Ở Việt Nam hiện nay, văn bản pháp luật trực tiếp điều chỉnh hỗ trợ DNNVV là Luật hỗ trợ DNNVV 2017. Ngoài ra Chính phủ đã ban hành một số Nghị định hướng dẫn, quy định chi tiết cho một số vấn đề cụ thể như: Nghị định 39/2018/NĐ-CP; Nghị định 38/2018/NĐ-CP...
Nhằm đảm bảo cho mọi chủ thể kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng trên tinh thần của Hiến Pháp năm 2013 đồng thời nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về tăng cường trợ giúp phát triển DNNVV, kinh tế hộ gia đình, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp... đã được nêu ra để thực việc thực hiện nhiệm vụ trong báo cáo đánh giá kết quả thực hiện phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011-2015 và phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2016-2010.
Trên cơ sở đó, quan điểm xây dựng luật là:
Thứ nhất, cụ thể hóa chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân, đặc biệt là Nghị quyết số 14-NQ/TW (khóa IX) ngày 18/3/2002 về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân; Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 09/12/2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Thứ hai, hỗ trợ DNNVV phù hợp với nguyên tắc thị trường, không phân biệt đối xử, đảm bảo không vi phạm các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Thứ ba, hỗ trợ DNNVV sử dụng nguồn lực nhà nước chủ yếu thông qua việc tạo cơ chế chính sách, điều kiện thuận lợi để các tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ hỗ
trợ DNNVV và thực hiện bởi các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ hỗ trợ DNNVV được lựa chọn theo quy định của pháp luật.
Thứ tư, Nhà nước củng cố, kiện toàn hệ thống cơ quan, tổ chức hỗ trợ ở Trung ương và địa phương, đồng thời khuyến khích sự tham gia của các tổ chức, cá nhân ngoài nhà nước để hỗ trợ DNNVV.
Thứ năm, các nội dung, biện pháp hỗ trợ DNNVV phải dựa trên nhu cầu của doanh nghiệp, nhằm giúp các doanh nghiệp tăng trưởng về chất lượng và quy mô.
Tại mục 1 chương II về hỗ trợ chung cho DNNVV trong Luật hỗ trợ DNNVV 2017 xoay quanh 7 biện pháp hỗ trợ DNNNV bao gồm việc hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ thuế và kế toán, hỗ trợ công nghệ, hỗ trợ mặt bằng sản xuất, hỗ trợ mở rộng thị trường, hỗ trợ thông tin tư vấn pháp lý, hỗ trợ nhân lực... được quy định từ điều 8 đến điều 15 của Luật hỗ trợ DNNVV 2017. Hầu hết với việc hỗ trợ chung thì áp dụng đối với tất cả các DNNVV khi đáp ứng được các điều kiện. Tuy nhiên với việc hỗ trợ mặt bằng thì nhà nước có thu hẹp đối tượng áp dụng là DNNVV có vốn đầu từ nước ngoài và DNNN nhằm tạo điều kiện cũng như tập trung khuyến khích các DNNVV trong địa bàn.