5. Kết cấu của luận văn
3.1.4. Cơ sở hạ tầng của Thành phố Hạ Long
Thành phố Hạ Long đã đầu tư xây dựng hệ thống các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị hoạt động có hiệu quả, không chỉ phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân mà còn phục vụ nhu cầu mua sắm của khách du lịch khi đến với Hạ Long như: chợ Hạ Long I, Chợ Hạ Long II, cùng các Trung tâm thương mại và các siêu thị, Thành phố đã đầu tư xây dựng chợ mới Vườn Đào ở phường Bãi Cháy, đã và đang xây dựng trung tâm thương mại hiện đại đa chức năng tại khu vực Bãi Cháy. Cùng với việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các cảng biển phục vụ việc bốc dỡ vận chuyển hàng hóa, phục vụ nhu cầu mua sắm của khách du lịch, cảng tàu du lịch quốc tế Hồng Gai được cải tạo,
nâng cấp, đủ điều kiện đón các đoàn du lịch nước ngoài đến thăm vịnh Hạ Long và thành phố Hạ Long bằng tàu biển.
Hiện nay, khách du lịch có thể đến Hạ Long bằng cả đường bộ và đường biển. Thành phố Hạ Long kết nối với các các địa phương trong tỉnh và các tỉnh lân cận thông qua mạng lưới các quốc lộ và đường giao thông, nhưng hiện nay nhiều con đường đang trong tình trạng xuống cấp, làm tăng đáng kể thời gian lưu thông trên đường đến Hạ Long. Hiện có 3 tuyến quốc lộ chính với tuyến có lưu lượng xe cộ lớn nhất là tuyến thành phố Hà Nội đi thành phố Hạ Long (khoảng cách 160 km), thành phố Hải Phòng đi thành phố Hạ Long (khoảng 30 cách 70 km) và thành phố Móng Cái đi thành phố Hạ Long (khoảng cách 170 km). Do tình trạng đường xuống cấp, tốc độ giao thông trung bình thường chỉ đạt 50km/h, khiến cho việc giao thông đi lại tốn nhiều thời gian hơn dù chỉ trên một đoạn đường ngắn. Hiện chưa có tuyến tàu lửa tốc hành đến Quảng Ninh (mặc dù hiện nay có một tuyến đường sắt cho tàu chở hàng). Khách du lịch cũng có thể đến Hạ Long bằng đường biển qua nhiều cảng tàu khác nhau trên địa bàn tỉnh, chẳng hạn như cảng Hồng Gai, Bãi Cháy, Tuần Châu. Trong số đó có cảng Bãi Cháy và Tuần Châu là có cơ sở hạ tầng tốt, các cảng khác hiện vẫn còn thiếu về cơ sở vật chất, chưa đủ và không có các loại biển báo và các thông tin cần thiết thường bằng tiếng nước ngoài cho khách du lịch quốc tế. Do không có sân bay nên tất cả khách du lịch sử dụng đường hàng không đến sân bay quốc tế Nội Bài - Hà Nội và sân bay Cát Bi - Hải Phòng, rồi sau đó đến thành phố Hạ Long bằng đường bộ.
Về phương tiện đi lại, khách du lịch có thể đến thành phố Hạ Long bằng xe taxi, xe tuyến, xe thuê hoặc tàu biển. Để đi thăm vịnh, khách du lịch có thể sử dụng tàu nghỉ đêm hoặc tàu tham quan du lịch thông thường. Về chất lượng phục vụ khách du lịch, tàu nghỉ đêm trên vịnh thường cung cấp được những dịch vụ chất lượng cao, tuy nhiên xe khách và các phương tiện giao thông khác thì lại chưa đáp ứng được đầy đủ tiện nghi và dịch vụ còn
yếu kém. Mặc dù có các tuyến xe khách đi từ Hà Nội đến Hạ Long và các thành phố khác trên địa bàn thành phố Hạ Long nhưng tại các bến xe không có đầy đủ biển báo và bảng tin ở những khu du lịch có khách du lịch quốc tế nhằm cung cấp các thông tin cần thiết và hướng dẫn tuyến đường bằng tiếng nước ngoài.
Thành phố có nhiều khu du lịch, khách sạn, nhà hàng hiện đại được đưa vào sử dụng đạt hiệu quả cao như khu du lịch quốc tế Tuần Châu, Hoàng Gia, các khách sạn như Sài Gòn - Hạ Long, Novotel, Hạ Long Dream, Bưu điện, Hạ Long Pearl, Hạ Long Plaza, Vân Hải, Bạch Đằng... Qua các năm cơ sở hạ tầng du lịch của Thành phố Hạ Long luôn được củng cố và nâng cấp. Nếu như năm 2010 mới chỉ có 196 cơ sở lưu trú du lịch, 13 khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 1 đến 4 sao, 1.834 phòng nghỉ với 3118 giường, 152 nhà hàng, 169 tàu du lịch thì đến năm 2014 đã tăng lên 485 cơ sở lưu trú, 73 khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 1 đến 4 sao, 1 khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao, hơn 9.200 phòng nghỉ với 16.800 giường, hơn 600 nhà hàng ,hơn 500 tàu du lịch có khả năng đón hàng vạn khách mỗi ngày. Qua 4 năm cơ sở hạ tầng du lịch của thành phố đã tăng lên đáng kể. Số cơ sở lưu trú tăng 289 cơ sở tăng với tốc độ tăng cao 247,45%. Số khách sạn, nhà hàng, tàu du lịch cũng tăng với tốc độ cao. Tổng vốn thành phố Hạ Long đầu tư cho du lịch hằng năm đạt trên 2.000 tỷ đồng.
3.1.5. Đặc điểm các dự án đầu tư sử dụng vốn ODA tại tỉnh Quảng Ninh
Để đảm bảo nguồn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, trong những năm qua, Quảng Ninh đã tích cực phối kết hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương trong việc đẩy mạnh vận động, thu hút nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi. Nguồn vốn này đã góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội của tỉnh ngày càng phát triển và đạt được nhiều kết quả trên nhiều lĩnh vực.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 11 dự án sử dụng nguồn vốn ODA đang được thực hiện với tổng vốn đầu tư trên 4.800 tỷ đồng. Các dự án cơ bản triển
khai thực hiện tốt, phù hợp với mục tiêu viện trợ. Các chương trình, dự án được đầu tư, hỗ trợ bằng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi được Quảng Ninh triển khai đúng quy trình chặt chẽ từ cơ sở, có sự tham gia tích cực và dân chủ của người hưởng lợi. Việc quản lý nguồn vốn của các dự án được thực hiện nghiêm túc theo quy định về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản của Nhà nước và thông lệ quốc tế.
Đặc biệt các dự án triển khai đưa vào sử dụng đã phát huy được hiệu quả đầu tư, đáp ứng một phần nhu cầu cấp thiết, giải quyết những khó khăn trong cuộc sống của nhân dân, góp phần nâng cao năng lực, cải thiện hệ thống giao thông, môi trường, xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển kinh tế, phát triển giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng thông qua hoàn thiện mạng lưới cơ sở y tế.
Với các dự án ODA vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã góp phần cải thiện và phát triển sản xuất nông nghiệp như: Các chương trình phát triển thuỷ lợi, giao thông nông thôn, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, phát triển lưới điện nông thôn… Đặc biệt các dự án hỗ trợ phát triển hạ tầng nông thôn đã góp phần cải thiện đời sống người dân các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là trong việc tiếp cận tới các dịch vụ công trong các lĩnh vực y tế, giáo dục... góp phần quan trọng vào công tác xoá đói giảm nghèo tại các vùng nông thôn. Bên cạnh đó, các chương trình, dự án ODA cũng đã hỗ trợ công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ nông nghiệp giúp nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.