Cơ sở hạ tầng có vai trò hết sức quan trọng để các doanh nghiệp có thể thực hiện các dịch vụ logistics thành phố nhằm đưa hàng hóa từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ cuối cùng. Sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của TP. Về cơ sở hạ tầng logitics thành phố cần tập trung phát triển 2 lĩnh vực chính là cơ sở hạ tầng giao thông vận tải và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin
Kết cấu hạ tầng và phương tiện vật chất kĩ thuật đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc phát triển hệ thống logistics thành phố. Không có cơ sở vật chất đồng bộ, tiên tiến khó có thể mang lại hiệu quả cho hệ thống logistics thành phố. Vì vậy, phát triển hệ thống cơ sở vật chất cũng như phương tiện vật chất kĩ thuật của hệ thống logistics thành phố là việc làm hết sức cần thiết để phục vụ yêu cầu của nền
kinh tế xã hội nói chung và phát triển hệ thống logistics thành phố nói riêng.
Trong cơ sở hạ tầng logistics thành phố, kết cấu hạ tầng giao thông vận tải phục vụ cho phát triển hệ thống logistics thành phố bao gồm: hệ thống đường sông, đường bộ, các nhà ga, cảng hàng không, các trung tâm logistics, kho tàng bến bãi cũng như các trang thiết bị xếp dỡ hàng hóa, container ở các điểm vận tải giao nhận. Do đó, để phát triển hệ thống logistics thành phố thì trước hết phải đầu tư hợp lý cho các cảng, sân bay, cảng thông quan nội địa, đường bộ, đường sắt, đường sông, kho bãi, trang thiết bị... theo một kế hoạch tổng thể, nhất là phải có các trung tâm logistics có quy mô lớn để kết nối các loại phương tiện vận tải, các tuyến giao thông vành đai nhằm phát huy khả năng tương tác cũng như hỗ trợ qua lại lẫn nhau một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng cần sớm quy hoạch, xây dựng hệ thống đường trên cao theo mô hình như các thành phố ở Trung Quốc, Thái Lan... Chú trọng xây dựng nhà ga hàng hóa chuyên dụng kết nối với các trung tâm logistics thành phố để giao hàng, tiếp nhận, chuyển tải... tại các sân bay quốc tế theo quy trình nghiệp vụ như các nước trong khu vực. Tiến hành nâng cấp, hiện đại hóa và xây dựng thêm kho tàng, bến bãi, trang thiết bị xếp dỡ hàng hóa, container ở các điểm giao nhận.
Đối với vận tải đường sông: Vận tải đường sông trở thành lĩnh vực quan trọng đối với vận tải đường thủy của TP. Hà Nội. Vì vậy cần có các giải pháp phát triển cho dịch vụ vận tải đường sông như xây dựng các tuyến đường vận tải đường sông phải kết nối với các tuyến đường biển, đường sắt, đường ôtô để tạo thành tuyến vận tải thông suốt, liên hoàn và đa phương thức; bố trí hợp lý hệ thống cảng sông, bến thủy nội địa ở các khu vực quan trọng để đảm bảo tính chủ động trong hoạt động khai thác; nâng cấp, hiện đại hóa hạ tầng cảng bến và cơ giới hóa hệ thống bốc xếp hàng hóa để đáp ứng được yêu cầu của vận tải bằng container.
Đối với vận tải đường sắt: Hà Nội cần tập trung cải tạo, nâng cấp và mở rộng các tuyến đường đặc biệt là tuyến đường Bắc Nam nhằm đảm bảo tốc độ chạy, phát triển các dịch vụ văn minh tại ga, cảng Hà Nội; mở rộng các tuyến đường sắt tới các khu vực, các trung tâm công nghiệp, khu chế xuất, đặc biệt là các tuyến đến các ga
Hải Phòng, Sài Gòn, Lào Cai... để đáp ứng nhu cầu vận chuyển.
Đối với vận tải hàng không để đáp ứng nhu cầu chuyên chở, cần đầu tư mua sắm máy bay chuyên chở hàng, các phương tiện xếp dỡ vận chuyển hàng hiện đại; thiết lập các tuyến bay chở hàng tới các điểm có nhu cầu vận chuyển hàng hoá đi và đến thành phố Hà Nội.
Đối với vận tải đường bộ cần thực hiện các giải pháp: cải tạo, mở rộng các tuyến đường hướng tâm hiện tại lên thành đường có 4 đến 6 làn xe cơ giới; xây dựng các tuyến đường cao tốc song hành với các quốc lộ có lưu lượng lớn; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các đường vành đai; tập trung đầu tư nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới các trục giao thông hướng tâm, các nút giao thông lập thể tại các giao lộ lớn, các tuyến tránh đô thị, các đường vành đai đô thị; đầu tư xây mới và nâng cấp, cải tạo các bến xe, bãi đỗ đáp ứng nhu cầu vận chuyển trên địa bàn.
Bài học kinh nghiệm từ Singapore và nhiều quốc gia, thành phố phát triển dịch vụ logistics cho thấy công nghệ thông tin có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của logistics. Việc ứng dụng các phần mềm trong quản lý kho hàng, vận chuyển bằng các phương thức khác nhau, phần mềm quản trị chuỗi cung ứng, phần mềm đánh ký mã hiệu đối với hàng, phần mềm quản lý container… giúp cho các doanh nghiệp logistics tiết kiệm được nhiều chi phí và khai thác tối đa và hiệu quả các nguồn lực và hơn hết là tránh được tình trạng tiêu cực, gian lận trong các hoạt động liên quan.
Do vậy TP. Hà Nội cần phải đưa ra các chính sách nhằm phát triển công nghệ thông tin cho doanh nghiệp logistics. Thứ nhất là xây dựng một nền tảng công nghệ thông tin hiện đại với tốc độ truyền tin tốt. Thứ hai là nên có chính sách đặt hàng riêng đối với các viện khoa học công nghệ, thiết kế những phần mềm dành riêng cho doanh nghiệp logistics trên địa bàn nhằm tiết kiệm được chi phí so với việc là đi mua từ nước ngoài. Thứ ba cần có chính sách hỗ trợ tài chính nếu như doanh nghiệp phải đi mua những phần mềm ứng dụng mà tại nước mình chưa thê sản xuất được. Thứ tư là cần phải có chính sách hỗ trợ triển khai các phần mềm như cử các chuyên gia đến hỗ trợ doanh nghiệp hoặc tổ chức các buổi tập huấn về các phần mềm có
liên quan. Cuối cùng là nên có chính sách mở cửa thị trường để các nhà đầu tư nước ngoài có thể cung cấp các dịch vụ viễn thông tại thành phố và nước mình nói riêng để cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.