6. Cấu trúc của khóa luận
2.1.4. Đặc điểm kinh tế dân cư xã hội
2.1.4.1. Các đơn vị hành chính
Huyện đảo Phú Quý được chia thành 3 xã: Tam Thanh, Long Hải, Ngũ Phụng. Các đơn vị hành chính đều nằm trên đảo Phú Quý, trong đó thủ phủ huyện Phú Quý là xã Ngũ Phụng.
Tổng số dân của huyện là 29.724 người (năm 2018). Dân tộc Kinh chiếm đa số và một số dân tộc khác qua quá trình lập nghiệp ở đảo: Chăm, Hoa. Cho đến nay, những di tích còn lại ở Phú Quý đã tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu khoa học, các khách du lịch về đây tìm hiểu, tham quan.
Bảng 2.1 Diện tích, dân số các xã tại Phú Quý năm 2018
Số TT Tên đơn vị hành chính Diện tích (km2) Số dân (người)
1 Tam Thanh 6,67 10.383
2 Long Hải 5,42 11.031
3 Ngũ Phụng (huyện lỵ) 5,57 8.310
Nguồn: Niên giám thống kê Bình Thuận, 2018
Tam Thanh là một xã ven biển nằm về phía đông nam trung tâm huyện Phú Quý, có diện tích tự nhiên là 674,03 ha, gồm 2.315 hộ/10.383 nhân khẩu/5.118 nữ, địa giới hành chính được chia làm 3 thôn 63 Tổ NDTQ, dân cư tập trung sinh sống ở ven biển và các tuyến đường liên thôn, liên xã. Là một địa phương có thế mạnh về ngành
hải sản, người dân ở đây phần lớn sống bằng nghề khai thác đánh bắt, chế biến và nuôi trồng thủy sản, cùng một số ngành nghề khác, có vị trí phát triển kinh tế quan trọng và được xác định là trung tâm giao lưu kinh tế trọng điểm của huyện. Toàn xã hiện có 1 điểm Bưu điện Văn hóa phục vụ bưu chính đặt tại số: 46 đường Ngô Quyền, thôn Triều Dương, xã Tam Thanh đáp ứng đạt tiêu chí về Thông tin và Truyền thông. 97,6% cán bộ, công chức của xã sử dụng thư điện tử công vụ trong công việc.
Xã Long Hải là xã vùng biển có trung tâm xã nằm về phía Bắc của huyện, có diện tích tự nhiên là 550,53 ha, gồm 2.304 hộ/11.031 khẩu/5.426 nữ, địa giới hành chính được chia làm 04 thôn, 62 Tổ NDTQ, dân cư tập trung sinh sống ở ven biển và các tuyến đường liên thôn, liên xã. Phần lớn nhân dân phát triển kinh tế bằng nghề khai thác hải sản và sản xuất nông nghiệp, còn lại các hộ thương nghiệp, dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp. Cùng với sự phát triển của dịch vụ du lịch, hiện nay trên địa bàn phát triển thêm nhiều loại hình kinh doanh như nhà nghỉ và mô hình nhà trọ Homestay, quán ăn, cà phê, kho đông lạnh phục vụ các mặt hàng hải sản nhằm tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho bà con nhân dân. Toàn xã hiện có 01 điểm Bưu điện Văn hóa phục vụ bưu chính đặt tại số: 68 đường Công chúa Bàn Tranh, thôn Quý Hải, xã Long Hải đáp ứng đạt tiêu chí về Thông tin và Truyền thông. 96% cán bộ, công chức của xã sử dụng thư điện tử công vụ trong công việc.
Xã Ngũ Phụng thuộc Trung tâm hành chính của huyện Đảo Phú Quý, với diện tích tự nhiên 568,35 ha, chia làm 03 thôn Phú An, Thương Châu và Quý Thạnh. Toàn xã hiện có 1935 hộ/ 8310 khẩu/ 4053 nữ, phần lớn nhân dân phát triển kinh tế bằng nghề khai thác hải sản và sản xuất nông nghiệp còn lại các hộ thương nghiệp, dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp. Cùng với sự phát triển của dịch vụ du lịch, hiện nay trên địa bàn phát triển thêm nhiều loại hình kinh doanh như khách sạn, nhà nghỉ và mô hình nhà trọ Homestay, quán ăn, cafe, kho đông lạnh phục vụ các mặt hàng hải sản bước đầu tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho bà con nhân dân. Nhìn chung trong những năm qua với nhiều chủ trương, chính sách đúng đắng của Đảng, Nhà nước đã giúp cho nhân dân thuận lợi hơn trong việc phát triển kinh tế của gia đình mình. Nhờ đó đời
sống kinh tế - văn hóa được nâng lên, bộ mặt xã nhà ngày càng khang trang và đang từng bước phát triển mạnh. Bưu điện huyện Phú Quý nằm trên địa bàn xã đáp ứng nhu cầu đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ bưu chính của các tổ chức, cá nhân tại xã. UBND xã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý điều hành: lãnh đạo UBND xã thực hiện chữ ký số trong quản lý điều hành; quán triệt đến tất cả cán bộ công chức, người hoạt động không chuyên trách nghiêm túc thực hiện việc thường xuyên sử dụng thư điện tử công vụ trong công việc (đạt tỷ lệ 98,2%).
2.1.4.2. Dân cư và nguồn lao động
Hiện tổng số dân của huyện là 29.724 người (năm 2018). Nhìn chung, Phú Quý có nguồn lao động dồi dào, số người trong độ tuổi lao động 16.500 lao động (năm 2018), tập trung chủ yếu ở lĩnh vực ngư nghiệp và nông nghiệp. Lao động trong ngành du lịch không đáng kể. Hiện tại số lao động đang làm việc trong nông, lâm nghiệp – thuỷ sản chiếm 44,6%, công nghiệp xây dựng chiếm 35,7%, thương mại – dịch vụ 19,7%.
Hiện nay, cơ cấu lao động cũng có sự chuyển dịch tích cực, phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu GDP, tăng tỉ trọng lao động công nghiệp - dịch vụ, giảm tỉ trọng nông, lâm, ngư nghiệp. Tuy nhiên, lực lượng lao động có trình độ cao đẳng, đại học trở lên chiếm tỷ lệ rất thấp, chủ yếu thuộc các ngành giáo dục, y tế, các ngành khác chưa đáng kể. Do vậy, trong tương lai còn có hướng đào tạo nghề cho người lao động nhất là khoa học công nghệ để có thể đáp ứng được nhu cầu lao động trong điều kiện khoa học kỹ thuật ngày càng hiện đại và phát triển. Đây cũng chính là điều kiện thuận lợi để phát triển ngành du lịch biển, đảo của huyện đảo Phú Quý.
2.1.4.3. Kinh tế
Thời gian những năm vừa qua Trung ương và tỉnh Bình Thuận đã chú tâm đầu tư kinh phí để xây dựng các công trình dân sinh kinh tế và thực hiện một số cơ chế chính sách thu hút đầu tư phát triển khu kinh tế Phú Quý. Theo Quyết định 14 của Thủ Tướng Chính Phủ nhằm tạo điều kiện cho kinh tế - văn hoá - xã hội huyện Phú Quý tiếp tục phát triển để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân tại đây trong những năm đầu thế kỷ 21.
Tuy nhiên tình hình kinh tế du lịch Phú Quý trong thời gian vừa qua chưa được quan tâm đầu tư xây dựng, nên du lịch biển, đảo ở Phú Quý vẫn còn ở dạng tiềm năng. Để phát huy tiềm năng kinh tế du lịch biển đảo trong thời gian đến, bằng nhiều chính sách thông thoáng thu hút đầu tư của Nhà nước, kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, cung ứng điện, nước, xử lý nước thải, vệ sinh môi trường đảm bảo thông tin liên lạc. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ và nhân dân về định hướng kinh tế du lịch, đi đôi với phát triển các ngành nghề khác nhằm tạo điều kiện phục cho sự phát triển kinh tế du lịch.
Huyện đảo Phú Quý có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, giai đoạn 2009 - 2010 đạt bình quân khoảng 14,0%/năm, giai đoạn 2011 - 2018 đạt bình quân khoảng 14,6%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: tỷ trọng nhóm ngành Nông – Lâm – Ngư nghiệp chiếm 48,6%, công nghiệp – xây dựng chiếm 26,8% và dịch vụ chiếm 24,6%.
Thu nhập bình quân đầu người từ 23,22 triệu đồng/người năm 2011 tăng lên 28,02 triệu đồng/người năm 2018; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,93%; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên là 92,57%.
Kinh tế mũi nhọn của huyện đảo Phú Quý là ngành kinh tế biển. Sản lượng khai thác hải sản bình quân hàng năm đạt 24 nghìn tấn. Từ năm 2014, khi triển khai thực hiện Nghị định số 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, ngư dân Phú Quý đã mạnh dạn đăng ký vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu cá công suất lớn với số lượng nhiều nhất tỉnh. Trong 180 trường hợp được UBND tỉnh phê duyệt, Phú Quý có 128 hồ sơ và đã hạ thủy đưa vào khai thác 45 tàu đạt hiệu quả kinh tế rất cao. Hiện nay, Phú Quý có khoảng 1.400 tàu, thuyền đánh cá, với gần 440 chiếc có công suất từ 90 CV trở lên chuyên đánh bắt xa bờ, trong đó có 140 chiếc làm dịch vụ và thu mua hải sản trên biển. Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phú Quý là một trong những địa phương có hình thức khai thác hải sản trên biển bài bản nhất cả nước, tất cả các tàu khi tham gia khai thác hải sản đều theo đội, tổ, nhóm. Hoạt động
nuôi trồng thủy sản được duy trì với 108 cơ sở nuôi bằng lồng bè trên diện tích khoảng 15 nghìn m vuông.
Việc phát triển kinh tế phải gắn bảo đảm an ninh lương thực ở địa phương, hạn chế dần sự phụ thuộc vào đất liền một số sản phẩm thiết yếu được huyện đẩy mạnh. Toàn huyện hiện có 27,5 ha trồng rau tập trung sử dụng hệ thống tưới phun trong nhà vòm. Hoạt động thương mại – dịch vụ ngày càng phát triển. Hiện có 72 doanh nghiệp, 51 hợp tác xã và 538 hộ kinh doanh cá thể.
Theo mục tiêu đến năm 2021, huyện đảo Phú Quý vẫn sẽ duy trì phát triển ngành kinh tế biển trên các lĩnh vực. Đầu tiên sẽ tập trung nhất và nâng cao năng lực các đội tàu khai thác, dịch vụ hậu cần trên biển. Phấn đấu sản lượng khai thác trong năm vượt kế hoạch đề ra là 30.000 tấn. Đẩy mạnh tuyên truyền ngư dân không tham gia đánh bắt xâm phạm vùng biển của nước ngoài. Các cấp chính quyền địa phương hết sức huy động mọi nguồn lực và tranh thủ tối đa lợi thế của địa phương để phát triển công nghiệp, trong đó có khuyến khích phát triển sản xuất chế biến từ hải sản và ưu tiên cho ngành nghề ít gây ảnh hưởng đến môi trường biển. Đối với lĩnh vực du lịch, sẽ từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ, đầu tư phát triển các điểm đến mang nét đặc trưng của huyện đảo.
Với tiềm năng kinh tế du lịch biển nằm trong sự phát triển khu kinh tế đảo Phú Quý, tin tưởng rằng trong thời gian tới kinh tế du lịch Phú Quý sẽ phát triển nhanh, thu hút nhiều dự án đầu tư, nhiều thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia.
Huyện đảo Phú Quý tự tin nền kinh tế huyện nhà sẽ có những bước phát triển mới. Với tiềm năng kinh tế sẵn có du lịch Phú Quý sẽ được đánh thức và khai thác đúng hướng. Nhất định con đường xây dựng và phát triển kinh tế du lịch Phú Quý sẽ giành được thắng lợi. Góp phần thúc đẩy và phát triển đời sống người dân tại đây.
2.1.4.4. Văn hóa - giáo dục - y tế
Các hoạt động văn hóa, giáo dục, ý tế, thể dục thể thao ngày càng được phát triển tại huyện đảo Phú Quý. Hàng năm có trên 95% số hộ đạt gia đình văn hoá, 100% cơ quan, đơn vị và 90% thôn đạt chuẩn văn hóa, 3/3 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Tổng số trường học trên toàn huyện đảo là có 10 trường học, trong đó có 1 trường THPT: Trường THPT Ngô Quyền; 3 trường THCS: Trường THCS Ngũ Phụng, Trường THCS Tam Thanh, Trường THCS Long Hải; 3 trường tiểu học: Trường TH Ngũ Phụng, Trường TH Tam Thanh, Trường TH Long Hải, và 3 trường mầm non: Trường MN Ngũ Phụng, Trường MN Tam Thanh, Trường MN Long Hải.
Hiện nay có 5 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1; mỗi xã đều có Trường Mẫu giáo, Trường Tiểu học và Trường Trung học cơ sở. Hàng năm huy động trẻ vào lớp 1 đạt 100%, học sinh vào lớp 6 là 98%; học sinh hoàn thành chương trình tiểu học là 100%. Hiện nay, trên đảo có 1 trung tâm dạy nghề và 01 Trường Trung học Phổ thông được xây dựng từ năm 2000.
Trung tâm y tế Quân-dân y (sáp nhập từ Bệnh viện QDY và Trung tâm y tế huyện từ tháng 5/2014) được đầu tư xây dựng quy mô lớn và 03 Trạm y tế tuyến xã đạt chuẩn quốc gia. Trên toàn huyện đảo có 3 trạm y tế phân bố trên 3 xã và 1 trung tâm quân dân y huyện Phú Quý. Nhìn chung, về cơ sở hạ tầng ngành y khá khang trang nhưng về trình độ cán bộ y tế vẫn còn rất hạn chế, 80% cán bộ trong ngành y tế có trình độ trung cấp, sau thời gian làm việc tích cực sẽ được cơ quan cử đi học để nâng cao tay nghề.
Với vị trí chiến lược quan trọng của đảo, hiện nay Trung tâm y tế quân dân y huyện đảo Phú Quý ngoài nhiệm vụ chăm sóc bảo vệ sức khỏe cho cán bộ, nhân dân còn có chức năng phục vụ quân đội, sẵn sàng chiến đấu khi có chiến sự xảy ra, thực hiện cấp cứu và điều trị cho ngư dân cùa các địa phương khác khi đánh bắt quanh đảo. Trong công tác khám chữa bệnh, Trung tâm đã thu hút được ngày càng nhiều người bệnh đến khám và điều trị. Số lượt người đến khám và điều trị năm 2015 gấp hơn bốn lần so với năm 2000. Từ năm 2001 đến nay, hàng năm Trung tâm đều vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Nếu như năm 2001, Trung tâm chỉ có 15 ngàn lượt người tới khám thì đến năm 2015, con số này đã lên tới 78.000 lượt người. Tỷ lệ tử vong năm 2015 là 0,46% thấp hơn con số 0,85% của năm 2001. Số bệnh nhân chuyển tuyến giảm hàng năm, từ 74 ca (năm 2000) xuống còn 16 ca (năm 2012); công suất sử dụng giường bệnh từ 65%
năm 2001 lên tới 100,94% năm 2015. Là mô hình kết hợp quân dân y cấp huyện đầu tiên của cả nước, Trung tâm y tế quân dân y Phú Quý đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trong những năm gần đây, Phú Quý có kinh tế luôn tăng trưởng ở mức cao, chất lượng cuộc sống vật chất và cả về tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện hơn. Các nhu cầu về vui chơi giải trí, du lịch tăng mạnh và đặc biệt cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện là tiền đề quan trọng thu hút vốn đầu tư phát triển kinh tế và phát triển du lịch.