Về cơ cấu tổ chức và nhân sự:
Các phòng/ban/đơn vị tham gia trong mô hình thanh toán tập trung hiện nay tại OCB vẫn chưa có sự hỗ trợ và tương tác với nhau một cách chuyên nghiệp, vì một mục đích chung đẩy nhanh tiến độ xử lý giao dịch, gia tăng khả năng phục vụ khách hàng. Nguyên nhân của việc này là do các phòng/ban đều có chức năng khác nhau, chịu các chỉ tiêu khác nhau nên khi xảy ra các vướng mắc khó khăn đều muốn giải quyết theo hướng có lợi cho đơn vị mình, khiến cho giao dịch luôn bị ách tắc. Hệ thống chỉ tiêu mới được giao cho từng đơn vị cũng là một rào cản khó khăn, trong bộ chỉ tiêu, nghiệp vụ chính của phòng/ban luôn chiếm tỷ trọng rất cao, trong khi các nghiệp vụ hỗ trợ chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ. Do đó, các phòng/ban khác liên quan, mang tính hỗ trợ cho hoạt động TTQT vẫn chưa xem trọng trách nhiệm hỗ trợ cho hoạt động này.
Nền tảng kiến thức về TTQT của các cán bộ quan hệ khách hàng hiện nay nhìn chung còn hạn chế và chưa có sự đồng đều giữa các chi nhánh ở những địa bàn khác nhau. Việc này chủ yếu do trong công tác tuyển dụng nhân sự cho đội ngũ này
vẫn chưa chú trọng vào kiến thức và kinh nghiệm TTQT. Đó là về chất lượng nhân sự, còn về số lượng, dù là bất cứ ngân hàng nào, nhân viên kinh doanh luôn là đội ngũ nhân sự có sự biến động lớn nhất, tại OCB cũng không ngoại lệ. Việc nhân sự kinh doanh luôn có sự thay đổi sẽ làm cho nguồn khách hàng không được ổn định, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh.
Về tác nghiệp, ngoài trưởng phòng và kiểm soát viên đã có kinh nghiệm nhiều năm trong công tác chuyên môn, các nhân viên TTQT của P.TTQT hiện nay đa số là các nhân sự mới, thời gian gắn bó với OCB chưa lâu, hiểu biết về hệ thống công nghệ và sự nhanh nhạy trong tương tác với các phòng ban liên quan còn hạn chế. Thêm vào đó, vì đa phần là nhân sự trẻ nên còn ít kinh nghiệm tiếp xúc với các nghiệp vụ TTQT, thiếu kinh nghiệm, thiếu thận trọng trong xử lý nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ chưa cao, sự am hiểu kiến thức về ngoại thương, các tập quán, thông lệ quốc tế còn hạn chế, chưa được đào tạo bài bản về kiến thức chuyên môn, chưa được cập nhật thường xuyên những tình huống rủi ro để phòng ngừa là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến rủi ro và các lỗi tác nghiệp trong hoạt động TTQT.
Về công nghệ, quy trình:
Hệ thống T24 hiện nay áp dụng tại OCB chưa phải là bản hoàn chỉnh nên còn nhiều hạn chế trong hoạt động và chức năng, chưa đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn. Tính tự động trong giao dịch và giữa các ứng dụng còn thấp, các báo cáo thống kê về hoạt động TTQT còn phải xử lý thủ công. Dịch vụ ngân hàng trực tuyến về TTQT hiện chỉ đang được thí điểm tại chi nhánh Tân Bình, chưa được áp dụng rộng rãi toàn hệ thống cũng là một nguyên nhân làm giảm tính cạnh tranh của dịch vụ này.
Quy trình, thủ tục nghiệp vụ TTQT còn nhiều thiếu sót, bất cập. Mặc dù quy trình hiện nay được soạn thảo theo mô hình thanh toán tập trung nhưng nội dung quy trình vẫn chưa thể hiện được hết tinh thần của mô hình này là tập trung tất cả các khâu xử lý tác nghiệp về Phòng TTQT, giảm tải khối lượng công việc cho các đơn vị kinh doanh để tập trung vào công tác kinh doanh, phục vụ khách hàng. Cụ thể, quy trình hiện nay vẫn quy định đơn vị kinh doanh phải nhập liệu vào tạo giao
dịch trên T24, in bút toán giao dịch,.. sau đó Phòng TTQT mới tiến hành nhập liệu hoàn chỉnh và duyệt giao dịch; việc này đã làm hạn chế rất nhiều tính chủ động của các nhân viên quan hệ khách hàng khi phải xử lý nghiệp vụ trong hệ thống và các chứng từ hạch toán phát sinh,..
Về sản phẩm, giá, chính sách khách hàng
Đối tượng khách hàng ngày càng mở rộng nhưng sản phẩm dịch vụ TTQT chưa đa dạng, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng và của thị trường. Các sản phẩm TTQT cung cấp cho khách hàng vẫn là các sản phẩm truyền thống dựa trên các phương thức thanh toán cơ bản như chuyển tiền, nhờ thu, tín dụng chứng từ. Ngoại trừ UPAS LC, OCB vẫn chưa phát triển được sản phẩm đặc thù, riêng có cho ngân hàng, chưa xây dựng được các gói sản phẩm dành cho khách hàng xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, việc giới hạn đồng tiền thanh toán cũng gây ra nhiều hạn chế cho các sản phẩm hiện nay (hiện OCB chỉ thanh toán trực tiếp các ngoại tệ USD, EUR, SGD, AUD, JPY; đồng GBP phải thanh toán chuyển đổi; ngoài ra không nhận thanh toán các ngoại tệ khác).
Các sản phẩm, dịch vụ khác gắn liền với hoạt động TTQT còn phát triển chậm như các sản phẩm tài trợ thương mại còn còn giới hạn ở những sản phẩm truyền thống như tài trợ xuất khẩu trước giao hàng, chiết khấu hối phiếu có truy đòi, cho vay thanh toán nhập khẩu.
Hoạt động marketing TTQT còn hạn chế, công tác khách hàng, quảng bá hình ảnh chưa được triển khai mạnh. Cán bộ quan hệ khách hàng chú trọng vào chào bán các sản phẩm tín dụng, huy động, chưa có sự quan tâm trong việc giới thiệu các sản phẩm TTQT đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Thêm vào đó là chính sách chăm sóc khách hàng TTQT chưa được quan tâm đúng mức, trong các chương trình chăm sóc khách hàng, OCB luôn dành sự ưu ái cho các cho các khách hàng tín dụng và khách hàng tiền gửi. Đây là một hạn chế đáng kể trong công tác giữ chân khách hàng cũ cũng như tiếp cận khách hàng mới về hoạt động này.
Về quan hệ hợp tác
Trên thị trường quốc tế, độ tín nhiệm của OCB chưa được đánh giá cao. Cụ thể, OCB chưa từng được xếp vào diện xem xét, đánh giá của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm lớn trên thế giới như Standard & Poors, Moody’s, Fitch,… Chính vì thế, OCB nhiều khó khăn trong việc mở rộng mạng lưới ngân hàng đại lý và sự hỗ trợ tài chính từ các ngân hàng trên thế giới, thậm chí còn vấp phải chính sách hạn chế hợp tác của một số ngân hàng lớn trên thế giới do quy mô chưa đáp ứng được chính sách của các ngân hàng này. Hệ thống ngân hàng đại lý chưa phát triển đủ mạnh về cả số lượng và chất lượng, chưa được mở rộng khắp nơi trên thế giới nên OCB phải thực hiện nghiệp vụ thông qua ngân hàng trung gian dẫn đến việc tăng chi phí và tốn nhiều thời gian của khách hàng.
Việc thương hiệu ngân hàng chưa đủ mạnh cũng là nguyên nhân khiến cho các đối tác xuất nhập khẩu của khách hàng từ chối giao thương, hoặc không thực hiện các thương vụ lớn, số lượng giao dịch và doanh số TTQT cũng vì thế giảm đi đáng kể.
Về quản lý rủi ro
OCB chưa xây dựng được mô hình quản lý, giám sát rủi ro hoạt động TTQT theo đúng thông lệ quốc tế; chưa xây dựng được các chính sách, quy trình, mô hình và công cụ đo lường rủi ro để phục vụ công tác dự báo, cảnh báo rủi ro. Bên cạnh đó là sự bất cập về trình độ nghiệp vụ, sự nhận thức không đầy đủ của một bộ phận cán bộ làm công tác TTQT, cán bộ làm công tác kiểm tra nội bộ cũng là nguyên nhân làm cho công tác quản trị rủi ro của ngân hàng chưa đạt hiệu quả.