Tổ chức bộ máy quản trị rủi ro tín dụng bán lẻ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp hoàn thiện quản trị rủi ro tín dụng bán lẻ tại ngân hàng thương mại cổ phần công thương việt nam chi nhánh gia lai (Trang 26 - 27)

1.2. Quản trị rủi ro tín dụng bán lẻ

1.2.3.4. Tổ chức bộ máy quản trị rủi ro tín dụng bán lẻ

Mọi chiến lược, chính sách quản trị rủi ro tín dụng bán lẻ sẽ trở nên vô nghĩa nếu thiếu một cơ cấu bộ máy tổ chức hợp lý. Vấn đề đặt ra cho ngân hàng là làm thế nào thiết lập hay tổ chức các bộ phận trong ngân hàng đảm nhận việc quản trị rủi ro tín dụng bán lẻ một cách thích hợp và đem lại hiệu quả cao. Mục tiêu này chỉ có thể đạt được thông qua việc ngân hàng tự lựa chọn cho mình mô hình tổ chức bộ máy phù hợp và phân định rõ chức năng nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của từng bộ phận trong bộ máy đó, đảm bảo các bộ phận này vừa độc lập vừa có sự liên kết chặt chẽ. Hiện nay, các ngân hàng đang quản trị rủi ro tín dụng theo hai mô hình quản trị rủi ro tín dụng phổ biến đó là: mô hình quản trị rủi ro tín dụng tập trung và mô hình quản trị rủi ro tín dụng phân tán.

Mô hình quản trị rủi ro tập trung: Tách biệt một cách độc lập giữa ba khối (ba chức năng): Khối kinh doanh (front office); khối quản lý rủi ro (middle office); Khối xử lý nội bộ (back office).

+ Khối kinh doanh (front office) gồm các bộ phận có chức năng kinh doanh, đưa ra các quyết định có rủi ro (gồm cả quyết định tín dụng), giao dịch trực tiếp với khách hàng. Khối kinh doanh có trách nhiệm thực hiện các chính sách, quy trình quản trị rủi ro của ngân hàng.

+ Khối quản lý rủi ro (middle office) gồm các bộ phận có chức năng quản lý rủi ro của ngân hàng thực hiện xây dựng chiến lược, chính sách, quy trình quản lý rủi ro; quy trình nhận dạng, đo lường, theo dõi, kiểm soát, báo cáo rủi ro và đề xuất hạn mức rủi ro trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

+ Khối xử lý nội bộ (back office) gồm các bộ phận có chức năng kiểm soát hồ sơ pháp lý của khách hàng và thiết lập hồ sơ cấp tín dụng; kiểm soát điều kiện cấp tín dụng trước khi giải ngân; thông báo nhắc nhở lịch trả nợ gốc và lãi; cập nhật, lưu trữ hồ sơ tín dụng và quản lý hồ sơ tài sản bảo đảm.

Mô hình quản trị rủi ro tín dụng phân tán: Chưa có sự tách bạch giữa chức

năng kinh doanh, quản lý rủi ro và tác nghiệp. Trong đó, phòng tín dụng thực hiện đầy đủ ba chức năng và chịu trách nhiệm với mọi khâu cho một khoản tín dụng. Các ngân hàng thương mại hiện đại theo chuẩn mực quốc tế có xu hướng chuyển từ quản trị rủi ro tín dụng phân tán sang xu hướng quản trị rủi ro tín dụng tập trung. Theo đó, sẽ hình thành một mô hình tổ chức quản trị rủi ro thống nhất từ Hội đồng quản trị cấp cao có sự tư vấn của ủy ban quản trị rủi ro đến bộ phận quản trị rủi ro trực thuộc Ban điều hành, cùng với đó là sự hỗ trợ của Ban kiểm soát của ngân hàng thương mại.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp hoàn thiện quản trị rủi ro tín dụng bán lẻ tại ngân hàng thương mại cổ phần công thương việt nam chi nhánh gia lai (Trang 26 - 27)