Hệ thống pháp luật có vai trò hết sức quan trong đối với việc phát triển dịch dịch logistics nói chung và dịch vụ logistics tại Hà Nội nói riêng. Pháp luật minh bạch, rõ ràng và phù hợp với luật pháp quốc tế sẽ là tiền đề vững chắc để xây dựng chính sách phát triển dịch vụ logistics. Do vậy hoàn thiện hệ thống luật pháp là một giải pháp được chú trọng.
Đối với hệ thống văn bản pháp luật điều tiết hoạt động logistics, các cơ quan quản lý nhà nước cần rà soát loại toàn bộ luật và văn bản dưới luật, đặc biệt là các văn bản do sở, ban, ngành của TP. Hà Nội ban hành. Về phía văn bản luât, Luật Thương mại 2005 đang là luật điều chỉnh chính nhưng hiện chưa có điều khoản chi tiết và rõ ràng riêng về lĩnh vực logistics. Do vậy cần sớm bổ sung làm cơ sở để cho các công ty logistics hoạt động. Bên cạnh đó, cần sớm xây dựng và ban hành một luật riêng có cho hoạt động logistics quy định chi tiết về các phương thức vận chuyển, thủ tục hải quan… Riêng đối với TP. Hà Nội, việc xem xét lại các quyết định ban hành là việc làm hết sức cần thiết. Đặc biệt cần phải quy định chi tiết hơn về các điều kiện liên quan đến chuẩn hóa các quy trình dịch vụ logistics, thống kê báo cáo logistics, các định chế có liên quan như thuế, bảo hiểm, ngân hàng, môi trường, chuẩn hóa các qui định về cấp phép, điều kiện kinh doanh tiêu chuẩn, vận tải đa phương thức, thống nhất hóa và tiêu chuẩn hóa tên hàng và mã hàng hóa.
Bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, TP. Hà Nội cần phải xây dựng một chiến lược phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố. Trong đó quan trọng là có chiến lược quy hoạch lại hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt và đường hàng không. Hiện nay các hệ thống này đang hoạt động chưa ăn khớp với nhau và thiếu các nút giao thông liên kết các tuyến đường này. Ngoài ra cần phải xây dựng một chiến lược cho việc ứng dụng các phần mềm hiện đại cho ngành logistics của thành phố.
Trong chiến lược này cũng cần phải tập trung vào các biện pháp đẩy mạnh sự phát triển của các chủ thể tham gia vào hoạt động logistics ở đô thị, không chỉ là các doanh nghiệp cung ứng và tiêu dùng dịch vụ logistics mà còn cả dân cư sống ở thu đô và các cơ quan cung ứng dịch vụ công cho ngành.
Bên cạnh việc ổn định luật pháp, để phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn cần phải có chính sách và kế hoạch hành động nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của logistics của Hà Nội. Cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng những kế hoạch cụ thể nhằm mục tiêu (i) Tập trung thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng logistics, xây dựng các trung tâm logistics cấp khu vực và quốc tế, nâng cao hiệu quả kết nối giữa quận, huyện trên địa bàn và giữa Hà Nội với các địa phương khác trong cả nước. Đưa Hà Nội trở thành một đầu mối logistics của khu vực đồng bằng Bắc bộ và của cả nước; (ii), Hình thành các doanh nghiệp dịch vụ logistics đầu tầu, có đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, đồng thời hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp dịch vụ logistics theo phương châm hiện đại, chuyên nghiệp; (iii) Doanh nghiệp sản xuất, thương mại quản lý tốt chuỗi cung ứng, tiết kiệm nguyên vật liệu và chi phí sản xuất, rút ngắn thời gian lưu chuyển hàng hóa; (iv) Ứng dụng các công nghệ mới trong logistics, đào tạo nhân lực chuyên nghiệp, trình độ cao về logistics, góp phần thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, tái cấu trúc hoạt động sản xuất, thương mại của doanh nghiệp; (v) Hoàn thiện cơ chế quản lý Nhà nước, bao gồm các chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics, pháp luật điều chỉnh ngành, bộ máy quản lý tương xứng với trình độ phát triển của dịch vụ logistics của Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.