% Thứ nhất, từ phía cán bộ ngân hàng
Chất lượng cán bộ làm công tác tín dụng: Chi nhánh hiện có khoảng 140 cán bộ công nhân viên, trong đó số cán bộ phụ trách công tác tín dụng là 54 người. Trong đó đa phần nhân viên tín dụng đều có tuổi đời còn trẻ, nhiệt tình và năng động nhưng kinh nghiệm thực tế chưa nhiều, kỹ năng đánh giá quản lý khách hàng chưa thật sự tốt và đồng đều, dẫn đến việc nắm bắt nhận định khoản vay chưa toàn hiện dễ phát
sinh rủi ro. Cán bộ tín dụng ngoài giỏi về chuyên môn còn phải có kiến thức rộng về nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, có đạo đức và tinh thần trách nhiệm cao. Do việc phát triển mạng lưới hoạt động với việc mở thêm phòng giao dịch chưa đồng bộ với phát triển nguồn nhân lực, chi nhánh chưa có sự chuẩn bị tốt về nhân sự đối với đội ngũ làm công tác tín dụng. Chính vì vậy, lực lượng làm công tác tín dụng trở nên thiếu về số lượng cũng như không đồng đều về chất lượng.
Ngoài ra, có hiện tượng cán bộ tín dụng không tuân thủ chặt chẽ quy trình tín dụng và quy trình nhận tài sản bảo đảm. Chi nhánh chưa xử lý nghiêm, kiên quyết những trường hợp cố tình làm sai lệch hồ sơ, giá trị tài sản bảo đảm vì mục tiêu cá nhân. Đạo đức nghề nghiệp của một số cán bộ chưa tốt dẫn đến việc định giá tài sản thế chấp không chính xác, cố tình thông đồng với khách hàng để nâng giá trị tài sản bảo đảm lên cao hơn so với giá thực tế để khách hàng được vay tiền nhiều hơn quy định.
Bên cạnh đó, chất lượng công tác thẩm định của các bộ tín dụng chi nhánh chưa thật sự tốt, một số cán bộ tín dụng trẻ, mới vào ngành nên còn yếu về nghiệp vụ, định giá tài sản bảo đảm còn mang tính chủ quan chưa bám sát theo hướng dẫn của Hội sở chính, việc định giá lại tài sản bảo đảm theo định kỳ chưa kịp thời dẫn đến không nắm bắt tình hình sử dụng vốn, tình hình biến động tài sản của khách hàng để xử lý tình huống kịp thời, hạn chế rủi ro cho ngân hàng.
Việc kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay là công việc mà cán bộ tín dụng chưa thực hiện thường xuyên, nhất là việc kiểm tra sau khi cho vay, vì bình quân mỗi cán bộ tín dụng quản lý rất nhiều khách hàng dẫn đến tình trạng quá tải, không kiểm tra và phát hiện kịp thời để thu hồi vốn đối với các khách hàng sử dụng vốn sai mục đích, làm ăn kém hiệu quả gây thất thoát vốn nhưng không có biện pháp ngăn chặn kịp thời làm ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng của chi nhánh.
Thêm vào đó, công tác giáo dục đạo đức nghề nghiệp tại Agribank cũng chưa có quy định cụ thể, chưa được ban lãnh đạo chi nhánh quan tâm thường xuyên nên một số cán bộ còn bất chấp rủi ro, không tuân thủ quy trình tín dụng, chính sách khách hàng của Agribank đối với từng đối tượng khách hàng khi thực hiện tác nghiệp.
% Thứ hai, nguyên nhân từ khâu kiểm tra, kiểm soát nội bộ
Chi nhánh luôn đề ra yêu cầu là phải thường xuyên kiểm tra kiểm soát công tác tín dụng nhằm nâng cao chất lượng tín dụng tại chi nhánh. Tuy nhiên, hệ thống kiểm tra, kiểm soát nội bộ của Agribank lại không được thực hiện một cách hiệu quả. Theo Quy định này tất cả cán bộ ngân hàng phải tuân thủ theo và tham gia vào quy trình kiểm soát nội bộ, nhưng không có biện pháp chế tài nếu cán bộ cố ý làm sai quy trình, dễ dàng bỏ qua các bước kiểm tra, kiểm soát, dẫn đến hoạt động kiểm tra kiểm soát hoạt động kinh doanh của ngân hàng không có hiệu quả, không phát hiện các rủi ro kịp thời.
% Thứ ba, hệ thống công nghệ ngân hàng
Hệ thống công nghệ thông tin của Agribank vẫn chưa khai thác hết các tính năng để hỗ trợ phục vụ cho công tác phân tích tín dụng, ngăn ngừa rủi ro. Việc ứng dụng Basel II trong quản lý rủi ro tín dụng đòi hỏi hệ thống công nghệ thông tin tín dụng không những cảnh báo được những trường hợp nợ xấu trong cùng hệ thống còn ở các TCTD khác.
% Thứ tư, hoạt động marketing và truyền thông của chi nhánh
Hoạt động marketing trong chi nhánh chưa được chú trọng đúng với vai trò của nó. Đó là lý do các sản phẩm dịch vụ chưa được bán chéo cùng với các sản phẩm tín dụng. Và nguồn thu chính trên 90% thu nhập của chi nhánh là thu từ lãi. Nhu cầu vay vốn của khách hàng trên địa bàn rất cao, số lượng khách hàng dồi dào, nhu cầu đa dạng, tuy nhiên số lượng khách hàng đến ngân hàng còn hạn chế. Trong thời gian qua, công tác tuyên truyền, tiếp thị, tiếp cận thị trường chưa làm nổi bật được những sản phẩm dịch vụ cũng như hình ảnh của Agribank. Công tác triển khai phát triển sản phẩm dịch vụ chưa đồng đều tại các chi nhánh, phòng giao dịch. Một số cán bộ nghiệp vụ chưa nắm vững những tiện ích, lợi thế của từng sản phẩm, dịch vụ để có thể tư vấn, hướng dẫn khách hàng tốt hơn.
% Thứ năm, cơ chế chính sách của ngân hàng
Công tác xử lý nợ xấu chủ yếu sử dụng dự phòng để xử lý, chưa quy định chặt chẽ trách nhiệm bồi thường khi cán bộ cố tình làm sai quy định, chưa tích cực trong
xử lý nợ xấu, mặc dù có tổ, bộ phận xử lý nợ xấu nhưng thành phần chủ yếu lại là những cán bộ liên quan đến công tác thẩm định và ra quyết định cấp tín dụng món nợ xấu đó nên quá trình xử lý nợ không hiệu quả.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 2
Trong chương 2, tác giả giới thiệu sơ lược về Agribank – Chi nhánh Ninh Thuận, quá trình hình thành và phát triển, kết quả kinh doanh trong giai đoạn 2014 – 2017. Tiếp theo tác giả đi sâu phân tích thực trạng chất lượng tín dụng tại Agribank – Chi nhánh Ninh Thuận thông qua các chỉ tiêu đánh giá chất lượng tín dụng được xây dựng ở khung lý thuyết trong chương 1. Để đánh giá chất lượng tín dụng tại Agribank Ninh Thuận tác giả tiến hành phân tích kết quả đạt được, hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế. Đây là cơ sở giúp tác giả đề xuất giải pháp ở chương 3.
CHƯƠNG 3:GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TÍN DỤNG TẠI NGÂN HÀNG NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN VIỆT NAM CHI
NHÁNH NINH THUẬN