5. Bố cục của luận văn
3.3. Các yếu tố ảnh hưởng đến quản lý nhà nước về phát triển nông nghiệp
3.3.1. Các yếu tố khách quan
a. Đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập kinh tế
Thời gian qua, với nhiều chính sách hỗ trợ, tăng trưởng của khu vực nông nghiệp có đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Kinh tế nông thôn đang chuyển dịch theo hướng tiến bộ. Đã xuất hiện nhiều mô hình liên kết, hợp tác hiệu quả trong nông nghiệp, nông thôn, góp phần tăng cường hiệu quả sản xuất. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn tạo điều kiện đa dạng hóa, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nông dân, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền, nhất là giữa nông thôn và đô thị. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn có nhiều đổi mới, khởi sắc, đặc biệt trong những năm gần đây cùng với quá trình thực hiện chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Xu hướng chuyển đổi cơ cấu sản phẩm trong nội bộ ngành theo hướng đầu tư vào những sản phẩm có giá trị kinh tế cao đã mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, trước tác động của biến đổi khí hậu, sản xuất nông nghiệp dễ bị tổn thương, điều này đòi hỏi cần có những thay đổi để đảm bảo tăng trưởng nông nghiệp bền vững trong tương lai và đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của người dân tốt hơn.
Tuy nhiên ngành nông nghiệp nước ta còn gặp nhiều khó khăn, sản xuất nhỏ lẻ, năng suất và khả năng cạnh tranh chưa cao, chưa bền vững; ứng dụng khoa học và công nghệ, cơ giới hóa trong nông nghiệp còn khiêm tốn. Sự bùng nổ của ngành nông nghiệp thời gian qua chủ yếu mang tính quảng canh, lấy sản lượng, năng suất là chính mà coi nhẹ chất lượng, hiệu quả kinh tế và giá trị gia tăng. Do đó sản xuất không bền vững, rủi ro cao. Hơn nữa, nền nông nghiệp nước ta lại chưa gắn với công nghiệp thành một hệ thống để bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau. Chính vì vậy mà ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý nhà nước về phát triển nông nghiệp huyện Mường Khương.
b. Đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước ở Trung ương và của tỉnh về phát triển nông nghiệp
* Các chính sách thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp
Trên địa bàn huyện Mường Khương đã và đang áp dụng các hệ thống văn bản, chính sách của nhà nước sau:
- Quyết định số 176/QĐ-TTG, ngày 29/01/ 2010 của Thủ Tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm tập trung đến năm 2020. Mục tiêu chung: “Góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, đạt mức tăng trưởng trên 3,5%/năm; đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm quốc gia cả trước mắt và lâu dài”.
- Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Phạm vi điều chỉnh là quy định một số ưu đãi và hỗ trợ đầu tư bổ sung của Nhà nước dành cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đối tượng áp dụng là các nhà đầu tư nhận ưu đãi và hỗ trợ là doanh nghiệp được thành lập và đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam; Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện chính sách ưu đãi và hỗ trợ theo quy định tại Nghị định này.
- Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Mục tiêu chung: “(i) Duy trì tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng; đáp ứng tốt hơn nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành bình quân từ 2,6% - 3,0%/năm; (ii) Nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống cho cư dân nông thôn, đảm bảo an ninh lương thực (bao gồm cả an ninh dinh dưỡng) cả trước mắt và lâu đài, góp phần giảm tỷ lệ đói nghèo”.
- Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn. Phạm vi điều chỉnh quyết định này quy định một số chính sách ưu đãi và hỗ trợ của Nhà nước nhằm khuyến khích liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản thuộc các dự án cánh đồng lớn theo quy hoạch và được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đối tượng áp dụng là các doanh nghiệp trong nước; hộ gia đình, cá nhân, trang trại (gọi chung là nông dân); hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (sau đây gọi chung là các tổ chức đại diện của nông dân).
Trên địa bàn huyện Mường Khương đã và đang áp dụng các hệ thống văn bản, chính sách của tỉnh như sau:
- Hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn trên địa bàn tỉnh: theo Quyết định số: 27/2013/QĐ-UBND ngày 13/9/2013 của UBND tỉnh về việc ban hành qui định hỗ trợ đầu tư và xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
- Chính sách hỗ trợ phát triển cây Chè trên địa bàn tỉnh: Thực hiện theo Quyết định của UBND tỉnh số: 2579/QĐ-UBND ngày 08/11/2009 của phê duyệt đề án phát triển cây Chè Shan tuyết trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
- Hỗ trợ phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề: Thực hiện theo Quyết định số: 1979/QĐ-UBND ngày 08/8/2015 của UBND tỉnh V/v phê duyệt chương trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2015-2020.
- Quyết định số 38/2014/QĐ-UBND ngày 31/10/2014 ban hành quy chế xét công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
- Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nông thôn: Quyết định số 154/QĐUBND ngày 13/2/2016 của UBND tỉnh về việc phê duyệt đề án đào tạo nghề lao động nông thôn đến năm 2025 và Quyết định số 2357/QĐ-UBND ngày 12/10/2016 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định mức hỗ trợ đào tạo nghề nông thôn.
Như vậy các chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương ban hành khá nhiều chính sách phát triển nông nghiệp, điều này ảnh hưởng tích cực đến công tác quản lý nhà nước về phát triển nông nghiệp huyện, vì khi có nhiều văn bản chính sách điều hành sẽ là căn cứ để cơ quan QLNN về nông nghiệp huyện áp dụng và điều chỉnh đảm bảo cho nông nghiệp huyện phát triển thuận lợi.
Huyện Mường Khương có điều kiện về địa hình rất phức tạp, không ưu đãi cho quá trình phát triển nông nghiệp nhất là trong lĩnh vực trồng trọt, việc ứng dụng KHCN và thu hút các doanh nghiệp nông nghiệp đầu tư còn hạn chế. Huyện Mường Khương có hai mùa mưa và mùa khô rõ rệt. Do đó vào mùa mưa thời gian thi công, chất lượng công trình đầu tư xây dựng trong lĩnh vực nông nghiệp bị hạn chế, từ đó làm giảm hiệu quả hoạt động thu hút vốn đầu tư, cho phát triển nông nghiệp của huyện; công tác quản lý các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu làm cho tuổi thọ của các máy móc, thiết bị phục vụ nông nghiệp giảm đi dẫn đến chi phí đầu tư tăng cao làm giảm hiệu quả thu hút vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp trong huyện.