Đây là bước rất quan trọng trong quy trình tài trợ, nếu bước thẩm định này làm tốt sẽ hạn chế được rất nhiều rủi ro cho ngân hàng và mang lại hiệu quả cho ngân hàng và cho doanh nghiệp
Trong bước này các nhân viên ngân hàng sẽ thẩm tra lại các thông tin về khách hàng, qua hồ sơ mà khách hàng cung cấp
- Kiểm tra tính hợp pháp của hồ sơ pháp lý
Trước hết nhân viên ngân hàng sẽ thẩm định tính hợp pháp của hồ sơ pháp lý, việc làm này không thể thiếu vì đây cũng là một trong những cơ sở pháp lý khi xảy ra kiện tụng tòa án về sau.
- Đánh giá tình hình tài chính của doanh nghiệp
Trên cơ sở những báo cáo tài chính của doanh nghiệp, nhân viên ngân hàng sẽ đánh giá tình hình tài chính của doanh nghiệp, xem xét khả năng thanh toán của doanh nghiệp, tình hình công nợ, vòng quay vốn lưu động,.. Việc xác định được vòng quay vốn lưu động góp phần định kỳ hạn nợ cho vay một cách chính xác, giảm thiểu việc chuyển nợ quá hạn cho doanh nghiệp, vì đến kỳ hạn trả nợ doanh nghiệp vẫn chưa đủ tiền để thanh toán do chưa điều động được vốn. Bởi vì có thời điểm nguồn vốn lưu động của doanh nghiệp nằm dưới dạng nợ phải thu từ khách hàng và hàng tồn kho. Do đó dòng tiền sẽ phát sinh từ việc thu hồi nợ dần từ khách hàng và thanh toán bớt lượng hàng tồn kho. Về mặt này cần xét các khoản nợ của doanh nghiệp thuộc loại nợ dễ thu hay khó thu, lượng hàng tồn kho dễ bán hay khó bán. Nếu xét thấy dòng tiền đó không đủ để thanh toán thì xét đến nguồn trả nợ thứ hai là tài sản thế chấp, cầm cố của khách hàng.
Ngoài ra việc đánh giá khả năng trả nợ vay là hết sức cần thiết. Yếu tố tạo nên khả năng là trình độ, kinh nghiệm và nhất là khả năng sử dụng số tiền vay thành công. Sự thành công của người vay là yếu tố đảm bảo lớn cho việc trả nợ. Điều này đòi hỏi kỹ năng của nhân viên ngân hàng. Muốn đánh giá đúng khả năng trả nợ vay cần thiết phải biết rõ về khách hàng như:
Thị trường tiêu thụ cung cấp nguyên vật liệu cho khách hàng Hiệu quả kinh doanh, doanh số tiêu thụ, lợi nhuận,…
Tình hình tài chính
Đội ngũ quản lý, lực lượng lao động có năng lực trình độ hay không. Chất lượng sản phẩm, giá cả sản phẩm
Vấn đề tiếp thị quảng cáo …
Tất cả các yếu tố trên đều liên quan đến năng lực hiện tại và tiềm năng tương lai của doanh nghiệp, nó quyết định rất lớn đến khả năng hoàn trả nợ cho ngân hàng.
Tuy nhiên bên cạnh việc phân tích các tỷ số tài chính của doanh nghiệp, nhân viên ngân hàng cũng không thể bỏ qua việc đánh giá thái độ, uy tín của khách hàng.
Thái độ của khách hàng phải là sự chân thật và thiện chí của người vay, là tinh thần tôn trọng chữ tín, tôn trọng lời hứa, lời cam kết của mình trong hợp đồng vay và luôn luôn tìm cách trả nợ dù tình hình kinh doanh có diễn biến không thuận lợi. Đây chính là yếu tố khó đánh giá chính xác do đó, đòi hỏi nhân viên ngân hàng phải có trình độ chuyên môn cao, khả năng phân tích, đánh giá và nắm bắt khách hàng tốt.
Việc tìm hiểu tình hình của người vay tương đối dễ nếu khách hàng giao dịch với ngân hàng lâu năm. Những thông tin này đã có sẵn trong hồ sơ của ngân hàng. Riêng đối với khách hàng mới, việc tìm hiểu đòi hỏi phải thu thập nhiều thông tin từ khách hàng, từ khách hàng của người vay, từ nhà cung cấp của người vay, từ trung tâm phòng ngừa rủi ro của ngân hàng nhà nước,… Nếu trong quá khứ họ có quyết tâm trả nợ thì thuận lợi cho việc cấp tín dụng nhưng nếu có bằng chứng về sự chậm trễ thường xuyên trong việc trả nợ, có thể đưa tới từ chối cấp tín dụng. Nếu có nghi ngờ về sự tôn trọng chữ tín của khách hàng thì buộc khách hàng phải có đảm bảo cao hơn hoặc từ chối khéo khách hàng.
- Tính khả thi và hiệu quả của dự án
Sau khi xem xét tính hình tài chính của khách hàng, nhân viên ngân hàng cần phải đánh giá tính khả thi và hiệu quả của phương án kinh doanh. Ở bước này nhân viên ngân hàng sẽ đánh giá xem phương án kinh doanh có hiệu quả cao hay không. Ở đây cần liên hệ với thực tế để xem doanh nghiệp có kê cao giá bán và hạ thấp giá thành để nâng cao hiệu quả của dự án hay không. Điều này đòi hỏi nhân viên ngân hàng phải thu thập thông tin bên ngoài, nắm bắt kịp thời giá cả thị trường để đánh giá chính xác phương án. Đồng thời nhân viên ngân hàng cần xem xét xem mặt hàng của phương án
kinh doanh có dễ tiêu thụ trên thị trường không, nhu cầu về mặt hàng đó sắp tới sẽ như thế nào…Bởi vì cho dù phương án kinh doanh có hiệu quả nhưng nếu không được thị trường chấp nhận, thì phương án kinh doanh vẫn bị phá sản. Trong bước này nhân viên ngân hàng cũng cần tìm hiểu nguồn trả nợ của khách hàng từ đâu để có hướng giám sát kịp thời.
- Thẩm định tài sản đảm bảo
Nếu đánh giá phương án kinh doanh khả thi và có hiệu quả thì tiếp theo nhân viên ngân hàng sẽ thẩm định tài sản thế chấp và cầm cố.
Đối với ngành ngân hàng tài sản đảm bảo là nguồn thu nợ phụ, bởi vì ngân hàng chỉ mong muốn thu hồi vốn và lãi từ kết quả của phương án kinh doanh, không phải từ tài sản đảm bảo. Tuy nhiên không phải tài sản nào cũng được dùng làm đảm bảo.Tài sản dùng làm đảm bảo phải có các tiêu chuẩn sau:
+ Tài sản dùng để thế chấp vay vốn các tồ chức tín dụng: là bất động sản có khả năng chuyển nhượng, mua bán dễ dàng bao gồm:
Nhà ở công trình xây dựng gắn liền với đất, kể cả tài sản gắn liền với công trình xây dựng
Đối với bất động sản có tham gia bảo hiểm thì giá trị hợp đồng bảo hiểm cũng thuộc tài sản thế chấp
Các cơ sở sản xuất kinh doanh như nhà máy, khách sạn, cửa hàng, nhà kho, các công cụ dụng cụ, máy móc thiết bị gắn liền với nhà máy, tàu biển máy bay
Tài sản khác nếu pháp luật có qui định
Quyền sử dụng đất theo pháp luật về đất đai qui định
Hoa lợi, lợi tức, các quyền phát sinh từ bất động sản được thế chấp thuộc loại tài sản thế chấp hay không là do các bên thỏa thuận hoặc pháp luật có qui định
+ Tài sản dùng cầm cố phải thỏa mãn các điều kiện sau
Tài sản dùng cầm cố vay vốn các tổ chức tín dụng là các động sản có giá trị, chuyển nhượng hoặc mua bán được dễ dàng bao gồm: phương tiện vận tải, phương tiện
đi lại, công cụ lao động, máy móc thiết bị dùng cho sản xuất kinh doanh, vật tư hàng hóa.
Giấy tờ trị giá được bằng tiền đang còn thời hạn hiệu lực thanh toán như sổ tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu do các doanh nghiệp, ngân hàng hoặc chính phủ phát hành và các giấy tờ trị giá được bằng tiền khác
Các vật quý bằng vàng, đá quý, đồ trang sức bằng vàng, đá quý.
Đối với các tài sản có tham gia bảo hiểm thì giá trị hợp đồng bảo hiểm cũng thuộc tài sản cầm cố
Các tài sản khác nếu pháp luật có qui định
Giá trị tài sản thế chấp, cầm cố, bảo lãnh do các bên thế chấp, cầm cố, bảo lãnh và bên nhận thế chấp, cầm cố, bảo lãnh thỏa thuận định giá trên cơ sở giá cả của thị trường tại địa phương ở thời điểm thế chấp, cầm cố có tính đến các yếu tố tác động tăng hoặc giảm giá đến thời điểm chấm dứt việc thế chấp cầm cố hoặc bảo lãnh. Trong trường hợp cần thiết có thể thuê chuyên gia của các cơ quan chuyên môn định giá
Đối với giấy tờ trị giá được bằng tiền, thì giá trị cầm cố do hai bên căn cứ vào mệnh giá ghi trên giấy tờ và giá cả của giấy tờ đó trên thị trường, để định giá có tính đến các yếu tố tăng hoặc giảm giá trên thị trường đến thời điểm chấm dứt cầm cố.
Kết quả định giá tài sản thế chấp, cầm cố, bảo lãnh cần lập thành biên bản làm cơ sở cho việc ký hợp đồng
Tuy nhiên để hạn chế rủi ro đến mức tối thiểu nhân viên ngân hàng không chỉ căn cứ vào hồ sơ kinh tế và hồ sơ vay của doanh nghiệp để thẩm định mà còn phải đánh giá, dự đoán những biến động của môi trường kinh tế. Bởi vì một doanh nghiệp được đánh giá là kinh doanh có hiệu quả trong nền kinh tế ổn định sẽ gặp khó khăn khi nền kinh tế suy thoái thậm chí đi đến phá sản. Những biến động của môi trường kinh tế sẽ làm cho các phân tích đánh giá về doanh nghiệp bị sai lệch với thực tế, vì vậy đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng khi thẩm định một hồ sơ xin tài trợ
Ngoài ra trước khi đi đến quyết định cho vay bảo lãnh hay không nhân viên ngân hàng còn phải xem xét thêm các yếu tố khác như chính sách tín dụng của ngân hàng, chiến lược kinh doanh ngân hàng và các chế độ thể lệ pháp lý quy định để có thể đưa ra quyết định đúng đắn nhất.