6. Bố cục của luận văn
1.2.2. Phát triển khu kinh tế cửa khẩu ở Thái Lan
Thái Lan có hoạt động thương mại biên giới với các nước láng giềng là Campuchia, Myanma, Lào và Malaysia. Nhìn chung, các hoạt động này được thực hiện dưới hai hình thức chủ yếu là thương mại chính thức, các hoạt động giao lưu buôn bán được thực hiện thông qua các thủ tục hải quan tại biên giới theo các quy định của pháp luật (các quy chế, hoặc các hiệp định, thỏa thuận đã được hai Chính phủ ký kết). Các hoạt động này thường phải chịu những khoản thuế quan nhất định, được ghi chép trong hệ thống sổ sách của cơ quan có thẩm quyền về xuất nhập khẩu.
Phần lớn các hàng xuất khẩu theo đường phi chính thức từ Thái Lan là các hàng tiêu dùng, các dụng cụ dùng trong gia đình, thuốc tây, các loại xe gắn máy và phụ tùng. Hàng nhập khẩu phi chính thức vào Thái Lan là đá quý, các hàng lương thực thực phẩm sơ chế hoặc chưa chế biến, các dụng cụ điện gia dụng, rượu, thuốc lá, gia súc và các hàng nông sản. Theo ước tính hiện nay, kim ngạch thương mại phi chính thức chiếm khoảng từ 1/3 đến trên 1 lần so với thương mại chính thức giữa Thái Lan và Lào, lớn gấp đôi thương mại chính thức giữa Thái Lan với Myanma và giữa Thái Lan với Malaysia.
Về quản lý KTCK, Thái Lan không có những quy định cụ thể rõ ràng mà được quản lý khá linh hoạt. Ở đây, chính quyền Trung ương (Bộ Nội vụ) vẫn có sự giám sát nhưng về cơ bản do các chính quyền địa phương tự quản lý trên cơ sở khuôn khổ chung cho phép. Mục tiêu chủ yếu là giúp hoạt động thương mại biên giới sôi động,
vừa tạo điều kiện phát triển kinh tế cho cư dân biên giới vừa tạo nguồn hàng cho sản xuất trong nước và xuất khẩu. Hoạt động giao lưu kinh tế của Thái Lan với các nước láng giềng được thực hiện chủ yếu dưới 4 hình thức sau đây:
-Các chợ tạm biên giới: Thống đốc tỉnh biên giới có thể cấp phép cho các chợ tạm hai bên biên giới nhóm họp, (có sự tham kiến Bộ Nội vụ, trước hết thường dựa vào các lý do mang tính nhân đạo), nhằm đẩy mạnh việc trao đổi buôn bán các mặt hàng tiêu dùng và tăng cường mối quan hệ giữa hai địa phương của hai nước. Thống đốc các tỉnh biên giới được ủy quyền đưa ra các quy tắc, quy chế đối với việc sắp đặt địa điểm và vận hành chợ biên giới, cho phép những người buôn bán được vào, ra chợ, quy định các mặt hàng được buôn bán trong chợ, quy định giờ đóng mở cửa chợ.
-Các trạm kiểm soát tạm thời: Bộ Nội vụ có thể ra lệnh thành lập các trạm kiểm soát tạm thời để kiểm soát việc vào ra của một số nhà xuất nhập khẩu trong một khoảng thời gian đã định sẵn. Biện pháp này thường được sử dụng trong các trường hợp có lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn, vận chuyển trong một thời gian tương đối dài. Đây là những thương vụ không hoàn toàn chỉ nằm trong phạm vi thương mại biên giới.
Các hoạt động xuất nhập khẩu qua các trạm kiểm soát tạm thời thường không liên tục. Thông thường đó là những thương vụ cụ thể với số lượng hàng hóa lớn vận chuyển qua biên giới trong một khoảng thời gian đã được xác định trước do một số nhà xuất nhập khẩu cụ thể thực hiện.
Đối với các hàng nhập khẩu, khi hàng đã mang đến khu vực đặt trạm kiểm soát biên giới, cán bộ Hải quan có thể yêu cầu vận chuyển số hàng đó đến trạm hải quan địa phương. Tại đó chủ hàng phải trình danh sách đơn mua hàng, danh sách các kiện hàng và các giấy tờ liên quan khác và nộp thuế nhập khẩu. Sau đó, hàng hóa sẽ được kiểm duyệt và cho phép nhập khẩu.
-Các trạm kiểm soát chính thức (hay các cửa khẩu chính thức): được Chính phủ của cả hai bên đồng ý, phục vụ mục đích thương mại, thăm thân nhân và phát triển quan hệ hữu hảo giữa nhân dân hai nước. Thông thường ngay tại (hoặc gần) các cửa khẩu (trạm kiểm soát) này, ở cả 2 bên biên giới thường có một thị trấn nhỏ hoặc một làng, bản có dân cư trú ngụ và những người dân này tạo nên những chợ biên mậu.
-Các điểm buôn bán ở biên giới (các cửa khẩu phi chính thức): có điều kiện địa lý thuận lợi cho nhân dân sinh sống hai bên biên giới qua lại làm ăn buôn bán, mặc dù đó không phải là những cửa khẩu được phê chuẩn một cách chính thức. Các hoạt động mậu dịch phi chính thức và buôn lậu thường được thực hiện qua các điểm này.
Các hàng hóa được vận chuyển qua các cửa khẩu phi chính thức thường là hàng không hợp pháp và không được ghi vào giấy tờ sổ sách theo dõi như các hoạt động buôn bán chính thức. Các hàng hóa được mua bán tại các chợ tạm biên giới và tại các điểm có đặt trạm kiểm soát phải qua các thủ tục hải quan và phải chịu thuế nhập khẩu. Các hàng hóa được khách du lịch đưa vào Thái Lan với số lượng ít và không nhằm mục tiêu buôn bán thì được miễn khai báo, miễn nộp thuế nhập khẩu và miễn các thủ tục hải quan. Trên thực tế, các cửa hàng miễn thuế là yếu tố quyến rũ nhất đối với khách du lịch tại các địa điểm biên giới có trạm kiểm soát, hoặc các chợ tạm biên giới nói trên.
Các thủ tục hải quan tại biên giới Thái Lan cũng rất đơn giản. Một nhà xuất khẩu chỉ cần trình danh sách đơn hàng gửi, danh sách các kiện hàng và các giấy tờ liên quan khác tại trạm hải quan địa phương, sau khi kiểm tra các giấy tờ này, hải quan có thể cử cán bộ của mình đến kiểm tra số hàng được khai báo và theo dõi việc vận chuyển số hàng đó qua cửa khẩu biên giới.
Các chính sách ưu đãi cụ thể dành cho thương mại biên giới được cụ thể như sau: Đối với hàng hóa trao đổi thương mại qua biên giới giữa Thái Lan và nước láng giềng, về cơ bản được hưởng mức thuế suất thuế xuất nhập khẩu ưu đãi hơn so với thông thường. Về phát triển cơ sở hạ tầng, đối với các cửa khẩu chính thức, Nhà nước trung ương đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, còn đối với các điểm KTCK biên giới khác phát sinh từ nhu cầu giao thương thực tế sẽ do chính quyền địa phương tự đầu tư từ ngân sách của mình.