Nhân tố thuộc về ngân hàng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển tín dụng cá nhân tại ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư và phát triển việt nam chi nhánh gia lai (Trang 36 - 40)

9. BỐ CỤC CỦA LUẬN VĂN

1.2.3.2. Nhân tố thuộc về ngân hàng

Đây là nhóm nhân tố xuất phát từ phía bản thân các ngân hàng. Đây có thể coi là nhóm nhân tố quyết định hoạt động TDCN. Tuỳ theo định hướng phát triển của mỗi ngân hàng thương mại mà ta thấy tỷ trọng TDCN trong tổng dư nợ cho vay của mỗi ngân hàng là khác nhau. Có những ngân hàng coi TDCN là một hoạt động quan trọng, chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong hoạt động của nó, nhưng cũng có ngân hàng không coi TDCN là hoạt động chiến lược mà tập trung nguồn lực mở rộng và phát triển các hoạt động khác. Như vậy chiến lược phát triển và nội lực của mỗi ngân hàng là nhân tố quan trọng đối với sự phát triển của hoạt động TDCN.

Chính sách tín dụng

Chính sách tín dụng bao gồm: Các yếu tố giới hạn mức cho vay đối với khách hàng; Kỳ hạn của khoản tín dụng; Mức lãi suất cho vay; Mức lệ phí; hướng giải quyết những khoản nợ khó đòi …

Nếu tất cả những yếu tố trên đều đúng đắn, hợp lý và linh hoạt, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng thì chắc chắn ngân hàng sẽ thành công trong việc mở rộng hoạt động tín dụng nói chung và TDCN nói riêng. Ngược lại, với chính sách tín dụng

cứng nhắc, kém linh hoạt thì sẽ hạn chế hoạt động tín dụng, giảm tính cạnh tranh trong hoạt động giữa các ngân hàng.

Quy trình cấp tín dụng

Quy trình cấp tín dụng là tổng hợp các nguyên tắc, các qui định của ngân hàng trong việc cấp tín dụng, gồm các bước cụ thể theo một trình tự nhất định kể từ khi nhận hồ sơ đề nghị cấp tín dụng cho đến khi chấm dứt quan hệ tín dụng. Việc xây dựng một qui trình tín dụng hoàn thiện và hiệu quả có nghĩa rất lớn trong công tác ngăn ngừa và hạn chế rủi ro xảy ra, đồng thời nó còn gây được cảm tình với khách hàng, nhờ đó thu hút được nhiều khách hàng hơn.

Thông tin tín dụng

Có thể nói, hoạt động chính của ngân hàng là đi vay và cho vay. Trong đó, hoạt động cho vay phụ thuộc vào lòng tin của ngân hàng đối với khách hàng. Do vậy, để hoạt động cho vay nói chung và TDCN nói riêng được mở rộng với chất lượng cao, hiệu quả lớn thì ngân hàng phải nắm bắt được thông tin một cách kịp thời và chính xác về khách hàng vay vốn. Gồm có:

- Các thông tin tài chính của khách hàng: Khả năng về tài chính của khách hàng, thu nhập hiện tại, khả năng trả nợ và bảo đảm tín dụng…

- Các thông tin phi tài chính của khách hàng: Tư cách, uy tín, các mối quan hệ xã hội…

- Các thông tin gián tiếp: Tình hình kinh tế xã hội, thông tin về xu hướng phát triển và khả năng cạnh tranh của các NHTM khác.

Về chất lượng cán bộ và cơ sở vật chất thiết bị

Có thể khẳng định rằng, việc mở rộng hoạt động TDCN có thành công hay không phụ thuộc phần lớn vào trình độ cán bộ, nhân viên và cơ sở vật chất, trang thiết bị của ngân hàng. Dưới con mắt của khách hàng thì cán bộ, nhân viên ngân hàng chính là hình ảnh của ngân hàng. Nếu như trong quá trình giao tiếp với cán bộ, nhân viên ngân hàng mà khách hàng cảm thấy an toàn về trình độ cán bộ, cảm thấy an toàn khi giao dịch với ngân hàng thì chắc chắn khách hàng sẽ tìm đến đó và giới thiệu cho

khách hàng khác. Đồng thời, việc ngân hàng trang bị đầy đủ các thiết bị tiên tiến, phù hợp với phạm vi và qui mô hoạt động để phục vụ chính xác, nhanh chóng các yêu cầu của khách hàng thì sẽ giúp ngân hàng có khả năng cạnh tranh và thực hiện việc mở rộng các hoạt động của ngân hàng, trong đó có hoạt động TDCN.

Năng lực quản trị tín dụng của ngân hàng

Năng lực quản trị tín dụng là điều kiện tiền đề cho việc giải quyết mối quan hệ đánh đổi giữa rủi ro và khả năng sinh lời. Chỉ trên cơ sở có năng lực quản trị tín dụng cao, Ngân hàng mới có khả năng vừa mở rộng được quy mô cho vay vừa bảo đảm kiểm soát rủi ro. Qua đó, tạo nên sự phát triển bền vững của hoạt động tín dụng. Ngược lại, hoặc ngân hàng vì sợ gia tăng rủi ro nên thu hẹp quy mô tín dụng hoặc ngân hàng mở rộng quy mô vượt quá khả năng quản trị của mình nên làm gia tăng mức rủi ro. Trong cả hai trường hợp, quá trình mở rộng tín dụng sẽ bị hạn chế, hiệu quả kinh doanh tín dụng sẽ sút giảm, ở mức độ nghiêm trọng ngân hàng sẽ có thể phải đối diện với nhiều rủi ro có quan hệ với nhau và thậm chí có thể phải đối diện với rủi ro vỡ nợ.

Chất lượng và tính đa dạng của các sản phẩm cho vay

Một ngân hàng nếu đưa ra những sản phẩm cho vay đơn điệu, thiếu điểm nhấn khác biệt, thêm vào đó chất lượng lại không cao chưa đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng thì ngân hàng không thể có thu hút được khách hàng. Nhất là trong bối cảnh hiện nay các ngân hàng đang phải cạnh tranh nhau về cả chất lượng lẫn sự đa dạng của sản phẩm để có thể thu hút được khách hàng. Các ngân hàng phải không ngừng nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm cho vay nhằm củng cố và mở rộng thị phần, tăng sức cạnh tranh và phát triển bền vững trong nền kinh tế hiện nay.

1.2.3.3. Nhân tố thuộc về môi trường

Môi trường kinh tế

Đây là nhân tố ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động ngân hàng nói chung và hoạt động TDCN nói riêng. Nó có thể là điều kiện thuận lợi thúc đẩy hoạt động TDCN hoặc ngược lại. Môi trường kinh tế vĩ mô bao gồm: Trình độ phát triển kinh tế; Thu nhập

bình quân trên đầu người; Tỷ lệ xuất-nhập khẩu; Tỷ lệ lạm phát… Nhu cầu về hàng hoá, dịch vụ của dân cư phụ thuộc rất lớn vào tình trạng của nền kinh tế. Khi nền kinh tế đang trong giai đoạn phát triển, hưng thịnh, tốc độ tăng trưởng cao và ổn định, mức sống của dân cư ngày càng cao thì nhu cầu vay tiêu dùng tăng, kéo theo nhu cầu vay vốn, bởi vì họ tin tưởng vào thu nhập của mình trong tương lai có thể chi trả được các khoản nợ. Vì vậy, hoạt động TDCN của ngân hàng trong giai đoạn này sẽ phát triển tăng lên. Ngược lại, khi nền kinh tế rơi vào tình trạng suy thoái, không ổn định thì nhu cầu chi tiêu sẽ giảm, do lúc này người dân có xu hướng tích luỹ hơn là tiêu dùng, bởi vậy hoạt động TDCN trong thời kỳ này sẽ giảm.

Môi trường pháp lý

Mỗi một chủ thể trong xã hội đều có quyền tự do làm theo ý thích của mình, việc họ muốn làm gì, muốn mua gì là phụ thuộc vào bản thân của họ, song phải trong khuôn khổ mà pháp luật của quốc gia đó cho phép. Vì vậy, các hoạt động của ngân hàng nói chung và hoạt động TDCN nói riêng cũng nằm trong phạm vi khuôn khổ của pháp luật, nó cũng phải tuân theo những qui định của nhà nước, luật các tổ chức tín dụng, luật dân sự và các quy định khác. Nếu những quy định của pháp luật không rõ ràng, không đồng bộ, không kịp thời và còn nhiều kẽ hở thì sẽ gây rất nhiều khó khăn cho NHTM.

Ngược lại, nếu những văn bản pháp luật quy định rõ ràng, đầy đủ, đồng bộ và kịp thời thì sẽ tạo ra một hành lang pháp lý vững chắc, góp phần vào sự phát triển của hệ thống ngân hàng, tăng khả năng cạnh tranh lành mạnh giữa các NHTM và đó cũng là cơ sở pháp lý để ngân hàng giải quyết các khiếu nại, tố cáo khi có các tranh chấp xảy ra khi ngân hàng thực hiện các hoạt động kinh doanh

của mình.

Môi trường văn hoá- xã hội

Nhân tố này gồm có: tập quán; trình độ dân trí; lối sống; thói quen… nó ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi của khách hàng. Và do vậy, nó cũng ảnh hưởng đến hoạt động TDCN và các hoạt động khác của ngân hàng. Chẳng hạn, nếu một ngân hàng có

áp dụng dịch vụ TDCN trong khu vực có trình độ dân trí thấp, kiến thức về ngân hàng hầu như không có; nhu cầu mua sắm, tiêu dùng không cao thì dịch vụ TDCN và các hoạt động khác của ngân hàng rất chậm phát triển. Nhưng cũng chính ngân hàng này nếu được xây dựng trong khu vực có trình độ dân trí cao, thu nhập đầu người của dân cư lớn, nhu cầu mua sắm - chi tiêu lớn, họ hiểu và sử dụng thường xuyên các dịch vụ của ngân hàng thì không chỉ dịch vụ TDCN mà cả các dịch vụ khác của ngân hàng cũng sẽ phát triển.

Chủ trương chính sách của nhà nước

Đây là những chính sách mang tầm vĩ mô và thường có thời gian thực hiện tương đối dài. Các chính sách này cũng ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động TDCN. Chẳng hạn, khi nhà nước tăng mức đầu tư cho nền kinh tế và tăng thu hút đầu tư nước ngoài bằng các chính sách khuyến khích đầu tư (sự giản đơn về thủ tục giấy tờ, ưu đãi thuế…). Tất cả những điều này sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển chung của toàn bộ nền kinh tế - xã hội; GDP sẽ tăng; tỷ lệ thất nghiệp giảm; Mức thu nhập của người lao động tăng, qua đó làm tăng nhu cầu tiêu dùng. Cùng với nó là các chính sách về thuế thu nhập; thuế về hàng hoá, dịch vụ; các chương trình ưu đãi hỗ trợ phát triển, xoá đói, giảm nghèo; phát triển kinh tế vùng sâu, vùng xa, hải đảo…Những yếu tố như thế đều có tác động về trước mắt và lâu dài đến cầu tiêu dùng của người dân. Do đó, nó ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động TDCN của các NHTM.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển tín dụng cá nhân tại ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư và phát triển việt nam chi nhánh gia lai (Trang 36 - 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)