6. Cấu trúc của khóa luận
2.3.6. Thực trạng phát triển công tác đầu tư phát triển du lịch
Trong những năm qua, hòa vào xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, thu hút đầu tư trở thành một trong những kênh quan trọng giúp Phú Quý thực hiện các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế-xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Tuy nhiên, so với tiềm năng sẵn có của huyện, các dự án đầu tư vào Phú Quý tính đến nay vẫn còn khá khiêm tốn.
Điểm đáng ghi nhận, nhằm thúc đẩy người dân tập trung vào phát triển du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Huyện, Phú Quý đã ban hành các cơ chế hỗ trợ phát triển dịch vụ, du lịch.
Với những tiềm năng và thế mạnh của mình, trong những năm qua, Phú Quý đã thu hút được một số dự án đầu tư đã và đang triển khai trên địa bàn huyện như: dự án phát triển tàu Trung tốc, Cao tốc và các dự án du lịch, dự án truyền hình cáp phủ sóng trên toàn huyện với tổng mức đầu tư trên 3 tỉ đồng, dự án du lịch tại khu vực Mộ Thầy của Công ty Lan Đông, dự án du lịch của công ty TNHH DL-DV Sail Travel đang lập thủ tục xin cấp phép đầu tư. Ngoài ra, dự án đầu tư xây dựng khu neo đậu tàu thuyền trú bão có quy mô 11 ha tại huyện đảo Phú Quý với tổng vốn đầu tư hơn 900 tỷ đồng đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt... sẽ góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thu hút đầu tư, thúc đẩy KTXH trên địa bàn phát triển.
Đặc biệt ngày 16/6/2020, Phú Quý đã được UBND tỉnh Bình Thuận công nhận là khu du lịch cấp Tỉnh. Điều này có ý nghĩa rất lớn góp phần thu hút nguồn vốn và các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh quan tâm đến Phú Quý.
Để thu hút đầu tư có hiệu quả hơn trong thời gian tới, trước mắt, Phú Quý sẽ hoàn chỉnh đồng bộ các loại quy hoạch, kế hoạch, nhất là quy hoạch phát triển KT-XH đến năm 2020 như: kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng Nông thôn mới, quy hoạch hệ thống giao thông, nhất là giao thông đường biển, các khu công nghiệp, khu thương mại, hệ thống dịch vụ, du lịch... Từ đó tiếp tục đẩy mạnh phát huy nội lực, đi đôi với xã hội hóa, thu hút đầu tư. Quy hoạch và đẩy mạnh đào tạo phát triển nguồn nhân lực, kể cả cán bộ, công chức, doanh nhân và nông dân, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ, thương mại.
Ngoài ra, huyện cũng quan tâm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, triển khai đồng bộ các cơ chế chính sách phát triển KT-XH, thực hiện quyết liệt công tác cải cách thủ tục hành chính; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc tiếp cận, khảo sát, đánh giá, quyết định đầu tư của các Doanh nghiệp. Giúp các Doanh nghiệp có điều kiện đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, sớm phát huy hiệu quả. Đồng thời với các giải pháp xúc tiến đầu tư, huyện cũng kiên quyết trong thực hiện nhiệm vụ giám sát các dự án triển khai trên địa bàn để có hiệu quả thật sự trong thu hút đầu tư, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống xã hội.
Để làm được điều này, đòi hỏi một BCH Đảng bộ huyện nhiệm kỳ mới phải thật sự đoàn kết, nổ lực để thực hiện triển khai Nghị quyết của Đại hội. Tập trung phát triển ngành kinh tế chủ lực, thông qua thực hiện tốt quy hoạch phát triển ngành du lịch đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo hướng bền vững. Kêu gọi, thu hút nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải biển tuyến Phú Quý - Phan Thiết; đề nghị sớm đầu tư sân bay Phú Quý. Ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng kết hợp thể thao biển, phát triển thành những khu nghỉ dưỡng du lịch cao cấp, đa dạng loại hình lưu trú, kết hợp với thể thao biển như khu vực biển xã Tam Thanh và xã Ngũ Phụng. Chú trọng công tác bảo tồn biển, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, bản sắc văn hóa truyền
thống; đưa văn hóa phú quý đến với du khách, du khách với văn hóa Phú Quý; tập trung phát triển mạnh các ngành dịch vụ - thương mại, thông tin – truyền thông và các dịch vụ xã hội...đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển của địa phương.