2.3.1.1. Chính sách phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vận tải a. Chính sách phát triển cơ sở hạ tầng đường bộ
Trong hệ thống kết cấu hạ tầng logistics trên địa bàn Hà Nội, cơ sở giao thông đường bộ có vai trò và vị trí quan trọng. Điều đó được thể hiện ở việc vận chuyển bằng đường bộ chiếm tỷ trong cao hơn rất nhiều so với đường thủy, đường sắt và đường hàng không. Do vậy TP.Hà Nội đưa ra các chính sách cải tạo và hoàn thiện cơ sở hạ tầng đường bộ nhằm tạo điều kiện phát triển dịch vụ logistics ở thủ đô. Chính sách cải tạo cơ sở hạ tầng đường bộ bao gồm các chính sách cải tạo các tuyến đường cao tốc, đường vành đai, đường quốc lộ trong và ngoài thủ đô. Trong hệ thống đường bộ, trên địa bàn thành phố còn có khoảng 3.628km đường và 237 cầu các loại, trong đó, Sở GTVT quản lý 1.178km đường với 583 tuyến gồm các loại đường từ đường hướng tâm, đường vành đai… và các quận/ huyện/ thị xã quản lý khoảng 2.450km đường giao thông nông thôn gồm các tuyến chưa đặt tên, tuyến đường trục của huyện, đường liên xã.
Một trong những nội dung quan trọng của chính sách phát triển cơ sở hạ tầng đường bộ của Hà Nội đó là chính sách cải tạo các tuyến đường quốc lộ. Trong thời gian vừa qua, nhằm phát triển hệ thống giao thông đường bộ của Hà Nội, hàng loạt các tuyến quốc lộ được cải tạo.
UBND TP.Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 02/QĐ-HĐND ngày 13/01/2016 về Quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng tuyến đường nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 21B đoạn qua thị trấn Kim Bài (từ Km10+350 đến Km13+200) kết hợp xây dựng quảng trường, công viên cây xanh, huyện Thanh Oai. Dự án có tổng mức đầu tư khái toán hơn 265,8 tỷ đồng từ ngân sách thành phố (ngân sách huyện Thanh Oai ứng trước một phần kinh phí để triển khai các thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, dự toán và tổng dự toán công trình).
UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 7590/QĐ-UBND phê duyệt dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đê hữu Đáy tuyến đường tỉnh 421A từ Liên Hiệp, Phúc Thọ - Yên Sơn - thị trấn (tỉnh lộ 419) đi Tân Hòa, huyện Quốc Oai. Dự án do UBND huyện Quốc Oai làm chủ đầu tư. Theo đó, cải tạo, nâng cấp tuyến đê hữu Đáy tuyến đường tỉnh 421A từ Liên Hiệp, Phúc Thọ - Yên Sơn - thị trấn (tỉnh lộ 419) đi Tân Hòa, huyện Quốc Oai có tổng chiều dài đoạn tuyến là 9,99km, rộng nền đường 7,5m. Dự án có tổng mức đầu tư gần 70 tỷ đồng từ ngân sách thành phố.
Ngoài ra Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La – Xuân Mai theo hình thức hợp đồng BT cũng được UBND Thành phố Hà Nội thông qua. Dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai dài 20,9 km, sử dụng khoảng 1.142.782 m2 đất, chia thành 5 phân đoạn có mặt cắt từ 50 - 60 m. Tổng mức đầu tư trên 8.800 tỷ đồng, trong đó chi phí cho GPMB dự kiến trên 4.350 tỷ đồng.
Để tăng cường liên kết trong vùng, vùng Thủ đô sẽ ưu tiên phát triển hệ thống đường cao tốc với tổng chiều dài khoảng 1.250km. Tính đến nay, vùng Hà Nội đã được xây dựng khoảng 510km đường cao tốc, chiếm khoảng 40% và sẽ phải triển khai trên 700 km đường cao tốc. UBND.TP. Hà Nội đã đưa ra các chính sách hoàn thiện các tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn), Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long (Quảng Ninh), Hà Nội - Hòa Bình. Bên cạnh đó, đồ án QHXD vùng cũng xác định xây mới các tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Bình; các tuyến cao tốc hướng tâm đi Bắc Kạn, Quảng Ninh, Lạng Sơn; tuyến cao tốc Tây Bắc - Hải Phòng (từ giao cao tốc Hà Nội - Hải Phòng tại Hưng Yên đi Tây Bắc); đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình.
Đồ án Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 (QHXD vùng Thủ đô), Đồ án QHXD vùng Thủ đô đặc biệt chú trọng hoàn thiện, khép kín đường cao tốc vành đai 3, vành đai 4, vành đai 5. Trong đó vành đai 5 có vai trò kết nối các đô thị đối trọng, sẽ được đầu tư theo tiêu chuẩn đường cao tốc, đường ôtô cấp I, II. Giai đoạn ngoài năm 2030, sẽ nâng cấp các tuyến cao tốc hiện tại lên quy mô 6 - 8 làn xe (tùy theo đoạn) nhằm đáp ứng nhu cầu giao thông đường bộ tăng cao.
b. Chính sách phát triển cơ sở hạ tầng đường sắt
Hiện nay, hệ thống đường sắt trên địa bàn Hà Nội có chiều dài khoảng 90km, trong đó có khoảng 20km hầu như chưa được sử dụng (đoạn qua cầu Thăng Long đến ga Văn Điển). Trên địa bàn thành phố có 9 ga, với 5 ga chính gồm: ga Hà Nội, ga Giáp Bát, ga Văn Điển, ga Gia Lâm, ga Yên Viên; và 4 ga phụ gồm: ga Thường Tín, ga Phú Xuyên, ga Chợ Tía, ga BaLa.
Hiện tại có 5 tuyến đường sắt nối vào đầu mối Hà Nội, trong đó có 4 tuyến ở phía Bắc sông Hồng nối vào đầu mối theo hình rẻ quạt, bao gồm: tuyến Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến Hà Nội - Lào Cai, tuyến Hà Nội - Hải Phòng, tuyến Hà Nội - Đồng Đăng (Lạng Sơn), tuyến Hà Nội - Cảng Cái Lân và đường sắt vành đai Hà Nội trở thành một vòng khép kín, trong đó có 2 ga lập tàu khách, 2 ga lập tàu hàng.
Cơ sở hạ tầng đường sắt Hà Nội còn cũ kỹ, lạc hậu, chưa được đầu tư hiện đại, việc vận tải hành khách và hàng hóa còn nhiều hạn chế. Các nút giao cắt với đường bộ phần lớn là giao đồng mức (giao bằng); còn nhiều tuyến đường ngang qua đường sắt thiếu rào chắn, đèn báo hiệu, người gác. Đội ngũ lao động khá đông đảo nhưng năng suất lao động chưa cao.
Theo Quyết định số 90/2008/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ : Về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, cơ sở hạ tầng đường sắt bao gồm các tuyến đường và nhà ga hàng hóa được quy hoạch phát triển như sau:
- Đường sắt hướng tâm: bao gồm các tuyến Yên Viên - Lạng Sơn; Yên Viên - Bãi Cháy; Cổ Bi - Hải Phòng; Ngọc Hồi - thành phố Hồ Chí Minh; Bắc Hồng - Lào Cai; Đông Anh - Thái Nguyên. Cải tạo thành các tuyến đường sắt đôi.
- Đường sắt vành đai: xây dựng mới bắt đầu từ Đông Anh và kết thúc tại Ngọc Hồi theo tiêu chuẩn là tuyến đường đôi.
- Đường sắt xuyên tâm: có chiều dài 24,6 km bắt đầu từu Yên Viên và kết thúc tại Ngọc Hồi sẽ được xây dựng vào trước năm 2015.
- Ga hàng hoá được bố trí tại các khu vực Bắc Hồng, Yên Viên, Cổ Bi (sau này là Như Quỳnh), Ngọc Hồi, gần với các trục đường quốc lộ hướng tâm, đường
vành đai và các trung tâm vận chuyển liên hợp.
c. Chính sách phát triển cơ sở hạ tầng đường thủy
Hà Nội có hệ thống sông ngòi khá lớn, rất thuận lợi cho phát triển giao thông đường thủy với 9 con sông quy mô lớn nhỏ đi qua trong tổng chiều dài khoảng 400km và một số cảng sông lớn. Các tuyến sông do Trung ương quản lý bao gồm: Sông Đà (32km), sông Đáy (38km), sông Hồng (118km). Các tuyến sông do Hà Nội quản lý dài 207km, bao gồm: sông Tích (55km), sông Nhuệ (49km), sông Bùi (26km), sông Đáy (77km), sông Hồng (40km). Hai con sông tiềm năng nhất đó là sông Hồng và sông Đà. Tuyến luồng đường thủy nội địa trên địa bàn Hà Nội hiện có 1 hành lang đường thủy và 3 tuyến vận tải thủy kết nối với 9 cảng sông (cảng Khuyến Lương, cảng Thanh Trì, cảng Chèm, cảng Phù Đổng, cảng Đức Giang, cảng Sơn Tây, cảng Hồng Vân, cảng Vạn Điểm, cảng Chu Phan) và 17 bến thủy nội địa, 58 bến khách ngang song.
Hệ thống cảng thủy nội địa trên địa bàn Hà Nội được xây dựng tại các khu vực đầu mối có khả năng hấp dẫn, phù hợp trên mỗi vùng được phân bổ, như cảng Hà Nội và cảng Khuyến Lương. Nhưng Hà Nội mới chỉ khai thác một phần rất nhỏ tiềm năng vận tải do mạng lưới cảng đường thủy nội địa ở khu vực phía Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng phần lớn được xây dựng từ những năm 70 - 80 của thế kỷ trước nên đội tàu có trọng tải không đáng kể và thiết bị, dịch vụ cảng vụ còn yếu kém, chủ yếu khai thác sông tự nhiên.
Một thực tế đáng buồn là từ trước đến nay, khai thác vận tải thủy mới dừng ở lại ở mức lợi dụng tự nhiên mà chưa thực sự có những dự án lớn, nhằm cải thiện hạ tầng giao thông thủy chứ chưa nói đến đột phá.. Đặc biệt, hầu hết các doanh nghiệp vận tải thủy nội địa đều là các doanh nghiệp tư nhân, phát triển tự phát, manh mún, năng lực tài chính hạn chế. Không những thế, quản lý nhà nước trên địa bàn vẫn chưa chú trọng, không có sự điều tiết của nhà nước để tạo điều kiện cho phát triển, chưa phát triển vận tải đa phương thức để vận tải thủy phát triển. Với tình trạng đó, doanh nghiệp khó tiếp cận với các mặt hàng siêu trường, siêu trọng.
Quyết định số 90/2008/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ : Về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2020. Theo đó:
- Quy hoạch luồng tàu và các công trình bảo vệ hai bên bờ song Hồng và Sông Đuống: Cải tạo chiều rộng luồng tàu và mở rộng làn đáp ứng yêu cầu của tàu có trọng tải lớn, vận tải hàng siêu trường siêu trong..
- Chính sách chỉnh trị, cải tạo các tuyến đường sông: tập trung vào việc nạo vét, kè hai bên bờ sông Hồng phục vụ các tàu trọng tải lớn ra vào cửa sông.
- Chính sách đối với các bến cảng: Nâng cấp kết hợp xây dựng mới để đến năm 2020 khu vực Hà Nội có các cảng và bến gồm:
+ Trên sông Hồng: cảng Khuyến Lương, cảng Thanh Trì, cảng Chèm và bến Chương Dương, bến Bát Tràng;
+ Trên sông Đuống: cảng Phù Đổng, cảng Đức Giang.
+ Nghiên cứu chuyển đổi công năng của cảng Hà Nội hiện nay.
d. Chính sách phát triển cơ sở hạ tầng đường hàng không
Trong thời gian qua, ngành hàng không Việt Nam nói chung và trên địa bàn TP. Hà Nội nói riêng đã không ngừng phát triển cả về chất và lượng, đang trở thành ngành kinh tế quan trọng của đất nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và CNH - HĐH đất nước. Với 01 cảng sân bay quốc tế (Sân bay quốc tế Nội Bài) và 04 cảng sân bay nội địa (sân bay Gia lâm, sân bay Bạch mai, sân bay Hòa Lạc và Miếu Môn), dịch vụ vận chuyển hàng hóa cũng như hành khách bằng đường hàng không trên địa bàn TP. Hà Nội ngày càng tăng cao cùng với sự phát triển của kinh tế thành phố.
Sân bay quốc tế Nội Bài là cảng hàng không quốc tế phục vụ chính cho Thủ đô Hà Nội và vùng lân cận, thay thế cho sân bay Gia Lâm cũ. Sân bay quốc tế Nội Bài thuộc huyện Sóc Sơn, cách trung tâm thủ đô Hà Nội 35 km theo tuyến đường bộ về phía Tây Bắc. Khoảng cách này đã được rút ngắn còn lại 27 km khi cầu Nhật Tân và tuyến đường nối đầu cầu này với Nội Bài hoàn thành trong năm 2015, ngoài ra còn có thể đi theo quốc lộ 3 dẫn từ cầu Chương Dương đến ngã 3 giao cắt với quốc lộ 2 để vào sân bay Sân bay quốc tế Nội Bài còn nằm gần các thành phố
như Vĩnh Yên, Bắc Ninh và Thái Nguyên… Nhà ga hàng hóa Cảng cảng hàng không quốc tế Nội Bài có tổng diện tích 44.000m2, công suất phục vụ theo thiết kế là 203.000 tấn hàng hóa/năm. Những năm gần đây, thị trường vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không tăng trưởng mạnh, trung bình khoảng 15%/năm.
Tuy nhiên, sân bay Nội Bài chủ yếu là nhà ga hành khách, chưa có khu vực kho bãi, trung tâm logistics tiêu chuẩn cho các doanh nghiệp logistics hoạt động, khiến cho việc khai thác sân bay này trong lĩnh vực vận chuyển hàng hóa còn hạn chế. Bên cạnh đó, hiện nay, hoạt động thu gom, xếp dỡ hàng hóa tại sân bay Nội bài chỉ được thực hiện bởi Công ty Dịch vụ Hàng hóa Nội bài, một công ty con của Vietnam Airlines còn các công ty cung cấp dịch vụ logistics hiện vẫn chưa được phép tham gia. Mọi công việc bốc xếp đều do nhân viên ga thực hiện. Song nhìn chung, theo đánh giá của các nhà cung cấp dịch vụ logistics thì trình độ, kỹ năng của nhân viên tại ga hàng hóa sân bay còn thấp, dẫn đến chậm trễ, hư hỏng hàng, tăng chi phí cho các công ty logistics cũng như doanh nghiệp sản xuất. Hầu hết mọi tuyến đường hàng không của Việt nam đều dừng ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore hay Đài Loan nên năng lực chuyên chở thường rất hạn chế, nhất là vào thời điểm cuối tháng.
Trong đồ án Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 (QHXD vùng Thủ đô), về quy hoạch đường không, đồ án QHXD vùng Thủ đô xác định xây dựng và nâng cấp cảng hàng không, sân bay quốc tế Nội Bài thành cảng hàng không lớn, hiện đại khu vực phía Bắc. Sau năm 2020, sân bay Nội Bài sẽ tiếp tục được mở rộng về phía Nam, bảo đảm khả năng tiếp nhận tối đa 50 triệu hành khách/năm.
Cảng hàng không, sân bay Gia Lâm cũng sẽ được cải tạo nâng cấp nhằm phục vụ khách nội địa, công suất dự kiến đến năm 2030 khoảng 0,3 - 0,5 triệu hành khách/năm.
Cũng theo đồ án, truớc năm 2050, vùng chưa cần xây dựng sân bay thứ 2. Tuy nhiên, nhằm tạo động lực phát triển trong vùng cũng như để đáp ứng nhu cầu vận tải, đơn vị tư vấn đề xuất: Vùng vẫn cần hoạch định một ví trí dự trữ cho xây
dựng sân bay quốc tế thứ 2, đó có thể là sân bay Cát Bi (Hải Phòng)…
e. Chính sách phát triển các cảng cạn
Hiện nay trên địa bàn Hà Nội có 2 cảng cạn đã đi vào hoạt động là ICD Gia Thụy tại Long Biên Hà Nội được thành lập theo Quyết định số số 312/TCHD- TCCB ngày 04/04/1996 của Tổng cục Hải quan và ICD Mỹ Đình tại Huyện Từ Liêm, Hà Nội được thành lập theo quyết định số 1335/QĐ-BTC ngày 14/7/2008 của Bộ Tài chính (Chi tiết tại Phụ lục 7).
Để đánh giá sự phù hợp của các ICD , theo Quyết định số 2223/Qđ-TTg bao gồm các tiêu chí như sau: Quy mô hiện hữu và khả năng mở rộng; Phù hợp về vị trí cảng cạn được quy định trong QĐ 2223; Khả năng kết nối với cảng biển; Phù hợp về quy mô diện tích; Phù hợp về mặt tổ chức. (Chi tiết tại Phụ lục 8)
Trên cơ sở thực trạng các cạn cạn ICD trên địa bàn, TP. Hà Nội đưa ra những chính sách phát triển các cạn cạn. Bao gồm chủ yếu chính sách quy hoạch lại và xây mới các cạn cạn. Thực tế thấy rằng, các chủ đầu tư dù rất cố gắng để hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho các cảng cạn tuy nhiên năng lực tài chính còn có hạn. Thậm chí khả năng xây mới các cảng cạn sẽ là khó khăn trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Do vậy mô hình hợp tác công tư (PPP) trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng logistics nói chung và các cảng cạn nói riêng sẽ trở nên phổ biến. Việc áp dụng mô hình PPP để đầu tư phát triển các cảng cạn, nhất là các công trình có quy mô lớn nên theo hướng Thành phố Hà Nội tạo điều kiện về quỹ đất; quy hoạch kết nối đường sắt với cảng cạn; hoàn chỉnh môi trường pháp lý và ban hành cơ chế chính sách cho phát triển