Đây là chiến lược quản trị thanh khoản phổ biến được các ngân hàng lớn sử
dụng vào những năm 60, 70 trước đây. Theo chiến lược này ngân hàng dự trữ
nguồn thanh khoản bằng tài sản ở mức tối thiểu, gần như ngang bằng với quy định
chung. Khi nhu cầu thanh khoản vượt quá mức bình thường thì ngân hàng giải
quyết bằng cách vay nợ trên thị trường tiền tệ như huy động các nguồn vốn mới dưới nhiều hình thức khác nhau như phát hành chứng chỉ tiền gửi, huy động tiền gửi
tiết kiệm, vay mượn qua đêm, vay NHTW….
Ưu điểm của phương pháp này là ngân hàng có thể lựa chọn chỉ vay vốn khi
thực sự cần. Phương pháp này cho phép ngân hàng duy trì quy mô và cấu trúc danh mục tài sản nếu ngân hàng cảm thấy thỏa mãn vì nếu bán tài sản để cung cấp thanh
khoản như chiến lược quản trị thanh khoản tài sản thì tổng tài sản của ngân hàng sẽ
giảm xuống dẫn đến quy mô ngân hàng bị thay đổi. Nếu ngân hàng cần thêm vốn nó
chỉ cần nâng mức lãi suất cho đến khi nhận đủ vốn hoặc giảm lãi suất để hạn chế lượng vốn đổ vào ngân hàng.
Nhược điểm của chiến lược này là ngân hàng bị lệ thuộc vào thị trường tiền
tệ khi đáp ứng nhu cầu thanh khoản, do sự biến động về khả năng cho vay và lãi suất trên thị trường tiền tệ. Mặt khác khi một ngân hàng vay mượn quá nhiều thường bị đánh giá là có khó khăn về tài chính, nếu thông tin này lan rộng ra, những
khách hàng gửi tiền sẽ rút vốn hàng loạt hoặc ngân hàng phải huy động vốn với chi
phí cao gấp nhiều lần. Hơn nữa các định chế tài chính khác để tránh rủi ro sẽ thận
trọng, dè dặt hơn trong việc tài trợ vốn cho ngân hàng để giải quyết khó khăn về
thanh khoản.
Chiến lược này thích hợp cho các ngân hàng có các đặc điểm sau:
- Ngân hàng lớn, mạnh, có tên tuổi vì đối với những ngân hàng này năng lực vay mượn tốt, có được sự tín nhiệm của công chúng trong huy động vốn.
- Năng lực quản trị thanh khoản tốt.