Môi trường xã hội: Trình độ dân trí trên địa bàn Ninh Thuận về hoạt động ngân hàng còn thấp, phần lớn dân số là lao động nông nghiệp, điều kiện tiếp cận với dịch vụ ngân hàng còn ít. Nhiều đối tượng khi có nhu cầu vay hay ngại tiếp xúc với nguồn vốn ngân hàng vì cho rằng phức tạp và có tâm lý e ngại trong việc công khai thông tin với ngân hàng.
Môi trường kinh tế: Kinh tế xã hội nước ta trong giai đoạn 2014 - 2017 đã có chuyển biến theo hướng tích cực, kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định. Lạm phát được kiểm soát, mặt bằng lãi suất, tỷ giá ổn định; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, thu hút khách quốc tế và đầu tư nước ngoài đạt khá; an sinh xã hội được quan tâm thực hiện và đạt kết quả nhất định. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn hạn chế: Chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh trạnh sụt giảm; sản xuất nông nghiệp tiếp tục bị ảnh hưởng bởi thiên tai (xâm nhập mặn, hạn hán, lũ cục bộ) và giá cả nông sản, thực phẩm xuống quá thấp (heo, bò, nông sản, trái cây)… Riêng Ninh Thuận, ngoài khó khăn chung của cả nước còn khó khăn nổi lên là thiệt hại hậu hạn hán kéo dài và việc dừng chủ trương xây dựng 02 nhà máy điện hạt nhân; nguồn lực đầu tư hạn chế đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh.
Môi trường pháp lý: Các quy định pháp quy của Nhà nước liên quan đến hoạt động tín dụng còn chưa đầy đủ, chậm ban hành triển khai và còn nhiều vướng mắc bất cập do có nhiều cấp ban hành và không đồng bộ gây khó khăn cho cả khách hàng và ngân hàng trong việc nâng cao chất lượng tín dụng. Thủ tục pháp lý, công chứng, đấu giá phát mại tài sản thế chấp còn phức tạp, mất nhiều thời gian. Vấn đề quyền sử dụng, sở hữu liên quan đến đất đai còn nhiều bất cập, chồng chéo và không đồng bộ. Hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan ban ngành như UBND các cấp, địa phương, cơ quan thi hành án.. chưa cao, còn nhiều hạn chế. Còn thiếu cơ chế, quy định cho thị trường mua bán nợ phát triển. Nhà nước chưa có những quy định cụ thể xác định rõ địa vị pháp lý và các quyền đặc biệt của chủ nợ, các ưu đãi của Nhà nước đối với hoạt động mua bán nợ.
Nghị Quyết 42 chưa kịp thời (hướng dẫn trong giải quyết tranh chấp về tài sản bảo đảm và thủ tục phá sản khi xử lý nợ xấu; hướng dẫn thủ tục thụ lý vụ án trong trường hợp người có quyền lợi liên quan vắng mặt) làm cho công tác thi hành án dân sự đối
với các khoản nợ của các TCTD còn chậm.
Công tác xử lý nợ xấu còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện: Sự phối hợp của các cơ quan có liên quan trong công tác xử lý nợ xấu
vẫn chưa tích cực. Cụ thể: Mặc dù Nghị Quyết số 42 đã quy định rất rõ thứ tự ưu tiên
thanh toán cho nghĩa vụ nợ được đảm bảo của TCTD trước khi thực hiện nghĩa vụ
thuế, nghĩa vụ khác không có đảm bảo... nhưng cơ quan thuế trên địa bàn tỉnh vẫn
yêu cầu nộp thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản đối với
các trường hợp số tiền bán tài sản đảm bảo không đủ trả nợ cho ngân hàng; Những
vướng mắc còn xảy ra ngay cả khi việc khởi kiện và thi hành án đối với khách hàng
đã hoàn tất nhưng cơ quan THADS không thể kê biên phát mãi tài sản được do tài
sản còn vướng phải tranh chấp; Việc thụ lý hồ sơ tại các cơ quan Thi hành án còn
chậm nên phần nào ảnh hưởng đến tiến độ xử lý nợ, tốc độ việc xử lý TSTC; Công tác bảo lãnh tín dụng của Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ (QBLTD) chưa hiệu quả, việc xác định trách nhiệm của QBLTD còn có sự tranh cãi, chưa
thống nhất trong trường hợp doanh nghiệp được QBLTD bảo lãnh để vay vốn tại
ngân hàng và để phát sinh nợ xấu.
Hệ thống thông tin chưa hoàn thiện và độ tin cậy chưa cao: Thông tin luôn là yếu tố chi phối đến các quyết định cho vay của ngân hàng. Khi các quyết định được đưa ra trong trạng thái thông tin không đầy đủ hoặc thiếu chính xác sẽ tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu. Mặc khác khi nợ xấu phát sinh, nếu không có đầy đủ thông tin về khách hàng và các mối quan hệ liên quan thì sẽ cản trở rất lớn đến công tác quản trị nợ xấu. Hiện nay, Việt Nam chưa có một cơ chế công bố thông tin đầy đủ về doanh nghiệp và ngân hàng gây trở ngại cho việc đánh giá và quyết định.
Trung tâm thông tin tín dụng (CIC) của NHNN đang hoạt động nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu thông tin cho NHTM. Thông tin đưa ra về lịch sử quan hệ tín dụng của khách hàng tại TCTD đôi khi còn thiếu chính xác, không được cập nhật kịp thời và còn chung chung, chưa chỉ rõ tình hình quan hệ cụ thể của khách hàng với từng
TCTD. Đặc biệt là thông tin cho vay cán bộ công nhân viên phục vụ tiêu dùng trên địa bàn toàn tỉnh trên CIC còn chưa cụ thể đến từng khách hàng mà chỉ thông tin cho từng đơn vị. Điều này làm cho Agribank nói riêng và các chi nhánh TCTD khác nói chung dễ cho vay trùng lắp, phát sinh rủi ro trong cho vay tiêu dùng đối với cán bộ công nhân viên.
Yếu tố cạnh tranh: Hiện nay trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có 11 TCTD đang hoạt động, đặc biệt là các ngân hàng thương mại cổ phần đang mở rộng các phòng giao dịch về các huyện, thị trấn nên mức độ cạnh tranh giữa các ngân hàng ngày càng gay gắt, quyết liệt; xu hướng lãi suất huy động, cho vay ngày càng đa dạng, linh hoạt tăng, giảm theo yếu tố thị trường... đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của đơn vị. Các công ty tài chính đã xâm nhập vào thị trường nông thôn trong lĩnh vực tiêu dùng làm tăng thêm hệ lụy nhóm nợ kéo theo phân loại CIC. Các NHTM không chỉ cạnh tranh về sản phẩm, lãi suất mà còn cả về công nghệ, nhân lực đồng thời có thể giảm bớt quy trình, thủ tục và hạ thấp tiêu chuẩn cho vay. Do đó sẽ ảnh hưởng đến thu nhập và chất lượng tín dụng của chi nhánh.
Nhận thức của khách hàng vay đặc biệt đối với các chương trình chính sách tín dụng được ưu tiên hỗ trợ: Ngoài những nguyên nhân khó khăn, vướng mắc về chính sách tín dụng, chính sách bảo hiểm, hay khó khăn do đặc thù ngành khai thác hải sản phụ thuộc nhiều vào yếu tố khách quan như thời tiết, hải lưu, ngư trường… đáng lo ngại hiện nay là xuất hiện hiện tượng ngư dân có tư tưởng coi chương trình vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 là chính sách tài trợ không hoàn lại của Chính phủ, cố tình chây ì, không trả nợ, dò hỏi ý kiến của nhiều chủ tàu khác để cùng nhau không trả nợ ngân hàng khi đến hạn phải trả, chờ ngân hàng xoá nợ…..
Nguyên nhân từ phía ngân hàng