụ cho việc phát triển du lịch tại đảo. Đáp ứng đầy đủ các nhu cầu sinh hoạt của du khách như có nước ngọt để sử dụng, tắm, giặt,...
2.1.3.4. Tài nguyên sinh vật
Phú Quý là hòn đảo nằm trong vùng biển Bình Thuận, đã được thiên nhiên ưu đãi cho tài nguyên sinh vật rất đa dạng và phong phú. Đảo Phú Quý có đặc điểm nhiệt độ, độ muối và thức ăn rất thích hợp với nhiều loài sinh vật biển phát triển và sinh sống.
Đảo Phú Quý khi xưa nằm trong miệng núi lửa, có một khu vực san hô rộng lớn ở vùng khơi của đảo Phú Quý. Ngoài khơi xa, về tận cùng phía Tây của đảo có dải đá ngầm bằng phẳng rộng tới 600 m vuông, phủ đầy cỏ biển và san hô.
Động vật biển ở Phú Quý rất đa dạng, như: sò ốc, vỏ xa cừ ngọc nữ, đồi mồi, tôm hùm, cua huỳnh đế, cua mặt trăng, ốc đụn, ốc cẩm thạch, ốc vú nàng, cua huỳnh đế. Trong đó cua huỳnh đế là một trong những loại hải đặc sản được nhiều người trong đất liền tìm mua nhất.
Nhóm động vật da gai có các loài: sao biển, cầu gai cà ghim, hải sâm dồi dào về chủng loại và có khá nhiều như: hải sâm dãi, hải sâm dài, hải sâm cát, hải sâm đen, hải sâm trắng, hải sâm lựu, hải sâm vú.
Ngư trường Phú Quý rộng lớn, nằm về phía Đông - Đông Nam, tập trung những loại cá lớn sinh sống như: mú chiên, mú giấy, hồng heo, hồng thèn, hồng chuối, hồng chữ, loại mực và đặc biệt cá thu có trữ lượng rất lớn và có giá trị kinh tế cao.
Phú Quý có rất nhiều loại tảo quý như: rong mơ, rau câu, rau mứt, rau chân vịt. Với thuận lợi về vị trí địa lý, ưu đãi về đặc điểm địa hình, khí hậu, đa dạng sinh học về tài nguyên sinh vật biển, Phú Quý có điều kiện thuận lợi trong khai thác các tài nguyên tự nhiên để vừa phục vụ cho du lịch cũng vừa khẳng định chủ quyền, đảm bảo an ninh quốc phòng vùng biển, đảo.