Các nhân tố khách quan

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thanh toán quốc tế tại ngân hàng thương mại cổ phần phương đông (Trang 25 - 29)

Môi trường kinh tế: ngân hàng với vai trò là “huyết mạch” của nền kinh tế, nên những diễn biến của môi trường kinh tế luôn ảnh hưởng đến hầu hết các hoạt động của ngân hàng. Riêng với hoạt động thanh toán quốc tế, môi trường kinh tế luôn có ảnh hưởng rõ nét qua các yếu tố sau:

 Tốc độ tăng trưởng kinh tế: khi nền kinh tế đang trong giai đoạn tăng trưởng, tình hình sản xuất kinh doanh phát triển sẽ là cơ hội tốt đẩy mạnh hoạt động thanh toán quốc tế. Vì khi đó, sản xuất hàng hóa phát triển mạnh, nhu cầu trao đổi, giao thương mở rộng, quá trình mua bán diễn ra thường xuyên hơn, đòi hỏi hoạt động thanh toán quốc tế phải phát triển kịp thời thích ứng với sự phát triển của nền kinh tế.

 Hệ sổ mở cửa của nền kinh tế (tỷ lệ “doanh số XNK/GDP”): hệ số mở cửa của nền kinh tế tăng chứng tỏ hoạt động giao thương, mua bán quốc tế có sự phát triển, qua đó làm nền tảng thúc đẩy hoạt động thanh toán quốc tế phát triển.

 Môi trường đầu tư nước ngoài: khi môi trường đầu tư nước ngoài được cải thiện, tạo điều kiện cho việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, góp phần tích cực vào

tăng trưởng kinh tế, cải thiện cán cân thanh toán. Khi đó, hoạt động thanh toán quốc tế không chỉ phục vụ cho việc giao thương mua bán mà còn có vai trò bôi trơn và thúc đẩy hoạt động đầu tư nước ngoài, cũng sẽ được mở rộng và phát triển hơn.

 Sự linh hoạt, mức độ mở cửa và độ liên kết của thị trường tài chính trong nước so với thị trường tài chính quốc tế: hoạt động thanh toán quốc tế lúc này đóng vai trò thúc đẩy thị trường tài chính quốc gia hội nhập với quốc tế cũng sẽ được phát triển hơn khi yêu tố này được củng cố và nâng cao.

 Tầm cỡ trung tâm tài chính quốc tế của quốc gia: nếu quốc gia đó là trung tâm tài chính lớn hoặc có các trung tâm tài chính lớn, luồng tiền thanh toán từ các quốc gia khác luôn được chuyển về phục vụ cho việc thanh toán, điều đó ảnh hưởng rất lớn đến quy mô và sự phát triển của hoạt động thanh toán quốc tế tại quốc gia đó.

 Môi trường chính trị: Một trong những rủi ro lớn nhất của hoạt động thanh toán quốc tế là rủi ro quốc gia. Môi trường chính trị có tác động rất lớn đến hoạt động thanh toán quốc tế của quốc gia đó. Một quốc gia với nền chính trị ổn định, luôn được các đối tác mua bán và các ngân hàng khác đánh giá cao về khả năng thanh toán và chất lượng của hoạt động thanh toán quốc tế. Ngược lại, một quốc gia xảy ra chiến tranh, bạo động, khủng bố, xung đột tôn giáo, đảo chính, biểu tình,.. có khả năng rất cao sẽ bị từ chối giao thương mua bán, thậm chí có thể ký kết hợp đồng ngoại thương nhưng các ngân hàng nước ngoài vẫn sẽ từ chối giao dịch, hoặc yêu cầu xác nhận của bên thứ ba,.. hoạt động thanh toán quốc tế vì đó sẽ có sự hạn chế.

Môi trường pháp lý: một trong những đặc điểm của hoạt động thanh toán quốc tế là phải tuân thủ nghiêm ngặt các đạo luật và tập quán quốc tế. Những hạn chế và kẽ hở của chúng cũng như các mâu thuẫn giữa luật quốc gia với luật pháp, tập quán quốc tế đương nhiên sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động thanh toán quốc tế.

1.2.5.2 Các nhân tố chủ quan:

Uy tín và quy mô hoạt động của ngân hàng

Một ngân hàng thương mại với quy mô hoạt động rộng lớn và uy tín cao sẽ là yếu tố ảnh hưởng tích cực đến hoạt động thanh toán quốc tế.

Hoạt động thanh toán quốc tế diễn ra giữa các đối tác từ nhiều nước khác nhau, khối lượng giao dịch thường có giá trị lớn. Do đó, để đảm bảo cho hoạt động thanh toán, trong các tiêu chí lựa chọn, ngoài uy tín và lịch sử giao dịch, các doanh nghiệp còn xem xét đến ngân hàng đại diện của bên đối tác. Đặc biệt ở phương thức thanh toán tín dụng chứng từ thì điều này vô cùng quan trọng, nếu ngân hàng phát hành không đáp ứng được yêu cầu, nhà xuất khẩu có thể yêu cầu một ngân hàng khác phát hành thư tín dụng hoặc yêu cầu thư tín dụng phải có xác nhận của một ngân hàng có uy tín.

Có thể thấy được việc củng cố uy tín và mở rộng quy mô hoạt động đóng một vai trò không nhỏ trong việc phát triển hoạt động thanh toán quốc tế tại ngân hàng thương mại.

Chiến lược kinh doanh của ngân hàng:

Nếu uy tín và quy mô hoạt động của ngân hàng là những nhân tố tác động đến hoạt động thanh toán quốc tế tại thời điểm hiện tại thì chiến lược kinh doanh là nhân tố tác động mang tính định hướng cho hoạt động này tại ngân hàng.

Chiến lược kinh doanh của ngân hàng là phương hướng và quy mô của ngân hàng trong dài hạn, làm thế nào để ngân hàng có thể cạnh tranh thành công trên thị trường. Nó liên quan đến các quyến định chiến lược về việc lựa chọn sản phẩm, đáp ứng nhu cầu khách hàng, giành lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ, khai thác và tạo ra được các cơ hội mới… Nếu trong chiến lược kinh doanh ngân hàng có chú trọng phát triển hoạt động thanh toán quốc tế, thì hoạt động thanh toán quốc tế tại ngân hàng đó sẽ được đầu tư nhiều nguồn lực như nhân lực, công nghệ, sản phẩm,.. từ đó tạo cơ sở cho sự phát triển.

Nhân tố con người và cơ chế điều hành hoạt động thanh toán quốc tế:

Con người luôn là nhân tố trọng tâm, đóng vai rò chi phối và tác động đến các nhân tố khác trong mọi hoạt động của ngân hàng. Nếu tất cả các nhân tố khác như quy mô, công nghệ, chính sách,.. đều được chuẩn bị tốt nhưng nguồn nhân lực không đáp ứng được yêu cầu thì sẽ không thể vận dụng và phát triển được yếu tố đó và biến nó thành lợi thế của ngân hàng. Đặc biệt trong hoạt động thanh toán quốc tế

vốn mang tính phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi thì nguồn nhân lực chất lượng cao luôn đóng vai trò quan trọng. Đội ngũ nhân viên ngân hàng, đặc biệt là các cán bộ làm công tác liên quan đến hoạt động thanh toán quốc tế luôn phải là những nhân sự chuyên nghiệp, lành nghề, trình độ ngoại ngữ cao, nắm rõ quy trình thanh toán, hiểu rõ các thông lệ quốc tế,.. mới có thể đáp ứng được yêu cầu công việc.

Đi liền với nhân tố con người là cơ chế điều hành hoạt động thanh toán quốc tế. Bên cạnh việc xây dựng đội ngũ nhân lượng chất lượng cao, ngân hàng cần phải thiết lập được cơ chế hoạt động hợp lý, đảm bảo được hoạt động thanh toán diễn ra nhanh chóng, an toàn và hiệu quả, và sao cho mỗi nhân sự có thể phát huy cao nhất khả năng của mình; từ đó ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của hoạt động thanh toán quốc tế.

Nền tảng công nghệ thông tin:

Công nghệ thông tin được xem như là nhân tố quan trọng trong sự phát triển các hoạt động ngân hàng hiện đại. Hoạt động thanh toán quốc tế với đặc thù phải tính đến khoảng cách không gian, thời gian khi thực hiện các giao dịch, nên càng đòi hỏi sự phát triển công nghệ ngân hàng về cơ sở vật chất kỹ thuật, hệ thống thanh toán, các phần mềm hỗ trợ… Các giải pháp kỹ thuật công nghệ là yếu tố giúp các ngân hàng tăng khả năng cạnh tranh trong hoạt động thanh toán quốc tế thông qua việc đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ, đẩy nhanh tốc độ thanh toán, thậm chí hạn chế rủi ro cho các giao dịch qua hệ thống cảnh báo tự động. Việc phát triển hoạt động thanh toán quốc tế chỉ có thể thực hiện được khi nền tảng công nghệ ngân hàng được xây dựng và không ngừng hoàn thiện.

Chính sách khách hàng:

Trong nền kinh tế thị trường, khách hàng chính là nguồn đem lại lợi nhuận cho ngân hàng, tất cả hoạt động của một ngân hàng đều bắt nguồn từ nhu cầu của khách hàng và hướng tới việc phục vụ khách hàng một cách tốt nhất. Chính sách khách hàng của một ngân hàng thương mại thường đi liền với chiến lược kinh doanh trong từng thời kỳ, thể hiện qua việc hoạch định phân khúc khách hàng, khách hàng mục tiêu, nâng cao chất lượng dịch vụ,..

Hoạt động thanh toán quốc tế của ngân hàng thương mại chủ yếu phục vụ cho các khách hàng có hoạt động xuất nhập khẩu. Chính sách dành cho đối tượng khách hàng này càng được nâng cao sẽ tạo điều kiện thu hút và giữ chân khách hàng, góp phần thúc đẩy hoạt động thanh toán quốc tế ngày càng phát triển.

Các nghiệp vụ hỗ trợ khác:

Các hoạt động của ngân hàng thương mại luôn có mối gắn kết với nhau, bất kỳ một hoạt động nào của ngân hàng cũng đều chịu sự tác động cũng như được sự hỗ trợ của nhiều hoạt động khác. Thêm vào đó, khách hàng khi sử dụng dịch vụ ngân hàng luôn có xu hướng sử dụng cùng lúc nhiều sản phẩm, hoặc sử dụng một gói sản phẩm bao gồm nhiều dịch vụ. Do đó, với mục đích phát triển một hoạt động nào đó, ngân hàng luôn phải chú ý đến việc phát triển và cung cấp các dịch vụ đi kèm để có thể phối hợp nhịp nhàng, đáp ứng được nhu cầu khách hàng và trên hết là bán được càng nhiều sản phẩm nhằm tối đa hóa lợi nhuận.

Hoạt động thanh toán quốc tế với đặc điểm riêng của nó, luôn gắn liền với rất nhiều các hoạt động khác của ngân hàng như kinh doanh ngoại tệ, tài trợ và cho vay xuất nhập khẩu, quản lý dòng tiền,.. Hoạt động này sẽ cơ sở để phát triển hoạt động kia và ngược lại.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thanh toán quốc tế tại ngân hàng thương mại cổ phần phương đông (Trang 25 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)