2.2.3.1. Nguồn nhân lực
Thứ nhất chúng ta hãy xét về yếu tố nguồn nhân lực, bao gồm các vấn đề như: số lượng và loại nhân viên, kỹ năng và năng lực của họ. Hiện hoạt động cho vay XNK HNS của BIDV Tây Ninh được thực hiện tại Phòng KHDN, các phòng giao dịch chủ yếu phát triển theo hướng bán lẻ.
Số lượng nhân sự hiện tại của phòng là: 4 nhân viên chính thức, 2 lãnh đạo phòng và một nhân viên khoán. Trình độ chuyên môn: đại học 100%, trình độ ngoại ngữ từ trình độ B trở lên, trình độ tin học từ trình độ B trở lên. Độ tuổi trung bình của nhân viên là: 28 tuổi, độ tuổi bình quân của lãnh đạo phòng là: 32 tuổi.
Về nghiệp vụ cho vay: các nhân viên và lãnh đạo phòng đều có kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ cho vay tốt. Bằng chứng là dư nợ và số lượng khách hàng doanh nghiệp của BIDV Tây Ninh đã tăng trưởng tốt trong thời gian qua.
2.2.3.2. Nguồn lực tài chính
Hiện BIDV hoạt động theo mô hình mua bán vốn tập trung, các chi nhánh khi huy động sẽ bán nguồn vốn này về hội sở chính và khi vay sẽ mua lại vốn. Do đó để đánh giá nguồn lực tài chính của BIDV Tây Ninh cần phải đánh giá về nguồn lực tài chính của BIDV. Theo báo cáo tài chính của BIDV, tính đến ngày 31/12/2014 nguồn vốn huy động đạt 502 nghìn tỷ đồng, tổng tài sản đạt 650 nghìn tỷ đồng. Xét trong mối tương quan với các ngân hàng khác thì hiện BIDV đang đứng vị trí thứ ba về tổng tài sản và nguồn vốn huy động, sau Agribank và Vietinbank.
BIDV Tây Ninh hoàn toàn có đủ khả năng để đáp ứng các nhu cầu về vay vốn đối với các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực XNK HNS nói riêng.
2.2.3.3. Cơ sở vật chất
Cơ sở vật chất như: trụ sở làm việc, các trang thiết bị, hệ thống công nghệ, quy trình nghiệp vụ. Các yếu tố này tương đối tương đồng giữa các ngân hàng với nhau. Tuy nhiên khi phân tích yếu tố này chúng ta có thể xét thêm các yếu tố về mạng lưới: hiện BIDV Tây Ninh đứng vị trí thứ 4 tại Tây Ninh sau các ngân hàng như: Agribank Tây Ninh, VietinBank Tây Ninh, Sacombank Tây Ninh. Trong thời gian tới Vietcombank Tây Ninh sẽ có số lượng chi nhánh và phòng giao dịch tương đương với BIDV Tây Ninh.
Do đó BIDV Tây Ninh không có ưu thế nổi trội về nguồn lực tác nghiệp so với các ngân hàng thương mại chiếm thị phần lớn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
2.2.3.4. Nguồn lực vô hình
Nguồn lực vô hình gồm có kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm, thương hiệu. Sau đây chúng ta sẽ phân tích từng yếu tố:
+ Cán bộ và lãnh đạo Phòng KHDN đều có kiến thực chuyên môn về lĩnh vực tài chính ngân hàng, tốt nghiệp hệ đại học chính quy của các trường như: Đại học Kinh tế Tp HCM, Đại học Ngân hàng Tp HCM, Đại học Kinh tế luật Tp HCM. Tuy nhiên lại không có cán bộ có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực thanh toán quốc tế do chủ yếu các cán bộ của phòng KHDN đều tốt nghiệp các chuyên ngành: tín dụng, tài chính doanh nghiệp.
+ Thương hiệu của BIDV chủ yếu được biết đến nhiều ở các thành phố lớn. Tại địa bàn như Tây Ninh thương hiệu BIDV ít được biết đến so với các ngân hàng khác do trước đây chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực cho vay thi công xây lắp. BIDV cũng được biết đến nhiều hơn trong cộng đồng doanh nghiệp hoạt động XNK HNS kể từ việc BIDV Tây Ninh tiếp thị thành công khách hàng lớn hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu cao su về quan hệ.
+ Kinh nghiệm đối với 3 mặt HNS mà đề tài nghiên cứu thì BIDV Tây Ninh đã cho vay trong lĩnh vực cao su nhiều năm nên có nhiều kinh nghiệm còn hai mặt hàng còn lại chỉ mới phát sinh trong thời gian gần đây
+ Quy trình cho vay hiện tại10 của BIDV:
Hiện BIDV chưa có công văn quy định riêng về quy trình cho vay hoạt động XNK nói chung và XNK HNS nói riêng. Hoạt động cho vay hiện tại được áp dụng theo quy trình cho vay chung. Đồng thời BIDV chưa có ban hành các gói sản phẩm riêng áp dụng cho vay lĩnh vực này, mặt dù hiện tại đã ban hành nhiều sản phẩm riêng như: sản phẩm cho vay đầu tư tài sản cố định gián tiếp, sản phẩm cho vay mua nhà,…
Theo quy trình cho vay hiện tại thì cán bộ quản lý khách hàng phải đảm nhiệm hầu hết các khâu của quy trình từ: tiếp thị khách hàng đến lập báo cáo đề xuất tín dụng, thẩm định giá tài sản đảm bảo đến soạn thảo hợp đồng, đi công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm, nhắc nợ, thu nợ, ngoài ra còn kiêm nhiệm khâu tư vấn và tác nghiệp hoạt động tài trợ thương mại…do áp lực về hiệu quả hoạt động nên số lượng nhân viên bị hạn chế trong khi số lượng công việc liên quan đến tác nghiệp quá nhiều nên cán bộ không có thời gian để tiếp thị và chăm sóc khách hàng. Bên cạnh đó: hoạt động tài trợ thương mại như: chiết khấu bộ chứng từ, gửi đòi tiền, phát hành L/C,...cũng được chuyển giao cho phòng KHDN. Trong khi nhân sự của phòng đa phần đều không có kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực này, chủ yếu được đào tạo qua các lớp đào tạo ngắn ngày nên không có khả năng tư vấn cho khách hàng về: pháp lý, các điều khoản của L/C, thông lệ quốc tế,…Chính vì vấn đề này mà trong thời gian qua các lĩnh vực cho vay xuất khẩu hạt điều và khoai mì không phát sinh các khách hàng mới, đặc biệt là lĩnh vực xuất khẩu khoai mì thì dư nợ và doanh thu từ hoạt động XNK của khách hàng lại chủ yếu tập trung tại các ngân hàng khác như: Vietcombank. MB Bank.
BIDV Tây Ninh cần phải cải thiện thêm kiến thức về lĩnh vực thanh toán quốc tế cho cán bộ hoạt động trong lĩnh vực cho vay XNK HNS để có khả năng tư vấn
tốt hơn, ngoài ra cần tìm hiểu thêm về hai lĩnh vực cho vay hạt điều và khoai mì nhằm có thể phát triển thị phần của hai lĩnh vực này. Đồng thời cần phải nghiên cứu lại quy trình cấp tín dụng, học hỏi mô hình của các ngân hàng khác như: HSBC, ACB, Teachcombank,…
2.2.3.5. Năng lực của doanh nghiệp
Đối với hoạt động cho vay xuất khẩu BIDV chưa có nhiều sản phẩm đặc thù để hỗ trợ cho hoạt động cho vay này, chẳng hạn như: trước đây BIDV có sản phẩm cho vay tài trợ nhập khẩu đảm bảo bằng lô hàng nhập, tuy nhiên trong danh mục các sản phẩm được tài trợ thì không có mặt HNS. Ngoài ra còn thiếu các thông tin để hỗ trợ cho hoạt động cho vay này như: biến động giá cả của các mặt HNS tại thị trường trong nước, các sàn giao dịch quốc tế. Hiện tại BIDV chỉ cung cấp các bản tin thị trường về giá dầu thô.
BIDV cần phải gia tăng năng lực của mình trong lĩnh vực cho vay XNK nói chung và cho vay XNK HNS nói riêng bằng việc: nghiên cứu đặc trưng của các mặt hàng xuất khẩu chủ lực gắn với đặc trưng của từng địa bàn để cho ra những gói sản phẩm đặc thù hỗ trợ cho việc phát triển thị phần của hoạt động cho vay này.