Hoạt động huy động vốn của NHTM

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoạt động huy động vốn của ngân hàng thương mại cổ phần xuất nhập khẩu việt nam chi nhánh bình dương (Trang 27 - 32)

1.2.2.1Khái niệm huy động vốn của NHTM.

Hoạt động huy động vốn là nghiệp vụ mà NHTM tiếp cận nguồn tiền nhàn rỗi trong nền kinh tế: cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức tín dụng,…bằng các hình thức khác nhau để hình thành nên nguồn vốn hoạt động của ngân hàng. Các NHTM có thể huy động dưới các hình thức sau:

Huy động vốn bằng cách nhận tiền gửi: tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm.

Huy động vốn thông qua phát hành giấy tờ có giá: trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu ngân hàng và các giây tờ có giá khác.

Huy động vốn từ vay Ngân hàng Nhà Nước. Huy động vốn từ vay các tổ chức tín dụng khác.

1.2.2.2Đặc điểm huy động vốn của NHTM.

Nguồn vốn có được từ hoạt động huy động vốn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nguồn vốn kinh doanh của NHTM.

Hoạt động huy động vốn của NHTM chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các ngân hàng với nhau.

Chi phí cho việc huy động vốn chiếm tỷ trọng cao từ việc trả lãi tiền gửi, hậu mãi, chăm sóc khách hàng,..

Nguồn vốn huy động từ nhận tiền gửi không kỳ hạn là nguồn vốn không có tính ổn định cao, chính vì thế buộc các NHTM phải duy trì một tỷ lệ dự trữ thanh khoản nhất định có thể đáp ứng nhu cầu rút vốn của khách hàng.

Nguồn vốn huy động từ nhận tiền gửi có kỳ hạn và tiết gửi tiết kiệm là những nguồn vốn có tính ổn định cao, các NHTM có thể chủ động sử dụng kinh doanh.

1.2.2.3Các hình thức huy động vốn của NHTM.

Huy động vốn bằng hình thức nhận tiền gửi

Tiền gửi không kỳ hạn: là loại tiền gửi khách hàng gửi vào ngân hàng mà khách hàng không có thoả thuận trước về thời gian rút tiền. Ngân hàng trả một mức lãi suất thấp hoặc không phải trả một lãi cho số tiền gửi này. Vì thế, loại tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng rất biến động, khách hàng có thể rút ra bất kỳ lúc nào mà không cần báo trước cho ngân hàng, do đó ngân hàng ít chủ động khi sử dụng nguồn vốn này, để đảm bảo khả năng thanh khoản, ngân hàng buộc phải dự trữ một số tiền để đảm bảo có thể thanh toán ngay khi khách hàng có nhu cầu rút tiền. Tiền gửi không kỳ hạn mà cụ thể là tiền gửi thanh toán có những đặc tính sau:

Là loại tiền gửi mà khách hàng gửi vào ngân hàng để thực hiện các khoản thanh toán phục vụ cho các nhu cầu khác nhau như: thanh toán tiền mua hàng hoá, dịch vụ và các khoản thanh toán khác phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh của khách hàng. Đứng trên góc độ là khách hàng thì đây là tiền khách hàng gửi vào ngân hàng để sử dụng các công cụ thanh toán không dùng tiền mặt như: Séc, uỷ nhiệm chi... Họ có quyền rút ra bất kỳ lúc nào.

Đứng trên góc độ ngân hàng thì đây là một khoản tiền mà họ phải có trách nhiệm hoàn trả cho khách hàng bất kỳ lúc nào. Tuy nhiên ngân hàng cần tận dụng loại tiền gửi này để làm vốn kinh doanh của mình bởi vì trong quá trình lưu chuyển vốn của ngân hàng do có sự chênh lệch giữa các khoản tiền gửi vào và rút ra giữa các tài khoản của khách hàng.

Tiền gửi có kỳ hạn: là loại tiền gửi mà khách hàng gửi vào ngân hàng có sự thoả thuận trước về thời hạn rút tiền. Tiền gửi có kỳ hạn là loại tiền gửi tương đối ổn định vì ngân hàng xác định được thời gian rút tiền của khách hàng để thanh toán

cho khách hàng đúng thời hạn. Do đó ngân hàng có thể chủ động sử dụng số tiền gửi đó vào mục đích kinh doanh trong thời gian ký kết.

Đối với loại tiền gửi này, ngân hàng có rất nhiều loại thời hạn từ 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng,12 tháng,.... mục đích là tạo cho khách hàng có được nhiều kỳ hạn gửi phù hợp với thời gian nhàn rỗi của khoản tiền mà họ có. Chính vì là loại tiền gửi mà ngân hàng có quyền sử dụng nó trong thời gian nhất định nên loại tiền gửi này được trả lãi suất cao hơn lãi suất tiền gửi không kỳ hạn.

Tiền gửi tiết kiệm: Là loại tiền gửi mà khách hàng gửi vào ngân hàng nhằm hưởng lãi, đây là loại hình huy động vốn truyền thống của ngân hàng và nó đứng vị trí thứ hai cả về mặt số lượng và tầm quan trọng trong tất cả các loại tiền gửi vào ngân hàng.

Hiện nay ở hầu hết các quốc gia trên thế giới (trong đó có Việt Nam) người ta cho rằng vận động nhân dân gửi tiền tiết kiệm là một trong các nghiệp vụ quan trọng của NHTM. Bởi lẽ nếu huy động được nguồn vốn nhàn rỗi tiềm tàng trong các tầng lớp dân cư sẽ có tiền cấp phát cho phát triển công nghiệp, nông nghiệp góp phần quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế xã hội.

Các tầng lớp dân cư gửi tiền tiết kiệm vào NHTM với mục đích chủ yếu là tiết kiệm và sinh lời. Do đó, nguồn vốn này có tính ổn định khá cao.

Huy động vốn thông qua phát hành giấy tờ có giá.

Giấy tờ có giá mà các Ngân hàng thương mại dùng để huy động vốn thực chất là các giấy nhận nợ mà ngân hàng trao cho những người cho ngân hàng vay tiền xác nhận quyền đòi nợ của khách hàng đối với ngân hàng ở một mức lãi suất và ngày hoàn trả nhất định.

Việc phát hành giấy tờ có giá của ngân hàng để hình thành vốn sử dụng có tính ổn định cao, đồng thời nhằm giải quyết những khoản vốn thiếu hụt có tính tình thế do khả năng thu hút bằng nguồn tiết kiệm hạn chế. Ngân hàng thường sử dụng các loại giấy tờ có giá dưới các hình thức:

Phát hành trái phiếu: Là một cam kết xác nhận nghĩa vụ trả nợ (cả gốc và lãi) của ngân hàng phát hành đối với người chủ sở hữu trái phiếu. Mục đích của

ngân hàng khi phát hành trái phiếu là nhằm huy động vốn trung và dài hạn. Việc phát hành trái phiếu, các Ngân hàng thương mại chịu sự quản lý của Ngân hàng Trung Ương, của các cơ quan quản lý trên thị trường chứng khoán và có thể bị chi phối bởi uy tín của ngân hàng.

Phát hành chứng chỉ tiền gửi: Là những giấy tờ xác nhận tiền gửi định kỳ ở một ngân hàng. Người sở hữu giấy này sẽ được thanh toán tiền lãi theo kỳ và nhận đủ vốn khi đến hạn. Chứng chỉ sau khi phát hành được lưu thông trên thị trường tiền tệ.

Phát hành kỳ phiếu ngân hàng: Đây là loại giấy tờ có giá ngắn hạn (trong 1 năm). Nó có đặc điểm giống như trái phiếu nhưng có thời hạn ngắn hơn trái phiếu vì vậy nó được sử dụng cho mục đích huy động vốn ngắn hạn của ngân hàng.

Nhìn chung, huy động vốn dưới hình thức phát hành giấy tờ có giá NHTM phải trả lãi suất cao hơn lãi suất tiền gửi. Vì vậy khi phát hành các NHTM phải căn cứ vào đầu ra để quyết định đến khối lượng huy động, mức lãi suất và thời hạn, phương pháp huy động phù hợp.

Huy động vốn từ vay các tổ chức tín dụng khác.

Huy động vốn từ hoạt động vay các tổ chức tín dụng thực chất là việc các NHTM vay mượn lẫn nhau hoặc vay vốn của các Công ty bảo hiểm, Công ty tài chính,… nhằm đảm bảo cho hoạt động kinh doanh của mình.

Nguồn vốn huy động từ hình thức này có chi phí rất cao, phụ thuộc vào mối quan hệ và uy tín của NHTM.

Huy động vốn từ vay Ngân hàng Nhà Nước.

NHTW đóng vai trò là người cho vay cuối cùng đối với các NHTM. Thông qua các công cụ: tái cấp vốn, tái chiết khấu mà NHTW cho NHTM vay nhằm đảm bảo khả năng tài chính trong quá trình hoạt động kinh doanh của mình. NHTM có thể vay NHTW thông qua các hình thức sau:

Vốn vay ngắn hạn bổ sung vốn ngắn hạn còn thiếu của NHTM hoặc vốn vay để thanh toán giữa các ngân hàng nhằm bù đắp những thiếu hụt tạm thời trong thanh

toán, hoặc các NHTM mang các giấy tờ có giá đến NHTW xin tái chiết khấu (tái cấp vốn).

NHTW cho NHTM vay dưới hình thức tái chiết khấu: Tái chiết khấu là việc mà NHTW mua lại các giấy tờ có giá còn thời hạn thanh toán của các NHTM trên thị trường thứ cấp theo tỷ suất tái chiết khấu nhất định.

1.2.2.4Tầm quan trọng của hoạt động huy động vốn

Đối với các NHTM.

Thứ nhất, vốn huy động quyết định đến quy mô của hoạt động và quy mô tín dụng của ngân hàng. Thông thường nếu so với các ngân hàng lớn thì các ngân hàng nhỏ có khoản mục đầu tư và cho vay kém đa dạng hơn, phạm vi và khối lượng cho vay của các ngân hàng này cũng nhỏ hơn. Trong khi các ngân hàng lớn cho vay được ở thị trường trong nước, ngoài nước thì các ngân hàng nhỏ lại bị giới hạn trong phạm vi hẹp, mà chủ yếu trong cộng đồng. Mặt khác do khả năng vốn hạn hẹp nên các ngân hàng nhỏ không phản ứng nhạy bén được với sự biến động về chính sách, gây ảnh hưởng đến khả năng thu hút vốn đầu tư từ các tầng lớp dân cư và các thành phần kinh tế.

Thứ hai, là vốn huy động quyết định đến khả năng thanh toán và đảm bảo uy tín của các ngân hàng trên thị trường trong nền kinh tế. Để tồn tại và ngày càng mở rộng quy mô hoạt động, đòi hỏi ngân hàng phải có uy tín trên thị trường là điều trọng yếu. Uy tín đó trước hết phải được thể hiện ở khả năng sẵn sàng thanh toán chi trả cho khách hàng, khả năng thanh toán của ngân hàng càng cao thì vốn khả dụng của ngân hàng càng lớn, đồng thời tạo cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng càng lớn và các ngân hàng có thể tiến hành các hoạt động cạnh tranh để nâng cao vị thế của mình trên thị trường.

Đối với nền kinh tế.

Thông qua hoạt động huy động vốn của các NHTM, mà nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi nằm rãi rác trong nền kinh tế tập trung thành nguồn vốn lớn cho nền kinh tế. Đây là nguồn vốn quan trọng để phát triển kinh tế, vì bản chất của nguồn vốn này là luân chuyển không ngừng, và thông qua hệ thống ngân hàng tạo ra nhiều bút tệ, và

tham gia vào hầu hết các lĩnh vực kinh doanh trong nền kinh tế. Bên cạnh đó, huy động vốn của các NHTM giúp cho NHTW quản lý được lượng lưu thông tiền trong nền kinh tế góp phần ổn định tiền tệ, kiểm soát lạm phát.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoạt động huy động vốn của ngân hàng thương mại cổ phần xuất nhập khẩu việt nam chi nhánh bình dương (Trang 27 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)